Wednesday, January 24, 2024

THẦY THÍCH PHÁP HÒA, 'LÒNG TỪ VẠN THUỞ' (Đinh Yên Thảo / Blog VOA)

 



Thầy Thích Pháp Hòa, ‘lòng từ vạn thuở’

Đinh Yên Thảo  (Blog VOA)

25/01/2024

https://www.voatiengviet.com/a/thay-thich-phap-hoa-long-tu-van-thuo-/7455804.html

 

Năm 12 tuổi Thầy sang định cư tại Canada rồi đến năm 15 tuổi, năm 1989, Thầy dứt bỏ thế tục, chính thức xuất gia.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-c0a8-0242-b8c8-08dc1d1d8830_cx0_cy6_cw0_w650_r1_s.jpg

Năm 12 tuổi, Thầy Thích Pháp Hoà sang định cư tại Canada rồi đến năm 15 tuổi, năm 1989, Thầy dứt bỏ thế tục, chính thức xuất gia.

 

 

Những ngày đầu năm 2024 cuối năm Quý Mão này, Thầy Thích Pháp Hòa về với Texas trong đợt rét kỷ lục phủ khắp nước Mỹ. Nhưng thời tiết chẳng ngăn được hàng ngàn người tại San Antonio và Dallas đổ về các tu viện để có dịp được tu học, thiền định và tận mặt gặp gỡ, rồi được nghe Thầy pháp thoại. Tôi cũng đã có cơ hội đến với Thầy trong đôi ngày tại Tu Viện Huyền Quang thuộc khu vực Dallas, Texas, được nghe Thầy thuyết giảng Phật pháp cùng những bài pháp thoại đầy ý nghĩa, dù đã không ít lần xem qua YouTube.

 

Gặp gỡ, chứng kiến và hiểu hơn lý do tại sao hàng triệu người Việt đang kính mến, ngưỡng vọng vị Thầy này.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-c0a8-0242-30de-08dc1d1db391_w650_r0_s.jpg

Đến nay, chỉ riêng hai kênh YouTube "Pháp thoại Thầy Pháp Hòa" và "Vấn đáp Thầy Thích Pháp Hòa" đã có khoảng trên dưới 1.4 triệu người ghi tên theo dõi trên mỗi kênh.

 

Vài năm trước, sau khi nghe được pháp thoại của Thầy Thích Pháp Hòa, tôi có giới thiệu đến một anh bạn Công giáo. Anh nghe thử đôi lần, sau đó có lần bảo tôi rằng, kể từ dạo đó anh thường nghe pháp thoại của Thầy mỗi khi lên xe. Không chỉ riêng anh mà tôi còn biết thêm vài người như vậy, dù họ vẫn là những người Công giáo ngoan đạo. Có lẽ họ tìm thấy những điều Thầy Pháp Hòa thuyết giảng chẳng đối nghịch hay khác biệt bao nhiêu với tôn giáo và đức tin của mình. Thầy chỉ giúp người nghe khai mở, học thêm cách sống tốt đẹp cho chính mình và gia đình, với tha nhân.

 

Mà thật, Thầy Pháp Hòa không thuyết giảng đức tin tôn giáo. Thầy dùng Phật pháp và những chánh niệm đạo pháp như phương tiện để chuyển tải những thông điệp ý nghĩa và lẽ sống bác ái, dạy người nghe biết tự chế ngự tâm tính mình. Người nghe như bị lôi cuốn những chánh pháp từ bi, hướng thiện, được truyền đạt bằng một ngôn ngữ Việt giản dị, chân thành lại dí dỏm nhưng đầy uyên thâm, trí tuệ. Chứa đựng đủ những điển tích, thi văn, lịch sử.

 

Phật tử nghe càng thấm nhuần, hiểu hơn lời Phật dạy để sống tịnh mặc với chân lẽ đó. Còn chẳng phải Phật tử, người nghe vẫn cảm nhận sâu xa con đường dẫn đến sự bình an tâm hồn. Đó là lý do hàng triệu người Việt trong và ngoài nước đã đến với Thầy Pháp Hòa trong vài năm qua và ngày càng đông đảo hơn.

 

Sinh năm 1974, bước vào năm 2024 này, Thầy Pháp Hòa vừa tròn 50 tuổi nhưng đã có đến 35 năm xuất gia tu tập. Bên ngoài trông thầy nho nhã, tự tại và toát vẻ từ bi đạo hạnh, trẻ hơn cả trên màn hình truyền hình.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-c0a8-0242-4161-08dc1d1df061_cx0_cy12_cw100_w650_r0_s.jpg

Những ngày đầu năm 2024 cuối năm Quý Mão này, Thầy Thích Pháp Hòa về với Texas trong đợt rét kỷ lục phủ khắp nước Mỹ.

 

Những ngày đầu năm 2024 cuối năm Quý Mão này, Thầy Thích Pháp Hòa về với Texas trong đợt rét kỷ lục phủ khắp nước Mỹ.

 

Như một thiện căn Bồ đề của những vị chân tu, Thầy kể năm lên bảy tuổi đã quy y Tam Bảo tại tịnh xá Ngọc Thuận ở Cần Thơ và phát nguyện ăn chay mỗi tháng 10 ngày. Bạn bè con nít chơi đá cá, đá dế, còn thầy cắt hình Phật bà trên bao nhang về thờ, xin chuông xe đạp để tập gõ chuông đọc kinh, thường lấy hộp diêm hay nặn đất sét làm quan tài an táng, tụng kinh cho những con dế, con cá bị chết.

 

Năm 12 tuổi Thầy sang định cư tại Canada rồi đến năm 15 tuổi, năm 1989, Thầy dứt bỏ thế tục, chính thức xuất gia. Năm 1994, tròn 20 tuổi theo giới luật, Thầy thọ giới Tỳ-kheo tại Làng Mai với thiền sư Thích Nhất Hạnh bên Pháp, quyết dành trọn cuộc đời cho đạo pháp và dốc lòng tu học để mang ánh sáng đạo pháp đến với chúng sanh. Thầy kể rằng đó là những tháng ngày tu học vất vả, mùa đông kê ván ngủ dưới đất trong các túi ngủ cá nhân và bữa ăn chỉ lưng bụng vì Làng Mai còn rất nghèo lúc bấy giờ.

 

Tiếp tục tu học và hoằng pháp, đến năm 2006 Thầy được trao trách vụ trụ trì Tu viện Trúc Lâm tại thành phố Edmonton bên Canada, rồi tiếp theo là Tây Thiên, những nơi tổ chức các chương trình tu học theo truyền thống Phật giáo Việt Nam. Thầy Pháp Hòa bắt đầu con đường hoằng pháp theo tâm niệm và con đường của riêng mình, mở các khoá tu học, pháp thoại, pháp đàm với đại chúng.

 

Các đoạn phim thu lại các bài pháp thoại của Thầy được đưa lên các trang mạng xã hội vào khoảng những năm 2010-2011. Những phim đầu tiên chưa có lượng xem đông đảo vì Phật tử chưa có duyên biết đến Thầy nhưng càng ngày càng đông đảo người xem. Đến nay, chỉ riêng hai kênh YouTube "Pháp thoại Thầy Pháp Hòa" và "Vấn đáp Thầy Thích Pháp Hòa" đã có khoảng trên dưới 1.4 triệu người ghi tên theo dõi trên mỗi kênh và có những pháp thoại có đến hàng triệu lượt xem, chưa kể số người theo và xem tại các trang chính thức hay không chính thức khác liên quan đến Thầy cũng có vài trăm ngàn người theo. Về mặt mạng xã hội, đó là những con số rất lớn với bất cứ vị tu sĩ hay các trang tôn giáo, thậm chí cả với giới ca sĩ, tài tử nổi tiếng hay trang tiếng Việt nào.

 

Thầy giảng gì mà người nghe đông như vậy?

 

Thưa, Thầy giảng về đạo làm người, khai ngộ cho đại chúng con đường giữ cho tâm-thân-ý được bình an, chân thiện qua triết lý và đạo pháp dựa trên tư tưởng nhà Phật. Thầy giải thích các khái niệm, từ ngữ, nghi thức trong Phật giáo bằng ngôn từ đơn giản, dễ hiểu cho bất cứ người nghe có những nền tảng khác nhau.

 

Thầy dùng thi ca, từ kinh Pháp cú cho đến ca dao tục ngữ Việt, dùng văn chương, lịch sử, kể câu chuyện dụ ngôn, thỉnh thoảng lồng vào những mẩu chuyện cười ý nhị để bài pháp thoại trở nên lôi cuốn, hấp dẫn và mang cho người nghe thêm bao nhiêu kiến thức. Đặc biệt là trong phần vấn đáp, khi trả lời các câu hỏi tức thời của đại chúng, sự dí dỏm và uyên tuệ của Thầy cho thấy sự thông thái của kho kiến thức phong phú cùng một trí nhớ siêu việt đến dường nào. Chỉ riêng ngôn ngữ và văn hóa Việt, một người rời nước từ năm 12 tuổi mà uyên bác như vậy quả phải bậc rất dày công tu học, nghiên cứu công phu.

 

Cách trò chuyện của Thầy lại tự nhiên và chân thành, như cách chia sẻ một quan niệm sống đẹp nên gần gũi. Trong một vài pháp thoại, có khi Thầy còn ca vài câu vọng cổ, câu hò hay bài hát về tình mẫu tử, quê hương hay liên quan đến đạo pháp, nghe vừa vui vui nhưng lòng lại bồi hồi. Ngôi chánh điện các chùa và tu viện mỗi khi có duyên mời được Thầy về pháp thoại, luôn chật cứng người ngồi chú tâm im lặng nghe lời dẫn giải, đôi lúc lại bật cười hay vỗ tay trước những lời ý nhị. Riêng tôi, ngồi nghe pháp thoại của Thầy gần hai tiếng đồng hồ mà lại thấy thời gian qua rất nhanh, thu nhận được không ít điều. Là người có đức tin tâm linh hơn là tôn giáo, tôi cảm như Thầy không chỉ là bậc tu hành đang thuyết giảng tư tưởng nhà Phật mà là một nhà tâm lý xã hội học đầy am hiểu.

 

Ngày hôm trước, về lại Tu viện Huyền Quang sau vài ngày xuống San Antonio và sau một ngày dài Phật sự ngay tại Dallas, bước xuống xe thầy đã đến thăm hỏi từng người, vào tận nhà bếp xem cơm chiều cho Phật tử đã chuẩn bị ra sao. Cuối tuần trước đó, xem lịch không kỹ nên tôi đến tu viện sớm, chưa gặp được Thầy nhưng lại có duyên tiếp chuyện với Ni sư trụ trì Huệ Đức và Ni sư Lệ Thiên. Sư Lệ Thiên có kể tôi nghe rằng, thầy cứ áy náy khi tu viện còn nghèo mà mỗi lần Thầy về các Phật tử địa phương và các thành phố, tiểu bang lân cận lại đổ về tu học đông đúc, Thầy ngại không lo được chu đáo cho tất cả. Đó là tấm lòng của một bậc tu hành luôn quan tâm, lo lắng cho đại chúng.

 

"Pháp đã trao lòng từ vạn thuở

Hòa quang tiếp độ khắp quần sinh

Sen nở rạng ngời trần chẳng nhiễm

Độ hết muôn phương chúng hữu tình".

 

Sư ông Làng Mai Thích Nhất Hạnh nhìn được đạo hạnh của người đệ tử tài ba có tấm lòng và hạnh nguyện Bồ Tát từ vạn thuở để độ muôn phương, muôn người nên đã viết bài kệ phú pháp truyền đăng bên trên để trao cho Thầy Pháp Hòa vào năm 1999, với chữ hai đầu là pháp hiệu của Thầy.

 

Thế giới nhiễu nhương, lòng người bất an và đạo giáo có đôi khi bị tổn hại thanh danh vì dăm kẻ giả hình, thiết nghĩ sự hiện diện và con đường hoằng pháp của một bậc chân tu đạo hạnh và uyên thâm như Thầy Thích Pháp Hòa quả là sự may mắn cho giới Phật tử và Phật giáo Việt Nam.

 

 





No comments: