Friday, January 12, 2024

TÔI TỰ HỌC ANH VĂN (Nguyễn Tuấn Khoa)

 



Tôi tự học Anh văn

Nguyễn Tuấn Khoa

11/01/2024

https://thuymyrfi.blogspot.com/2024/01/nguyen-tuan-khoa-toi-tu-hoc-anh-van.html

 

HÌNH : https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhO63T_KiVBdffDU5HeR7kujnQzpsxWFy0y7kXV7SEZBi7YEnCY0-JV-BI82HFDALo0WoaboUWsxfItq61k5U2467nboya_5Ct48j5gpbgatt5pmzFDECyegeIur5HbgM9va4gZZlcblaICz_CZ34Bj7uyFpZ0ACp2FBuqDlsmRFWOPrUE3H6mwsGHAyZU4/w400-h398/anh_01.jpg 

 

Sáng nay nhìn thấy hình bộ sách English For Today mà cả một trời kỷ niệm ùa về, làm cho lòng tôi thấy xốn xang.

 

Tuổi thơ của tôi ở Võ Trường Toản gắn liền với ba quyển Vàng, Xanh Dương và Xanh Lá Cây ; với những bài đọc mà đến giờ vẫn còn lãng đãng nơi trí nhớ của tuổi về chiều. Tôi nhớ bài đọc thí nghiệm nhóm chuột ăn trà và nhóm chuột ăn pho-mát, làm lúc học tôi bỗng nhớ đến tuổi Canh Tý của mình và bài luận thi vào lớp sáu tả con mèo.

 

Hết thảy thí sinh khi đó đều tả con mèo giỏi đi bắt chuột. Chắc chỉ có mình tôi vì thương thân là cầm tinh con chuột, tôi không muốn con mèo kết liễu con chuột nên đã tả con mèo là thú cưng, chỉ để làm cảnh và ra oai với chuột. Mèo của tôi không biết bắt chuột và không có con chuột nào qua đời dưới móng vuốt của con mèo dễ thương của tôi. Mèo và chuột trong tôi là hai đứa bạn thân:

 

“Con mèo mà trèo cây cau.

 

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà”

 

Rồi bài học cuối cùng trước khi bãi trường sớm 4/1975 là bài Farmer Lum làm đồng buổi sớm, đoán mưa gió trong quyển màu Xanh Lá Cây “The Way We Live”. Những quyển sách này đã thành tro bụi khi các "Hồng Vệ Binh" tràn vào Sài Gòn rồi vào từng nhà để đốt sạch. Để cho giờ tất cả thành kỷ niệm.

 

Sau biến cố lịch sử 1975, những quyển sách giáo khoa Anh Văn biên soạn vội để dạy cho đám học trò ngơ ngác. Nội dung lạc lõng, bài đọc như sự chắp vá vội vàng. Chỉ tội cho các thầy cô giống như “hàng thần lơ láo” rồi cùng trò miễn cưỡng dạy và học cho nhanh hết chương trình.

 

Khi lên đại học tôi được may mắn học tiếng Anh thay vì tiếng Nga, nên có thêm một số vốn ngữ vựng kỹ thuật Hóa Học làm hành trang để đọc sách các lĩnh vực khác. Tôi thấy không thể dừng ở đó. Tôi lên kế hoạch lâu dài cho việc học tiếng Anh mà không có ngân sách cho việc học này.

 

Hồi đó mỗi năm tôi có 6 tháng xa nhà. Buổi tối rảnh nên tôi đem việc học Anh Văn ra làm chuyện ưu tiên. Quyển TOEFL Cliff là quyển sách gối đầu giường mà đến giờ tôi không thấy quyển nào hay hơn. Tôi cũng mang theo tạp chí Sputnik (Liên Xô) để vừa đoc và vừa học. Tạp chí này giống về hình thức và nội dung với Reader’s Digest và tạp chí Thời Nay, nhưng nội dung thì khô khan lắm, phải đặt mua ba tháng mới nhận được. Ban đêm tôi nghe chương trình Special English của đài VOA (đọc chậm), thu vào băng Cassette rồi viết lại.

 

Thời gian không đi công tác thì 6 giờ sáng hôm sau tôi chạy ra Bưu Điện thành phố để mua bài giải in bằng Roneo. 500 đồng/tờ, tôi mua 2 tờ để kịp đưa cho chị tôi ở bến xe buýt trước khi xe rời bến. Không biết lúc đó có cao nhân nào nghe rất tài tình, chép ra, đánh máy lên giấy stencil rồi in suốt đêm để sáng ra bán cho mấy đứa nghèo hiếu học.

 

Băng cassette nghe đi nghe lại thì bị đứt, tôi phải tháo ốc ra để nối lại bằng băng keo trong. Thời cấm vận, Việt Nam đâu có sản xuất băng keo trong nên phải tìm mấy thùng đồ ở nước ngoài gửi về mà gỡ băng keo ra xài lại. Băng keo cứng nên phá đầu từ của máy rồi làm cho cassette trở nên vô dụng. Đến lúc đó thì khả năng Listening Comprehension (nghe hiểu) cũng đã khá lên rồi, nên tôi bắt đầu nghe chương trình đọc tốc độ bình thường.

 

Trong sáu tháng mưa tôi làm việc ở Sài Gòn nên có kế hoạch học Anh Văn “nghiêm túc” hơn. Tôi đến trung tâm Anh Ngữ của trường Đại học Tổng Hợp đặt tại dòng tu Saint Paul, rồi đi từng phòng để ghi nhận lớp học nào vừa trình độ của tôi. Hai tuần sau tôi vào học ké. Với cách làm này tôi né được việc soát biên lai và học không mất tiền trong cả gần hai năm.

 

Để nâng khả năng đàm thoại tôi nghĩ ra một cách mà ít có ai ngờ tới. Tôi đến một nơi có cái tên khó nghe “Triển lãm tội ác Mỹ Ngụy” để kiếm người nước ngoài mà nói chuyện. Những người nước ngoài tới đây thích nói chuyện với người địa phương, thích tương tác hai chiều, thích nghe nhiều sự khác biệt hơn là chỉ nghe từ người thuyết minh.

 

Chính ý thích này mà tôi trở thành thú vị cho du khách, có lúc thu hút hơn cả các cô Hướng Dẫn Viên (HDV) và các cô Thuyết Minh nữa. Thấy đây là nơi để thực tập Anh Văn tốt hiếm có, tôi thường nghỉ phép rồi ăn ngủ ở đây cho đến chiều. May mắn hơn có khi được các cô HDV rủ đi theo đoàn đến Địa Đạo Củ Chi rồi giao cho nhiệm vụ thuyết minh nữa. Ngồi trên xe cả ngày là dịp tán gẫu với Tây đủ mọi đề tài trên trái đất này. Tiếng Anh của tôi được nâng lên tự nhiên mà tôi không kịp nhận ra.

 

Thời đó con đường tự học cho những đứa trẻ hiếu học thật là gian nan!

 

Một ngày kia, các nhà đầu tư người Pháp đến công ty của tôi làm việc liên quan đến nước khoáng. Không khó khăn lắm cho tôi làm việc với họ về những vấn đề khoa học về địa chất và nước khoáng mà các anh chị phiên dịch gặp nhiều trở ngại.

 

Sau hơn một năm dự án kết thúc mỹ mãn cũng là lúc tôi ra đi. Bỏ lại một nơi mà lương kỹ sư 10 năm của tôi thua cả lương của nhân viên bảo vệ. Bỏ kiến thức 10 năm kinh nghiệm tích lũy từ thi công đến nghiên cứu. Bỏ một chốn mà sau gần 20 năm vẫn đặt lý lịch lên hàng đầu.

 

Tôi đã đổi đời từ đó!

 

NGUYỄN TUẤN KHOA 11.01.2024

 

Publié par Thụy My RFI à 16:34





No comments: