Tát
nước theo mưa của thầy Giản Tư Trung
Nguyễn Đình Cống
05/01/2024
https://baotiengdan.com/2024/01/05/tat-nuoc-theo-mua-cua-thay-gian-tu-trung/
Vừa qua, tôi theo dõi buổi thuyết trình trên YouTube của thầy Giản Tư
Trung, với tiêu đề “Thấu hiểu chính mình để thay đổi bản thân”.
VIDEO :
Quản trị Cuộc
đời - Thấu hiểu chính mình để thay đổi bản thân | TS. Giản Tư Trung
https://www.youtube.com/watch?v=gfWXue_S9aQ&t=29s
Nội dung thuyết trình rất có ý nghĩa, giống như một cơn mưa rất mát trong
ngày trời nắng gắt. Tuy vậy, sau khi nghe xong, tôi muốn trình bày vài ý.
Những ý này chắc là thầy Trung có biết, nhưng vì sự hạn chế về thời giờ
nên chưa kịp trình bày, mà để cho mọi người tự suy nghĩ. Đó là các ý kiến xoay
quanh khái niệm quan trọng là “minh định”, nghĩa là biết nhận thức một lý thuyết,
một con người, một sự vật, một việc làm, một lời nói v.v… (Gộp chung lại gọi là
một sự vật) là như thế nào, đúng hay sai, thiện hay ác, tốt hay xấu v.v… (Gộp
chung lại, gọi là đúng hay sai). Phải chăng “minh định” ngược lại với “vô minh”
trong Phật giáo?
Nhận thức gồm ba khía cạnh: Nhận thức chính xác, nhận thức nhầm và nhận
thức lại. Minh định là nhận thức chính xác.
Về nhận thức lại, như thầy Trung trình bày, lúc còn bé, nghe truyện Tấm
Cám, cho là hay, rất ủng hộ Tấm, khi lớn lên mới phát hiện thấy việc làm vô
nhân đạo của cô. Khi xem xong phim được giải Oscar, cho là quá tầm thường, sau
một thời gian mới hiểu được những ý tưởng tuyệt vời của nó. Như vậy, ban đầu có
nhận thức nhầm, sau đó phải có một quá trình lâu dài, có khi còn gian khổ mới
nhận thức lại được để trở về với nhận thức chính xác.
Ở đây cần đặt ra mấy câu hỏi và trả lời như sau:
1. Chứng kiến cùng một sự vật, tại sao có người minh định được, nghĩa là có
nhận thức chính xác, biết nó đúng hay sai, trong khi có người nhận thức nhầm, để
rồi phải nhận thức lại. Tác hại của nhận nhận thức nhầm như thế nào.
Để minh định được một sự vật cần có trí tuệ hiểu rõ bản chất của nó và đặc
biệt là phải được kiểm chứng bằng thực tế cuộc sống, như lời nhận xét của
Goethe đã trở thành danh ngôn: “Mọi lý thuyết đều là màu xám. Chỉ có cây đời
mãi mãi xanh tươi” (*). Hoặc như những điều đã viết ở Kinh Kalama
của đạo Phật.
Với người đã trưởng thành, nhận thức nhầm có thể vì: Một là trình độ yếu
kém, lười suy nghĩ, bị vài hiện tượng bên ngoài che lấp bản chất, hoặc vội tin
vào lời giải thích hoặc tuyên truyền của người đã nhận thức nhầm, hoặc vì một ý
đồ nào đó. Hai là từ bé, khi chưa có đủ trí khôn, được người lớn dạy bảo những
điều mà họ cho là đúng, được trẻ con xem là chân lý rồi mang theo cho đến lớn,
thậm chí suốt đời. Nhưng thật ra những điều đó đã bị người dạy nhận thức nhầm.
Những nhận thức nhầm về tự nhiên như thuyết Địa tâm (Geocentric model) của
hệ Mặt trời, là nhầm rất lớn, nhưng ít ảnh hưởng đến cuộc sống loài người. Sự
nhận thức lại nó để chuyển thành thuyết Nhật tâm là cả một quá trình nhiều ngàn
năm và phải trả giá bằng mạng sống, sự tù đày của các nhà khoa học lớn. Những
nhận thức nhầm của người dân nước Đức trong những năm trước chiến tranh thế giới
thứ hai, đa số dân chúng, kể cả nhiều trí thức, nhà khoa học ủng hộ chế độ phát
xít, ca ngợi Hitler, từ đó đã mang đến thảm họa cho nhân loại.
Hiện nay nhận thức về chủ nghĩa cộng sản (CNCS) đang có mâu thuẫn lớn.
Bên A cho rằng nó hoàn toàn đúng, là tất yếu của nhân loại; bên B lại cho rằng
nó là một thứ phản nhân loại, cần loại bỏ. Cả hai bên đều viện những luận cứ để
cho rằng mình có nhận thức chính xác, còn bên kia có nhận thức nhầm, sai. Trong
khi B chỉ muốn thức tỉnh A, thì A xem B là kẻ thù cần tiêu diệt.
Vậy bên nào có nhận thức chính xác, bên nào có nhận thức nhầm. Phải chăng
một số A như phần lớn dân nước Nga và các nước Đông Âu từng nhận thức nhầm để
xây dựng chế độ Xã hội Chủ nghĩa, giai đoạn đầu của CNCS trong nhiều chục năm.
Rồi họ đã nhận thức lại để từ bỏ công việc dở dang và lạc đường. Còn một số A
khác vẫn chưa nhận thức lại, vẫn tiếp tục con đường đã chọn nhầm chưa biết đến
bao giờ, và xem B là kẻ thù giai cấp.
2. Nguyên
nhân nào làm cho người ta có nhận thức lại?
Muốn có nhận thức lại thì điều kiện cần trước hết phải biết nhận thức của
mình về một sự vật nào đó đang bị nghi ngờ, rõ ràng nhất là đem những hiểu biết
của mình đối chiếu với thực tế, như lời nhận xét của Goethe, hoặc Kinh Kalama.
Lấy thí dụ, người ta tuyên truyền rằng Chủ nghĩa Mác – Lê nin (CNML) là tuyệt đối
đúng, nhưng khi đem áp dụng vào thực tế (như cải cách ruộng đất, cải tạo công
thương nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp bậc cao, kinh tế quốc doanh, vô sản
chuyên chính v.v… chỉ mang lại nhiều tai họa). Từ đó nảy ra nghi ngờ sự tuyên
truyền đúng hay sai chỗ nào.
Nghi ngờ là cần nhưng chưa đủ, còn phải có trí tuệ và bản lĩnh để suy
xét, tìm tòi, dám nghĩ ngược lại với số đông, đặc biệt là nghĩ khác người có
quyền lực khi họ đã nhận thức nhầm và sẵn sàng bảo vệ sự nhầm đó. Không những
thế, họ tấn công, thậm chí đòi tiêu diệt những người có nhận thức lại.
Sự nhận thức lại xảy ra theo một trong hai cách: Chủ động và bị động. Chủ
động là khi tự mình tìm tòi và ngộ ra nhận thức nhầm rồi tìm cách giải thích để
có nhận thức lại. Bị động là khi đã có nghi ngờ và được người khác giải thích,
giác ngộ cho. Không có nghi ngờ, không thể có giác ngộ. Đối với tầng lớp trí thức
nhận thức lại chủ động là cơ bản, với tầng lớp bình dân, nhận thức lại bị động
là chủ yếu.
Như thế thì không phải mọi người có nhận thức nhầm đều có đủ điều kiện cần
và đủ để nhận thức lại, đặc biệt là nhận thức lại về chính trị, về CNML mà đảng
cầm quyền và nhà nước đang theo đuổi một cách nhầm lẫn. Trong số những người
không muốn hoặc không thể nhận thức lại này, có một số cuồng tín do giáo điều
hoặc quyền lợi.
Giáo điều là những người từ bé hoặc một lúc nào đấy bị nhồi sọ mà sau đó
không thể nào có được năng lực để tự nhận thức lại, cũng không có may mắn gặp
được người giúp giác ngộ. Loại người này có một phần nào đáng thương. Do quyền
lợi là những kẻ cơ hội, đã lợi dụng được thời cơ, tạo lập được vị trí trong bộ
máy nhà nước, lợi dụng được điều kiện để làm giàu và tác oai tác quái. Lọai này
bên ngoài tỏ ra rất tin tưởng vào chế độ, trung thành với đảng cầm quyền, nhưng
giấu kín những ý nghĩ. Bọn này cần được vạch mặt và đánh đổ. Cả hai loại người
trên cản trở con đường phát triển của đất nước.
3. Có trường hợp nào nhận thức lại dẫn người ta từ cái nhầm này, cái sai
này, đến cái nhầm hoặc sai khác hay không?
Thông thường là không với trường hợp người nhận thức lại có trí tuệ, liêm
khiết và tự nhận hoặc được giao việc sửa sai. Nhưng trong một số chế độ độc
tài, khi cái sai gắn với chế độ, với truyền thống, lại được giao cho những người
trong chế độ đó giải quyết thì rất có thể họ sẽ thay cái sai này bằng cái sai
khác. Có thể xem việc cải cách nền giáo dục của Việt Nam, xem nước Nga của
Putin như những dẫn chứng.
Tôi đã nghe nhiều buổi thuyết trình của thầy Giản Tư Trung, bài nào cũng
hay, cũng học thêm được vài điều, thỉnh thoảng lại góp vài ý để làm phong phú
thêm. Đất nước này có được những người làm giáo dục như thầy Giản Tư Trung là một
điểu rất đáng mong ước.
_______
Ghi chú:
(*) Câu 2039 trong kịch thơ Faust, lời của Mephisto.
No comments:
Post a Comment