Người
Nhật, kỷ luật trong tai nạn
Nhã Duy
05/01/2024
https://baotiengdan.com/2024/01/05/nguoi-nhat-ky-luat-trong-tai-nan/
Có dịp sang Nhật và quan sát thì ắt nhiều người cũng ghi nhận được vài điều
gì đó về tính cách chung của người Nhật qua các giao tiếp hay trong các sinh hoạt
hàng ngày của họ. Với tôi thì hai điều nhỏ còn lưu lại là sự vệ sinh và trật tự
nơi công cộng nhưng chúng lại cho thấy thêm về một tính cách đáng học hỏi từ
người Nhật.
Tại những khu trung tâm Tokyo có khá ít hay thậm chí tôi không thấy thùng
rác tại vài con đường nhưng đường phố vẫn rất sạch sẽ. Chỗ công cộng nếu có nhiều
thùng rác sẽ giúp ngăn chận tình trạng xả rác bừa bãi, còn ở đây không có thùng
rác mà người dân vẫn giữ được sạch sẽ, quả là một ý thức rất cao. Có người bảo
tôi là họ giữ rác lại và mang về nhà bỏ chứ không vứt bừa xuống đường.
Thứ nhì là hành khách sử dụng các trạm xe điện ngầm rất kỷ luật, lên xuống
các cầu thang cấp đi bộ chỉ một phía cố định, xuống phía trái và lên bên phải
dù chỉ có một cầu thang chung và chẳng có ngăn cách. Họ không tùy nghi lên hay
xuống lộn xộn, nhờ vậy mà ra vào hay lên xuống rất nhanh, lại chẳng va chạm
nhau.
Có thể họ đã được huấn luyện từ nhỏ. Hoặc có thể đó là thói quen và lâu
ngày trở thành một ý thức chung. Là gì thì tôi nghĩ cả hai điều trên thể hiện một
tinh thần kỷ luật tự giác rất cao của người Nhật, giúp cho xã hội vận hành văn
minh, hiệu quả và nhanh chóng hơn.
Tinh thần kỷ luật cao độ của người Nhật thường được nhắc đến nhiều như sự
thừa hưởng truyền thống và tinh thần hiệp sĩ đạo Bushido từ lâu đời. Bushido là
sự can đảm, danh dự, tinh thần tự thắng, tự kỷ luật và đặt người khác lên trước
mình. Điều này đã ảnh hưởng đến hành xử, ý thức và văn hóa của người Nhật.
***
Tôi nghĩ về những điều này khi đọc tin tức về tai nạn của chiếc phi cơ
hãng hàng không Nhật – Japan Airlines (JAL) trong những ngày đầu năm mới. Chiếc
phi cơ này khi hạ cánh xuống phi trường Haneda tại Tokyo đã đụng phải chiếc phi
cơ của lực lượng tuần duyên, có thể đã hiểu lầm hiệu lệnh và tiến vào phi đạo
thay vì chờ đến lượt mình. Nếu phi hành đoàn của lực lượng tuần duyên hầu hết bị
thiệt mạng thì chuyến bay JAL516, với tổng cộng 379 hành khách lẫn phi hành
đoàn 12 người, đều thoát hiểm an toàn chỉ trong một thời gian rất ngắn, sau 18
phút với chỉ ba trong số tám cửa thoát hiểm bởi phi hành đoàn quyết định chỉ sử
dụng cửa thoát hiểm nào ngăn lửa và khói tràn vào phi cơ.
Truyền thông Nhật và thế giới gọi đây là phép lạ, ca ngợi sự chuyên nghiệp
lẫn kỹ năng được huấn luyện tốt trong tác vụ của phi hành đoàn, đã bảo vệ cho tất
cả hành khách được an toàn. Nhưng yếu tố quan trọng khác mà một vài hành khách
trên chuyến bay khi được phỏng vấn đã cho biết là, chính thái độ bình tĩnh và
tinh thần kỷ luật rất cao của hành khách mà tất cả họ đã được thoát hiểm an
toàn.
Họ cho biết các, hành khách tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của các nhân
viên phi hành đoàn, vẫn ngồi cúi đầu tại chỗ để tránh hít phải khói và đợi đến
phiên mình được hướng dẫn sẽ lần lượt thoát khỏi phi cơ theo cửa thoát hiểm nào
trong khi phi cơ đang bốc cháy phía ngoài.
Chính vì không hoảng loạn, không chen lấn dành sự sống cho riêng mình và
gia đình, không ráng mang theo hành lý cá nhân mà tất cả họ cùng được sống sót
vì chỉ vài phút sau cuộc thoát hiểm hoàn tất thì phi cơ đã bùng cao lửa và phát
nổ. Khi không tranh giành mạng sống cho riêng mình thì họ đã tạo ra sự an toàn
cho chính họ.
Kỷ luật đã giúp những hành khách Nhật lẫn gia đình họ sống sót trong tai
nạn của chuyến bay JAL516 này. Tổn thất sinh mạng duy nhất trong tai nạn là phi
hành đoàn đã không cứu được hai chú chó hay mèo gì đó trên chuyến bay, theo như
thông cáo xin lỗi của JAL hôm nay.
Thử hỏi rằng nếu đây là chuyến bay của hãng hàng không Việt hay Trung Quốc
trong tình cảnh này thì sẽ như thế nào?
No comments:
Post a Comment