Tuesday, January 16, 2024

TĂNG TRƯỞNG SUY GIẢM KHI CĂNG THẲNG CHỐNG THAM NHŨNG (PGS., TS. Phạm Quý Thọ)

 


Tăng trưởng suy giảm khi căng thẳng chống tham nhũng

PGS., TS. Phạm Quý Thọ

2024.01.16

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/gdp-growth-slows-down-while-anti-corruption-campaign-speeds-up-01162024115122.html

 

Bình luận của PGS., TS. Phạm Quý Thọ - nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/gdp-growth-slows-down-while-anti-corruption-campaign-speeds-up-01162024115122.html/@@images/fca32c55-8aa4-4fa5-99c2-9f259f6bdf23.jpeg

Phiên toà xét xử 54 bị cáo gồm các quan chức Chính phủ trong vụ án tham nhũng "chuyến bay giải cứu" tại Hà Nội hôm 28/7/2023 (minh hoạ) .  AFP

 

Công luận ở Việt Nam ủng hộ chống tham nhũng, nhưng ‘lo ngại’ về triển vọng của chính sách này nói riêng cũng như cải cách dân chủ nói chung. Sự giao thoa phức tạp theo tính chất và thời gian giữa hai phạm trù tăng trưởng kinh tế và tham nhũng là một thuộc tính quan trọng của mô hình phát triển hiện nay, được gọi là nghịch lý tăng trưởng nhanh và tham nhũng tràn lan. Bởi vậy, việc nhận diện và giải mã nghịch lý này trong thực tế chuyển đổi thị trường có ý nghĩa quan trọng. Với mục đích này một số câu hỏi chủ yếu được bàn trong giới hạn bài viết. Thực chất và biểu hiện của mối quan hệ này là gì? Chống tham nhũng đang huỷ hoại động lực tăng trưởng thế nào? Thời kỳ tăng trưởng nhanh đang kết thúc?

 

Tham nhũng thường được hiểu là hành vi của cá nhân hay nhóm chiếm đoạt tài sản công. Thông thường người ta hay ám chỉ các quan chức, công chức lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi cho cá nhân, gia đình hay người thân. Có nhiều hình thức tham nhũng, trong đó một hình thức mang tính cấu trúc hay chính trị nghịch lý tăng trưởng nhanh và  tham nhũng tràn lan. Nó phản ánh hành vi chia chác số tiền chiếm đoạt từ công quỹ, tiền dự án, gian lận thuế… giữa các chủ thể tạo ra tăng trưởng như doanh gia, hộ hay cá thể kinh doanh và các quan, công chức khi thi hành công vụ, thường bằng cách đưa và nhận hối lộ dưới nhiều vỏ bọc như quan hệ thân hữu, bảo kê, nhóm lợi ích… nhằm “bôi trơn bánh xe” của guồng máy cai trị để ‘vượt qua’ những bất cập, rào cản trong môi trường kinh doanh hay ‘lách’ những khoảng trống kiểm soát quyền lực dưới chế độ tập quyền do Đảng cộng sản lãnh đạo chuyển đổi kinh tế thị trường.

 

Nghịch lý này có thể “cảm nhận” xu hướng nếu đặt hai dãy số liệu về tăng trưởng GDP và chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) theo thời gian năm. Chẳng hạn, tỷ lệ tăng GDP của trung bình năm trong thời kỳ hơn ba thập kỷ từ năm 1991 đến nay quanh mức 7% và có xu hưởng giảm trong khi CPI luôn là 39/100 điểm, xếp thứ 87 trên 190 quốc gia và có xu hướng tăng, lên 10 bậc xếp hạng và 42 điểm vào năm 2022. Điều này có thể phản ánh nỗ lực chống tham nhũng trong những năm gần đây, nhưng tác động tới tăng trưởng là ẩn số. Năm 2023 tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP, đây là nhiệm vụ trọng tâm để hệ thống chính trị “vào cuộc”, là 5,05%, theo Tổng cục Thống kê, đã không đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra trong khi “tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp; số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%” mặc dù Chính phủ đã “nỗ lực trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023, theo báo cáo trước Quốc hội của Bộ trưởng Công an.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/gdp-growth-slows-down-while-anti-corruption-campaign-speeds-up-01162024115122.html/000_349e4he.jpg/@@images/b5aad14e-370b-4da6-8e29-26307087442a.jpeg

Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ra toà ở Hà Nội trong vụ án tham nhũng liên quan đến Công ty Việt Á hôm 3/1/2024. AFP

 

Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu định lượng thuyết phục về nghịch lý này nhưng thực trạng tăng trưởng kinh tế suy giảm và tham nhũng vẫn nghiêm trọng, tràn lan cho thấy chống tham nhũng đang ở vào giai đoạn rất căng thẳng. Đây là một thực tế cần được nhìn nhận thẳng thắn. Quan sát việc xét xử loạt các vụ án tham nhũng cho phép nhận diện cụ thể hơn về nghịch lý tăng trưởng nhanh và  tham nhũng tràn lan hiện nay. Chiến dịch “đốt lò” đã được hơn mười năm kể từ khi được Đảng Cộng sản phát động năm 2011. Các đại án tham nhũng được liên tục điều ra và đưa ra xét xử công khai, đặc biệt dồn dập trong năm 2023. Sau vụ án “Cục Lãnh sự” với ‘những chuyến bay giải cứu” kết thúc xét xử vào cuối tháng 7/2023, đại án “AIC” (Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế) bao gồm nhiều vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại nhiều địa phương, bộ ngành vẫn đang tiếp tục điều tra và xét xử mở rộng. Gần đây nhất, vào cuối tháng 12/2023 đã khởi tố vụ án thứ tư. Toà án Thành phố Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm vụ kit xét nghiệm “Việt Á”; và các vụ “Cục đăng kiểm” , tập đoàn “FLC” ,  “Vạn Thịnh Phát” (được tách thành nhiều vụ riêng lẻ dự kiến bắt đầu xét xử tại toà án liên quan vào tháng 3/2024). Không khó để nhận diện các vụ án này là chúng đều mang tên các doanh nghiệp, các đại gia hay các cơ quan tổ chức – nơi có các quan chức tham nhũng.

 

Như vậy, dấu hiệu đặc trưng của các án tham nhũng là trong mỗi vụ đều có các cán bộ đảng viên, quan tham đủ loại trong đủ các bộ ngành, khu vực công, dân sự và quân sự, các cấp trung ương và địa phương. Chẳng hạn, vụ “những chuyến bay giải cứu” liên quan đến nhiều quan chức Bộ Ngoại giao, Công an, TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác. Vụ AIC ‘dính’ đến nhiều lãnh đạo địa phương của Uỷ ban nhân dân và ban ngành các tỉnh như Đồng Nai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bộ Thông tin và Truyền thông. Các cán bộ công chức viên chức vi phạm trong cả hệ thống đăng kiểm Bộ Giao thông Vận tải. Trong vụ “Việt Á” ngoài quan chức bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, các tỉnh như Hải Dương còn có các cựu sĩ quan quân đội của Viện Quân y. Vụ FLC khiến nhiều quan chức bị khởi tố, mất chức liên quan đến quy hoạch, đấu thầu đất đai. Các quan chức, nhân viên ngành ngân hàng tài chính đang bị điều tra, truy tố trong đại án Vạn Thịnh Phát…  Theo dữ liệu của  Ủy ban Kiểm tra, trong năm 2023 ở các cấp quản lý đã thi hành kỷ luật 183 tổ chức Đảng và 6.302 đảng viên, trong đó ở cấp trung ương thi hành kỷ luật 29 tổ chức đảng và 65 đảng viên. Vụ đình đám nhất, như đã biết, việc ông cựu Chủ tịch nước và hai ông Phó thủ tướng đương nhiệm bị buộc phải “từ chức” vì “trách nhiệm chính trị” vào đầu năm 2023.

 

Trong mỗi vụ án tham nhũng qua xét xử tại toà nhận thấy mối quan hệ phức tạp giữa các chủ doanh nghiệp - đối tượng chủ yếu tạo ra tăng trưởng, và quan chức “suy thoái” cấu kết nhằm trục lợi. Chẳng hạn qua hành vi “đưa và nhận hối lộ” để chia sẻ số tiền chiếm đoạt, trong đó phần lớn có nguồn gốc là tài sản công, tài sản cá nhân khác hoặc đất đai – sở hữu toàn dân theo “luật bất thành văn”. Từ lâu trong dư luận người ta bàn luận về kiểu “văn hoá phong bì” như một chất xúc tác không thể thiếu trong các phi vụ làm ăn ‘mờ ám”, mà nếu có nó các đối tác ‘thêm’ vững tin hành động!

 

Từ các vụ án tham nhũng  thấy rằng, số tiền gây thất thoát và chiếm đoạt rất lớn, tất nhiên, tuỳ vào ‘phi vụ’ có thể từ 10 đến 30% tổng vốn đầu tư. Chẳng hạn, trong vụ “Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai” số tiền thiệt hại tài sản Nhà nước là 152 tỷ đồng trong tổng số 476,87 tỷ đồng của dự án cung cấp thiết bị gồm 12 gói thầu, và tiền chiếm đoạt dưới dạng hối lộ, được “chia” giữa chủ tập đoàn AIC và các cựu lãnh đạo Uỷ ban Tỉnh, các Sở ban ngành liên quan… Trong vụ “chuyến bay giải cứu” có bị can - cựu giám đốc doanh nghiệp đã ‘than thở’ rằng việc đòi ‘hối lộ’ cho mỗi chuyến bay lớn quá mức ‘chịu đựng’ của họ. Trong khi tại phiên toà xử vụ “Việt Á” theo lời “thú tội” của  bị cáo, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Việt Á, rằng ‘mang tiền ra Hà Nội là để “chia” cho lãnh đạo bộ ngành đã “giúp đỡ”, chứ không phải hối lộ trong khi bị cáo- cựu Bộ trưởng Y tế thì phủ nhận việc gợi ý cho doanh nghiệp… Số tiền thất thoát tài sản công là rất lớn, riêng vụ Việt Á là gần 1.500 tỷ đồng. Vụ Vạn Thịnh Phát, tuy chưa xét xử, nhưng theo Cơ quan điều tra Bộ Công an, số tiền gây thất thoát và chiếm đoạt là vô cùng lớn, có thể lên đến hàng triệu tỷ đồng, tương đương hàng chục tỷ đô la Mỹ, chiếm tỷ trọng đáng kể, có thể lên đến 10% tổng GDP năm 2023 của Việt Nam!

 

Chống tham nhũng ‘ồn ào’, các bản án tù nặng nề và tuyên truyền ‘quyết liệt để nỗ lực ‘cứu’ chế độ đang làm sống lại mô hình chuyên chế kiểu cũ, trong đó tinh thần và động lực kinh doanh bị huỷ hoại đồng thời với tự do, dân chủ và nhân quyền. Nghịch lý tăng trưởng nhanh và  tham nhũng tràn lan, như trình bày ở trên, vừa là thuộc tính của chế độ Đảng CS toàn trị vừa là ‘cảm biến’ đang cảnh báo về “thời kỳ hoàng kim” của mô hình tăng trưởng có xuất xứ từ Trung Quốc đang kết thúc.

 

------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.






No comments: