Saturday, January 27, 2024

SÁCH (Ngô Nhân Dụng)

 



Sách

Ngô Nhân Dụng

26/01/2024

https://www.voatiengviet.com/a/sach/7458554.html

 

Xin thú thật, tôi không theo được gương cụ Nguyễn Hiến Lê và một nhà văn Pháp, Anatole France. Trên tủ sách ở nhà tôi hồi còn ở Sài Gòn, tôi đã viết một câu của France: “Đừng bao giờ cho mượn sách! Hãy coi gương tôi, trong tủ sách của tôi toàn là sách đi mượn!”

 

Tôi gặp một người quen biết từ lâu nhưng không nhớ tên, không biết ông làm gì mà cũng không nhớ đã gặp ở đâu. Trong lúc chờ đèn xanh để đi bộ qua đường, ông nói:

 

-Tôi mới thấy cuốn sách của anh, trong tiệm Tự Lực.

 

-Cuốn nào?

 

-Anh hỏi tại sao người Việt bị Trung Hoa đô hộ hơn một ngàn năm mà không mất nước.

 

Ông chỉ nhớ thế thôi. Cũng là quý rồi. Tôi đã tính nhắc ông tên cuốn sách nhưng lại thôi. Vì mấy ông bạn tôi nghe mấy chữ “Đứng Vững Ngàn Năm” thường đem ra chế nhạo. Ông hỏi tiếp: “Thế theo anh thì lý do là tại sao người Việt Nam không mất nước?”

 

Qua bên kia đường, không có thời giờ trả lời câu ông hỏi, chia tay xong tôi chợt nghĩ đáng lẽ mình nên hỏi lại: “Tại sao anh không mua một cuốn về coi có lý do nêu trong đó?” Có thể nói thêm: “Bây giờ đi ăn một tô phở, uống ly cà phê, phì phèo điếu thuốc, còn tốn hơn giá cuốn sách 25 đồng!” Nhưng tôi chào từ biệt, không nói gì cả. Nhiều người không bao giờ mua sách nếu không bị ép!

 

Lâu nay tôi vẫn mua sách, mua qua bưu điện hoặc mua ở tiệm. Những dịp lễ tết và cả ngày thường, khi đọc một cuốn sách thấy hay, trong gia đình vẫn tặng sách cho nhau. Ông bà thường dẫn các cháu đi mua sách. Con gái tôi mới tặng bố cuốn “The Library” của Andrew Pettegree và Arthur der Weduwen, hai tác giả ở Scotland, in bìa mỏng lần đầu năm 2023.

 

Đọc cuốn Library mới nhận ra một điều: Loài người rất quý sách! Người ta đã giữ tủ sách gia đình, lập thư viện từ hơn 2,500 năm nay, trước khi biết dùng lá cây papyrus làm “giấy!” Thư viện đã được khai quật ở Nineveh, thuộc nước Iraq bây giờ, lưu trữ 35,000 tấm “giấy gạch” viết bằng cách lấy que nhọn khắc lên bùn trước khi đem nung. Cả thư viện này bị chiến tranh tàn phá vào thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên. Thư viện nổi tiếng ở Alexandria, Egypt, được các vị hoàng đế người Hy Lạp dựng lên từ thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên, có thể đã giữ tới 400,000 “cuốn sách” – những tờ “giấy” bằng lá hoặc bằng vỏ cây, cuốn tròn với nhau, xếp trên kệ - sau cũng bị thiêu hủy.

 

Nhiều người Âu châu đã lập thư viện riêng, ngoài thư viện của các dòng tu không mở cửa cho người ngoài, trước khi có thư viện công cộng. Những nhà quyền quý và các đại phú gia lập thư viện để chứng tỏ không những giàu, sang mà họ còn thuộc hàng trí thức. Công tước Federico ở Urbino, thế kỷ 15, sử dụng 40 “thư ký” (chuyên viên viết chữ) đi chép các cuốn sách quý khắp nơi, lập thư viện ở Florence và các thành phố khác. Lorenzo thuộc gia đình Medici ở Florence dùng 45 thư ký, chép 200 bộ sách trong 20 tháng, cho một thư viện hàng ngàn cuốn sách chép tay.

 

Hồng y Richelieu, tể tướng thời vua Louis XIII, thế kỷ 17 ở Pháp, có một thư viện 6,000 cuốn sách và nhiều bản viết tay, bằng chữ La tinh, Hy Lạp, Do Thái, Á Rập. Tể tướng Tây Ban Nha cùng thời, Gaspar de Guzman chỉ có hơn 5,000 cuốn! Kế nghiệp Richelieu, Hồng y Mazarin sai người đi mua sách từ các thành phố lớn khắp Âu châu, thu thập được 40,000 cuốn sách in và 850 bản viết tay quý giá. Khi họ qua đời, những bộ sách này dần dần được đưa vào thư viện quốc gia, nếu chưa bị lấy trộm. Nạn trộm sách có thật! Thư viện ở San Marco của gia đình chủ ngân hàng Medici cho phép các học giả vào tham cứu, có 400 bộ sách; sách được khóa bằng xích sắt, trên 64 cái bàn gỗ cứng, vậy mà vẫn có khi mất!

 

Hồi hơn 10 tuổi, không biết tôi đọc ở đâu, có người nói rằng “trộm sách không phải là ăn trộm,” và có lúc cũng tin như vậy. Thực tình, hơn 70 năm qua tôi chưa có dịp ăn trộm sách lần nào – có thể vì nhát gan. Một tay trộm sách để lại tên trong lịch sử là Alois Pichler sinh năm 1833 ở Đức. Ông giữ chức quản thủ thư viện St Petersburg cho các hoàng đế Nga. Ông lợi dụng chức vụ, đã lấy trộm 4,500 cuốn sách và các bản thảo quý, đem bán. Suốt năm ông luôn mặc một cái áo khoác rộng và dài, phía trong áo may những cái túi đủ để giấu sách. Khi bị bắt, ông thú nhận đã may cái áo đó theo kiểu mẫu của một giáo sư ở Munich. Có thể nghi vị giáo sư này cũng là tay chôm sách hữu hạng. Pichler bị đầy lên Siberia, chết ở đó năm 1874.

 

Những tay ăn trộm tài tử không thể so sánh với các đạo quân cướp sách và các vụ tịch thâu sách đại trào. Mỗi lần cách mạng nổi lên ở Âu châu, chính quyền lại có lý do cướp sách của các tu viện, là những nơi tàng trữ sách nhiều nhất từ thời Trung Cổ. Năm 1648, quân Thụy Điển chiếm tu viện Strahow bên ngoài thành phố Praha bây giờ, cướp đi rất mhiều sách, đem về dâng vua! Đạo quân của Napoleon tới thành phố nào cũng cướp sách từ các thư viện, gửi về Paris, tới bây giờ Bibliothèque Nationale vẫn còn lưu trữ! Hoàng đế Joseph II ở Wien giải tán 700 tu viện vào cuối thế kỷ 19, tịch thu tài sản, các sách được mang về thư viện hoàng gia hoặc đem bán, có khi bán làm giấy gói đồ.

 

Khi quân Pháp chiếm Việt Nam, không nghe nói đến chuyện họ cướp các thư viện, công hoặc tư. Có lẽ nghề in ở Việt Nam phát triển chậm, sách đều mua từ Trung Quốc, đắt đỏ, và người mình không có thói quen lập thư viện đủ lớn để kích thích lòng tham! Nhưng trong gia đình các nhà Nho người Việt, những người học chữ Hán, thi đậu được làm quan, chắc hẳn phải chứa sách. Khi quân Minh chiếm nước ta, đầu thế kỷ 15, họ đã được Minh Thành Tổ ra lệnh đốt hết sách vở của người Việt. Công tác này kéo dài nhiều năm, cho thấy dân Việt vẫn giữ sách, dù thư viện rất nhỏ. Thế kỷ 20, chỉ nghe tiếng thư viện Long Cương ở Diễn Châu, Nghệ An lớn nhất, với mươi ngàn cuốn sách, của gia đình Thượng thư Cao Xuân Dục.

 

Trước năm 1975, một người yêu sách ở Sài Gòn ai cũng biết tiếng là Vương Hồng Sển, cụ sưu tầm sách cũng như đồ cổ - gọi là “chơi sách.” Cụ Vương chơi sách nhưng chắc cũng đọc hết các cuốn sách trong nhà, tiếng Việt, tiếng Pháp và chữ Hán. Ở Hòa Lan, thế kỷ 18 ông Samuel van Huls đã sưu tầm 5,000 cuốn sách chỉ vì các kiểu chữ in đẹp, hầu hết chữ La Tinh, với 50 bộ Kinh Thánh, mà chính ông không biết đọc La Tinh.

 

Cụ Nguyễn Hiến Lê viết rất nhiều, chắc phải giữ một thư viện lớn. Nhưng theo lời kể trong Hồi Ký, tập 1, trong nhà cụ chỉ có một cái tủ đựng sách, cao một mét, ngang nửa mét, với một cái giỏ mây lớn mua ở Chợ Cũ để chứa sách – cuối cùng cụ cũng giữ trong nhà hai ngàn cuốn sách, phải mua thêm tủ! Những sách thường dùng cụ xếp loại và không cho ai mượn, “vợ con muốn coi cũng phải hỏi tôi.” Giữ sách kỹ hơn người làm ruộng giữ cầy như thế mà, “phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần với vợ con, và phải nhiều năm họ mới hiểu.”

 

Xin thú thật, tôi không theo được gương cụ Nguyễn Hiến Lê và một nhà văn Pháp, Anatole France. Trên tủ sách ở nhà tôi hồi còn ở Sài Gòn, tôi đã yiết một câu của France: “Đừng bao giờ cho mượn sách! Hãy coi gương tôi, trong tủ sách của tôi toàn là sách đi mượn!” Hôm nay, tìm đọc Hồi Ký của cụ Lê tôi chỉ thấy cuốn đầu. Hai cuốn sau biến đâu từ bao giờ không biết – hơi tiếc, vì ở cuối cuốn thứ ba Nguyễn Hiến Lê có trích hai bài tôi viết khoảng năm 1975, ký tên Vương Hữu Bột!

 





No comments: