Tuesday, January 16, 2024

QUỐC HỘI KHÓA XV GỠ RỐI TƠ LÒNG...THÒNG CHO CÁC KHÓA TRƯỚC? (Mai Bá Kiếm)

 



 

 

QUỐC HỘI KHÓA XV GỠ RỐI TƠ LÒNG...THÒNG CHO CÁC KHÓA TRƯỚC?  

Mai Bá Kiếm

15-1-2024  23:14   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0LoCRDXSdjKUmAS9s8dKqGZanEDSWmWDDzhm9Xcyc3kHDLwm6qeyfobSgCpXHioE9l&id=100089087646024

 

Từ giữa năm 2021 đến nay, Quốc hội (QH) Khóa XV có 6 kỳ họp thường lệ, nhưng có đến 5 kỳ họp bất thường, chưa từng có ở các khóa trước. Website của QH phải mượn lời của PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của QH) giải thích: “Nội dung của kỳ họp bất thường chủ yếu là những nội dung cấp bách, triển khai sớm được ngày nào thì có lợi ngày ấy, là những việc không thể trì hoãn, không thể chờ đến kỳ họp thường lệ“.

 

Cái “không thể chờ” đó, theo Tuổi Trẻ và Thanh Niên đăng là “Phương án mới về kiểm soát đặc biệt khi rút tiền hàng loạt” và “Ngân hàng bị rút tiền hàng loạt đến mức nào NHNN can thiệp?“. “Rút tiền hàng loạt” từng xảy ra tại ACB vào năm 2003 vì dân nghe tin đồn thất thiệt. Rồi, ngày 20/8/2012, dân lại rút tiền hàng loạt tại ACB sau khi bầu Kiên bị bắt. Trước đó, năm 1989-1990 dân rút tiền hàng loạt tại các Hợp tác xã tín dụng và Doanh nghiệp tư nhân của Nguyễn Văn Mười Hai, Huỳnh Là, Lâm Cẩu…

 

“Rút tiền hàng loạt” là chuyện cũ mèm, tại sao bây giờ lại cấp bách và phải tìm “phương án kiểm soát đặc biệt mới”? Trong khi đó, “Kiểm soát đặc biệt” đã được ghi tại điều 92 và 93 của Luật Các Tổ chức tín dụng (CTCTD) số 07/1997/QHX, do Chủ tịch QH Nông Đức Mạnh ký; tại điều 146 và 147 của Luật CTCTD số 47/2010/QH12 do Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng ký.

 

Ngày 15/1/2024, kỳ họp bất thường lần thứ 5, QH Khóa XV khai mạc dưới sự chủ trì của chủ tịch Vương Đình Huệ, và sự tham dự của hai cựu chủ tịch QH Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng để giải quyết vấn đề rất cũ là “rút tiền hàng loạt” và “kiểm soát đặc biệt”, nhưng sư kiện mới và cấp bách là “rút đến mức nào?”.

 

Đáng mừng là chủ tịch Vương Đình Huệ từng là giáo sư về kiểm toán – kế toán, làm Tổng kiểm toán Nhà nước 5 năm 32 ngày, rồi bộ trưởng Tài chính 1 năm 293 ngày (1/7/2006 – 23/5/2013) nên chắc biết rõ sức khỏe của CTCTD thời đó. May mắn hơn là có mặt hai vị chủ tịch QH ký hai Luật CTCTD, trong đó có điều lệ “kiểm soát đặc biệt”. Nay, ba vị ngồi cùng nhau gỡ rối mối tơ vò của các Luật mà mình ký thông qua trước đó.

 

Nhưng, “mức nào” phải kiểm soát đặc biệt sẽ được định lượng hay định tính? Tại kỳ họp thứ 6 cuối năm 2023, góp ý dự thảo Luật CTCTD sửa đổi, tôi thấy nhiều đại biểu không có chuyên môn tài chính, tiền tệ, góp ý chung chung, theo cảm tính, như gỡ rối tơ lòng… thòng! Mong rằng ba vị lãnh đạo chỉ ra gút thắt nằm ở đâu?

 

 

HÌNH :

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=357141880598731&set=pcb.357142103932042

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=357141927265393&set=pcb.357142103932042

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=357142000598719&set=pcb.357142103932042

 

.

16 BÌNH LUẬN  






No comments: