Paris bảo vệ người vô
gia cư trong thời kỳ tuyết giá
10/01/2024
https://thuymyrfi.blogspot.com/2024/01/inh-ai-paris-bao-ve-nguoi-vo-gia-cu.html
Paris nhiều năm rồi không có tuyết.
Hôm qua 08/01 trời trở lạnh như cắt ! Vậy là thành phố Paris thông báo cần thêm
nhân lực cho chiến dịch Chống Lạnh hàng năm. Thế là mình xung phong mặc dù cũng
rất "rét" với cái lạnh đột ngột này.
Làm việc hơn 20 năm trong lãnh vực giúp đỡ người vô gia cư ở Paris, mình
thấy thành phố có những tiến bộ không ngừng trong chính sách hỗ trợ người
nghèo. Vào mùa lạnh cắt da, ngoài chính quyền địa phương còn có nhiều tổ chức
xã hội dân sự cùng góp sức trong việc cứu tế người sa cơ lỡ vận.
Mấy năm trước, thành phố Paris thường trưng dụng một số sân vận động để
đón tiếp người vô gia cư, chủ yếu là đàn ông vì phụ nữ và trẻ em thì đã có
chương trình đặc biệt khác. Họ sẽ được cung cấp phần ăn và ngủ miễn phí qua
đêm, có thể ghi danh cho những đêm tiếp theo trong suốt mùa lạnh kéo dài từ
tháng 11 đến giữa tháng Tư. Hàng dãy giường quân đội được xếp đều trong nhà vận
động với sức chứa lên đến cả trăm giường.
Hai năm nay chính sách được đổi mới hơn, điều kiện đón nhận tốt hơn rất
nhiều. Bây giờ thì Paris mở hẳn một trung tâm đón nhận với phòng riêng có cả tủ khóa để bảo về vật dụng cá nhân.
Phòng tắm và vệ sinh sạch sẽ vì có nhân viên lau chùi cả ngày.
Thức ăn thì không còn là những khẩu phần đồ hộp được hâm nóng, mà là những
món ăn được nấu sẵn từ những nhà hàng công vụ của thành phố. Có hẳn một không
gian bếp để phục vụ bữa ăn ngon và bổ dưỡng hơn đồ hộp. Bữa ăn cũng gồm ba phần
bao gồm khai vị, món chính và tráng miệng, ngoài ra luôn có thêm súp và bánh
mì. Nhà hàng phục vụ cả đêm vì có nhiều người cả ngày lang thang không có gì bỏ
vào bụng, cho nên đó là bữa ăn chính của họ.
Nói đến người vô gia cư chúng ta thường có hình ảnh một anh chàng say xỉn
ăn xin ở gốc phố, hay là những người lười lao động thích sống lang bạt ngoài đường.
Thật ra thì có rất nhiều tình huống khiến cho người ta trở thành vô gia cư. Con
số phải sống thất thểu, lang bạt thường rất ít và họ thường có những vấn đề sâu
thẳm, rắc rối hơn vấn đề vô gia cư.
Còn lại là đa số là những người vì một lý do kém may mắn nào đó mà bị rơi
vào tình cảnh khó khăn. Khi ấy những chính sách xã hội sẽ là chiếc phao giúp họ
tìm lại cân bằng cho cuộc sống mà vẫn giữ được phẩm giá của mình.
Để đón tiếp hàng trăm người mỗi ngày, thành phố phải huy động khá nhiều
nhân lực và ngân sách. Trong số những người nhận lãnh trách nhiệm đón tiếp như
bọn chúng tôi, còn có cả bác sĩ tâm lý, trợ lý xã hội, y tá để trợ giúp họ về
thủ tục hành chánh, sức khỏe và hội nhập.
Các đồng nghiệp tham gia thì có đủ cấp bậc và chức vụ. Từ nhân viên hành
chánh cho đến các sếp lớn nhỏ trong nhiều lãnh vực của thành phố. Tất cả đều
làm chung một công việc là đón tiếp người vô gia cư một cách văn minh, lịch sự
với sự tôn trọng. Bằng cách đó những nhân viên văn phòng và những người có trọng
trách sẽ có những trải nghiệm thực tế để có một cái nhìn đúng đắn hơn về vấn đề
vô gia cư.
Làm công việc xã hội rất nhiều năm, chúng tôi thật sự hài lòng với những
tiến bộ không ngừng trong nỗ lực giúp đỡ và bảo vệ người cô thế.
Nhìn về xã hội của Việt Nam, chúng tôi thấy thiếu hẳn một triết lý nhân
sinh lành mạnh về các chính sách xã hội. Có lẽ phải còn rất lâu thì người Việt
mới hưởng được sự quan tâm đúng mức của Nhà Nước với tư cách là một công dân và
trên hết với tư cách là một Con Người.
ĐÌNH ĐẠI 09.01.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Publié par Thụy My RFI à 17:22
No comments:
Post a Comment