Cuộc đời đầy bi kịch của Lê Xuân Thiết
Tưởng Năng Tiến
10/01/2024
https://baotiengdan.com/2024/01/10/cuoc-doi-day-bi-kich-cua-le-xuan-thiet/
Dù qua đời đã lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do
một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có
hàng triệu người buồn”.
Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông
Thủ tướng này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”.
Dù chỉ ngắn gọn thế thôi, nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt
Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, cũng đã
từng tuyên bố một câu để đời, khiến cả nước nức lòng và hả dạ: “Việt Nam là
một cường quốc về thơ”.
Thật là danh nhân với danh ngôn, toàn là những lời hay ý đẹp!
Đám dân đen thì khác, chỉ phát biểu linh tinh: Cường quốc dân oan, cường quốc vé số…
Họ nói vậy mà hổng thấy kỳ. Đã vậy, lắm kẻ “phản động” lưu
vong, nhất là đám truyền thông ngoài luồng (hoặc ngoài lồng) còn xúm
xít bàn vào:
– Thu Phương (Thoibao.de): “Ngay trong vùng trũng của thế giới, trong khu
vực Đông Nam Á này, không có quốc gia nào, người bán vé số đông như Việt Nam”.
– Tùng Phong (Saigon Nhỏ): “Thật khó tin khi biết doanh thu của ‘công
nghiệp vé số’ lớn hơn cả doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ và than đá cộng lại”.
– Uyên Nguyên (RFA): “Ngồi quán cà phê vỉa hè 58 – Trần Quốc Thảo, quận 1, trong vòng nửa
giờ đồng hồ, đã đếm được 16 người bán vé số đến mời, già có, trẻ có, bệnh tật
có, nhưng xót xa nhất vẫn là những em bé tuổi chưa đầy 15, học hành dở dang hoặc
vừa đi học vừa bán vé số kiếm tiền phụ giúp cha mẹ”.
– Dân Trần (VNTB): “Hằng trăm ngàn người bán vé số dạo trở thành lực lượng
lao động chủ chốt đóng góp vào nền kinh tế quốc gia. Mỉa mai thay,
lực lượng chủ chốt này lại là những người nghèo, người già, người
tàn tật, trẻ em thất học”.
HÌNH : https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-12.png
Có điều “mỉa mai” hơn nhiều nhưng không mấy người biết, là Việt
Nam còn có “triết gia bán vé số” nữa cơ. Ông Lê Xuân Thiết là một
triết nhân thuộc cái diện lạ này, theo tường thuật của phóng viên
báo Tiền Phong:
“Tôi tìm đến chợ Thông thuộc làng An Ninh Thượng,
phường Hương Long, ngoại ô TP Huế, để tìm ông. Vừa đến gần chợ đã thấy một ông
già gầy gò trên chiếc xe đạp cà tàng, tay cầm xấp vé số. Khuôn mặt hốc hác
nhưng đôi mắt thì rất sáng và nụ cười đôn hậu. Tôi đoán ngay ông vé số là ‘triết
gia khoán hộ’ Lê Xuân Thiết”.
HÌNH : https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/01/1-11.png
Ủa? Triết gia mà sao lại ra nông nỗi thế?
Minh Nhân, tác giả
bài phóng sự thượng dẫn, cho biết thêm:
Trước đó, ông từng du học học kinh tế học ở tận
Kiev, Liên Xô cũ. Nhưng vì lý do sức khỏe, ông về học trong nước. Tốt nghiệp Đại
học Kinh tế – Kế hoạch Hà Nội năm 1967 với tấm bằng loại ưu, chàng trai 30 tuổi
Lê Xuân Thiết nhận quyết định về công tác tại Ủy ban Kế hoạch tỉnh Vĩnh Phúc.
Lúc đó cả miền Bắc bị đói, và đối tượng đói nhất lại
chính là người sản xuất ra lúa gạo. Chỉ riêng tỉnh Vĩnh Phú (đầu năm 1968 Vĩnh
Phúc sáp nhập với Phú Thọ thành Vĩnh Phú – NV) thì nông dân lại no đủ.
Đó là kết quả của chính sách “khoán hộ” do Bí thư Tỉnh
ủy Kim Ngọc khởi xướng và triển khai khắp toàn tỉnh từ năm 1968. Nông dân được
giao ruộng đất để tự cày cấy, sau khi đóng sản lượng (đã được khoán theo hộ)
cho nhà nước thì được hưởng phần còn lại, nhờ vậy mà năng suất đạt rất cao, lúa
gạo đầy nhà.
Nhưng đến cuối năm 1968, chính sách “khoán hộ” bị cấm
và Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc bị kiểm điểm nặng nề. Thiết liền tìm đến huyện Lập
Thạch, nơi vẫn còn “lén lút” thực hiện “khoán hộ” và nhận ra việc ông Kim Ngọc
làm là quá đúng, đúng với khoa học và đúng cả đạo lý.
Nhưng do ông Kim Ngọc có thực tiễn mà chưa đúc kết
thành lý luận, nên không bảo vệ được chính sách khoán hộ. Vậy là Thiết viết một
bản luận chứng dài 72 trang, chứng minh chính sách khoán hộ là đúng, là hợp quy
luật; tựu trung trong mấy ý sau: cần giao ruộng đất ổn định, lâu dài cho hộ
nông dân; ai giỏi nghề gì thì làm nghề ấy; nông dân được quyền bán cái mình làm
ra ở đâu đắt nhất và mua cái mình cần ở đâu rẻ nhất; xoá bỏ ngăn sông cấm chợ…
Chính sách khoán hộ đã bị kết án là sai lầm, ông Kim
Ngọc bị kỷ luật, vì vậy bản luận chứng khoán hộ của Lê Xuân Thiết không chỉ bị Ủy
ban Kế hoạch tỉnh Phú Thọ kết luận là: xét lại, chống Đảng, theo tư bản chủ
nghĩa, mà còn bị kết thêm tội “ngoan cố”! Đảng ủy cơ quan liền đề nghị Thiết viết
kiểm điểm và thừa nhận mình sai lầm. Thiết không chịu. Có người rỉ tai Thiết, nếu
cậu cứ ngoan cố vậy thì sẽ chết.
Thiết lắc đầu: “Tôi là người làm khoa học, tôi không
phải là kẻ cơ hội! Thấy đúng mà vẫn nhận sai thì có tội với dân với nước. Thấy
Đảng sai mà vẫn im lặng phục tùng mới là chống Đảng!” Vậy là Thiết nhận án kỷ
luật: khai trừ Đảng, chuyển sang làm nhân viên dọn vệ sinh cho cơ quan. Thiết vẫn
nhẫn nhục với công việc của người lao công…
Ngột ngạt quá, Thiết liền cáo bệnh và xin nghỉ mất sức…
Bán trứng lộn, lượm chai bao đồng nát, làm đủ thứ mà vẫn không đủ ăn. Năm 1988,
đứa em rể làm đại lý vé số thấy ông anh cử nhân kinh tế học đã từng đi Liên Xô
về mà đói rách tả tơi liền bảo về bán vé số.
Ông nói, hoá ra cái nghề bán vé số này lại giúp ông
tồn tại đến tận bây giờ và có lẽ ông sẽ còn nương nhờ nó cho đến ngày nhắm mắt…
Tôi hỏi ông có nguyện vọng được phục hồi như ông Kim Ngọc không, ông cười lắc đầu:“Muộn
rồi, vả lại nhu cầu cho bản thân tôi đâu có nhiều”. Điều cuối cùng trong câu
chuyện hết sức nhiệt huyết của “triết gia” bán vé số vẫn là một niềm khắc khoải:
“Xã hội muốn phát triển thì phải có nền tảng kinh tế chính trị học. Các bạn trẻ
cần phải đam mê và đi sâu nghiên cứu để xây dựng nền tảng đó. Đó chính là nền
móng của nền kinh tế quốc gia, là động lực phát triển xã hội”.
***
Tôi xem xong cái “tấn bi kịch lớn” của vị triết nhân cùng thời
với mình mà không khỏi ái ngại cho sự ngây thơ (“không nhỏ”) của ông:
“Thấy Đảng sai mà vẫn im lặng phục tùng mới là chống Đảng!”
Má ơi! Đảng làm sao mà sai được. Chỉ có mỗi ông là bị trật
đường rầy nhưng vẫn không chịu nhận thôi. Đường lối xuyên suốt của
Đảng là bần cùng hóa nhân dân (bóp chặt cái bao tử cho dễ trị) mà
ông lại góp ý “khoán hộ” tạo “lúa gạo đầy nhà” để chúng ăn no rồi làm
loạn à?
Đã thế, cho mãi đến cuối đời, ông vẫn còn “nhiệt huyết” và
“khắc khoải” về “nền tảng kinh tế chính trị học” (để “phát triển
xã hội”) thì có chết không cơ chứ. “Phú chi, giáo chi” giúp cho dân
giàu, dậy cho dân học là chính sách của bọn quan lại ở thời phong
kiến chứ nào phải thời này.
May mắn là “tấn bi kịch lớn” của cá nhân Lê Xuân Thiết đã hoàn
toàn chấm dứt. Ông từ trần vào lúc 8:30 sáng, hôm 28 tháng 6 năm 2022,
tại quê nhà. Đỡ khổ cho ông và cũng đỡ phiền cho Đảng.
Điều không may là “tấn bi kịch lớn” hơn của nhiều vị thức giả
(trong cũng như ngoài nước) thì vẫn còn nguyên. Họ vẫn nhiệt tình và
đều đặn kiến nghị hay góp ý để sửa đổi bộ máy hành chánh, cải
cách kinh tế, cải tổ giáo dục … mà không biết rằng Đảng chả hề
muốn cải sửa gì ráo trọi.
Chủ trương nhất quán là phải nắm chắc quyền lực bằng mọi giá,
kể cả cái giá ngu dân và bần cùng hóa toàn dân (cho chúng không thể
ngóc đầu lên được) thì Đảng mới an tâm – Giời ạ!
No comments:
Post a Comment