Wednesday, January 10, 2024

NẾU ĐẢNG DÂN TIẾN THẮNG CỬ, CHÍNH SÁCH BIỂN ĐÔNG CỦA ĐÀI LOAN SẼ KHÔNG THAY ĐỔI (RFA)

 



Nếu Đảng Dân Tiến thắng cử, chính sách Biển Đông của Đài Loan sẽ không đổi

RFA
2024.01.09

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/if-the-democratic-progressive-party-wins-the-election-taiwan-south-china-sea-policy-will-remain-unchanged-01092024122309.html

 

Ngày 13 tháng Một, 2024, người dân Đài Loan sẽ bầu cử tổng thống mới của họ. Bà Thái Văn Anh sau hai nhiệm kỳ tổng thống sẽ không tái tranh cử. Đài Loan hiện có ba ứng viên tổng thống với chính sách tương đối khác nhau. Kết quả cuộc bầu cử này liệu sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ - Đài Loan - Trung Quốc ra sao? Biển Đông liệu sẽ có biến động gì lớn cùng với kết quả bầu cử đó?

 

RFA xin giới thiệu một cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Trường Đại học Luật Tp. HCM về vấn đề này. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/if-the-democratic-progressive-party-wins-the-election-taiwan-south-china-sea-policy-will-remain-unchanged-01092024122309.html/@@images/df751e9c-a559-4660-a0c7-59a52492b885.jpeg

Những người ủng hộ Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thành Đức vào ghế tổng thống nhiệm kỳ tới trong một sự kiện vận động bầu cử ở Cao Hùng, Đài Loan ngày 22/12/2023  (Reuters)

 

 

RFA. Theo ông dự đoán, trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan ngày 13 tháng Một, 2024 sắp tới, đại diện đảng nào sẽ thắng cử?

 

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt:

Bầu cử Đài Loan hiện nay là vấn đề nóng. Hiện có ba đảng tranh cử là Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP), Quốc dân đảng (KMT) và Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP). 

 

Đại diện cho Đảng Dân chủ Tiến bộ DPP trong cuộc bầu cử tổng thống này là ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te), hiện là Phó tổng thống cho bà Tổng thống Thái Văn Anh. Đại diện cho Quốc dân Đảng là ông Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih). Còn ông Kha Văn Triết (Ko Wen-je) đại diện cho Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP). 

 

Mỗi bên đều có điểm mạnh, điểm yếu. Năm 1949, Tưởng Giới Thạch thua Mao Trạch Đông và chạy ra Đài Loan. Trong suốt thời gian cầm quyền ở Đài Loan, ông Tưởng cai trị bằng chính sách độc tài. Sau đó giới sinh viên chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây nổi lên đấu tranh đòi dân chủ. Họ là giới lập ra Đảng Dân Tiến DPP ngày nay. 

 

Hiện khó đoán định ai sẽ thắng. Theo luật của Đài Loan thì từ tháng 11 sẽ không được thăm dò kết quả, hoặc thăm dò thì không được công bố, để tránh ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Theo kết quả thăm dò công bố từ tháng 11 thì ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) vẫn nhỉnh hơn các ứng viên khác một chút, được khoảng 32%. 

 

Ông Hầu Hữu Nghi được khoảng 27%, còn ông Kha Văn Triết khoảng 21%. Những kết quả thăm dò này không bảo đảm cho thấy ai sẽ thắng cử vì có rất nhiều yếu tố bên trong và ngoài Đài Loan tác động tới. 

 

Trước năm 2020, bà Thái Văn Anh đã cảm nhận được sự thất thế khi cử tri dường như không hài lòng về đảng của bà. Nhưng chính sách của Trung Quốc ở Hong Kong đã khiến người dân Đài Loan lo ngại và dồn phiếu cho đảng của bà Thái và Quốc Dân Đảng thất bại. 

Còn lần bầu cử sắp tới này, dù sao đi nữa cũng khó có thể có ai đó chiến thắng tuyệt đối. Có khả năng sẽ phải có liên minh giữa các đảng phái. 

 

.

RFA. Có nhiều bên tham gia tranh cử Đài Loan với chính sách đối ngoại khác nhau. Theo ông, mỗi bên sẽ ảnh hưởng đến an ninh khu vực ra sao nếu thắng cử?

 

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt :

Kết quả cuộc bầu cử Đài Loan chắc chắn có ảnh hưởng tới Việt Nam. Cuộc bầu cử Đài Loan ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực eo biển Đài Loan và các vùng xung quanh đồng thời ảnh hưởng đến cả châu Á nói chung. 

 

Cuộc bầu cử này nằm trong một khung cảnh rộng lớn hơn là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ tất nhiên ủng hộ Đảng Dân Tiến với ứng viên là ông Lại Thanh Đức và ứng viên Phó tổng thống là bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim). Còn Bắc Kinh đương nhiên ủng hộ Đảng Quốc dân. Trong lịch sử hai bên từng hợp tác thời chống Nhật và Quốc Dân Đảng theo đuổi chính sách gần gũi với Bắc Kinh. 

 

Mặc dù có ba bên tranh cử nhưng khả năng trúng cử chủ yếu lọt vào hai đảng lớn là Đảng Dân Tiến và Quốc Dân Đảng. Còn Đảng Nhân dân Đài Loan thì yếu hơn nên khả năng chỉ trở thành một bên liên minh nào đó. 

 

Nếu Đảng Dân Tiến thắng thì ông Lại Thanh Đức sẽ tiếp tục chính sách của bà Thái Văn Anh dù có thay đổi một chút. Các chính sách với Hoa Kỳ, Trung Quốc của Đài Loan trong trường hợp đó sẽ không có gì thay đổi lớn. 

 

Điều này cũng sẽ tác động đến tình hình Biển Đông. Chúng ta biết trong suốt thời gian vừa qua thì cả eo biển Đài Loan và Biển Đông đều căng thẳng. Eo biển Đài Loan và Biển Đông có mối liên hệ khăng khít, nếu nơi này căng thẳng thì chỗ kia cũng căng thẳng theo. Chúng ta còn nhớ năm trước khi bà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi của Hoa Kỳ thăm Đài Loan thì Biển Đông cũng căng thẳng theo. 

 

Nếu Đảng Dân Tiến nắm quyền thì đương nhiên chính sách thân Mỹ sẽ vẫn tiếp tục. Đó tình hình eo biển Đài Loan sẽ căng thẳng và Biển Đông cũng sẽ căng thẳng theo. 

 

Còn nếu Đảng Quốc Dân lên nắm quyền thì sẽ có quan hệ hữu nghị, mềm dẻo với Trung Quốc. Tuy vậy, tình trạng đối đầu giữa hai bờ eo biển Đài Loan sẽ giảm bớt nhưng không có nghĩa là nó sẽ chấm dứt. Vì Trung Quốc muốn thống nhất Đài Loan, như ông Tập Cận Bình có nói là chắc chắn không loại trừ việc sử dụng vũ lực. Nhưng lúc này việc sử dụng vũ lực không phải là giải pháp tốt. Tình hình Biển Đông cũng sẽ liên quan tới vấn đề này. 

 

.

RFA. Trung Hoa Dân Quốc khi còn ở lục địa là tác giả của đường chữ U trên Biển Đông. Bản thân Đài Loan sau đó cũng là bên chiếm đảo Ba Bình, là đảo lớn nhất Trường Sa. Bên thắng có ảnh hưởng ra sao tới chính sách của quốc đảo này đối với Biển Đông hay không? 

 

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt :

Về chính sách của Đài Loan đối với Biển Đông thì đúng là Trung Hoa Dân Quốc thời ông Tưởng Giới Thạch là tác giả của đường chữ U trên Biển Đông, đưa ra trong một tài liệu. Sau này, Trung Hoa lục địa kế thừa yêu sách này. Thậm chí một nghiên cứu của Mỹ năm 2014 thì đường chữ U của Trung Quốc ban đầu chiếm khoảng 80% Biển Đông, sau đó tăng lên gần 90% Biển Đông. Và đến tháng 10 năm 2023 thì Trung Quốc xuất bản một bản đồ mới trong đó khu vực Biển Đông không chỉ có chín đoạn mà lên 10 đoạn. 

 

Từ khi bà Thái Văn Anh lên làm Tổng thống thì bà theo đuổi chính sách nước đôi đối với đường chữ U là “không đả động tới nó, cũng không bác bỏ nó”.

 

Đây là do nội tình chính trị Đài Loan. Điều này cũng dễ hiểu vì bà Thái Văn Anh không thể lật ngược tất cả được. Nếu bà Thái Văn Anh bác bỏ đường chữ U thì sẽ bị phía đối lập tấn công. Nhưng bà cũng không đả động tới nó. Với phán quyết của tòa PCA 2016 thì đường chữ U này không có cơ sở pháp lý. 

 

Nếu Đảng Dân Tiến tiếp tục nắm quyền thì họ sẽ tiếp tục chính sách cũ, là mặc dù không bác bỏ đường chữ U từ thời Quốc Dân Đảng nhưng cũng không đề cập đến nó. 

 

Ngoài ra, Đảng Dân Tiến chịu ảnh hưởng của phương Tây với tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế. Do đó, họ không dễ gì đi ngược lại luật pháp quốc tế. Ngoài ra, Đài Loan cũng muốn có quan hệ tốt đẹp với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là các nước ở khu vực Biển Đông, trong đó có Việt Nam. Thậm chí họ còn muốn có quan hệ chính thức. Cho nên đương nhiên họ sẽ không dễ gì mang đường chữ U với đòi hỏi quá đáng như vậy ra nói chuyện. 

 

.

RFA xin cảm ơn nhà nghiên cứu Hoàng Việt đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. 

 

------------------------------------------

Tin, bài liên quan

Thời Sự

 

Trung Quốc muốn kéo dài đàm phán COC vô thời hạn để gây sức ép lên các nước láng giềng

 

Biển Đông: Trung Quốc gia tăng căng thẳng với Philippines và thông điệp cho khu vực

 

Philippines triệu tập Đại sứ Trung Quốc vì những va chạm ở Biển Đông

 

Nếu cuộc chiến Israel - Hamas lan rộng, Biển Đông sẽ trở nên căng thẳng?

 

Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông ra sao?

 





No comments: