Wednesday, January 10, 2024

NĂM THÌN 2024 CỦA TRUNG QUỐC : RỒNG BAY TRONG BÃO (Mỹ Anh / Saigon Nhỏ)

 



Năm Thìn 2024 của Trung Quốc: Rồng bay trong bão

Mỹ Anh  -  Saigon Nhỏ

2 tháng 1, 2024

https://saigonnhonews.com/thoi-su/trung-quoc/nam-thin-2024-cua-trung-quoc-rong-bay-trong-bao/

 

Hàng năm, vào ngày 31 Tháng Mười Hai, Tập Cận Bình luôn có bài phát biểu với quốc dân. Năm nay, người ta chú ý đến câu nói đầy hàm ý của Tập: “Trên đường đi, chúng ta chắc chắn gặp những cơn gió ngược”.

 

 

Năm 2023 để lại những gì?

 

Năm 2023 không phải là năm “thiên hạ thái bình” với Trung Quốc. Sau khi thả lỏng chính sách phong tỏa Covid, nền kinh tế không lấy được đà. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tăng vọt và thị trường bất động sản tiếp tục sụt giảm. Giới đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc ngày càng lo lắng. Những cơn gió ngược thật khốc liệt. Những cơn bão mới đang tích điện để chào đón con rồng Trung Quốc, với loạt dự báo không lạc quan.

 

Giữa Tháng Giêng 2024, Tập Cận Bình sẽ cử một phái đoàn đông bất thường đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, trong cuộc họp mặt thường niên của giới doanh nhân, chính trị gia. Reuters cho biết phái đoàn Trung Quốc sẽ do Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường dẫn đầu – quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc đích thân tham dự kể từ khi Tập xuất hiện vào năm 2017, trong bối cảnh Trung Quốc không còn được xem là thị trường của cơ hội mà là nơi đầy rủi ro.

 

Theo lịch trình chính trị thông thường, Ban chấp hành Trung ương đảng – cơ quan gồm hơn 370 thành viên thuộc giới tinh hoa chính trị, quân sự và doanh nghiệp của Trung Quốc – đáng lẽ phải được triệu tập để dự “Hội nghị Trung ương lần thứ ba” vào cuối năm 2023.

Trong chu kỳ họp 5 năm một lần, hội nghị trung ương luôn thu hút nhiều sự chú ý vì giới quan sát muốn “đọc” những tín hiệu cải cách kinh tế. Tuy nhiên, hội nghị 2023 đã không diễn ra, gây ra nhiều suy đoán về sự bất hòa trong giới lãnh đạo chóp bu về cách giải quyết những khó khăn kinh tế dài hạn của Trung Quốc cũng như những xáo trộn chém giết trong cung đình.

 

Trong thực tế, Bắc Kinh đã tổ chức một hội nghị thường niên vào Tháng Mười Hai 2023 để thảo luận những vấn đề kinh tế cấp bách nhưng người ta không đưa ra bất kỳ biện pháp mới nào để thúc đẩy tăng trưởng.

 

Tăng trưởng GDP trong năm con rồng 2024 thậm chí có thể chậm hơn so với 2023, và chỉ có thể đạt khoảng 5% (mức thấp nhất trong hơn ba thập niên ). Ngân hàng Thế giới dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4.5% vào năm 2024 và 4.3% vào năm 2025.

 

Sự phục hồi của Trung Quốc sẽ tiếp tục mong manh. Giới đầu tư tiếp tục cảnh giác, đặc biệt khi thông điệp của Bắc Kinh ngày càng trở nên không đáng tin (năm 2023, Trung Quốc đã ngừng công bố dữ liệu về tình trạng thất nghiệp của thanh niên).

 

Tháng Mười Hai 2023, tại một cuộc họp về kinh tế, các chính quyền địa phương được yêu cầu “tăng cường tuyên truyền kinh tế” và “ca ngợi những triển vọng tươi sáng của nền kinh tế Trung Quốc”. Bộ Công an còn đi xa hơn khi nghiêm cấm chỉ trích những gì tiêu cực liên quan kinh tế, cho rằng đó là một tội chính trị nghiêm trọng.

 

Ngày 25 Tháng Mười Hai, Caixin (Tài Tân), một tạp chí ở Bắc Kinh, đăng bài xã luận nhấn mạnh cần phải cải cách, nhắc lại rằng thời Cách mạng Văn hóa những năm 1960 và 1970 khi “nền kinh tế quốc gia đang trên bờ vực sụp đổ, thì chính quyền vẫn khẳng định tình hình ‘rất rất tốt’ và ‘ngày càng tốt hơn’.” Bài viết nhanh chóng bị xóa khỏi trang web Caixin.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/01/GettyImages-1886316090.jpg

Thị trường bất động sản là một trong những lĩnh vực u ám nhất nền kinh tế Trung Quốc (ảnh: Costfoto/NurPhoto via Getty Images)

 

 

2024 – thiên hạ không thái bình

 

Năm 2024, Tập Cận Bình tiếp tục đàn áp giới bất đồng chính kiến. Trong suốt năm 2023, cảnh sát đã truy bắt những người tham gia biểu tình chống chính sách phong tỏa Covid nghiêm ngặt. Tại cuộc họp ngày 23 Tháng Mười Hai 2023 thảo luận về những ưu tiên cho năm 2024, tất cả cơ quan công an toàn quốc đều được cấp trên Bắc Kinh ra lệnh “thắt chặt an ninh chính trị” và “chủ động” tăng cường những nỗ lực bảo vệ hệ thống chính trị. Không nơi nào thể hiện rõ chính sách đàn áp bằng ở Hong Kong, nơi đang có kế hoạch áp dụng luật mới vào năm 2024 liên quan các tội chính trị nghiêm trọng như phản quốc, ly khai, xúi giục nổi loạn và lật đổ chính quyền.

 

Tập Cận Bình sẽ tiếp tục củng cố quyền lực, thông qua cái gọi là “cuộc chiến chống tham nhũng”. Truyền thông nhà nước cho biết, trong năm 2023, hơn 100 quan chức tài chính, chủ yếu là giới quản trị ngân hàng, đã bị bắt vì tham nhũng. Tháng Mười Hai 2023, một giám đốc ngân hàng đã bị kết án tù chung thân vì tội biển thủ 2.3 tỷ nhân dân tệ (US$325 triệu).

Việc kéo dài chiến dịch “chống tham nhũng” sang thập niên thứ hai không phải là điểm son thành tựu của Tập Cận Bình mà thật ra là kết quả của việc Tập từ chối chấp nhận những thay đổi về cơ cấu và tính minh bạch cao hơn để quản trị tốt hơn và đất nước “sạch” hơn. Tập đổ lỗi cho những sa sút đạo đức cá nhân, đồng thời nhấn mạnh việc xây dựng phong cách quản lý tập trung. Tập lập luận rằng chỉ có việc thanh lọc liên tục mới có thể giúp đảng mạnh mẽ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/01/GettyImages-1888979483.jpg

Phân tích của Goldman Sachs cho thấy ba trong những ngành công nghiệp chính mà Tập Cận Bình ưu tiên – xe điện, pin lithium-ion và năng lượng tái tạo – chỉ chiếm khoảng 3.5% tổng sản phẩm quốc nội (Chen Bin/VCG via Getty Images)

 

Trong những năm đầu của chiến dịch, dân tình có vẻ hứng khởi. Khoảng 180,000 người đã bị kỷ luật vì vi phạm “đạo đức cách mạng” vào năm 2013, con số này đã tăng lên khoảng 621,000 vào năm 2018, năm mà Tập tuyên bố “chiến thắng” trước nạn tham nhũng. Dữ liệu chính thức cho thấy ít nhất nửa triệu người bị kỷ luật mỗi năm kể từ năm 2017 – gấp khoảng bốn lần so với số người bị kỷ luật thông thường hàng năm khi người tiền nhiệm của Tập nắm quyền từ năm 2002 đến năm 2012.

 

Tuy nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng càng kéo dài, người ta càng thấy Tập sử dụng đòn đánh tham nhũng để thanh trừng và thanh lọc những kẻ không trung thành. Trong thực tế, tham nhũng ở Trung Quốc – tương tự Việt Nam – là lỗi hệ thống chứ không chỉ lỗi cá nhân. Cuộc thanh trừng giúp Tập thu tóm được mức độ quyền lực chưa từng thấy kể từ thời Mao Trạch Đông, dẫn đến kết quả tai hại là sự sợ hãi bóp nghẹt các cuộc tranh luận về chính sách và gây ra sự thiếu quyết đoán trong giới quan chức cấp thấp vào thời điểm Trung Quốc cần có những người lãnh đạo can đảm đương đầu với các vấn đề và những thách thức lâu dài.

 

Sự ảm đạm bao trùm khu vực tư nhân khó có thể được giải tỏa vào năm 2024. Tháng Ba 2023, Tập Cận Bình tuyên bố thành lập Ủy ban Tài chính Trung ương (cơ quan do đảng trực tiếp lãnh đạo), chịu trách nhiệm mọi vấn đề tài chính. Nhiệm vụ của Ủy ban là giám sát các cơ quan như Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (tức ngân hàng trung ương) và Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia mới thành lập. Tập cũng tái lập một cơ quan bị giải tán từ lâu – Ủy ban Công tác Tài chính Trung ương – để thực thi kỷ luật đảng trong bộ máy đảng. Nói chung, người ta không thấy Tập tiếp thêm sinh lực cho những cải cách ủng hộ thị trường mà chỉ nhấn mạnh sự lãnh đạo của đảng – và của Tập.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/01/GettyImages-1823185045.jpg

Tập Cận Bình xây dựng hình ảnh cá nhân như một tượng đài chính trị khổng lồ trong lịch sử đương đại Trung Quốc (ảnh: Wang Ye/Xinhua via Getty Images)

 

                                                   ______________

 

Tập tin rằng những rắc rối của Trung Quốc sẽ ít được chú ý do bị lấn át bởi tình trạng bất ổn ở phương Tây, đặc biệt sự chia rẽ về việc ủng hộ Ukraine và cuộc chiến của Israel ở Gaza, cũng như xung đột chính trị ở Mỹ khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào Tháng Mười Một 2024.

 

Tuy nhiên, những lo lắng phương Tây về Trung Quốc sẽ không giảm. Bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ, Trung Quốc vẫn là mối lo ngại lớn nhất ở Washington. Mỹ sẽ tiếp tục cản trở sự phát triển công nghệ Trung Quốc bằng những hạn chế về đầu tư và thương mại.

 

Xung đột kinh tế giữa Trung Quốc và phương Tây sẽ gia tăng, đặc biệt là khi các chính phủ ở châu Âu và Mỹ bảo vệ ngành công nghiệp xe hơi của họ trước làn sóng xe điện giá rẻ sản xuất tại Trung Quốc. Ủy ban Châu Âu đang điều tra xem liệu xe điện Trung Quốc có được “bao cấp”, vi phạm các quy tắc thương mại hay không. Thuế quan trừng phạt có thể được áp dụng vào năm 2024.

 

                                                ______________

 

 

Ngày mai sẽ không tốt hơn

 

Luôn nhấn mạnh Trung Quốc là “nạn nhân” của phương Tây, Bắc Kinh hy vọng qua đó sẽ nuôi dưỡng tình cảm dân tộc chủ nghĩa. Loạt chương trình đại lễ kỷ niệm vào Tháng Mười 2024 nhân kỷ niệm 75 năm Trung Quốc đi theo con đường cộng sản sẽ được tổ chức vì mục đích tương tự. Luật mới về giáo dục lòng yêu nước, có hiệu lực từ ngày 1 Tháng Giêng 2024, nêu rõ quan điểm nhất quán rằng không bất kỳ người dân nào “đi ngược” lại với “lợi ích dân tộc”.

 

Ca khúc Minh thiên hội canh hảo (Ming Tian Hui Geng Hao, 明天会更好; “Ngày mai sẽ tốt hơn”) từng trở thành một hiện tượng ở Trung Quốc đại lục vào những năm 1980, khi đất nước đang thoát khỏi cảnh nghèo đói và hỗn loạn dưới sự cai trị hắc ám của Mao Trạch Đông. Lời bài hát mang lại cảm hứng, với những câu đại loại “nhìn lên để tìm đôi cánh trên bầu trời”, cho thấy một thế hệ bắt đầu tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn.

 

Bây giờ, người dân Trung Quốc nghe lại bài hát này nhưng với một lý do rất khác. Video bài hát đang lan truyền trên WeChat cùng nhiều ứng dụng giải trí thường kèm theo lời than thở và nỗi buồn về sự kết thúc một thời đại tràn trề hy vọng. “Những năm 1980 đã qua đi vĩnh viễn,” một thính giả viết. “Đã lâu lắm rồi, không còn nữa những năm tháng đam mê cháy bỏng,” một người khác viết. Với nhiều người Trung Quốc, đặc biệt những người trưởng thành trong 40 năm cải cách và mở cửa, Trung Quốc cần phải đi trên con đường không thể đảo ngược, hướng tới tăng trưởng, cởi mở và cơ hội hơn.

 

Tuy nhiên, Tập Cận Bình đang đảo ngược. Tập đang vặn ngược đồng hồ, đưa Trung Quốc trở lại thời Mao, mang lại cảm giác rõ rệt cho người dân rằng họ đang đối mặt một tương lai bất ổn. Những người tiền nhiệm của Tập, bắt đầu từ Đặng Tiểu Bình, đã ủng hộ thị trường tự do, xoáy mạnh việc phát triển kinh tế và giảm siết chặt một số quyền con người.

 

Ngược lại, Tập đặt an ninh quốc gia lên trên nền kinh tế, thắt chặt sự kiểm soát của nhà nước và đặt đảng cộng sản – và bản thân Tập – vào trung tâm xã hội. Tất cả đồng loạt phất cờ đỏ ca ngợi Tập. Một bài báo ngày 16 Tháng Mười Hai đăng trên tạp chí có ảnh hưởng của đảng, Cầu Thị (Qiushi, 求是), đã nâng Tập lên ngang hàng với Mao, gọi Tập là “lãnh tụ nhân dân” – một “danh hiệu” trước đây thuộc về “độc quyền” của “người cầm lái vĩ đại” Mao Trạch Đông.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/01/GettyImages-1337228252.jpg

Trước cổng tập đoàn công nghệ khổng lồ Tencent (腾讯, Đằng Tấn) ở Thâm Quyến giờ đây có một khẩu hiệu mới: “Theo đảng, khởi nghiệp” (ảnh: VCG/VCG via Getty Images)

 

Đã qua rồi thời Trung Quốc truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ và doanh nhân chấp nhận rủi ro dám đặt cược vào tương lai. Bây giờ, giá nhà giảm, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở mức cao kỷ lục, đầu tư tư nhân sụt giảm, hệ thống tài chính chìm trong nợ nần, giảm phát xảy ra, dân số già tăng nhanh…, Trung Quốc còn ngày càng bị tách biệt khỏi thế giới phương Tây, cả về mặt ngoại giao và kinh tế. Có quá nhiều vấn đề đối với Trung Quốc hôm nay và cả ngày mai, trong đó, “công trạng” của Tập là không thể không quy trách nhiệm.

 

                                            =====================

 

Susan Shirk, viên chức ngoại giao kỳ cựu dưới thời Bill Clinton và là tác giả quyển “Overreach: How China Derailed Its Peaceful Rise” (Oxford University Press phát hành Tháng Chín 2022) nói: “Tập Cận Bình đang làm suy giảm nghị lực và sự lạc quan của người dân Trung Quốc”. Dù đưa ra tầm nhìn “giấc mơ Trung Hoa” nhưng Tập Cận Bình lại là kẻ bóp chết giấc mơ Trung Quốc.

 

                                             ====================

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/01/GettyImages-1886454486.jpg

Thâm Quyến đã lột xác nhờ chính sách cải cách nhưng giờ đây lại ngộp thở bởi sự kiểm soát quá mức của Tập Cận Bình (ảnh: VCG/VCG via Getty Images)

 

 

Người dân trong nước lẫn giới đầu tư nước ngoài đều vỡ mộng. Lần đầu tiên sau nhiều thập niên, các công ty Mỹ tiếp tục rút khỏi Trung Quốc. Đảng ở mọi nơi. Ranh giới giữa đảng-nhà nước và khu vực tư nhân ngày càng rối rắm. Điều đó đảo ngược xu hướng vốn được thiết lập từ thời cải cách khi giới lãnh đạo lùi lại và để doanh nhân nhảy ra tuyến đầu phát triển.

 

Tại Thâm Quyến, chính sách cải cách của Đặng Tiểu Bình đã biến làng chài trước đây nằm dưới bóng Hong Kong thành một thành phố đẳng cấp quốc tế với 13 triệu dân, nơi có các công ty công nghệ cạnh tranh toàn cầu như Tencent. “Thời gian là tiền bạc, hiệu quả là cuộc sống” là khẩu hiệu định hướng cho sự phát triển ban đầu của thành phố. Ngày nay, Thâm Quyến có khẩu hiệu mới: “Theo đảng, khởi nghiệp”.

 

Vấn đề là sự chỉ đạo của đảng không làm cho tương lai thành phố sáng lên. Hơn một phần tư diện tích văn phòng ở Thâm Quyến bị bỏ trống sau khi Tập bắt đầu chiến dịch giám sát vào năm 2020. Cuộc đàn áp tàn khốc, chủ yếu những gì liên quan pháp lý, đã xóa sạch hơn US$1 nghìn tỷ giá trị thị trường của các công ty công nghệ niêm yết chứng khoán, khiến hàng loạt công ty phải sa thải vô số nhân viên và cắt giảm hoạt động kinh doanh – theo Wall Street Journal ngày 28 Tháng Mười Hai 2023.

 

Phân tích của Goldman Sachs vào đầu năm 2023 cho thấy ba trong những ngành công nghiệp chính mà Tập Cận Bình ưu tiên – xe điện, pin lithium-ion và năng lượng tái tạo – chỉ chiếm khoảng 3.5% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc, không đủ lớn để thay thế lĩnh vực bất động sản, vốn từng chiếm hơn 20% nền kinh tế trước khi suy yếu sau trận càn quét trấn áp của Bắc Kinh. Ba ngành công nghiệp trên cũng không đủ lớn để mang lại việc làm cho hàng triệu sinh viên tốt nghiệp đại học lẫn người lao động nhập cư.

 

Nếu trọng tâm chính sách hiện tại của Tập vẫn giữ nguyên, các nhà kinh tế cảnh báo, Trung Quốc có thể không bao giờ thoát khỏi nhóm những thị trường mới nổi có thu nhập trung bình, nói gì đến việc vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

 

 

 




No comments: