Làm người Việt yêu nước thật khó!
Thứ Bảy, 01/20/2024 - 07:43 — tuankhanh
https://www.rfavietnam.com/node/7914
Tưởng niệm 50 mất Hoàng Sa, nhưng mọi thứ có vẻ đi
qua ở Việt Nam im lặng và chìm ngập trong làn sóng mua bán, vui chơi. Chưa bao
giờ có một ngày tưởng niệm mất nước lại đau như vậy. Đau như ai bóp nát sức
sống Việt, ngấu nghiến lòng yêu nước ngàn đời của tổ tiên Việt băng mù loà cơm
áo. Đôi ba lời giận dữ vang lên trên mạng xã hội, vài tiếng kêu tuyệt vọng thư
ngỏ phát đi, lạc lõng tựa như đang sống trong một vùng đất khác, quyền lực
khác, không phải của người Việt.
Mới nhớ chuyện đã qua, mà ngẫm.
Năm 2015, trong lần đến gặp nhà nghiên cứu Phan
Thuận An ở Huế, ông giới thiệu cho thấy một văn bản thú vị có từ thời vua Bảo
Đại – rất quan trọng – để chứng minh rằng Hoàng Sa thuộc về Việt Nam.
Bản gốc tấu chương năm 1939, của học giả Phạm Quỳnh,
bấy giờ có chức Tổng lý đại thần, gửi cho vua Bảo Đại để xin ủy lạo cho binh sĩ
đồn trú ở Hoàng Sa, nơi thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam.
Vào thời ấy việc di chuyển ra Hoàng Sa bằng thuyền,
đồn trú luân phiên của binh sĩ rất khó khăn. Không chỉ là trấn giữ phần đảo chủ
quyền, mà đôi khi phải đánh nhau với hải tặc và cứu hộ cho ngư dân Việt.
Bắc Kinh thì luôn đưa ra những lý luận cho thấy rằng
Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc, lấn át và thách thức Việt Nam về các chứng cứ chủ
quyền. Văn bản quý của nhà nghiên cứu Phan Thuận An đưa ra là một trong những
chứng cứ mạnh mẽ và dứt khoát về việc Hoàng Sa thuộc người Việt Nam cho đến tận
thời kỳ vương triều cuối cùng.
Với tấm lòng yêu nước, nhà nghiên cứu Phan Thuận An
gửi tặng bản gốc tấu chương cho Hà Nội, để nhằm góp vào những cứ liệu bảo vệ
chủ quyền tổ quốc, theo lời kêu gọi lúc ấy. Ông chụp lại để làm bằng chứng, và
kỷ niệm, treo ngay trong phòng khách nhà mình. Nhưng không hiểu vì sao chưa bao
giờ thấy Hà Nội chính thức sử dụng tư liệu này trong việc tranh cãi về chủ
quyền Hoàng Sa với Trung Quốc, và cũng không thấy chia sẻ bản văn này với bất
kỳ nhóm nghiên cứu hay nhà nghiên cứu nào về biển Đông trong việc chống lại các
luận điệu xâm lược hàm hồ của Trung Quốc.
Khi hỏi ông rằng, liệu ông có biết giờ này văn bản
đó ở đâu không? Nhà nghiên cứu cả đời gắn với Huế cười buồn, “chỗ mô thì chỉ có
họ biết thôi”. Ông nói rằng ông chỉ làm hết trách nhiệm của một công dân với tổ
quốc – đặc biệt là một công dân ý thức mình là người Việt Nam – chứ không vì
bất kỳ chuyện công danh hay lý tưởng chủ nghĩa gì cả.
Khác với những kẻ sau năm 1975 được tự tung tự tác
chiếm đoạt các tài liệu quý của nhà Nguyễn, cũng như từ văn khố lưu trữ của nhà
nước Việt Nam Cộng Hòa, rồi tự xưng mình là Huế học hay là nghiên cứu cách mạng
gì đó, nhà nghiên cứu Phan Thuận An tự mình đã viết lên hàng trăm công trình
nghiên cứu, chọn sống một đời kể lại quá khứ có thật, và khiêm tốn.
Theo lời của nhà nghiên cứu Phan Thuận An thì sau tấu chương của Phạm Quỳnh,
các binh sĩ được Hoàng đế Bảo Đại thưởng hậu.
Cũng như hậu sinh Phan Thuận An, học giả Phạm Quỳnh
cũng đã làm tất cả mọi thứ trong đời mình với một trách nhiệm công dân, chứ
không chỉ là một quan chức dâng tấu chương. Thế nhưng tâm huyết của ông với đất
nước và văn hóa Việt Nam được đổi lại bằng án tử hình bởi những người cộng sản,
hay nói chính xác hơn là từ Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Thừa Thiên, vào năm 1945.
Trong tạp chí Xưa và Nay số 269 (tháng 10/2006), do
người chịu trách nhiệm là nhà sử học Dương Trung Quốc, cũng ghi chép lại việc
tử hình ông bởi cách mạng. Toàn văn kết án của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Nguyễn
Tri Phương kính gửi Tòa án quân sự Thuận Hóa ngày 9/12/1945, ghi rằng:
“Phạm Quỳnh, một tay cộng sự rất đắc lực của giặc
Pháp trong việc củng cố địa vị của Pháp ở Đông Dương, đã bao phen làm cho quốc
dân phải điêu đứng. Phạm Quỳnh đã giúp sức cho quân cướp nước làm mê muội dân
chúng Việt Nam. Với cái nghề mãi quốc cầu vinh, Phạm Quỳnh đã từ một tên viết
báo nhảy lên một địa vị cao nhất trong hàng quan lại Nam triều. Phạm Quỳnh lại
còn dựa vào thế lực Pháp và địa vị của mình bóc lột, vơ vét tài sản của quốc
dân. Mặc dầu chính quyền của giặc Pháp đã bị truất sau ngày đảo chính 9-3-1945,
nhiều triệu chứng tỏ rằng Phạm Quỳnh chỉ chờ cơ hội rước bọn thực dân Pháp đến
làm cho diệt nước chúng ta”. (trích)
Trong văn bản này, còn hai người nữa bị kết án tử
hình nữa là Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Huân, thuộc gia đình của tổng thống đệ
nhất VNCH Ngô Đình Diệm. Được biết, vừa khởi nghĩa chiếm chính quyền, Ủy ban
Cách mạng vừa cho người đến bắt ngay cả ba ông, vào ngày 23-8-1945.
Xưa và Nay cũng có trích lời của nhà sử học Cộng sản
Trần Huy Liệu rằng việc kết án và giết hại Phạm Quỳnh là điều sai lầm và hoàn
toàn vô lý. Kết luận của bài nghiên cứu lịch sử rằng việc giết người đó, vô
cùng “lạc lõng” trong thời đại cách mạng đang muốn chinh phục lòng người của
ông Hồ Chí Minh. Tiếc thay sự thật thì vẫn còn đó, nhưng những câu chuyện để
bảo vệ sự thật như ở Xưa và Nay, thì cũng hết sức lạc lõng trong một thời đại
thiếu ánh sáng.
Đọc chuyện xưa, mà sợ. Những nỗ lực gây dựng và phát
triển văn hóa Việt Nam với tư cách công dân yêu nước của học giả Phạm Quỳnh chỉ
được đổi lại bằng cái chết, và sự thật bị bóp méo.
Nghe chuyện nay, rồi buồn. Tư liệu nghiên cứu công
phu với tư cách công dân yêu nước của nhà nghiên cứu Phan Thuận An cũng được
đổi lại bằng sự thờ ơ, và lãng quên.
Và cũng có rất nhiều công dân yêu nước khác trên đất
nước này đã làm tất cả theo bổn phận và lương tâm, nhưng rồi chỉ được đổi lại
bằng sự đe dọa, sách nhiễu hay tù đày như Trần Huỳnh Duy Thức Nguyễn Văn Hóa,
Hoàng Bình, Trần Đức Thạch… và rất nhiều người khác nữa, không thể kể hết.
Ngẫm lại, sống với một lương tâm công dân yêu nước,
thật khó biết bao.
No comments:
Post a Comment