Hồng Hải « dậy sóng » khuấy động giao thương quốc
tế
Thanh Hà - RFI
Đăng ngày: 20/01/2024 - 13:37
Một tuần lễ sôi động ở Hồng Hải, an ninh và địa chính trị chiếm vị trí lớn
trong tuần lễ diễn đàn kinh tế thế giới Davos, Thụy Sĩ. Nhìn từ châu Á,
câu hỏi đặt ra là gạo của Việt Nam hay ô tô điện của Trung Quốc có thể tiếp tục
dễ dàng được chuyển đến các thị trường châu Âu nếu như giao thương ở Hồng Hải bị
đe dọa ? Bắc Kinh trong tuần đã kêu gọi « chấm dứt các hành động uy
hiếp tàu dân sự » đi qua Hồng Hải.
Bản đồ về các tuyến giao thương hàng hải. Xung đột ở
Hồng Hải buộc tàu chở hàng phải đánh đường vòng, từ Á sang Âu. © France 24
Thời sự quốc tế trong tuần lễ từ 15 đến 19/01/2024 nổi bật với nhiều sự
kiện : Ngoài an ninh ở Hồng Hải, căng thẳng đột ngột giữa Iran và Pakistan ở đường
biên giới làm dấy lên lo ngại thêm một « mặt trận nóng có nguy cơ mở ra tại
một khu vực được cho là đã khá bất an » : Pakistan, một quốc gia Hồi
Giáo có vũ khí hạt nhân.
Tại Hoa Kỳ, trong cuộc chạy đua giành vé đại diện cho đảng Cộng Hòa ra
tranh cử tổng thống Mỹ, ở hiệp đầu, Donald Trump giành thắng lợi vẻ vang trong
cuộc bầu cử sơ bộ diễn ra hôm 15/01/2024 ở bang Iowa.
Về thời sự châu Á, sau nhiều ngày căng thẳng giữa Trung Quốc và
Philippines về vấn đề Biển Đông cộng thêm với việc Manila chúc mừng tổng thống
tân cử Đài Loan Lại Thanh Đức, ứng viên không được Bắc Kinh ủng hộ, quan hệ
song phương có dấu hiệu tạm lắng xuống sau cuộc họp ở Thượng Hải với tuyên bố
chung là « đôi bên cần duy trình kênh đối thoại » vì hòa bình và ổn định
khu vực.
Trái lại ở Đông Bắc Á, lãnh tụ Bắc Triều Tiên thu hút chú ý qua tuyên bố
xem Hàn Quốc là « kẻ thù chính » của chế độ Bình Nhưỡng, « không
có ý định tránh né chiến tranh », dẹp bỏ các cơ quan có nhiệm vụ đối thoại
với chính quyền Seoul. Cũng ông Kim Jong Un nhắc lại lập trường sẽ « tiêu
diệt » láng giềng phương Nam nếu có chiến tranh. Những lời lẽ
« đằng đằng sát khí » này được đưa ra vào lúc ngoại trưởng Bắc Triều
Tiên công du Nga.
Iran và chảo lửa Cận
Đông
Để bảo vệ an ninh cho các tàu chở dầu và chở hàng trong vùng Vịnh Aden và
Hồng Hải, nơi 12 % giao thương quốc tế phải đi qua, liên quân Anh - Mỹ từ hôm
12/01/2024 dồn dập oanh kích sào huyệt của phe nổi dậy Houthi thân Iran tại
Yemen.
Sau nhiều năm trên tuyến đầu chống Houthi, tại sao ông vua dầu hỏa Ả Rập
Xê Út lại hoàn toàn im lặng khi Hoa Kỳ tấn công phe nổi dậy này ở Yemen ?
Có hai yếu tố cho phép trả lời câu hỏi trên : Dù đã dẫn đầu một liên minh
quốc tế chống Houthi, Ryiad đã đàm phán với phe nổi dậy Yemen cùng lúc đạt được
thỏa thuận « hàn gắn » với chính quyền Cộng Hòa Hồi Giáo Iran. Thêm
vào đó hoàng thái tử Ben Salman lại có quan hệ cá nhân « tệ hại » với
tổng thống Joe Biden. Đó là hai yếu tố chính giải thích thái độ « trung lập »
và sự im lặng bất thường của Ả Rập Xê Út vào lúc Hồng Hải đang rơi vào cảnh
khói lửa.
Nhìn từ châu Á, câu hỏi đặt ra liệu rằng gạo của Việt Nam, ô tô điện của
Trung Quốc có thể tiếp tục dễ dàng được chuyển đến các thị trường châu Âu nếu
như giao thương ở Hồng Hải bị đe dọa ? Bắc Kinh trong tuần kêu gọi
« chấm dứt các hành động uy hiếp tàu dân sự » đi qua Hồng Hải.
Trả lời RFI Pháp ngữ, Jean-François Dufour, đồng sáng lập viên công ty tư
vấn Sinopole, phân tích :
« Những tác động hiện thời chưa đè nặng lên
giao thương của Trung Quốc, thế nhưng Bắc Kinh muốn bằng mọi giá tránh để kịch
bản đó xảy ra, như vào thời điểm này, ngành công nghiệp xe hơi của Trung Quốc
đang mở chiến dịch đẩy mạnh xuất khẩu. Trung Quốc vừa hạ thủy thêm nhiều tàu chở
hàng, chủ yếu là để chở xe điện của nước này sang thị trường châu Âu và bắt buộc
phải đi qua Hồng Hải. Do vậy, các diễn biến gần đây trong vùng biển này không
thuận lợi cho Trung Quốc chút nào. Chi phí sẽ tốn kém hơn, hàng bị chậm đưa
sang châu Âu. Đó là những điều mà rất bất lợi cho các nhà sản xuất Trung Quốc ».
Xung đột Gaza và
chính sách 3 KHÔNG của Israel
Trong khi đó, bất đồng giữa Hoa Kỳ và Israel càng lúc càng rõ rệt về chiến
tranh ở Gaza, về hồ sơ Palestine. Một lần nữa, quan hệ cá nhân giữa tổng thống
Joe Biden với thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng là một trở ngại. Lần đầu tiên
lãnh đạo Israel chính thức khẳng định với Nhà Trắng dứt khoát từ chối giải pháp
thành lập một nhà nước Palestine. Đặc phái viên RFI Julien Chavanne từ
Jérusalem tường trình về cuộc họp báo của ông Netanyahu tối Thứ Năm
18/01/2024 :
« Trong cuộc họp báo tối qua, Benjamin Netanyau
đã ba lần nói không ; không với kế hoạch thành lập một nhà nước Palestine,
không với khả năng ban hành lệnh ngừng bắn và không với việc công nhận chủ quyền
của Palestine ở Gaza.
Washington đã ghi nhận tin này một cách rất khô
khan. Nhà Trắng chỉ bình luận là ‘tiếp cận vấn đề từ một góc độ khác’. Mỹ
gây áp lực với thủ tướng Israel để tiến tới giai đoạn kế tiếp, đó là thành lập
một nhà nước Palestine, điều kiện thiết yếu theo quan điểm của Hoa Kỳ cho phép
mang lại hòa bình. Thế nhưng theo lời Einat Wilf, một cựu dân biểu Quốc Hội
Israel và một nhà quan sát về bang giao giữa Israel với Mỹ, Nhà Trắng đang nhắm
nhầm mục tiêu. Theo bà, ‘vào thời điểm này, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác hoàn
toàn mù quáng’ về những lý do thực thụ của cuộc xung đột. Vấn đề không phải là
Benjamin Netanyahu. Nhưng nếu Mỹ gây sức ép với Israel để thành lập một nhà nước
Palestine mà không đặt những điều kiện tiên quyết với người Palestine để dừng
cuộc chiến chống lại nhà nước Do Thái, thì đây sẽ là một ý tưởng tai hại’.
Mọi chuyện càng thêm khó khi mà hai ông Joe Biden và
Benjamin Netanyahu không thuận thảo với nhau. Từ nhiều tuần qua, hai nhà lãnh đạo
này không trực tiếp trao đổi với nhau qua điện thoại »
Thổ Nhĩ Kỳ bước đầu
chinh phục không gian
Nhìn sang Ankara, niềm tự hào của Thổ Nhĩ Kỳ mang tên Alper Gezeravci,
phi hành gia đầu tiên của quốc gia Hồi Giáo này bay lên Trạm Không gian Quốc tế
ISS. Từ Cap Canaveral, bang Florida, Alper cùng với các đồng nghiệp người Thụy
Điển, Ý và Tây Ban Nha bắt đầu một chuyến công tác trong hai tuần.
Thông tín viên thường trực của RFI từ Istanbul, Anne Andlauer tường
trình :
« Một sự kiện lịch sử, một niềm tự hào quốc
gia. Báo chí và các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ lập đi lập lại những cụm từ nay để
chào mừng chuyến bay đưa phi hành gia Alper Gezeravci bay lên trạm không gian
quốc tế. Đây là một trong 10 tham vọng hàng đầu tổng thống Recep Tayyip Erdogan
đã đề xuất cách nay ba năm. Chiến lược này đã có được là nhờ hồi 2018 Thổ
Nhĩ Kỳ đã lập ra Cơ Quan Không Gian Quốc Gia
.
Nhìn từ Ankara, rõ ràng là Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt chỉ
tiêu rất xa và nhất là với việc phi hành gia Alper Gezeravci ở lại trạm không
gian trong vòng 14 ngày. Đối với tổng thống Erdogan việc đưa được phi hành gia
đầu tiên lên trạm này là cả một biểu tượng, ‘ về một nước Thổ Nhĩ Kỳ hùng mạnh
và đang khẳng định vị thế trên trường quốc tế’.
Ankara muốn tham gia vào câu lạc bộ các cường quốc
chinh phục không gian và coi lĩnh vực này là đất dụng võ để các ‘nước lớn’
tranh hùng. Nền công nghiệp không gian của Thổ Nhĩ Kỳ đã có một kinh nghiệm vững
chắc, đặc biệt là qua các chương trình thiết kế và sản xuất vệ tinh. Ankara giờ
đây đang hướng tới một mục tiêu khác: phóng phi thuyền đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ
lên Mặt trăng trước năm 2026 ».
Thái Lan : Bản
án 50 năm tù vì tội khi quân
Vào lúc Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa được người lên Trạm Không gian Quốc tế, tại
Thái Lan phỉ báng nhà vua, động chạm đến hoàng gia vẫn là một trọng tội. Hôm
18/01/2024, một công dân Thái Lan đã bị tuyên án 50 năm tù vì tội khi quân.
Thông tín viên Carol Isoux giải
thích :
« Mongkol Thirakot, có nghĩa là ‘con Rồng’,
30 tuổi ,vừa bị tòa phúc thẩm của tỉnh Chaing Rai, ở miền Bắc Thái Lan tuyên án
50 năm tù vì tội đăng lời bình luận trên internet với nội dung phỉ báng hoàng
gia. Đây là bản án nặng chưa từng có trong lịch sử tư pháp Thái Lan. Tại quốc
gia này, nhạo báng nhà vua và khi quân là những tội bị trừng phạt nghiêm khắc
nhất. Hình phạt nặng nề này (bản án bị kéo dài thêm 11 năm so với phán quyết
ban đầu), là một hình phạt để làm gương và chứng tỏ rằng không ai có thể động
chạm đến chế độ quân chủ Thái Lan.
Cải tổ luật khi quân là một trong số những đòi hỏi của
thế hệ trẻ ở Thái Lan. Họ đòi nới rộng quyền tự do ngôn luận. Thanh niên Thái
Lan tố cáo chế độ sử dụng luật khi quân để bịt miệng mọi tiếng nói đối lập.
Trong cuộc bầu cử Quốc Hội hồi tháng 5 năm ngoái, một phần lớn cử tri ủng hộ đảng
chủ trương thay đổi luật khi quân này. Nhưng rồi cánh bảo thủ, qua những thủ đoạn
liên kết với các đảng phái khác nhau cuối cùng đã ngăn cản các dân biểu của đảng
này lên cầm quyền ».
No comments:
Post a Comment