Hàn
Quốc bất lực trước tên lửa bội siêu thanh của Bắc Triều Tiên
Thu Hằng - RFI
Đăng ngày: 18/01/2024 - 12:26
Bắc Triều Tiên đạt
thêm một tiến bộ vượt bậc trong chiến lược tăng cường kho vũ khí tầm xa hướng
đến lục địa Mỹ, mà lãnh đạo Kim Jong Un vào năm 2021 đã cam kết thực hiện.
Ngày 14/01/2024, Bình Nhưỡng đã phóng thử tên lửa bội siêu thanh sử dụng nhiên
liệu rắn, loại tên lửa mà giới chuyên gia Hàn Quốc lo ngại vì khó bị bắn chặn,
có thể bay đến thủ đô Seoul chỉ trong khoảng 1 phút.
Hình ảnh do chính phủ Bắc Triều Tiên cung cấp: Tên
lửa bội siêu thanh tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn được phóng ngày 14/01/2024. AP
Tại sao
tên lửa IRBM được thử gần đây lại gây lo ngại ?
Vụ bắn thử, được Bắc Triều Tiên thông báo là thành
công, diễn ra hai tháng sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công động cơ cho
một loại tên lửa đạn đạo tầm trung IRBM sử dụng nhiên liệu rắn.
Theo Reuters, tên lửa siêu thanh thường phóng một
đầu đạn bay nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh (còn gọi là March 5), có nghĩa là
khoảng 6.200 km/giờ, và thường hoạt động ở độ cao tương đối thấp, có khả năng
cơ động để tránh bị phát hiện và đánh chặn. Dù tên gọi là “siêu thanh” nhưng
đặc điểm chính của các loại vũ khí siêu thanh không phải là tốc độ (thường bằng
hoặc nhanh hơn các đầu đạn của tên lửa đạn đạo truyền thống), mà là khả năng cơ
động.
Trong lần thử đầu tiên tháng 09/2021, tên lửa siêu
thanh của Bắc Triều Tiền mang đầu đạn hình tầu lượn. Lần thứ hai diễn ra năm
2022, được giới phân tích quân sự Hàn Quốc cho là để thử phương tiện hồi quyển
(quay trở lại khí quyển) cơ động hình nón (MaRV) - có nghĩa là một đầu đạn tên
lửa đạn đạo có khả năng cơ động để đạt đến mục tiêu. Vụ thử hôm 14/01/2024 là
nhằm kiểm tra độ tin cậy của các động cơ nhiêu liệu rắn mới và khả năng điều
khiển của đầu đạn khi bay.
Một tên lửa bội siêu thanh mang đầu đạn cơ động là
một mối nguy hiểm. Thực vậy, sự kết hợp một đầu đạn lượn và một tên lửa có khả
năng phóng đầu đạn đó vào vào quỹ đạo - còn được gọi là hệ thống mang/ném đầu
đạn theo quỹ đạo thấp của Trái đất (FOBS) - có thể sẽ khiến đối thủ, cũng như
các hệ thống phòng không truyền thống, không có thời gian ứng phó. Ngược lại,
tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang các đầu đạn hạt nhân bay theo lộ trình
đạn đạo di chuyển trong không gian, nhưng không bao giờ lên đến quỹ đạo.
Theo trang South China Morning Post, tên lửa
bội siêu thanh nằm trong danh sách các loại vũ khí tối tân được nhà lãnh đạo
Kim Jong Un cam kết phát triển tại Đại hội đảng Lao Động Triều Tiên năm 2021.
Những tên lửa siêu thanh được bắn thử năm 2022 và 2023 đều sử dụng nhiên liệu
lỏng, bay nhanh hơn 10 lần vận tốc âm thanh. Cũng trong năm 2023, Bình
Nhưỡng đã phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liêu rắn đầu
tiên và vệ tinh do thám quân sự đầu tiên (vào tháng 11). Ngoài ra, kho vũ
khí của Bắc Triều Tiên còn có các tên lửa mang đa đầu đạn, tên lửa hạt
nhân phóng từ tầu ngầm…
Hàn Quốc
nằm sát tầm bắn
Quân đội Hàn Quốc cho biết tên lửa IRBM được bắn từ
thủ đô Bình Nhưỡng hoặc vùng phụ cận, đã bay khoảng 1.000 km và rơi xuống biển.
Kết quả vụ thử không được Bắc Triều Tiên nêu chi tiết. Nhưng một tên lửa IRBM
thường bay được từ 3.000 đến 5.500 km, có nghĩa là có thể bắn trúng bất kỳ điểm
nào ở miền nam Hàn Quốc, cũng như bắn tới những căn cứ quân sự Mỹ ở Guam hoặc ở
Nhật Bản với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Nếu những dữ liệu đó là chính
xác, một tên lửa bội siêu thanh được bắn từ thủ đô của Bắc Triều Tiên có thể
đến Seoul chỉ trong khoảng 1 phút.
Loại vũ khí này có thể “thay đổi toàn bộ
tương quan lực lượng” trên bán đảo Triều Tiên. Theo giới chuyên
gia, được trang Korea Times trích dẫn, vụ thử tên lửa IRBM ngày 14/01
gióng tiếng chuông báo động cho Hàn Quốc, bởi vì hiện giờ chưa một hệ thống
phòng không nào được triển khai tại miền nam Triều Tiên có thể bắn chặn được
những tên lửa như vậy.
Kim Yeoul Soo, nhà phân tích tại Viện Quân sự Hàn
Quốc, lưu ý : “Tên lửa Bắc Triều Tiên đặt ra hai thách thức cho
quân đội Hàn Quốc. Trước tiên, các tên lửa đó sử dụng nhiên liệu rắn, dễ vận
chuyển hơn và dễ bắn hơn so với các tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng. Do đó,
cảnh báo sớm và tấn công phủ đầu sẽ rất khó. Ngoài ra, thường rất khó bắn chặn
các tên lửa siêu thanh do tốc độ nhanh, khả năng cơ động và bay ở tầm thấp và
lộ trình khó đoán. Hiện giờ, cả Hàn Quốc lẫn Mỹ đều không có hệ thống đáng tin
cậy để chống lại những mối đe dọa như vậy”.
Nhà phân tích Shin Jong Woo, thuộc tổ chức tư vấn
Diễn đàn An ninh Quốc phòng Hàn Quốc (Korea Defense Security Forum), đánh giá
tên lửa bội siêu thanh tầm trung nhiên liệu rắn, cùng với những tên lửa tối tân
được thử nghiệm trước đây của Bình Nhưỡng, “dường như là giải pháp của
Bắc Triều Tiên đối với (hệ thống tấn công phủ đầu) Kill Chain của chúng ta và
hệ thống phòng không đang được phát triển”. Hàn Quốc đang phát triển nhiều
tên lửa địa đối không tầm xa để cải thiện hệ thống phòng không chống vũ khí
siêu thanh. Những tên lửa này chỉ có thể được triển khai từ năm 2028 nếu mọi
chuyện suôn sẻ.
Nga-Bắc
Triều Tiên : Mối quan hệ nguy hiểm cho Mỹ, Hàn Quốc
Song song với việc thị uy sức mạnh quân sự bằng các
vụ thử tên lửa, Bắc Triều Tiên không ngừng lên tiếng de dọa Hàn Quốc và các
đồng minh. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đề nghị Quốc Hội ghi Hàn Quốc là “kẻ
thù chính” vào Hiến Pháp. Bình Nhưỡng cắt đứt mọi mối quan hệ với
Seoul và đang xích lại gần với Matxcơva. Ngày 13/01, ngoại trưởng Bắc Triều
Tiên Choe Son Hui lên đường công du Nga ngay trước hôm Bình Nhưỡng bắn thử
tên lửa bội siêu thanh nhiên liêu rắn tầm trung.
Leif-Eric Easley, giáo sư về nghiên cứu quốc tế, Đại
học Ewha Womans Seoul, cho rằng “sự thị uy sức mạnh của Bình Nhưỡng
không chỉ gây lo ngại cho Seoul. Vì Bình Nhưỡng hợp tác quân sự với Nga
trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraina nên có thể thách thức Hoa Kỳ và các đồng
minh, trong khi cả thế giới chú tâm vào Trung Đông”.
Một số chuyên gia khác, được SCMP trích dẫn, tỏ ra
lo ngại về việc Nga, nổi tiếng về công nghệ tên lửa siêu thanh tân tiến, có thể
sẽ hỗ trợ Bình Nhưỡng phát triển phiên bản Avangard riêng. Avangard là loại tên
lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được các nhà khoa học Nga phát
triển.
Tên lửa IRBM của Bắc Triều Tiên có thể vô hiệu hóa
hệ thống chống tên lửa của Hàn Quốc và đe dọa các lực lượng chiến lược Mỹ, ví
dụ các đội tầu sân bay tấn công ở Tây Thái Bình Dương. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng
có thể được lợi, theo nhà phân tích Lee Il Woo tại Korean Defence
Network : “Những kiểu tên lửa này cũng có thể được sử dụng để hỗ
trợ Trung Quốc bằng cách răn đe các tầu sân bay Mỹ tiến gần đến biển Hoa Đông
nếu diễn biến tình hình không tốt đẹp ở eo biển Đài Loan. Đây là một bước tiến
mới của miền Bắc trong nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự”.
Cuối năm 2023, Kim Jong Un đã yêu cầu quân đội tăng
cường chuẩn bị chiến tranh trước những hành động đối đầu “chưa từng có” do
Hoa Kỳ cầm đầu nhắm vào Bắc Triều Tiên. Ngày 15/01, lãnh đạo Bắc Triều Tiên
khẳng định “không né tránh chiến tranh”, sẵn sàng “tiêu
diệt” “kẻ thù chính” Hàn Quốc và thống nhất đất nước. Căng
thẳng sẽ không giảm trong thời gian tới với hàng loạt sự kiện: Hàn Quốc và Mỹ
sẽ tập trận chung thường niên vào tháng 03 và 08, Hàn Quốc bầu Quốc
Hội vào tháng 04, Hoa Kỳ bầu tổng thống và một phần Quốc Hội vào tháng 11.
----------------------------
Các
nội dung liên quan
BẮC TRIỀU TIÊN - TÊN LỬA
Bắc
Triều Tiên tuyên bố bắn thử thành công tên lửa bội siêu thanh nhiên liệu rắn
MỸ - NHẬT - HÀN - ĐỐI THOẠI
Mỹ
- Nhật - Hàn lên án chương trình vũ khí Bắc Triều Tiên
BẮC TRIỀU TIÊN - VŨ KHÍ
Kim
Jong Un gọi Hàn Quốc là "kẻ thù chính", tuyên bố sẽ "không né
tránh chiến tranh"
No comments:
Post a Comment