Wednesday, January 3, 2024

CUỘC SƠ TÁN NGƯỜI HOÀN HẢO KHỎI 'HỎA NGỤC' PHI CƠ JAPAN AIRLINES BỐC CHÁY Ở TOKYO (Kelly Ng / BBC News)

 



Cuộc sơ tán người hoàn hảo khỏi 'hỏa ngục' phi cơ Japan Airlines bốc cháy ở Tokyo

Kelly Ng

BBC News

3 tháng 1 2024, 19:38 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c9w2j0z1j9no

 

Hành khách tuân theo hướng dẫn của phi hành đoàn, lao tới lối thoát hiểm của chiếc máy bay Japan Airlines đang bốc cháy mà không mang theo hành lý xách tay.

 

Việc bỏ lại những đồ vật có giá trị là “yếu tố quan trọng” đằng sau việc sơ tán nhanh chóng của tất cả 379 người trên khoang ngay trước khi chiếc máy bay bốc cháy trên đường băng sân bay Haneda ở Tokyo vào thứ Ba vừa rồi, các chuyên gia hàng không nói.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1c0e/live/311a4a30-aa31-11ee-8f07-bbfdfa890097.jpg

Phi cơ Japan Airlines bốc cháy ở Tokyo ngày 3 tháng 1 năm 2024

 

Chuyến bay 516 của hãng hàng không Japan Airlines đã bùng cháy thành quả cầu lửa sau khi va chạm với một máy bay tuần duyên khi hạ cánh. Năm trong số sáu người có mặt trên chiếc máy bay tuần duyên có kích thước nhỏ hơn đã thiệt mạng.

 

Cuộc sơ tán hoàn hảo trên máy bay của Japan Airlines đã khiến cả thế giới kinh ngạc và khen ngợi. Các chuyên gia hàng không và phi hành đoàn nói với BBC rằng kết quả này là nhờ việc phi hành đoàn đã thực hiện quá trình huấn luyện nghiêm ngặt, cùng việc những hành khách "cư xử tốt", tuân thủ các quy trình an toàn.

 

“Tôi không thấy một hành khách nào khi xuống tới mặt đất, trong bất kỳ video nào tôi xem, có hành lý mang theo bên mình… Nếu mọi người cố lấy hành lý xách tay thì sẽ là thực sự nguy hiểm vì họ sẽ làm chậm quá trình sơ tán," Giáo sư Ed Galea, giám đốc Nhóm Kỹ thuật An toàn Phòng cháy chữa cháy tại Đại học Greenwich nói.

 

Tình trạng của chiếc máy bay Airbus A350 đã khiến việc sơ tán trở nên khó khăn, Giáo sư Galea cho biết.

 

“Vụ tai nạn này xảy ra khá là tệ. Máy bay bị chúi phần đầu xuống, khiến hành khách khó di chuyển,” ông nói.

 

Chỉ có thể sử dụng ba cầu trượt bơm hơi để sơ tán hành khách nhưng chúng không được bung ra đúng cách do cách thức máy bay tiếp đất. Đường trượt rất dốc, dễ gây nguy hiểm.

 

Japan Airlines cho biết hệ thống thông báo của máy bay cũng gặp trục trặc trong quá trình sơ tán, vì vậy phi hành đoàn phải dùng loa và cả hét to để hướng dẫn mọi người.

 

Hãng hàng không cho biết một hành khách bị bầm tím và 13 người khác yêu cầu được tư vấn y tế do cảm thấy người khó chịu.

 

Chiếc máy bay của Japan Airlines khởi hành từ sân bay New Chitose của Sapporo lúc 16:00 giờ địa phương (07:00 GMT) và hạ xuống Haneda ngay trước 18:00. Chiếc máy bay tuần duyên nhỏ hơn dự định sẽ khởi hành, đi cứu trợ cho các nạn nhân trận động đất mạnh vào ngày đầu năm mới . Một cuộc điều tra về vụ va chạm đang được tiến hành.

 

https://ichef.bbci.co.uk/images/ic/800x450/p0h2kl35.jpg

Hành khách xuống bằng đường trượt khẩn cấp sau khi chiếc phi cơ bốc cháy

 

 

Tác dụng của việc huấn luyện an về toàn

 

Một cựu tiếp viên hàng không của Japan Airlines nói với BBC rằng hành khách trên chuyến bay thương mại đã "cực kỳ may mắn".

 

"Tôi cảm thấy nhẹ cả người khi biết tất cả hành khách đều an toàn. Nhưng khi bắt đầu nghĩ đến trình tự sơ tán khẩn cấp, tôi chợt cảm thấy lo lắng và sợ hãi," cô nói. “Tùy thuộc vào cách hai máy bay va chạm và ngọn lửa loang rộng ra sao, mọi chuyện đã có thể trở nên tồi tệ hơn thế rất nhiều”.

 

Cựu tiếp viên hàng không giấu tên này cho biết trong các tình huống thực tế thì có thể khó đảm bảo rằng hành khách không hoảng sợ.

 

"Nhưng những gì họ đạt được khó hơn những gì ta có thể tưởng tượng. Việc họ đưa được mọi người thoát ra được là kết quả của sự phối hợp tốt giữa phi hành đoàn và các hành khách tuân thủ hướng dẫn," cô nói.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/d6ec/live/087e4440-aa37-11ee-beb5-e1400df560f2.png

Diễn tiến cú va chạm của hai máy bay trên đường băng

 

Cô cho biết các tân thành viên phi hành đoàn đều phải trải qua quá trình huấn luyện sơ tán và cứu hộ nghiêm ngặt trong thời gian đến ba tuần trước khi họ được phép phục vụ trên các chuyến bay thương mại. Việc đào tạo được lặp lại hàng năm.

 

"Chúng tôi trải qua bài kiểm tra viết, thảo luận nghiên cứu tình huống và đào tạo thực tế bằng các tình huống khác nhau, chẳng hạn như khi máy bay phải hạ cánh trên mặt nước hoặc nếu có hỏa hoạn trên máy bay. Nhân viên bảo trì cũng tham gia vào khóa đào tạo đó," cựu tiếp viên hàng không, người đã rời công ty 10 năm trước, nói.

 

Một phi công của một hãng hàng không Đông Nam Á, người cũng giấu tên, cho biết quá trình huấn luyện nghiêm ngặt mà phi hành đoàn đã trải qua đã giúp cho việc sơ tán được triển khai nhanh chóng.

 

"Tôi phải nói rằng điều đó thật tuyệt vời. Tôi nghĩ điều xảy ra trong trường hợp này là nhờ vào kết quả của quá trình đào tạo. Bạn thực sự không có thời gian để suy nghĩ trong tình huống như thế này, vì vậy bạn chỉ làm những gì bạn đã được đào tạo để làm," anh nói.

 

Để bất kỳ phi cơ dân dụng nào được cấp chứng nhận quốc tế, các nhà sản xuất máy bay phải chứng minh rằng mọi người trên khoang có thể rời khỏi máy bay trong vòng 90 giây. Các buổi diễn tập sơ tán đôi khi có cả sự tham gia của các hành khách thật, anh nói thêm.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/0020/live/1ba68a50-aa32-11ee-beb5-e1400df560f2.jpg

Hàng khách nhìn máy bay bốc cháy từ đài quan sát

 

Viên phi công này nói thêm rằng các quy định an toàn hàng không đã được tăng cường đáng kể sau những tai nạn từng xảy ra.

 

Ví dụ, vụ va chạm của hai máy bay phản lực Boeing 747 tại sân bay Los Rodeos ở Tây Ban Nha năm 1977 - khiến 583 người thiệt mạng và cho đến nay vẫn là vụ tai nạn chết người nhất trong lịch sử hàng không - đã dẫn đến việc xem xét lại các quy trình liên lạc vô tuyến với buồng lái. Vụ tai nạn được xác định là do sự hiểu nhầm nhau trong quá trình trao đổi liên lạc giữa phi hành đoàn và các kiểm soát viên không lưu.

 

Japan Airlines đã từng có vụ tai nạn riêng của mình vào tháng 8/1985, khi chuyến bay 123 đi Osaka đâm vào một ngọn núi ngay sau khi cất cánh từ Tokyo Haneda. Người ta cho rằng nguyên nhân vụ việc là do công tác bảo trì, sửa chữa của nhà sản xuất máy bay Boeing có vấn đề. Chỉ có 4 trong số 524 người trên khoang sống sót sau vụ tai nạn.

 

Năm 2006, Japan Airlines đã mở một trung tâm giống như bảo tàng gần Haneda để trưng bày những mảnh vỡ sau vụ tai nạn, nhằm mục đích nâng cao nhận thức về an toàn cho nhân viên của hãng.

 

“Trước nỗi đau buồn của các gia đình tang quyến cũng như sự mất lòng tin của công chúng đối với an toàn hàng không [sau vụ tai nạn năm 1985], chúng tôi cam kết sẽ không bao giờ cho phép một tai nạn thương tâm như vậy xảy ra nữa,” Japan Airlines viết trên trang web của trung tâm này

 

"Mọi nhân viên đều được nhắc nhở rằng chúng tôi làm công việc được tin cậy, được giao phó mạng sống và tài sản quý giá."

 

Mariko Oi tường thuật bổ sung

 

 --------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

·         

Phi cơ của Japan Airlines bốc cháy ở sân bay Haneda, Tokyo

2 tháng 1 năm 2024

·         

Nhật Bản ra lệnh sơ tán sau cảnh báo sóng thần

1 tháng 1 năm 2024

·         

Máy bay VN bị dọa bắn: ‘Không dính căn cứ quân sự Mỹ’

7 tháng 1 năm 2022

 

 





No comments: