Wednesday, January 17, 2024

CHUNG QUANH SỰ KIỆN NGUYỄN CÔNG KHẾ BỊ BẮT (Tổng hợp)

 



NỘI DUNG :

Vì sao Nguyễn Công Khế bị bắt?

Kim Văn Chính

.

Nguyễn Công Khế trong hồi ký của nhà báo Lê Phú Khải

BTV Tiếng Dân

.

Học viết tin qua sự kiện Nguyễn Công Khế bị bắt

Mai Bá Kiếm

.

Khôn như báo Thanh Niên!

16/01/2024

.

Nguyễn Công Khế

16/01/2024

.

Khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Công Khế

16/01/2024

 

=========================================

.

.

Vì sao Nguyễn Công Khế bị bắt?

Kim Văn Chính

17/01/2024

https://baotiengdan.com/2024/01/17/nguyen-cong-khe-bi-bat/

 

1. Tin nhà báo Nguyễn Công Khế bị bắt ngay trước thềm năm mới, gây chấn động dư luận. Những người thạo tin thấy đây là vụ án lớn, đánh dấu bước tiến đáng kể của công cuộc chống các thế lực hắc ám, còn dân thường có khi không hiểu ông Khế là ai, bắt ông ấy vì tội gì?

 

Các báo công khai chỉ đăng tin về việc ông Khế bị bắt thôi, ít báo viết về nguyên do bắt và phân tích các hệ lụy của việc này.

 

Tuy nhiên, đây là vụ án lớn và phức tạp sẽ liên quan đến rất nhiều quan chức, thế lực…

 

2. Khế là cựu tổng biên tập báo Thanh Niên, khi Khế đến tuổi nghỉ hưu thì đệ tử của Khế là Nguyễn Quang Thông làm tổng biên tập. Ông Thông cũng bị bắt cùng Khế trong đợt này.

 

Báo Thanh Niên thành lập năm 1986 khi bắt đầu “đổi mới”. Nó cũng là báo quốc doanh nhưng hồi đó có sáng kiến thành lập các tổ chức vỏ ngoài là phi nhà nước, phi cộng sản nhưng thực chất vẫn là quốc doanh: Liên hiệp Thanh niên ra đời (song hành với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), và báo Thanh Niên chính là cơ quan ngôn luận của Liên hiệp Thanh niên (bên cạnh báo Tuổi Trẻ là cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh). Nhiều cơ quan còn có sáng kiến lấy hai tên như Học viện Kỹ thuật Quân sự, còn có tên là Đại học Lê Quý Đôn…

 

Dưới ảnh hưởng của không khí đổi mới thời Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Trần Độ… báo Thanh Niên (cả Tuổi Trẻ nữa) trở thành hai tờ báo “song kiếm hợp bích” nhanh chóng giành thế thượng phong trên mặt trận báo chí quyền lực thứ tư (trong bối cảnh các báo chính và lớn như Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Tiền Phong… quá trì trệ và không đáp ứng nhu cầu cực lớn của truyền thông báo chí ở phía Nam nói chung, và TP.HCM nói riêng).

 

Báo Thanh Niên trở thành cơ quan không những quyền lực, mà còn rất giàu có. Và Công ty Cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên ra đời, Khế hiện nay vẫn là chủ tịch HĐQT Tập đoàn này. Công ty này thực chất là bộ máy kinh tài tư nhân núp sau báo Thanh Niên mà Khế là người có cổ phần lớn nhất. Do vậy, Khế không chỉ là nhà báo nhà nước, mà còn là một doanh nhân tư nhân tầm cỡ…

 

Tài sản riêng của Khế hiện nay không ai có thể đo tính được, vì một người khôn lanh như Khế đủ hiểu luật chơi của chế độ này, và hắn ta đã tẩu tán tài sản riêng sang các dạng tài chính và bất động sản để ở nước ngoài (con Khế hiện đang ở Mỹ và theo nguồn tin từ Bùi Thanh Hiếu có bằng chứng, riêng mảng bất động sản, con Khế sở hữu ít nhất ba căn biệt thự).

 

Ở Việt Nam, báo chí không lộ rõ là cơ quan quyền lực thứ tư nhưng trên thực chất, quyền lực báo chí có khi còn lớn hơn cả thứ quyền lực thứ tư gán cho nó. Thử hỏi ai cũng sợ công an, nhất là công an giao thông; nhưng công an sợ duy nhất là nhà báo?

 

Nhiều tay lừa đảo gần đây kinh doanh thứ quyền lực này bằng cách nhân danh nhà báo bảo kê các xe tải chở quá trọng, quá khổ, dán lô gô bảo kê, đi suốt tuyến, công an phải sợ. Ai không sợ chúng gọi điện dọa dẫm ngay công an liền…

 

Chỉ nhà báo mới dọa được cho công an sợ… Nhiều vụ án lớn, khó, cơ quan quyền lực muốn kết tội, bắt bớ, toàn phải dựa vào báo chí khởi động dư luận rồi mới dám vào cuộc…

 

Vụ Năm Cam nổi tiếng nhất thì có nhà báo Trần Mai Hạnh, lúc đó là Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam (đồng phạm), là người bảo kê cho năm Cam.

 

Tôi dạy ở một trường đại học, thấy các lãnh đạo, thầy giáo có tên tuổi đều nể một tay ở tỉnh xa, chuyên chạy mánh tuyển sinh và mở lớp đào tạo rất phạm quy các lớp tại chức. Tìm hiểu thấy tay này có một học trò khuynh loát các thầy. Các thầy có xe hơi đều cần một tấm thẻ nhà báo để đi lại, đỡ bị công an áo vàng hoạnh họe, vậy là hắn ta phát hành một loại thẻ “cộng tác viên” trang web của một hội rất vớ vẩn do hắn lập nên, nhưng thẻ in y như màu và mẫu thẻ nhà báo… Vậy mà thẻ đó có giá trị thật đối với công an giao thông. Mỗi khi có lỗi chỉ việc rút thẻ giơ ra là được xí xóa liền… (Giống chuột dù là chuột cống cũng luôn sợ mèo đến mức chỉ nghe thấy tiếng kêu là bủn rủn chân tay dù cho mèo chỉ là mèo non nhút nhát).

 

Do vậy, trong một số đường dây quyền lực, báo chí có khi được làm “trùm cuối”. Một trong “trùm cuối” hiếm hoi đó ở Việt Nam chính là người mang tên Nguyễn Công Khế. (Các nhà báo khác thường chỉ đóng vai tay chân, chịu sai khiến đắc lực cho các trùm quyền lực).

 

3. Bắt Khế không dễ vì cáo già đó, qua các vụ bắt và xử tội các “đồng nghiệp” như Trần Mai Hạnh, Trương Duy Nhất… đã rất cảnh giác, tinh khôn trong các hoạt động bảo kê gây tội ác…

 

Ví dụ, vụ Việt Á rõ ràng là Khế liên quan, nhưng các bằng chứng không đủ để kết tội…

 

Sơ hở chính của Khế là tài sản. Khế đủ tinh khôn để giấu tài sản thật và biến báo sổ sách kế toán của công ty hắn làm Chủ tịch…

 

Nhưng dấu vết thì khó xóa. Một trong những dấu vết đó là khu đất vàng hơn 7.000 m2 tại bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM. Đất này trước của nhà máy Thuốc lá Sài Gòn. Khế nhân danh báo Thanh Niên, xin cấp cho báo làm trụ sở… Nhưng do bản chất lưu manh và muốn ăn xổi ở thì, sau khi được giao đất, Khế bán liền cho tập đoàn bất động sản Novaland để họ xây building văn phòng cao tầng mà không nộp lại tiền quyền sử dụng đất, cũng như thuế cho Nhà nước…

 

Hiện nay lý do để bắt Khế và Thông là tội đó…

 

4. Chúng ta chờ xem các bước tiếp theo của vụ án này… Nó khá hấp dẫn vì liên quan đến nhiều quan chức và người chịu tội chính không phải là các tội phạm tầm thường như các vụ án khác. Tội phạm Khế là trùm cuối rất điển hình của xã hội hiện nay…

 

 

==================================================

.

.

Nguyễn Công Khế trong hồi ký của nhà báo Lê Phú Khải

BTV Tiếng Dân

17/01/2024

https://baotiengdan.com/2024/01/17/nguyen-cong-khe-trong-hoi-ky-cua-nha-bao-le-phu-khai/

 

Lời giới thiệu: Nhân sự kiện ông Nguyễn Công Khế, cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên bị bắt hôm qua, chúng tôi xin được đăng lại phần viết về ông Nguyễn Công Khế trong hồi ký “Lời Ai Điếu” của nhà báo Lê Phú Khải. Phần này nằm trong “Chương 7K: Mặt thật của các Tổng Biên tập“, mà chúng tôi đã đăng trên Tiếng Dân trong ngày đầu tháng 7 năm 2017, khi tác giả gửi tới.

 

 

                                                      ***

 

Nhưng nếu phải chọn một ông Tổng Biên tập thật điển hình cho thời kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam thì phải chọn ông Nguyễn Công Khế, Tổng Biên tập báo Thanh Niên.

 

Tôi đã bị Nguyễn Công Khế lừa một vố đau. Đó là vào cuối năm 2002, Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) có một bản tổng kết năm gửi cho cơ quan thường trú tại TPHCM và các đơn vị trực thuộc Đài. Đọc bản tổng kết đó người ta thấy thành tích to lớn mở rộng cơ quan thường trú của Đài trên thế giới… Rồi còn có cả một công văn của Phó Tổng Giám đốc Kim Cúc ca ngợi công lao của Tổng Giám đốc Trần Mai Hạnh từ khi về Đài năm 1996 gửi đi khắp nơi…

 

Biết rõ mười mươi cái gọi là “mở rộng” cơ quan thường trú của Đài TNVN nên tôi viết bài nhan đề “Chuyện ông Trần Mai Hạnh ở Paris”, gửi đích danh Nguyễn Công Khế, Tổng Biên tập báo Thanh Niên, một tờ báo mà một người ngu ngơ như tôi cho là tích cực chống tiêu cực… Một người bạn ở báo Thanh Niên cho tôi hay, TBT Khế đã đọc bài đó và… OK!

 

Bản thảo bài báo đó tôi còn giữ đến bây giờ, nguyên văn:

 

CHUYỆN ÔNG TRẦN MAI HẠNH Ở PARIS

 

Vừa qua, tôi có đến Đài Phát thanh Truyền hình Bình Dương làm việc. Các anh trong Ban Lãnh đạo đài Bình Dương bảo tôi: Đài Tiếng nói VN (TNVN) có nhiều cán bộ tốt lắm. Chúng tôi ra làm việc với Đài, thấy nhiều cán bộ cấp trưởng ban (tương đương vụ trưởng) vẫn còn cọc cạch xe đạp đi làm, mà làm việc rất tận tâm, lại là nhà báo, nhà văn có tên tuổi nữa…

 

Là một phóng viên của Đài TNVN 27 năm có lẻ, mới được nghỉ hưu từ 1.5.2002, nghe được những lời như thế của đồng nghiệp, tôi không khỏi vui trong lòng, nhất là trong lúc này… Tôi phải nói thêm rằng, chẳng những nhiều đ/c trưởng ban của Đài TNVN mà còn nhiều phóng viên, ở Hà Nội cũng như ở các cơ quan thường trú của Đài ở nhiều vùng trong cả nước, đã lặn lội ngày đêm để “canh sóng” cho Đài. Họ không quản bão tố, lũ lụt… để đến tận những nơi hang cùng, ngõ hẻm đưa một cái tin, viết một phóng sự nhằm nâng cao chất lượng phát thanh. Và, hàng tháng vẫn nhận một đồng lương rất khiêm tốn theo qui định của nhà nước, có người phải “viết thêm” cho các báo để tăng thu nhập! Thật là không công bằng với các cán bộ của Đài TNVN như thế, bên cạnh sự chi tiêu tiền của từ ngân sách nhà nước một cách vô tội vạ của một số cán bộ lãnh đạo Đài mà điển hình là ông Trần Mai Hạnh và ê-kíp, như các ông Vũ Văn Khánh, trưởng ban kế họach tài vụ của Đài, văn phòng Đài v.v…

 

Những gì mà một phóng viên thương trú tận xa như tôi biết được, đủ nói lên điều đó. Đầu năm 2001, tôi có việc riêng qua Paris thăm người chú ruột, tôi có đến Cơ quan Thường trú của Đài TNVN tại Pháp ở 5. Rue de Tremple Villeneuve la Garrenne 923.90, thuộc vùng ven Paris. Đó là một khu phố sang trọng của những người có tiền. Ngôi nhà mà cơ quan thường trú của Đài mới mua là một villa nhỏ, có sân trước và vườn sau rất đẹp. Thấy tôi khen nhà và xe con của cơ quan sang trọng, anh Trần Kim Thâu, Trưởng Cơ quan Thường trú nói ngay: “Không cần thiết, lãng phí ngân sách”. Thời buổi này thiếu gì những phương tiện lấy tin mà phài mua một cái nhà đến 230.000 đô la thế này! Còn máy móc nữa. Có làm nhiều tin, bài cũng lấy chỗ đâu mà phát v.v. và v.v…

 

Cả cơ quan chỉ có 2 người, anh Thâu là trưởng, lái xe giỏi, nói tiếng Pháp khá giỏi, từng trải và đã công tác ở nước ngoài nhiều năm. Anh Thâu còn là người rất trung thực và thẳng thắn, anh sẵn sàng nói rõ suy nghĩ của mình. Buổi tối, anh xếp cho tôi ở riêng một phòng khá lịch sự, xưa nay vẫn bỏ không ở trên lầu 1. Tôi thật thà hỏi: – Chắc sếp Hạnh sang đây cũng ở phòng này!? Anh lắc đầu, nói: – Sếp ở khách sạn sang trọng tại Paris chứ đâu có ở đây bao giờ (!?) (Từ nơi cơ quan đóng vào Paris chừng 10 km). Sáng dậy, xuống tầng trệt nấu mì ăn sáng, tôi thấy cái bếp điện của cơ quan quá tồi tàn, lại thật thà hỏi: – Nhà ông chú tôi nghèo thế, ở tận quận 19 dành cho người nghèo mà tôi thấy cái bếp điện cũng không đến nỗi tồi tệ thế này! Sao cơ quan ta nhà đẹp, xe sang mà lại phải đun nấu bằng cái bếp thế này?! Anh Thâu lại cau mặt nói: – Ở Pháp, người bán nhà phải thuê người đem bếp cũ vứt đi, vì chủ mới không ai lại xài bếp cũ, vậy mà ông Khánh (trưởng ban Kế họach – Tài vụ của Đài) thì lại mua lại của chủ cũ với giá gấp hai lần cái bếp mới để chúng tôi dùng đó (!) Anh tính có “giỏi” không? Tiền ngân sách mà!!!

 

Tôi về nước và tìm hiểu, được biết rằng từ khi ông Hạnh về làm TGĐ Đài TNVN, từ 1995, ông đã cùng ê-kíp của mình còn mua và thuê nhà ở Băng Cốc, Bắc Kinh, Matxơcơva và đang chuẩn bị để mua nhà ở Lơ-Ke (Ai Cập) làm cơ quan thường trú một cách không cần thiết như chính người đi thường trú là anh Thâu đã nói. Và, tất nhiên là ê-kip của ông đã kéo nhau đi các nước mua và thuê nhà với giá như đã mua cái bếp điện ở Paris. Chỉ trong một thời gian ngắn, ê-kip của ông Hạnh đã giầu tấng lên. Ông Khánh, Trưởng ban Tài vụ có 2 con đi học ở nước ngoài!

 

Cách đây hơn 1 tuần, bà Kim Cúc, Phó Tổng GĐ Đài TNVN còn ký hẳn một công văn gửi cán bộ CNV của Đài từ Bắc chí Nam ca ngợi những đóng góp to lớn của ông T.M.Hạnh từ khi ông về Đài, trong việc “mở rộng” cơ quan và tăng giờ phát sóng… Toàn là những việc phải tiêu tiền tỷ của ngân sách nhà nước mà bất cứ ai cũng có thể làm được nếu được chi tiền… còn chất lượng của phát thanh và nhà cửa khắp nơi được thuê và mua nhằm mục đích gì, có tác dụng như thế nào để nâng cao chất lượng phát thanh thì không hề được nói tới. Xưa nay, từ suốt 27 năm tôi làm việc ở Đài TNVN, chưa hề có chuyện tự nhiên Phó TGĐ lại ký công văn “khen” Tổng giám đốc như thế ở Đài TNVN bao giờ. Điều đó làm dư luận toàn Đài TNVN rất bất bình.

 

Tôi chỉ muốn nói một điều, rất nhiều đồng chí đã có công lớn với Đài, xây dựng nên uy tín cho Đài TNVN mấy chục năm qua như các anh Trần Lâm, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Thúc Long, các nhà văn như Mai Văn Tạo, Phạm Tường Hạnh, Đoàn Minh Tuấn, nhạc sĩ Phan Nhân, nhạc sĩ Dương Hương Bang, nghệ sĩ ưu tú Trần Phương… thì không bao giờ được ban lãnh đạo hiện nay của Đài nhắc nhở tới.

 

Giá thử công văn của bà Kim Cúc lúc này nhắc đến những người có công lao với Đài TNVN, nhắc đến truyền thống tốt đẹp của Đài thì hay biết bao nhiêu!

 

Ảnh kèm: Cơ quan thường trú Đài TNVN tại số 5 Rue de Tremple ngoại vi Paris

 

Lê Phú Khải  (nguyên p/v Đài TNVN)

 

                                                       ***

 

Đợi mãi không thấy báo Thanh Niên đăng bài kể trên. Ít lâu sau, tôi nhận được thông tin của một cán bộ trong ban lãnh đạo Đài TNVN cho hay, Nguyển Công Khế đã gửi bài của tôi ra Hà Nội cho bên An ninh, với nhận xét bài viết không có gì sai, nhưng vì để “giữ uy tín” cho nhà nước nên không đăng. Gửi cho an ninh để biết. Một cán bộ an ninh đã cầm bài viết này qua Đài để tống tiền Kim Cúc và Trần Mai Hạnh!

 

Hiện bài đó đã được rất nhiều cán bộ lãnh đạo của Đài truyền tay nhau đọc…

 

Tôi rất hối hận về sự ngu ngơ của mình (từ ngu ngơ là từ của nhà văn Dương Thu Hương đã dùng để chỉ quần chúng ngu ngơ, bị lừa bịp)! Tôi cũng rất phẫn nộ với Nguyễn Công Khế khi được cán bộ lãnh đạo của Đài cho biết như thế. Tôi đem chuyện này than phiền với các đồng nghiệp báo chí ở Sài Gòn. Một người bạn tôi đã mắng tôi là thằng ngu vì không biết gì về Nguyễn Công Khế cả. Anh còn cho biết Khế luôn dùng tờ báo của mình để gây thanh thế, chẳng hạn y cho phóng viên của báo đi viết về tiêu cực, nhưng khi vụ việc có liên quan đến một ông lớn nào đó…

 

Ví dụ, đồng chí X xưa kia ở tỉnh Y, nay đã lên TW làm đến Bộ Chính trị mà bài viết có dính líu đến đồng chí đó khi còn ở địa phương thì Khế không đăng mà gửi bài cho đồng chí ấy biết “để giữ uy tín” cho lãnh đạo, thế là đồng chí X đã “mắc nợ” Khế. Khi báo Thanh Niên tổ chức một cuộc thi hoa hậu nào đó, Khế gửi giấy mời, thế là đồng chí ấy, dù là Chủ tịch nước cũng phải đến dự tận quê Khế ở Miền Trung xa xôi!!!

 

Một tờ báo hạng B mà Bộ Chính trị phải đến dự thì uy tín của Khế lên như diều… Cứ thế mà Khế “ra roi”, cứ thế mà dọa nạt thiên hạ để tống tiền. Trong cái mớ bòng bong của một xã hội được gọi là “kinh tế thị trường định hướng XHCN”… Khế cứ thế mà vơ vét… Anh bạn tôi kết luận: Nguyễn Công Khế là “tên lưu manh ngang tầm thời đại”!

 

Nhà thơ L đi viếng mẹ của Nguyễn Công Khế mất vào tháng 9 năm 2007 về, đã hốt hoảng nói với tôi, đám tang còn hơn cả tỷ phú bên Mỹ có mẹ mất. Giầu có không bút nào tả xiết, xe du lịch đời mới đỗ dài cả cây số. Cái “cảm tạ” của báo Thanh Niên ra ngày 5.9.2007 của gia đình Khế về cái mất của cụ bà Lê Thị Liễu, 79 tuổi, đã gây chấn động dư luận. Trang mạng của báo Thanh Niên đăng lên đã bị các trang “lề trái” ném đá dữ dội, vội vàng phải gỡ xuống, nhưng trang 10 báo in ngày 5.9.2007 kín cả trang còn đó. Xin bạn đọc hãy thử lướt qua danh sách gần 200 cá nhân và các đơn vị (được đăng gộp)… ”đã đến thăm viếng, giúp đỡ, chia buồn và tiễn đưa linh cữu” như báo đã đưa gồm: Ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng CP, ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước và gia đình, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CP và gia đình, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, ông Nguyễn Văn Chi, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra TW, ông Hồ Đức Việt, Uỷ viên BCT, trưởng ban Tổ chức TW, Đại tướng Lê Hồng Anh, Uỷ viên BCT, Bộ trưởng Bộ Công an, ông Lê Thanh Hải, Uỷ viên BCT, Bí thư thành ủy TPHCM và gia đình… rồi còn cả ông Thống đốc Ngân hành nhà nước, các bí thư tỉnh, chủ tịch tỉnh, các cơ quan báo chí, các nghệ sĩ, các Hội v.v và v.v.

 

Những người đứng đầu bộ máy cai trị đồ sộ của chế độ toàn trị đã đến “thăm viếng, chia buồn và tiễn đưa…” cụ bà Lê Thị Liễu. Ngay cả đến đương kim nguyên thủ một cường quốc trên thế giới mà bố mẹ mất cũng không được như thế.

 

Có thể nói, đây là đám tang mẹ một Tổng Biên tập một tờ báo ngành của một nước nhỏ nhưng “vĩ đại” nhất hành tinh, chưa hề thấy trong lịch sử báo chí nhân loại. Trong chế độ toàn trị, một tổng biên tập chỉ cần không chống chế độ, không nói ngược với đường lối của Đảng cầm quyền, biết luồn lách, biết dùng tờ báo của mình để nịnh bợ, dọa nạt và khống chế, biết té nước theo mưa, biết gió chiều nào che chiều ấy, giả vờ chống tham nhũng… thì anh ta kiếm bẫm hơn bất cứ nhà buôn nào, có thế lực như một “ông vua không ngai”. Cứ xem danh sách những người đến viếng mẹ anh ta thì thấy… Nếu xét về mặt nào đó thì đây còn hơn quốc tang!

 

Tờ báo quốc doanh Thanh Niên đã trở thành tờ báo riêng của Khế trong một đất nước không có báo tư nhân! Đội ngũ tổng biên tập như thế thì đội ngũ phóng viên đương nhiên là như thế. Nói cho công bằng thì không phải tất cả anh em làm báo đều như Hồng Vinh, như Khế, như Phan Huy… Có rất nhiều anh em tâm huyết với đất nước, muốn dùng ngòi bút của mình để “tải đạo”, nhưng số phận của các anh vô cùng hẩm hiu. Nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải, Hoàng Khương… là những ví dụ điển hình.

 

Báo chí ngày càng xuống cấp. Tàu của giặc Tàu đâm vỡ tan tàu của ngư dân ta, trong vùng biển của ta, nhưng báo chí của ta phải nhục nhã kêu là “tàu lạ”. Nỗi nhục này của báo chí Việt Nam “thời kỳ đồ đểu” này không thể nào rửa sạch trong lịch sử dân tộc.

 

Vì lẽ đó, tôi đã viết “Lời ai điếu cho một nền báo chí nô bộc” trên trang mạng Bauxite năm 2011. Giáo sư Phạm Toàn cho biết, học trò của ông đã in bài này từ trên mạng xuống để đi phát cho bạn bè đang làm việc ở các tở báo ở Hà Nội.

 

Người ta đều đọc và ngậm ngùi cho số phận của họ!!!

 

.

===================================================

.

.

Học viết tin qua sự kiện Nguyễn Công Khế bị bắt

Mai Bá Kiếm

17/01/2024

https://baotiengdan.com/2024/01/17/hoc-viet-tin-qua-su-kien-nguyen-cong-khe-bi-bat/

 

Sáng nay, lướt tin hai cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên bị bắt trên các báo online tìm xem tin nào hấp dẫn hơn, vì sự kiện báo chí này đều xuất phát từ một nguồn tin (trung tướng Tô Ân Xô) với cùng một nội dung.

 

 

Sáu yếu tố cấu thành tin báo chí gồm: 5W+H (Who: Ai? – What: Cái gì? – Where: Ở đâu? – When: Khi nào? – Why: Tại sao? – Và, 1 How: Thế nào?). Do nội dung giống nhau, vậy các báo đưa yếu tố nào lên trước để tăng sự hấp dẫn?

 

Tất cả báo đều đưa yếu tố Who ở trên tựa bài, vì Nguyễn Công Khế là người quá nổi tiếng (celebrity), như các báo đã đưa ông Lại Thanh Đức đắc cử trong tựa “bầu cử Tổng thống Đài Loan”, như đưa Ngọc Trinh làm tân ngữ trong tựa “Ngọc Trinh bị truy tố theo khung hình phạt từ 2-7 năm tù”. Nhiều báo chỉ đăng tên Nguyễn Công Khế, không cần chua “nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên” độc giả vẫn biết!

 

Riêng báo Thanh Niên muốn giữ thể diện của mình, đã không đưa yếu tố Who vào tựa và chapeau, mà chỉ đưa yếu tố What:  Khởi tố vụ án liên quan khu đất 151 – 155 Bến Vân Đồn –  “Tối 16/1, Bộ Công an thông tin kết quả điều tra vụ án ‘Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí’ liên quan đến dự án triển khai tại khu đất tại 151-155 Bến vân Đồn, Q.4, TP.HCM“.

 

Thanh Niên chỉ đưa yếu tố Who (Nguyễn Công Khế và Nguyễn Quang Thông) xuống dưới thân bài, khác với các báo. Thậm chí ở cuối bài, Thanh Niên kết thúc bằng thông tin độc quyền, mà các báo không có: “Thời gian qua, Báo Thanh Niên đã nghiêm túc thực hiện theo yêu cầu của Cơ quan An ninh điều tra liên quan đến dự án trên“.

 

Có hai tờ báo đăng tin ban đầu không đủ nội dung của sáu yếu Tố 5W+1H phải viết tin thứ hai bổ sung: Lúc 19g20, Công An Nhân Dân đăng tin “Khởi tố, bắt tạm giam cựu Tổng Biên tập Báo Thanh niên Nguyễn Công Khế“, nhưng quên yếu tố Why (dù là báo của Bộ) nên lúc 20g48, CAND viết thêm tin: “Vì sao ông Nguyễn Công Khế và Nguyễn Quang Thông bị bắt?“.

 

Tương tự, đầu tiên SGGP đưa tin: “Bắt ông Nguyễn Công Khế và ông Nguyễn Quang Thông“, cũng quên đưa yếu tố Why. Một tiếng sau, SGGP đưa tin tiếp: “Ông Nguyễn Công Khế bị bắt vì khu đất số 151 – 155 Bến Vân Đồn“.

 

Các nhà báo hiện hành đều tốt nghiệp khoa báo chí, rành sáu câu “5W+1H” nhưng thua nhà báo lão làng Lê Phú Khải (82 tuổi) đã khắc họa chân dung thật của Nguyễn Công Khế (trong sách Lời Ai Điếu) tỉ mỉ hơn kết luận điều tra, đủ các yếu tố: Who, What, Where, When, Why, How, mà còn thêm các thành tố Whose (Khế người của ai), Whom (ai chịu hành động của Khế), Which (cái nào bị dính)… Thậm chí, Facebooker “Hiếu gió” không học báo chí vẫn thông tin về Khế dư các yếu tố cấu thành bài báo!

 

 

 



No comments: