Friday, July 7, 2023

VIẾT TIẾP VỀ SỰ SUY TÀN CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM (Nguyễn Khoa)

 



Viết tiếp về sự suy tàn của Phật giáo Việt Nam

Nguyễn Khoa

07/07/2023

https://baotiengdan.com/2023/07/07/viet-tiep-ve-su-suy-tan-cua-phat-giao-viet-nam/

 

Năm 2022, tôi có một bài viết về vấn đề này trên trang Viet-Studies: Sự suy tàn của Phật giáo Việt Nam. Người chủ trang là giáo sư Trần Hữu Dũng qua đời, trang Viet-Studies chấm dứt hoạt động. Tôi xin chân thành cảm ơn trang Tiếng Dân cho phép tôi lên tiếng về chủ đề này lên trang của quý vị.

 

 

Phật giáo Việt Nam hải ngoại trăm hoa đua nở

 

Trong bài viết trước, tôi có đề cập đến sự tàn phai của Phật giáo Việt Nam trong nước, cũng như nói đến một số điều liên quan đến Phật giáo Việt Nam hải ngoại, đó là xa rời giới trẻ, thiếu tăng ni,… trong bài viết này, tôi xin đi sâu hơn vào Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại.

 

Vào khoảng năm 2015-2016, tôi đi cùng một người bạn đến một ngôi chùa Việt Nam ở vùng Portland, Oregon. Đây là lần “đi chùa” đầu tiên của tôi sau hàng chục năm không đi bất cứ một ngôi chùa nào, trong cũng như ngoài nước, dù rằng tôi vẫn tự nhận mình là một Phật tử.

 

Lúc đó vào ban đêm, bước đến cổng chưa, tôi giật mình trước cảnh một “lâu đài” tráng lệ và đặc biệt là đèn đuốc sáng choang. Người ta nói với tôi rằng, đây là đám tang của mẹ vị thầy trụ trì và đám tang kéo dài như thế suốt ba ngày đêm liền.

 

Theo những gì tôi hiểu về đạo Phật thì cái chết là một sự chuyển hóa, và hơn hết là đạo Phật chủ trương diệt cái tôi “vĩ đại” trong từng con người. Cớ sao cái “tôi” của bà cụ, và qua đó của vị trụ trì, lại được rầm rộ như thế kia?

 

Tôi không bước vào chùa, mặc dù có một vị sư còn trẻ, béo tốt, lạch bạch đi ra mời chúng tôi vào. Tôi từ chối, ngồi ngoài chờ bạn.

 

 

Quyền lực của các thầy

 

Phật giáo Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, phần nhiều theo tông phái Tịnh Độ. Trong bài viết lần trước trên Viet-Studies, tôi có nhắc đến sự thích hợp của tông phái này trong văn hóa Khổng Mạnh của Việt Nam và Trung Hoa, trong đó lễ nghi, trật tự rất được đề cao.

Lễ nghi, trật tự, hay lời niệm Phật lặp đi lặp lại, được xem như một tha lực (lực bên ngoài) giúp đỡ các Phật tử tu tập. Với cái tha lực đó, hiển nhiên quyền lực của các vị thầy, nhất là thầy trụ trì, trở nên rất lớn, vì chính các vị thầy tượng trưng cho tha lực.

 

Một lần nọ, tôi chứng kiến quyền lực ấy một cách rất khôi hài. Một vị hòa thượng từ Việt Nam, được một hòa thượng khác ở Mỹ mời sang giảng pháp. Trong một buổi lễ, trước công chúng khá đông đúc, vị đến từ Việt Nam lớn tiếng yêu cầu (ra lệnh) một số Phật tử quỳ xuống trước vị ở Mỹ để… xin ảnh của vị này về thờ.

 

Không nơi nào trong kinh luật nói rằng, Phật tử phải thờ phụng ảnh của các hòa thượng như thế.

 

Cái cảnh khôi hài mà vị hòa thượng đến từ Việt Nam … đạo diễn, chỉ có thể hiểu là để làm vui lòng người “gia chủ” ở Mỹ, mà nếu không có vị “gia chủ” thì lấy ai bảo lãnh vị hòa thượng từ Việt Nam sang Mỹ… “hành đạo”?

 

Tại một số chùa ở Mỹ, quyền lực của các thầy trụ trì biến thành một loại nepotism (gia đình trị), khi các thầy đưa con cháu, người thân của mình, giữ những chức trách trong chùa. Có một ngôi chùa lớn vùng California, các vị thầy trong chùa là anh em ruột với nhau. Trong một chùa khác, các tăng ni cấp thấp là cháu xa, cháu gần của thầy trụ trì.

 

Trong tình hình ở Việt Nam hiện nay, với hệ thống đảng Cộng sản kiểm soát và câu kết chặt chẽ với hệ thống tăng lữ Phật giáo, quyền lực của các vị thầy hầu như tuyệt đối, không chỉ có thần quyền, mà còn là thế quyền, và tài (tiền) quyền.

 

Nhưng trong xã hội Mỹ, quyền lực ấy gặp phải những phản ứng đáng kể, mà không có phản ứng nào tích cực cho đạo pháp.

 

Có nhiều nhóm Phật tử lập ra các “chùa hội”, tức là không phải vị tu sĩ trụ trì có quyền tuyệt đối. Tại các chùa này xảy ra những cảnh dở khóc dở cười là các cư sĩ đuổi các tu sĩ, hay buồn cười hơn nữa là các cư sĩ bắt các vị thầy phải tụng những cuốn kinh mà họ muốn.

 

Giới trẻ người Việt ở Mỹ phản ứng lại quyền lực của các vị thầy, bằng cách không đến chùa. Một mặt, những tụng niệm kinh kệ ê a, nghi lễ rườm rà của Tịnh Độ tông làm cho giới trẻ không đến vì không hiểu gì. Mặt khác, giới trẻ cũng phản ứng lại thái độ “ông chủ nắm linh hồn” của các thầy, phản ứng lại sự cao ngạo không giấu giếm của họ. Một Phật tử trẻ nói với tôi rằng: “Tôi không đi chùa vì các thầy thấy ghét quá”.

 

Sự ngạo mạn của các thầy chắc chắn có một phần lớn đến từ tri kiến yếu kém của họ. Trong một bài viết, cũng về sự suy tàn của Phật giáo Việt Nam, luật sư Nguyễn Hữu Liêm, sống tại Mỹ, viết rằngCác tu sĩ non nớt với vốn văn hóa khiêm tốn, nhân cách chưa trưởng thành, không thể là ngọn đuốc khai sáng cho mình và thế gian; trái lại, rất đông đã trở nên đầu mối hỏa hoạn cho làng xóm.

 

Hệ thống chùa Việt Nam ở Mỹ đã trở nên “đời” hơn. “Đời” ở đây không phải là sự dấn thân của Phật giáo để làm dịu nỗi khổ của người đời, mà cảnh chùa trở thành một xã hội thu nhỏ, có tranh giành quyền lực, rồi tiền bạc tài sản (tư bản mà). Hãy đến chứng kiến các buổi tiệc gây quỹ ở các chùa, chúng ta cũng thấy những câu đùa sống sượng như ở các tiệc cưới, rồi đấu giá tranh, ảnh Phật… loạn xạ cả lên. Rất đời.

 

Khi quyền lực trở nên tuyệt đối thì sự tha hóa cũng sẽ tuyệt đối.

 

 

Phật tử bình dân và dân túy Phật giáo

 

Quyền lực này càng ghê gớm hơn nữa trong bối cảnh thiếu tri thức của rất đông tín đồ Tịnh Độ tông.

 

Tại hải ngoại, nếu bạn đến các ngôi chùa Việt Nam, bạn sẽ thấy những đầu tóc bạc phơ. Khi các đầu tóc ấy hóa thân thì các ngôi chùa Việt Nam cũng sẽ chấm dứt tồn tại. Nhưng việc ấy hãy còn lâu, vì dòng nhập cư vẫn diễn ra. Người Mỹ gốc Việt tiếp tục bảo lãnh cha mẹ, ông bà của họ sang Mỹ. Mà không chỉ người lớn tuổi, người trẻ tuổi cũng đi. Điều đáng chú ý là thành phần trẻ người Việt di cư sẽ là thành phần ít học, phần đông sống ở quê nghèo, vì với hiện tình kinh tế Việt Nam hiện tại, bộ phận cư dân trẻ có học ở thành thị, cảm thấy rằng họ không cần di cư.

 

Vì thế “đại chúng” của các chùa Việt ở Mỹ tiếp tục là những đám đông lớn tuổi, hoặc trẻ nhưng thiếu kiến thức, không theo đạo Phật bằng con đường triết lý, mà bằng niềm tin. Đây chính là môi trường đầy rủi ro cho các kiểu Phật giáo dân túy phát triển. Tệ hơn, chính là nơi diễn dịch các điển tích ẩn dụ của Phật giáo theo chiều hướng mê tín, dị đoan, ma quỷ hoang đường.

 

Có thể tôi chỉ nhìn thấy một mặt của tình hình Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại hiện nay. Những gì tôi thấy không đại diện được cho Phật giáo Việt Nam hải ngoại.

 

Tôi mong rằng mình sai, sai càng nhiều càng tốt, vì nếu tôi đúng thì còn gì là Phật giáo Việt Nam!

 

                                                                 ****

 

 

Sự suy tàn của Phật giáo Việt Nam

Nguyễn Khoa

25-8-2022

https://www.viet-studies.net/kinhte/NguyenKhoa_SuyTanPhatGiao.html

 

Không có gì chứng minh rõ hơn sự suy thoái của Phật giáo Việt Nam bằng những ầm ỷ, lộn xộn xung quanh nhà sư Thích Trúc Thái Minh (có tin đồn ông là sĩ quan công an), trụ trì chùa Ba Vàng tại Quảng Ninh: việc ông tổ chức “cúng dường hoành tráng” theo nghi thức Phật giáo nguyên thủy, việc ông bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ luật trước đó, việc ông được (bị) điều về Quảng Bình, việc lời qua tiếng lại giữa nhà sư Thái Minh và một nhà sư khác là Thích Nhật Từ, việc các cơ quan công quyền Quảng Bình, Quảng Ninh,… dính líu tới phật sự,...

 

Những tin tức mới nhất này dù ồn ào nhưng không làm ngạc nhiên những ai có quan tâm tới Phật giáo Việt Nam trong mấy chục năm qua.

 

Phật giáo Việt Nam đang trên con đường tự sát. Một sự tự sát ngọt ngào trong những ngôi chùa hoành tráng như Ba Vàng, Bái Đính,… giữa những tượng Phật vĩ đại dựng lên khắp mọi miền đất nước, giữa hàng tỷ đồng cúng dường từ dân chúng.

 

Thủ phạm trực tiếp của sự tự sát này, dĩ nhiên là từ sự can thiệp thô bạo của bộ máy toàn trị trên cả nước từ mấy chục năm nay, nhưng theo quan điểm của tôi, sự suy vong của Phật giáo Việt Nam, cũng như sự suy sụp của văn hóa Việt Nam, có nguyên nhân nội tại, lịch sử, chứ không hoàn toàn là do chế độ cộng sản. Chế độ cộng sản chỉ đóng vai trò là chất kích thích cho sự tàn tạ ấy. Sự tồn tại của chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam, với sự phá phách văn hóa của nó, phải được đặt câu hỏi là tại sao nó lại tồn tại và có thể phá phách như thế? Phải chăng là do dân tộc này có những điều kiện để “cúng dường” nó!

 

Lịch sử vinh quang và bi thương

 

Phật giáo đã từng hưng thịnh ở Việt Nam gần 400 năm với hai triều đại Lý, Trần vùng châu thổ sông Hồng, và triều đại Indrapura vùng Quảng Nam. Những điều tốt đẹp của văn hóa Việt Nam hiện nay, có thể nói không ngoa, chính là những gì bắt nguồn từ những thời đại ấy, sống còn qua năm tháng. Các thiền sư người Việt, các nhà sư người Chàm, góp phần không nhỏ trong việc giữ nền độc lập quốc gia trước sự bành trướng của đế quốc Mông Cổ thế kỷ 13.

 

Văn hóa Lý Trần bị nhà Minh Trung Quốc tàn phá. Văn hóa Indrapura bị chính Đại Việt đời Lê tàn phá.

 

Câu hỏi đặt ra là tại sao Phật giáo Việt Nam không hồi phục được sau khi Lê Lợi khôi phục quyền tự chủ?

 

Rất khó để tìm nguyên nhân của một biến cố lịch sử văn hóa như thế mấy trăm năm trước.

 

Tôi xin đề ra hai nguyên nhân, thứ nhất là sức mạnh tàn bạo của Khổng giáo Trung Hoa, mà đại diện của nó là nhà Minh với cuộc xâm lăng, và sự hủy diệt văn hóa Phật giáo Đại Việt. Thứ hai là sự huy hoàng thời Lý Trần của Phật giáo Đại Việt đã làm hại chính nó, một khi quyền lực của giới tăng lữ Phật giáo tăng lên quá lớn. Đây là điều đáng tiếc, vì Phật giáo vốn không phải là một tôn giáo có cấu trúc tôn ti trật tự như những tôn giáo lớn khác trên thế giới, nhưng một khi đã hình thành một tầng lớp giáo phẩm, thì tai ương tiềm tàng cũng hình thành một cách song song.

 

Sự tàn tạ của phái Mật tông tại Tây Tạng cũng có nguyên nhân tương tự. Quyền uy tột bực của các nhà sư Miến Điện đã làm cho họ đạp đổ tất cả những gì là từ bi hỷ xả của Phật giáo, nhúng tay vào cuộc diệt chủng đồng loại người Rohyngia.

 

Triều đại Hậu Lê của Đại Việt không còn coi trọng Phật giáo nữa. Nhưng Phật giáo vẫn sống còn, lay lắt trong hàng thế kỷ. Hàng thế kỷ ấy để lại cho chúng ta không ít di tích văn hóa Phật giáo sống động như chùa Tây Phương, nhưng cũng để lại những bài thơ của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương:

 

Nào nón tu lờ nào mũ thâm

Đi đâu chẳng đội để ong châm

Đầu sư há phải gì… bà cốt

Bá ngọ con ong bé cái lầm

 

hay là

 

Cái kiếp tu hành nặng đá đeo

Làm chi một chút tẻo tèo teo

Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc

Trái gió cho nên phải lộn lèo

 

Có lẽ không có điều gì làm cho những hành giả theo chân đức Thích Ca đau đớn hơn những bài thơ này.

 

Đến đời Nguyễn, Phật giáo được phục hồi, nhưng lợi bất cập hại. Những nhà sư lại được các ông vua khổng giáo của triều đại này dời vào cung cấm. Lại là quyền lực, lại là sủng ái.

 

Diện mạo tinh thần của Phật giáo Việt Nam hiện nay có lẽ là mang hình bóng rất rõ của triều đại nhà Nguyễn, mà nổi bật nhất là môn phái Tịnh Độ (Pure Land) phát triển lấn át hẳn các phái khác. Thiền tông vốn rất mạnh mẽ thời Lý Trần, nay hầu như vắng bóng. Có thể sự phát triển của Tịnh Độ, với nhiều thủ tục cúng kiến, chuông mõ, tụng niệm,… là phù hợp với trật tự khổng giáo, đồng thời bỏ qua phần lý tính vốn có của triết học Phật giáo, mà đi vào niềm tin, điều mà nhà cầm quyền cần, và công chúng bình dân cũng cần.

 

Cố gắng chấn hưng dang dở

 

Giai đoạn thuộc địa Pháp, một cách trớ trêu lại làm tỉnh thức Phật giáo Việt Nam, mà điển hình là phong trào chấn hưng Phật giáo do bác sĩ Lê Đình Thám, một người tây học, dấy lên ở miền Trung. Tinh thần lý tính phương Tây đánh thức các phật tử Việt Nam, rằng họ vẫn còn sở hữu một di sản văn hóa, tinh thần, tâm linh, và triết học rất sâu sắc.

 

Có thể nói rằng nếu không có bác sĩ Lê Đình Thám và phong trào của ông, thì Việt Nam khó mà có được các gương mặt Phật giáo lớn đương đại, như Thích Nhất Hạnh, Thích Trí Quang, Thích Quảng Độ, Thích Huyền Quang, Tuệ Sỹ, Thích Minh Châu, Thích Thiện Châu,… trong đó thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những nhà sư Phật giáo lớn của thế giới.

Sức sống mãnh liệt được hồi phục của Phật giáo Việt Nam được thấy rõ nhất trong phong trào Phật giáo tại miền Nam Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam.

 

Sự hồi phục của Phật giáo Việt Nam chấm dứt với chiến thắng của những người cộng sản vào ngày 30/4/1975.

 

Thiền sư Trí Quang bị giam lõng, các vị Huyền Quang, Quảng Độ bị vào tù ra khám, nặng nề nhất là thiền sư Tuệ Sỹ suýt bị chế độ cộng sản xử tử hình.

 

Phật giáo và cộng sản

 

Bối cảnh lịch sử Việt Nam từ khi có đảng cộng sản xuất hiện tới nay, trong sự tuyên truyền để giành phần tình cảm dân tộc về phía họ, làm cho người ta dễ nhầm tưởng là cộng sản là cùng một “giuộc” với Phật giáo, và chống Công giáo. Sự thực thì chủ nghĩa cộng sản với hệ thống triết học của nó, xa Phật giáo hơn Công giáo, vì vốn nó ra đời trong truyền thống Ki Tô Do Thái của phương Tây.

 

Nhưng đó là một vấn đề khác, không bàn ở đây.

 

Với quan điểm tự nhận mình là vô thần, và mô hình toàn trị, những người cộng sản không bao giờ muốn những loại triết học, tư tưởng, tâm linh,… ngoài cộng sản, cùng tồn tại với mình. Nỗ lực của họ đối với Công giáo không thành công bao nhiêu vì tôn giáo này có cấu trúc chặt chẽ và được một thế giới phương Tây đứng đằng sau. Những người cộng sản Việt Nam, vào thời điểm hoang ca nhất của họ, cũng không xâm nhập được vào nhà thờ Công giáo.

 

Ngược lại, đối với Phật giáo, lợi dụng cấu trúc lõng lẻo của các tổ chức Phật giáo, cũng như sự thu phục tình cảm dân tộc trong hai cuộc chiến tranh, chiến tranh chống Pháp và chiến tranh chống Mỹ, đảng cộng sản dễ dàng thao túng Phật giáo Việt Nam. Hơn nữa như đã đề cập ở phần trên, sau một thời gian suy tàn, chỉ còn hình thức giáo phái Tịnh Độ là đa số, với nhiều hình thức lễ bái, cầu khấn, giải hạn, cầu siêu,...Phật giáo Việt Nam dễ dàng bị lợi dụng như là một công cụ “thuốc phiện của nhân dân” (câu của Karl Marx, lập lại quan điểm của Hegel khi bàn về tôn giáo).

 

Sau kinh nghiệm cứng rắn đốt chùa, đập tượng, đả thực bài phong, trên miền bắc xã hội chủ nghĩa sau năm 1954, cũng như đàn áp mạnh mẽ chùa chiền tại miền Nam sau năm 1975, Đảng Cộng sản Việt Nam, phát hiện rằng họ có sẵn trong tay món thuốc phiện rất hữu hiệu. Họ bắt đầu dung túng tầng lớp sư sãi nhũng lạm, đưa cho họ quyền lực. Đôi bên cùng có lợi.

 

Kết quả bây giờ chính là chùa Ba Vàng, chùa Bái Đính, Thích Nhật Từ, Thích Chân Quang (có lời đồn ông này là họ hàng xa xôi với cố chủ tịch Hồ Chí Minh ?!), và dĩ nhiên Thích Trúc Thái Minh.

 

Trong kết quả kiểm tra dân số gần đây nhất, số người Việt Nam tự nhận mình là tín đồ Ki Tô (Công giáo, Tin Lành), đã vượt qua số người tự nhận mình là phật tử. Dĩ nhiên ta nên nhìn con số này một cách tương đối, vì số người Việt không đi chùa, nhưng chịu ảnh hưởng các ý thức Phật giáo khá đông, những người này có thể không nhận mình là phật tử. Bên cạnh đó việc kê khai nhân khẩu, làm chứng minh nhân dân, khai lý lịch,… trong một thời gian dài làm cho người ta sợ hãi khi khai mục tôn giáo, nhiều phật tử cứ đánh vào ô: dân tộc kinh, tôn giáo không cho nó an toàn. Dù sao đó cũng là một thắng lợi của những người cộng sản đối với Phật giáo.

 

Nhưng hữu hiệu nhất vẫn là dùng chính Phật giáo để diệt Phật giáo, với sự nhũng lạm của khá đông sư sãi nhà nước. Một hệ thống toàn trị Phật giáo, phó sản của hệ thống toàn trị cộng sản được hình thành, và đang nắm tinh thần cũng như túi tiền của hàng chục triệu người Việt Nam.

 

Phật giáo hải ngoại

 

Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại cũng không lấy gì làm sáng sủa.

 

Trên mảnh đất tự do ngôn luận và tự do tôn giáo, nhiều nhà sư Việt Nam tại Mỹ ủng hộ nhiệt tình cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, kẻ phản dân chủ bậc nhất trong lịch sử nước Mỹ. Có những nhà sư cũng rất tích cực chia sẻ thuyết âm mưu Qnon rất quái dị, tin vịt thượng vàng hạ cám của tờ Đại Kỷ Nguyên, của nhóm Pháp Luân Công, một phó sản của sự tàn tạ của Phật giáo Trung Hoa.

 

Chùa to Phật lớn, cúng kiến linh đình, không phải là độc quyền của các chùa trong nước. Lớp công chúng phật tử Việt Nam tại hải ngoại hiện nay cũng như đồng bào họ trong nước, rất ưa chuộng lễ bái cúng kiến theo pháp môn Tịnh Độ. Việc này làm cho lớp người Việt trẻ tuổi sinh ra và lớn lên ở Mỹ, với tinh thần duy lý và cấp tiến, cảm thấy xa lạ. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục, thì hàng hà sa số chùa chiền Việt Nam tại Mỹ hiện nay rơi vào tình trạng phá sản, là một tương lai không xa.

 

Không cần kể ra đây hàng chục vụ tranh giành nhà cửa, tài sản, có liên quan đến những ngôi chùa Việt Nam tại Mỹ, đến các nhà sư, đến mức phải ra tòa.

 

Tình trạng toàn trị Phật giáo trong nước cộng với thể chế tự do tôn giáo tại Mỹ còn dẫn đến một việc dở khóc dở cười nữa là có hàng trăm, hàng ngàn tu sĩ Phật giáo Việt Nam xuất cảnh sang Mỹ theo diện … tôn giáo. Theo những nguồn tin đáng tin cậy thì không bao nhiêu tu sĩ trong số này thực sự là tu hành, mà họ chỉ lợi dụng chiếc áo nâu sòng… để đi Mỹ. Sang Mỹ rồi thì nhẹ nhàng là rủ tín đồ lập chùa riêng, hay thậm chí là trái gió nên phải lộn lèo như nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương mỉa mai hơn 200 năm trước.

 

Một nhà sư Việt Nam sống tại Mỹ có tâm sự với tôi rằng ông hồ nghi có một âm mưu tàn phá Phật giáo Việt Nam từ hàng chục năm qua.

 

Tôi nghĩ rằng ông lo lắng thái quá. Dĩ nhiên kế hoạch kềm chế Phật giáo của những người cộng sản thì đã rõ, mà họ cũng đâu có giấu diếm điều đó qua những tuyên bố mang tính vô thần, duy vật biện chứng (sic) của họ! Chẳng phải thế giới theo quan điểm Phật giáo là vô thủy vô chung, theo chu kỳ sinh, trụ, dị, diệt hay sao?

 

Tôi vẫn lạc quan về sự tái sinh, bắt đầu chu kỳ mới của Phật giáo Việt Nam.

 

 




No comments: