Việt
Nam muốn chuyển đổi năng lượng, nhưng gạt bỏ các nhà hoạt động môi trường
Phan Minh - RFI
Đăng ngày: 21/07/2023 - 16:44Sửa đổi
ngày: 21/07/2023 - 16:45
Pháp cải tổ
các nội các là chủ đề chính được các tờ báo Pháp hôm nay 21/07/2023 quan tâm. Về
châu Á, tờ Le Monde có bài viết mang tựa đề « Việt Nam muốn
chuyển đổi năng lượng, nhưng không cần các nhà hoạt động môi trường ».
https://s.rfi.fr/media/display/b0392c92-27cc-11ee-b9ec-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/000_32KQ728.webp
Pin mặt trời tại trung tâm Sao Mai, An Giang, Việt Nam. Ảnh ngày
25/09/2022. AFP - STR
Hàng chục tổ chức phi chính phủ quốc tế và các
nhà bảo vệ môi trường đã kêu gọi trả tự do cho nhà hoạt động môi trường Việt
Nam Hoàng Thị Minh Hồng, bị bắt vào ngày
30/05/2023 vì tội trốn thuế. Nhà hoạt động Thụy Điển Greta Thunberg đã
viết trên Twitter rằng đây là một « vụ bắt giữ mang tính chính trị
». Les Verts (đảng Xanh của Pháp) thì trách Paris im lặng. Một bức thư
ngỏ có chữ ký của 65 tổ chức quốc tế cũng đã kêu gọi cựu tổng thống Hoa Kỳ
Barack Obama giúp đỡ. Bà Hồng, 51 tuổi, từng nhận học bổng của Quỹ Obama vào
năm 2018.
Nghịch lý thay, khi nói đến quá trình chuyển đổi
năng lượng, Việt Nam lại là một trong các nước có thành tích xuất sắc nhất
trong số các quốc gia ở Nam bán cầu, sau khi cam kết tại hội nghị COP26 ở
Glasgow, Scotland, vào năm 2021, là Hà Nội sẽ thực hiện mục tiêu đạt trung hòa
carbon vào năm 2050.
Các cam kết về giảm thiểu khí gây ô nhiễm đã
giúp Việt Nam trở thành quốc gia thứ ba vào tháng 12/2022 ký kết thỏa thuận về
chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với những quốc gia, bao gồm các nước thuộc
Liên Hiệp châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Anh Quốc, Pháp, Đức hay Nhật Bản. Theo thỏa thuận,
các quốc gia này đã cam kết tài trợ số tiền lên tới 15,5 tỷ đô la trong vòng 3
đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam. Sáng
kiến JETP đáp ứng yêu cầu của các quốc gia phía Nam, do những nước này đang cần
được giúp đỡ trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Tuy nhiên, có những mâu
thuẫn rõ ràng giữa mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh, đi kèm với tham vọng
tăng trưởng kinh tế của chính quyền Hà Nội và nỗi ám ảnh của chế độ Cộng Sản cần phải gạt bỏ các nhà
hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường dân sự, kể cả những người được quốc
tế công nhận.
Pháp cải tổ nội các
Về chính trị Pháp, tờ Le Monde dành bài xã luận
về vai trò của thủ tướng Elisabeth Borne trong cải tổ nội các. Cần phải cải tổ,
nhưng cải tổ ra sao ? Kể từ đầu tuần, điện Elysée dường như đã « tầm
thường hóa » công cụ thường được dùng để làm xoa dịu dư luận và lấy
lại uy tín cho chính phủ. Khi kết thúc thời hạn « 100 ngày » mà
tổng thống Macron đã tự đặt ra để « hòa giải » với
người dân Pháp, sau khi ban hành luật cải tổ hưu trí, bà Elisabeth Borne tiếp tục
giữ chức thủ tướng.
Le Monde nhận định rằng điện Elysée đang thực
sự tầm thường hóa sự kiện này. Việc duy trì bà Borne ở chức thủ tướng đã được
phê chuẩn hôm 17/07 một cách « miễn cưỡng », với lý
do « cần bảo đảm sự ổn định ». Sự « tầm thường
hóa » này cũng được thể hiện qua những « thay đổi » trong
chính phủ. Thành phần chính phủ mới đã được công bố chỉ bằng một thông cáo báo
chí hôm 20/07.
Những cộng sự thân cận của Emmanuel Macron mô
tả cuộc cải tổ này là một « sự điều chỉnh đơn giản ». Ngược
lại, thủ tướng Borne thì coi đây là một dấu hiệu củng cố chính phủ và mong muốn
hướng tới những thay đổi quan trọng.
Le Monde nhận định, kể từ khi ông Macron bắt đầu
nhiệm kỳ, bà Borne đã bị tổng thống đối xử một cách thô bạo và không công bằng.
Thủ tướng Borne đã luôn ở trong tình trạng rất bấp bênh, luôn bị những cộng sự
viên thân tín của Macron chỉ trích về việc không thể thông qua cải tổ hưu trí,
khiến tổng thống phải viện dẫn điều 49.3 (thông qua luật mà không cần Quốc Hội
bỏ phiếu). Sự thật là bà Borne không phải là lựa chọn ban đầu của Emmanuel Macron
cho chức thủ tướng. Chủ nhân điện Elysée từng để mắt đến Catherine Vautrin, thuộc
đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR). Tuy nhiên, trước áp lực cũng như trước
mối quan ngại về một nhiệm kỳ với một chính phủ thiên về cánh hữu, ông Macron
đã quyết định không bổ nhiệm bà Vautrin.
Tuy nhiên, việc giữ bà Borne lại Matignon thể
hiện thất bại của tổng thống Macron trong việc « thu nạp
thêm » các chính trị gia cánh tả cũng như cánh hữu, và như vậy,
tình hình vẫn sẽ còn rất bấp bênh.
Nỗi thất vọng mang tên Pap Ndiaye
Tờ Libération thì chú ý đến sai lầm của tổng
thống Macron khi bổ nhiệm phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Cao cấp về Khoa học
Xã hội (EHESS) Pap Ndiaye làm bộ trưởng bộ Giáo Dục. Pap Ndiaye không phải là một
bộ trưởng có năng lực. Giống như nhiều người tiền nhiệm, ông Ndiaye đã rất được
kỳ vọng khi mới được bổ nhiệm, trước khi ông bị mỉa mai, và tệ hơn nữa, bị chê
là bất tài. Nhật báo thiên tả nhận định rằng việc Pap Ndiaye bị thay thế không
khiến một ai tiếc nuối. Những người đồng cảm nhất cùng lắm sẽ « thương
hại » ông, tiếc rằng « tại sao một người trí thức và
trung thực như vậy lại lao ra chính trường ? »
Mặt khác, theo Libération, sự ra đi của Pap
Ndiaye sẽ khiến một bộ phận khác hài lòng, như những người theo phe bảo thủ và
phe cực hữu, những người có tư tưởng phân biệt chủng tộc kinh tởm, đã khiến
Ndiaye trở thành mục tiêu bị soi mói ngay khi ông mới được bổ nhiệm làm bộ trưởng.
Libération chỉ trích tổng thống Macron và thủ tướng Borne đã tỏ ra rụt rè khi bộ
trưởng của mình bị đả kích.
Rõ ràng là Pap Ndiaye còn quá « non
nớt » để có thể đảm nhiệm một chức vụ quan trọng như vậy. Có thể
ông đã không hoàn thành nhiệm vụ được giao, song nhật báo thiên tả nhận định rằng
tổng thống Macron cũng phải chịu trách nhiệm về việc tuyển chọn nhân sự không kỹ
lưỡng, khi bộ Giáo Dục đang rất cần một vị bộ trưởng có thể tại vị trong một thời
gian dài.
Tôn giáo : Căng thẳng Thụy Điển-Irak leo thang
Trong lĩnh vực tôn giáo, tờ La Croix dành bài
xã luận về sự gia tăng của các hành động khiêu khích và bạo lực giữa Thụy Điển
và Irak trong cả ngày hôm qua vừa kinh hoàng, vừa khó lường. Lần thứ ba kể từ
tháng 1, kinh Coran bị « xúc phạm » ở Stockholm. Lần
này, Coran đã bị dẫm đạp ở ngay trước đại sứ quán Irak. Vụ này ngay lập tức gây
ra căng thẳng ngoại giao và kinh tế nghiêm trọng giữa hai nước : Irak trục xuất
đại sứ Thụy Điển tại Baghdad và đình chỉ giấy phép của tập đoàn viễn thông Thụy
Điển Ericsson. Ngay cả trước khi cuộc biểu tình ở Stockholm diễn ra, những người
ủng hộ thủ lĩnh Hồi Giáo hệ phái Shia Moqtada Al Sadr cũng đã xông vào cơ quan
đại diện của Thụy Điển ở thủ đô Irak và phóng hỏa.
Theo La Croix, việc những sự kiện này có thể dự
đoán được không có nghĩa là phải để cho chúng xảy ra, càng không có nghĩa là mọi
người phải « làm quen » với những hành động này. Bạo
lực xảy ra ở Baghdad rõ ràng phải bị lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có
thể, kể cả bởi chính phủ Irak. Còn về phần những người có hành động báng bổ tôn
giáo ở Stockholm, nhật báo Công Giáo cho rằng họ đang khiến mọi người rơi vào một
cái bẫy vô hình. Mặc dù luật pháp Thụy Điển không cấm dẫm đạp hoặc đốt kinh
Coran trong những cuộc biểu tình, nhưng sẽ không ai hưởng lợi nếu xảy ra một cuộc
chiến tranh tôn giáo, hệ quả của việc « xúc phạm » kinh
Coran hay bất kỳ sách thánh nào khác, khi nhiều người sẽ coi đó là hành động
xúc phạm, thiếu tôn trọng và khiêu khích. Vào đầu tháng 7, giáo hoàng đã bày tỏ « sự
tức giận và ghê tởm » trước vụ việc này, cho rằng « quyền
tự do ngôn luận không bao giờ được sử dụng như một cái cớ để coi thường người
khác ».
Bề mặt biển và đại dương nóng bất thường
Về biến đổi khí hậu, nhật báo thiên hữu Le
Figaro lo lắng về những đợt nắng nóng ở ngoài biển và đại dương được ghi nhận kể
từ đầu năm, đã vượt xa dự đoán của các chuyên gia.
Trên biểu đồ mà các nhà khoa học theo dõi hàng
ngày, nhiệt độ trên bề mặt của các đại dương đang tăng cao hơn bao giờ hết và
năm 2023 đang phá rất nhiều kỷ lục. Theo Cơ quan Nghiên cứu Đại dương và Khí
quyển Hoa Kỳ (NOAA), 44% bề mặt đại dương trên thế giới (ngoại trừ các cực) hiện
đang trải qua một đợt nắng nóng ở mức kỷ lục kể từ năm 1991. Một số khu vực phải
hứng chịu những đợt nắng nóng kinh hoàng : +5°C ở bờ biển Ecuador và Peru, +3°C
ngoài khơi bán đảo Iberia, +4°C ở Địa Trung Hải… Các nhà khoa học chỉ tỏ ra ngạc
nhiên về hiện tượng này hồi tháng 4, song giờ đây, điều này đang khiến họ bối rối
và lo lắng.
Thibault Guinaldo, nhà nghiên cứu tại Trung
tâm Nghiên cứu Khí tượng Quốc gia (Météo-France/CNRS) phân tích : « Những
hiện tượng bất thường này ảnh hưởng đến hàng triệu km2. Bởi để làm nóng một khối
nước lớn như vậy, thì cần một lượng năng lượng khổng lồ. »
No comments:
Post a Comment