Vấn
đề tẩy chay “Đường lưỡi bò”
“Đường lưỡi bò” trở nên nóng bỏng với hai sự kiện liên tiếp liên quan đến
sự xuất hiện của nó. Đầu tiên là phim Barbie sắp được công chiếu đã bị cấm ở Việt
Nam. Kế đến là vụ lùm xùm liên quan đến công ty tổ chức show Born Pink ở Hà Nội.
(Có lẽ tôi mới hạ phạm hay sao chứ tôi hoàn toàn xa lạ với hai cái tên này).
Trước hết, chúng ta không được quên “đường lưỡi bò”
không chỉ đơn giản là những vạch đứt đoạn trên một bản đồ hay hình họa. Nó là
biểu hiện của sự bành trướng và xâm lược. Đằng sau nó tiếng kêu khóc của vô số ngư dân bị chèn
ép, cướp bóc và bách hại trên biển. Nó là sự tước đoạt sinh kế của người dân, của
công cuộc phát triển, khai thác tài nguyên của đất nước và là sự xâm chiếm trắng
trợn không gian sinh tồn của dân tộc.
Vì thế, không thể có chuyện nhân nhượng với bất kỳ ý đồ tuyên truyền nào
cho “đường lưỡi bò”. Các trường hợp như Abominable hay Uncharted thể hiện rõ ý
đồ này, vì thế việc cấm chiếu nó là điều hiển nhiên. Trường hợp phim Barbie mới
đây có gây chút tranh cãi vì cái gọi là “đường lưỡi bò” trong hình ảnh của phim
khá mơ hồ, khiến không ít người bên ngoài cho rằng Việt Nam chủ trương “thà giết
nhầm hơn bỏ sót”.
Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ, đây là một sự thể hiện tinh vi của các nhà làm
phim. Trong bức hình bản đồ thế giới, phía dưới phần châu Á, có một đường đứt
đoạn cực kỳ vô duyên. Một “đường đứt đoạn”, dù 8 đoạn hay 9 đoạn, xuất hiện
trong một bản đồ, lại ở khu vực châu Á để làm gì nếu nó không có hàm ý là sự
công nhận “đường lưỡi bò”? Vì thế, cá nhân tôi cho rằng việc cấm chiếu bộ phim
này ở Việt Nam là đúng đắn. Cũng từ động thái tiên phong của Việt Nam, các tầng
lớp ở Philippines cũng kêu gọi nhà chức trách nước này hãy hành động. Đó là một
điều đáng mừng!
Ở trường hợp thứ hai, công ty tổ chức show Born Pink đăng bản đồ có “đường
lưỡi bò” trên website của họ. Đây là một trường hợp khá thú vị mà tôi sẽ theo
dõi cách xử lý của các cơ quan chức năng cũng như thái độ của công chúng.
Xét đến việc họ là công ty có trụ sở ở Trung Quốc và cân nhắc trên góc độ
doanh nghiệp thuần túy, việc họ sử dụng bản đồ có “đường lưỡi bò” cũng không
khó hiểu, vì họ chịu sự quản lý của chính quyền Trung Quốc và cũng chịu sức ép
từ nội bộ dân chúng Trung Quốc .
Ở đây có một động thái đáng chú ý là họ đã chủ động khóa trang khi vấn đề
này được nêu lên. Dù gì đây cũng là một cử chỉ “biết điều”. Vả lại, gần như tất
cả các doanh nghiệp Trung Quốc đều dùng bản đồ có “đường lưỡi bò” trong trường
hợp có bản đồ, đặc biệt trên website vốn xuyên biên giới. Một cách thực tế thì
cũng không thể tẩy chay tất cả các công ty Trung Quốc.
Đối với các trường hợp công ty Trung Quốc có hoạt động kinh doanh ở Việt
Nam, chúng ta chỉ có thể buộc họ không được phép in ấn, sử dụng bất kỳ ấn phẩm
nào có chứa “đường lưỡi bò” cũng như trên website phiên bản tiếng Việt nếu có.
Chẳng hạn, Oppo, nếu có bán điện thoại ở Việt Nam, thì các bản đồ, dịch vụ sử dụng
trên điện thoại không được phép có “đường lưỡi bò”.
Tuy nhiên, hãy tạm gác trường hợp này để đến với trường hợp thứ ba, là
các công ty đa quốc gia có hoạt động kinh doanh hoặc thị phần ở Trung Quốc. Sau
nhiều sự vụ, các tập đoàn này hiện nay đa phần áp dụng biện pháp thỏa hiệp là nếu
IP ở Trung Quốc thì sẽ thể hiện bản đồ có “đường lưỡi bò”, nếu ở nơi khác, chẳng
hạn ở Việt Nam, thì sẽ không có. Thôi thì một cách thực tế cũng tạm chấp nhận
được!
Tuy nhiên, nếu có công ty nào trí trá chỉ thể hiện bản đồ không “đường lưỡi
bò” ở Việt Nam hay vài quốc gia liên quan khác, nhưng lại chèn “đường lưỡi bò”
vào những khu vực khác ngoài Trung Quốc, thì đó lại là điều không thể chấp nhận
được! Nó cũng tương tự các nhà làm phim ở Hollywood bằng một cách nào đó phải
chèn bằng được “đường lưỡi bò” vào sản phẩm của họ trong một số trường hợp!
Vấn đề cuối cùng, tại sao Việt Nam lại phải luôn lên tiếng đầu tiên. Nếu
chúng ta không phải là những người trước hết bảo vệ chính mình, thì ai sẽ bảo vệ
chúng ta, trong khi Việt Nam chính là quốc gia bị tổn hại nhiều nhất bởi “đường
lưỡi bò” tưởng tượng này?
Rất nhiều trường hợp, từ sự phản đối của Việt Nam mà các nước trong khu vực
cũng đã hành động theo! Trung Quốc là một thị trường lớn, tất nhiên rồi! Nhưng
nếu cộng tất cả các quốc gia đông dân ở ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản… và nếu lôi
kéo được cả Ấn Độ, quốc gia vừa mới rồi cũng lần đầu tiên kêu gọi tuân thủ phán
quyết của tòa án, thì chúng ta sẽ là một đối trọng đáng kể.
Ít nhất để các tập đoàn lớn, các nhà sản xuất phim ảnh suy nghĩ kỹ trước
khi quỳ gối trước Trung Quốc, không chỉ đối với vấn đề “đường lưỡi bò”!
.
No comments:
Post a Comment