THAM
NHŨNG DƯỚI CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN
Dưới
chế độ cộng sản tham nhũng mang tính đảng. Tính đảng là gì?
“Tính đảng
gắn liền với sự ra đời, lý tưởng và con đường đấu tranh của đảng cộng sản. Đảng
cộng sản – đội tiên phong của giai cấp công nhân – ra đời trên cơ sở kết hợp giữa
lý luận (chủ nghĩa xã hội khoa học – hệ tư tưởng của giai cấp công nhân) và thực
tiễn (phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại giai cấp tư sản).”
(Tạp chí Xây Dựng Đảng ngày 22 tháng 8, 2021)
Nói một
cách dễ hiểu, tính đảng là những đặc điểm mang tính bản chất gắn liền với sự ra
đời, phát triển và mất đi của ý thức hệ CS mà đại diện là đảng CS.
“Chuyên
chính vô sản”, “nền tảng lý luận và tư tưởng của đảng CS đặt cơ sở trên chủ
nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử”, “vai trò lãnh đạo tuyệt
đối của đảng CS trong mọi lãnh vực của đời sống xã hội” v.v.. là những tính đảng.
Các tính đảng đó cùng tồn tại với đảng CS và trong lòng cơ chế CS.
“Tính
đảng độc tài chuyên chính” đẻ ra “tính đảng tham nhũng thối nát” và vì thế
“tính đảng tham nhũng thối nát” không thể nào bị ngăn chặn hay xóa bỏ khi nào
“tính đảng độc tài chuyên chính” còn tồn tại.
Đó là quan
hệ nhân quả giữa “chuyên chính” và “tham nhũng”, và quan hệ đó tồn tại suốt chiều
dài của đảng CS.
Câu hỏi
thường được đặt ra liệu tham nhũng có thể được ngăn chặn hay xóa bỏ dưới chế độ
CS hay không, câu trả lời đúng theo quy luật xã hội là “không”.
Câu trả lời
đó không phải võ đoán mà dựa theo “cơ sở lý luận kinh điển” của hệ tư tưởng CS
và thực tế xã hội tại các nước cựu CS từ LX cho tới Đông Âu.
Nhìn
lại tình trạng tham nhũng tại Liên Xô
Craig R.
Whitney, từng là Chủ Bút của New York Times, khi còn là một phóng viên tại Liên
Xô đã mô tả xã hội Liên Xô giống hệt như đang xảy ra tại Việt Nam ngày nay. Ông
viết trên New York Times ngày 7 tháng 5, 1978, Liên Xô “là một xã hội tham
nhũng tràn lan, nơi các quan chức biển thủ hàng trăm tỷ đô la mỗi năm từ các
doanh nghiệp nhà nước và nơi một cảnh sát sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ nếu khoản
hối lộ chưa đúng.” (The New York Times, In Soviet, Widespread Practice of
Bribery Helps One Get a Car, Get an Apartment and Get Ahead, May 7, 1978)
Lenin xem
tham nhũng là kẻ thù số một của chế độ nhưng không diệt được tham nhũng. Nửa thế
kỷ sau, Nikita S. Khrushchev cũng thề sống chết với tham nhũng nhưng cuối cùng,
một trong những nguyên nhân chính và sâu xa nhất đã nhận chìm chế độ CS Liên Xô
chính là tham nhũng.
Lý do đơn giản. Một khi toàn bộ đời sống đất nước đặt
trọn trong tay một nhóm người nắm giữ mọi quyền sinh sát, nhóm người đó sẽ lạm
quyền, sẽ tham ô, sẽ tham nhũng, sẽ băng hoại và sẽ thối nát.
Là con người
ai chẳng có ít nhiều lòng tham và dễ mềm lòng trước cám dỗ. Tham nhũng xảy ra ở
khắp nơi và trong mọi xã hội. Khác chăng, tham nhũng ở các nước dân chủ phát xuất từ
lòng tham cá nhân và tham nhũng dưới chế độ CS phát xuất từ hệ thống.
Cá nhân cựu
Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi can tội hối lộ và trốn thuế nhưng nền Cộng Hòa Ý
thì không. Cá nhân cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy can tội hối lộ quan tòa
nhưng nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp thì không.
Ngoài
nguyên tắc tam quyền phân lập, kiểm soát và thăng bằng (check and balance) giữa
các ngành, sức mạnh của người dân qua các tổ chức xã hội dân sự tại các nước
dân chủ đã đóng góp phần quan trọng trong việc trong sạch hóa không ngừng xã hội.
Các
nước CS không có những đặc điểm đó
Lịch sử
cho thấy nếu tham nhũng có thể ngăn chặn được thì Liên Xô đã không sụp đổ năm
1991.
Sau các
giai đoạn thanh trừng đẫm máu của Stalin, thời Leonid Brezhnev (1964–1982) là
thời kỳ CS chuyên chính nhất tại LX nhưng đồng thời cũng là thời kỳ tham nhũng
phát xuất từ hàng ngũ cán bộ cao cấp diễn ra nhiều nhất.
Để củng cố
quyền lực sau khi loại bỏ Nikita Khrushchev, Brezhnev đưa vào trung ương những
cán bộ thuộc thành phần thân tín được gọi là “những cán bộ được đề cử”
(nomenklatura) và thành phần này sống đời sống xa hoa giữa một nền kinh tế đang
suy thoái trầm trọng.
Sau khi
Leonid Brezhnev chết (1982), một ủy ban điều tra đã khám phá ra nước Cộng Hòa
Xã Hội Chủ Nghĩa Uzbekistan đã thất thoát một ngân sách khổng lồ lên tới 6.5 tỷ
dollar theo thời giá 1988 vào tay các lãnh đạo CS trong đó có con rể của
Brezhnev.
Khi hung
thần Brezhnev còn sống, những cán bộ này được hệ thống quyền lực bao che. Tờ
Pravda dưới thời kỳ cởi mở của Gorbachev cho rằng tham nhũng tại LX đã bị cơ chế
hóa. (Soviet Uncover Massive Corruption : Billions Lost in Uzbekistan Case
Involving Brezhnev Kin, L.A. Times, Jan. 24, 1988)
Trong thời
kỳ Chiến Tranh Lạnh, nghiên cứu về “tính đảng tham nhũng thối nát” của LX là một
quan tâm chuyên môn của các phân tích gia Mỹ. Lý do, chính quyền Mỹ biết tham
nhũng là điểm băng hoại mang tính bản chất của chế độ CS nên đã dành nhiều thời
gian để nghiên cứu tình trạng tham nhũng tại Liên Xô, Ba Lan và các nước CS.
Bản phân
tích mật số SOV 8510145X với tựa “The Soviet Anticorruption Campaign: Causes,
Consequences, And Prospects” của CIA vào tháng 8, 1985 được bạch hóa năm 2014
cho biết nguồn gốc của phong trào chống đối tại Ba Lan phát xuất từ tình trạng
tham nhũng trầm trọng trong hệ thống đảng và nhà nước CS Ba Lan. (General CIA
Records, Publication Date: August 1, 1985)
Đến thời
hung thần Yuri Andropov cũng thế. Yuri Andropov, còn được gọi là “đồ tể của
Budapest” vì vai trò của y trong vụ đàn áp cuộc nổi dậy tại Hungary 1956, Mùa
Xuân Tiệp Khắc 1968 và từng là giám đốc KGB từ 1967 đến 1982, khi lên nắm quyền
Tổng Bí Thư đảng CSLX đã ra lịnh bỏ tù hàng loạt cán bộ các cấp lãnh đạo đảng
vì tội tham nhũng.
Andropov
chết, Konstantin Chernenko lên thay và cũng tiếp tục chính sách chống tham
nhũng của Andropov nhưng cả hai cuối cùng đều thất bại.
Một thước
đo được quốc tế công nhận để đo lường các chính sách chống tham nhũng và sự
trong sạch của bộ máy công quyền tại một nước là tính minh bạch của chính phủ
nước đó.
Minh bạch
của chính phủ (Governmental transparency) là gì?
Theo định
nghĩa của The Encyclopedia of American Politics, minh bạch của chính phủ
(Governmental transparency) là “Công khai, trách nhiệm, và thành thật xác định
tính minh bạch của chính phủ. Trong một xã hội tự do, minh bạch là trách nhiệm
của chính phủ để chia sẻ thông tin với người dân. Minh bạch là trọng tâm để qua
đó người dân quy trách nhiệm cho các viên chức chính quyền.”
Theo định
nghĩa đó, ba đặc điểm của minh bạch cần phải có gồm (1) công khai, (2) trách
nhiệm và (3) thành thật. Đồng thời, ba hậu quả của không minh bạch trong chính
phủ gồm (1) thông tin bị bưng bít, (2) lạm dụng quyền hành và (3) tham nhũng.
Dưới chế độ
CSVN hiện nay, nếu chỉ phải trả lời theo lối trắc nghiệm, một người có nhận thức
chính trị căn bản nào cũng có thể dễ dàng chọn “không” cho ba đặc điểm và “có”
cho ba hậu quả.
Thử
lướt qua tính minh bạch tại vài nước CS điển hình
Tại Liên
Xô. Là lãnh đạo CS cao cấp nhất của đảng và nhà nước Liên Xô, hơn ai hết,
Mikhail Gorbachev biết rất rõ rằng hệ thống Soviet dựa vào tuyên truyền dối trá
và nhà tù, hơn 70 năm đã kìm hãm sự phát triển tự do của nhận thức con người,
đi ngược lại sự chuyển động tự nhiên của xã hội.
Vào cuối
thập niên 1980, văn minh nhân loại đã phát triển đến mức những câu chuyện tuyên
truyền hoang đường về một thiên đường CS đã thành những chuyện cười trong các
quán rượu ở Nga, và nhà tù không thể nhốt hết 300 triệu người dân trong 15 nước
thuộc liên bang Xô Viết.
Muốn Liên
Xô tồn tại, đảng CS phải thực hiện những thay đổi tận gốc rễ của chế độ và trước
hết là minh bạch. Chính từ lý do đó, một trong những trọng điểm của chương
trình Glasnost (Cởi mở) mà Gorbachev phát động vào năm 1986 là để gia tăng mức
độ minh bạch trong chính phủ.
Gorbachev
chủ trương tạo một không khí tranh luận giữa chính phủ và người dân về tất cả
các vấn đề của đất nước, và điều này cũng có nghĩa giới hạn quyền kiểm soát của
trung ương như đã có trước đây. Nhưng những cố gắng của Gorbachev đến quá trễ
và trở thành con dao hai lưỡi, chặt đứt chế độ mà ông ta nỗ lực để cứu vãn.
Từ
Đặng Tiểu Bình Đến Tập Cận Bình và Minh Bạch
Học bài học
Liên Xô, Đặng Tiểu Bình và các thế hệ lãnh đạo Trung Cộng sau y đã chọn lựa ban
cho người dân cơm áo nhưng siết chặt xã hội Trung Quốc bằng một chế độ hà khắc
về đời sống tinh thần không khác gì Tần Thủy Hoàng hai ngàn hai trăm năm trước.
Lãnh đạo
Trung Cộng ngăn cấm sử dụng internet ngoài giới hạn cho phép. Các mạng thông
tin xã hội quen thuộc với phần lớn nhân loại như Facebook, Twitter hay Youtube
bị chặn. Mọi đường thông tin ra ngoài Trung Quốc đều do Đề án Lá chắn Vàng
(Golden Shield Project) thuộc Bộ An ninh kiểm soát. Để trấn áp dân chúng trong
lãnh vực thông tin, Bộ An ninh Trung Cộng tuyển dụng một lực lượng an ninh mạng
khoảng 2 triệu nhân viên.
aZ
Trong một
bài bình luận gởi riêng cho báo New York Times ngày 15 tháng 6, 2015, Bào Đồng
(Bao Tong), cựu Trưởng Ban Cải cách Chính trị Trung Ương đảng CSTQ và là Thư ký
riêng của cố Thủ tướng Triệu Tử Dương, nhận xét rằng chính sách “làm giàu trước
đã” của Đặng đã biến xã hội Trung Quốc thành một xã hội tham nhũng từ địa
phương đến trung ương, lãng phí tài nguyên, tàn phá môi trường thiên nhiên và
di họa cho các thế hệ mai sau.
Họ
Đặng đã làm mọi cách để gia tăng tổng sản lượng bất chấp những tai họa do các
chính sách đó gây ra.
Đầu năm
2015, trước áp lực quốc tế và sức phản kháng của người dân như mạch nước ngầm
đang chuyển động, Tập Cận Bình lo lắng và tuyên bố sẽ minh bạch hơn trong các
chính sách kinh tế, quốc phòng và đẩy mạnh chính sách chống tham nhũng. Tuy
nhiên, theo các nhà phân tích, hành động của họ Tập chỉ nhằm mục đích thanh trừng
các phần tử chống đối và củng cố quyền lực cá nhân hơn là gia tăng minh bạch
trong chính phủ.
Trung Cộng
tồn tại được bao lâu hiện đang là một chủ đề được các nhà nghiên cứu kinh tế
chính trị tập trung vào. Không ai biết chắc về thời điểm hay cách thức nhưng đều
đồng ý Trung Cộng sụp đổ chỉ là vấn đề thời gian. Lần nữa, một trong những lý
do là không minh bạch trong chính phủ.
Cộng
Sản Việt Nam và Minh Bạch
CSVN,
về bên ngoài, đang đối diện với con quái vật Trung Cộng đang ăn tươi nuốt sống
từng phần thân thể, và bên trong, là một chế độ toàn trị tồn tại bằng tuyên
truyền lừa bịp và nhà tù.
Người dân
trong nước có vẻ phấn khởi, vui mừng khi một số cán bộ tham nhũng bị bắt và bị
khởi tố. Nhưng một tầng lớp cán bộ tham nhũng vào tù sẽ có một tầng lớp cán bộ
tham nhũng khác lên thay và nếu bị lộ họ sẽ vào tù. Họ có thể nhỏ vài giọt nước
mắt cá sấu trước tòa nhưng sẽ mỉm cười chiến thắng lúc một mình. Chính trị dưới
chế độ CS là sòng bạc quyền lực. Nếu phải ở tù vài năm với tiêu chuẩn đảng viên
cao cấp mà giấu được nhiều triệu dollar họ vẫn còn lời to.
Bản chất
giống nhau thì hậu quả không thể khác dù đó là ở LX trước đây hay TC và CSVN hiện
nay.
Các tính đảng
“độc tài chuyên chính” và “tham nhũng thối nát” có quan hệ hữu cơ và do đó sẽ dẫn
tới hậu quả giống nhau không tránh khỏi.
Người dân
bình thường có lý do để vui mừng vì hút máu dân lành là một trọng tội nhưng đừng
quên những kẻ đáng tội hơn không phải Đinh La Thăng, Tất Thành Cang, Chu Ngọc
Anh, Nguyễn Thanh Long v.v.. mà là cơ chế CS.
Điều đó hiển
nhiên đến mức ngay cả cựu TBT đảng CS Lê Khả Phiêu cũng phải thừa nhận khi phát
biểu “Tham nhũng ở nước ta là do cả cơ chế lẫn con người.” (Tìm lại lòng tin đã
mất, báo Người Đô Thị, 27 tháng 11, 2014).
Cơ chế
chính trị CS đã bắc thang cho các cán bộ CS leo lên đài danh vọng và tạo cho họ
cơ hội làm giàu trên sự chịu đựng của nhiều triệu dân nghèo, của hàng ngàn học
sinh mỗi ngày phải lội sông, lội suối đến trường, của hàng vạn trẻ thơ không áo
ấm mùa đông. Nước mắt chảy thành sông trên quê hương Việt Nam giữa tiếng cười của
lớp người cai trị suốt gần nửa thế kỷ qua và sẽ chảy cho đến ngày chế độ độc
tài sụp đổ.
Tham
nhũng tại Việt Nam là một loại cỏ độc ăn sâu trong đất, không thể cắt, không thể
nhổ mà phải thay bằng đất mới.
Trần
Trung Đạo
Hình : https://www.facebook.com/photo/?fbid=755038906625174&set=a.124728546322883
THAM NHŨNG
CÓ TÍNH ĐẢNG
.
No comments:
Post a Comment