Sunday, July 9, 2023

NHIỆM VỤ BẤT KHẢ THI CỦA BỘ TRƯỞNG JANET YELLEN (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Nhiệm vụ bất khả thi của Bộ Trưởng Janet Yellen

Hiếu Chân/Người Việt

July 7, 2023

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/nhiem-vu-bat-kha-thi-cua-bo-truong-janet-yellen/

 

Bà Janet Yellen, bộ trưởng Tài Chính Mỹ, đang có chuyến công du đầy khó khăn tới Trung Quốc với nhiệm vụ xoa dịu căng thẳng, bảo vệ chính sách hạn chế xuất cảng công nghệ cao của Mỹ và trấn an nước chủ nhà rằng Mỹ không có ý định bao vây kinh tế nước này. Trong bối cảnh sự thù địch ngày càng gia tăng giữa hai nước, nỗ lực của bà Yellen có thể sẽ không đạt được nhiều kết quả.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/07/BL-Janet-Yellen-1536x1024.jpg

Bà Janet Yellen, bộ trưởng Tài Chính Mỹ, đến Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 6 Tháng Bảy. (Hình: Mark Schiefelbein/Pool/AFP via Getty Images)

 

Chiếc phi cơ chở bà Yellen đáp xuống Bắc Kinh vào chiều Thứ Năm, 6 Tháng Bảy. Ra đón đoàn chỉ có ông Nicholas Burns, đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, và ông Dương Ứng Minh (Yang Yingming), một quan chức cấp thấp của Bộ Tài Chính Trung Quốc.

 

Trong ngày đầu của chuyến thăm bốn ngày, bà Yellen chỉ làm việc với các “cựu” quan chức, gồm ông Lưu Hạc (Liu He), cựu phó thủ tướng, và ông Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaoyuan), cựu thống đốc Ngân Hàng Trung Ương. Hai ông này, tuy không còn giữ chức vụ chính thức nhưng vẫn là những chuyên gia hàng đầu về tài chính-thương mại, từng dẫn dắt những nỗ lực hội nhập của Trung Quốc và đàm phán với chính phủ Hoa Kỳ. Nội dung làm việc với hai “cựu” quan chức này có thể là căn bản cho cuộc đàm phán chính thức giữa Bộ Trưởng Yellen với tân Thủ Tướng Lý Cường (Li Qiang) – nhân vật số 2 của đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ) vào tối Thứ Sáu, 7 Tháng Bảy. Bà Yellen sẽ không gặp được ông Tập Cận Bình và do vậy, giới quan sát không hy vọng sẽ có đột phá trong những vấn đề kinh tế-thương mại mà hai bên đang xung khắc.

 

Thách thức của bà Yellen là làm sao thuyết phục nước chủ nhà rằng các chính sách của Mỹ đánh thuế cao hàng nhập cảng và hạn chế xuất cảng các công nghệ nhạy cảm như chất bán dẫn là không nhằm gây hại cho kinh tế Trung Quốc. Thông điệp chính của bà Yellen sẽ là Mỹ không ủng hộ việc “tách rời” (decoupling) hay cắt đứt liên lạc giữa Mỹ và Trung Quốc về công nghệ và thị trường vì làm như vậy gây nguy hiểm cho sự sáng tạo và tăng trưởng kinh tế.

 

Nhưng Bắc Kinh sẽ khó lắng nghe thông điệp của bà Yellen khi chính quyền Biden vẫn đang tiếp tục đưa ra nhiều biện pháp mạnh hơn nữa, như giới hạn vốn đầu tư của các công ty Mỹ vào quốc gia này và thậm chí hạn chế quyền truy cập của các công ty Trung Quốc vào các dịch vụ điện toán đám mây (cloud computing) của các tập đoàn Mỹ như Amazon, Microsoft,… qua đó ngăn cản các công ty Trung Quốc tiếp cận các loại chip tân tiến được sử dụng cho trí tuệ nhân tạo.

 

Về phía nước chủ nhà, Trung Quốc cũng bắt đầu các biện pháp trả đũa. Mới đây Bắc Kinh thông báo sẽ hạn chế xuất cảng chất gallium và germanium – hai khoáng chất quan trọng được sử dụng để sản xuất các con chip tân tiến. Ngoài ra, Trung Quốc cũng hạn chế các đơn vị trong nước sử dụng chip của công ty Micron Technologies (Mỹ) cũng như lục soát văn phòng một số công ty Mỹ tại Bắc Kinh và Thượng Hải, tịch thu máy móc, tài liệu và bắt giữ một số nhân viên.

 

Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đặt việc bảo vệ an ninh quốc gia lên trên hợp tác kinh tế. Nhưng trong lúc Mỹ chỉ muốn hạn chế các công nghệ “lưỡng dụng,” có thể giúp quân đội Trung Quốc phát triển các loại vũ khí tân tiến đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ và đồng minh thì Trung Quốc mở rộng khái niệm an ninh quốc gia bao trùm lên toàn bộ đời sống xã hội và quan hệ với nước ngoài. Đảng CSTQ dưới quyền ông Tập Cận Bình càng ngày càng cảm thấy bất an và sử dụng chiêu bài “an ninh quốc gia” để che giấu các hoạt động nhằm bảo vệ quyền lực. Luật chống gián điệp Trung Quốc mới ban hành thể hiện nỗi bất an đó và đang gây lo ngại sâu sắc cho các công ty và nhà đầu tư nước ngoài là một ví dụ.

 

                                                          ***

 

Nhiều nhà phân tích cho rằng việc chọn bà Yellen làm người tiên phong xoa dịu mối căng thẳng với Trung Quốc là một nước cờ thú vị của chính quyền Biden.

 

Trong phiên điều trần trước Thượng Viện năm 2021 để được phê chuẩn làm bộ trưởng Tài Chính, bà Yellen có quan điểm rất cứng rắn với Trung Quốc và cam kết đương đầu với “lề lối làm ăn lạm dụng, không công bằng và bất hợp pháp” của Bắc Kinh đang “gây hại cho các công ty và người lao động Mỹ.”

 

Nhưng khi đảm nhiệm chức vụ, bà chuyển dần theo hướng thực dụng và ôn hòa hơn để ứng phó với nguy cơ kinh tế tăng trưởng chậm và lạm phát gia tăng. Bà Yellen vẫn lên án thành tích nhân quyền tồi tệ của Trung Quốc, ủng hộ việc Mỹ đa dạng hóa các nguồn cung ứng và công nhận bảo vệ an ninh quốc gia là tối quan trọng. Tuy nhiên, bà cũng vận động duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc, chống lại việc đánh thuế cao hàng hóa nhập cảng từ nước này, yêu cầu thận trọng trong việc ban hành biện pháp hạn chế đầu tư vào Trung Quốc, và cảnh báo việc “tách rời” hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là một thảm họa.

 

Bộ Tài Chính của bà Yellen, cùng với các đại công ty ở thị trường chứng khoán Wall Street, được cho là có truyền thống ưu ái cho Trung Quốc để được quyền khai thác thị trường rộng lớn này. Chính Bộ Tài Chính và Wall Street đã nỗ lực vận động chính phủ Mỹ để Trung Quốc được gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) năm 2001 với những điều kiện ưu đãi mà không nước nào khác có được. Chiếc vé vào WTO đã mở toang cánh cửa để Trung Quốc hội nhập với thế giới tư bản và có được thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng mấy chục năm qua.

 

Ngày nay, trong nội các của chính quyền Biden, bà Yellen cũng được coi là chính trị gia-học giả, có khuynh hướng ôn hòa và tư duy khoa học. Bà từng là giáo sư kinh tế, chủ tịch chi nhánh San Francisco của Ngân Hàng Liên Bang (Fed), và chủ tịch Fed thời kỳ 2014-2018. Bà không xa lạ với các quan chức hoạch định chính sách kinh tế tài chính của Trung Quốc và được họ coi là “sứ giả” thân thiện nhất mà Bắc Kinh nên chào đón. Họ hy vọng bà Yellen sẽ thuyết phục chính quyền Biden sớm thu hồi các chính sách hạn chế đầu tư và bãi bỏ các biện pháp đánh thuế hàng hóa Trung Quốc. “Họ muốn Janet giúp họ. Họ coi bà là bạn của Trung Quốc,” ông Michael Pillsbury, nhà nghiên cứu Trung Quốc của Heritage Foundation, một cơ quan nghiên cứu Mỹ có khuynh hướng bảo thủ, nhận xét.

 

                                                            ***

Nhưng bà Yellen sẽ khó mà giúp Trung Quốc trong bối cảnh chính trị căng thẳng hiện nay. Quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington hiện xuống mức thấp nhất từ sau sự kiện khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay ngang qua lãnh thổ Mỹ hồi Tháng Hai. Chuyến thăm Trung Quốc mới đây của Ngoại Trưởng Antony Blinken cũng không làm ấm được mối quan hệ giá lạnh và chắc chuyến thăm của bà Yellen cũng vậy dù bà được coi là ôn hòa với Trung Quốc hơn ông Blinken.

 

Nước Mỹ đã bắt đầu vào thời kỳ chạy đua cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, thời kỳ mà các chính trị gia đều ra sức thể hiện một lập trường chống Trung Quốc mạnh mẽ, coi đó là một thông điệp thu hút lá phiếu cử tri. Không có gì lạ khi gần đây các chính trị gia Cộng Hòa liên tục phê phán chính quyền Biden của đảng Dân Chủ chậm chạp và mềm mỏng trong các biện pháp trừng phạt Trung Quốc liên quan đến các vấn đề nhân quyền, Đài Loan, Biển Đông và cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraine. Dân Biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), chủ tịch Ủy Ban Đặc Biệt Hạ Viện về Đảng CSTQ, nói rằng hành động của Trung Quốc ngày càng tồi tệ trong khi chính quyền Biden theo đuổi một sự “gắn bó xác sống” (zombie engagement) với đảng độc tài này.

 

Về phía đảng Dân Chủ, chính quyền Biden lặng lẽ đưa ra các chính sách hạn chế ngày càng khắc nghiệt đối với các công ty Trung Quốc, đầu tư để vực dậy ngành công nghiệp công nghệ cao của chính nước Mỹ và vận động các đồng minh làm theo các chính sách đó, thực chất là “bao vây” Trung Quốc dưới cái nhãn đa dạng hóa nguồn cung ứng, tránh lệ thuộc vào một nguồn duy nhất. Mỹ và các đồng minh Liên Âu nói rằng họ không muốn “tách rời” Trung Quốc nhưng phải “giảm rủi ro” (de-risk) như lời bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, nói.

 

Trong hoàn cảnh như vậy, chuyến đi của bà Yellen được coi là một “nhiệm vụ bất khả thi” như tên một bộ phim của Hollywood.

 

Có một tia hy vọng le lói là các nhà lãnh đạo Bắc Kinh biết Trung Quốc cần có Mỹ và Liên Âu, cần thị trường tiêu thụ, dòng vốn và công nghệ để ngăn chặn đà suy thoái của nền kinh tế hiện nay sau ba năm đóng cửa tự cô lập để chống dịch COVID-19. Với nhu cầu như vậy và với tinh thần thực dụng trần trụi, có thể các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ cởi mở hơn với bà Yellen và có thể sẽ chấp nhận nối lại đường dây liên lạc cao cấp giữa hai nước mà Bắc Kinh đã đơn phương cắt đứt sau chuyến thăm Đài Loan của Dân Biểu Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) hồi Tháng Tám năm ngoái trong vai trò chủ tịch Hạ Viện. [đ.d.]

 

==========================

 

Bộ Trưởng Ngân Khố Yellen chỉ trích việc Trung Quốc chế tài các công ty Mỹ

Người Việt

July 7, 2023

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/bo-truong-ngan-kho-yellen-chi-trich-viec-trung-quoc-che-tai-cac-cong-ty-my/

 

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Hôm Thứ Sáu, 7 Tháng Bảy, Bộ Trưởng Ngân Khố Mỹ Janet Yellen tuyên bố khi đến Bắc Kinh trong chuyến viếng thăm chính thức Trung Quốc nhằm hàn gắn những xích mích giữa hai nước hồi gần đây rằng “Hoa Kỳ và các đồng minh của mình sẽ đáp trả các biện pháp kinh tế không công bằng” của Bắc Kinh. Rồi vị bộ trưởng Mỹ liền bày tỏ thái độ hòa giải, nói rằng “Hoa Kỳ chỉ muốn đa dạng hóa thay vì tách rời khỏi các mối liên hệ với Trung Quốc.”

 

Chuyến viếng thăm kéo dài bốn ngày của bà Yellen tại Trung Quốc, trong đó có cuộc hội kiến với Chủ Tịch Tập Cận Bình và Thủ Tướng Lý Cường, được dự trù sẽ mang lại rất ít thành quả vào lúc bà Yellen rời thủ đô Trung Quốc vào tối Chủ Nhật.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/07/TS-Yellen-chi-trich-Trung-Quoc-1536x1024.jpg

Bà Janet Yellen, bộ trưởng Tài Chính Mỹ. (Hình: Kevin Dietsch/Getty Images)

 

Các mối liên hệ giữa Washington và Bắc Kinh cứ tiếp tục đà suy đồi từ vài ba năm qua vì có nhiều sự kiện chia rẽ hai bên, bao gồm tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Tân Cương và Hồng Kông, việc Trung Quốc đòi lại lãnh thổ Đài Loan và đòi chủ quyền gần hết Biển Đông, cùng với việc Bắc Kinh gia tăng mức thống trị trên các nền kỹ nghệ, từ công cuộc sản xuất chất graphite và silicon cho tới đất hiếm, chất lithium làm bình điện, và các tấm bảng thu sức nóng mặt trời.

 

Bà Yellen nói rằng bà “đặc biệt bất bình” về các biện pháp trừng phạt mới đây nhất của Trung Quốc. Các biện pháp trừng phạt đó liên quan tới chủ trương dẹp bỏ các công ty tư vấn đặt trụ sở tại Mỹ và việc kiểm soát hàng hóa xuất cảng của Trung Quốc mới vừa được đưa ra hồi tuần trước, đặc biệt là các nguyên liệu thiết yếu để chế tạo những con chip dùng trong máy điện toán.

 

Những đòn đáp trả của Trung Quốc được tung ra tiếp theo sau những hạn chế mà Hoa Kỳ đưa ra nhằm ngăn chặn các công ty Trung Quốc không được mua vào các con chip tân tiến nhất. Trong khi đó, Hoa Kỳ còn ra sức thúc đẩy các quốc gia khác theo gương mình mà áp dụng các hạn chế tương tự đối với Trung Quốc.

 

Đã thế, khi nhìn quanh, Bắc Kinh lại ngó thấy một mạng lưới các đồng minh quân sự của Mỹ cũng các căn cứ trải dài từ Úc cho tới Nam Hàn, tất cả đều nhắm vào một mục tiêu là kiềm chế Trung Quốc. (TTHN)

 

 

 



No comments: