''Năng
lượng hóa thạch'': G20 bất lực trong lúc nhiệt độ thế giới tăng vọt
Trọng Thành - RFI
Đăng ngày: 23/07/2023 - 18:04
Nhiệt độ tại nhiều nơi trên Trái đất,
ngay cả ở các nước ôn đới Bắc Bán Cầu đạt mức kỷ lục trong những tuần đầu tháng
7 vừa qua. Tại Mỹ, tại Trung Quốc, tại châu Âu... nhiệt độ nhiều nơi lên đến mức
45°C, thậm chí cao hơn. Trong lúc đó, hội nghị bộ trưởng Năng Lượng khối G20 kết
thúc hôm qua, 21/07/2023, đã không đạt được đồng thuận về một lịch trình cắt giảm
năng lượng hóa thạch, nguyên nhân khiến khí hậu Trái đất bị hâm nóng.
https://s.rfi.fr/media/display/7ebb34a6-2972-11ee-a4fc-005056a90321/w:980/p:16x9/063_1482248946.webp
Chấm dứt đầu tư cho các năng lượng hóa thạch là khẩu
hiệu của các nhà hoạt động vì khí hậu. Một cuộc tuần hành bên ngoài trụ sở của
Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tại Washington, DC, ngày
14/04/2023. Getty Images via AFP - ANNA MONEYMAKER
Theo AFP, trong tuyên bố chung của hội nghị các bộ trưởng Năng lượng G20,
họp tại Ấn Độ bốn ngày, thậm chí đã không có từ nào nhắc đến ‘‘than đá’’, một
trong các tác nhân chính hâm nóng Trái đất. Hiện tại, than đá vẫn là nguồn năng
lượng chính của Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, hay Trung Quốc, nền
kinh tế thứ hai thế giới.
Tại thượng đỉnh COP26 về khí hậu ở Glasgow, Anh quốc, cộng đồng quốc tế đạt
được thỏa thuận Glasgow Climate Pact, với một nội dung chính là ‘‘giảm dần’’ việc sử dụng
than đá. Vào thời điểm đó, thỏa thuận đã gây thất vọng với nhiều nước, vì mục
tiêu dự kiến ban đầu là ‘‘loại trừ hoàn toàn than đá’’ đã bị Trung Quốc và Ấn Độ
gây áp lực để loại ra vào phút cuối. Tuy nhiên, ngay cả mục tiêu khiêm tốn là cắt
giảm dần, đạt được tại Glasgow, 5 năm sau Hiệp định Paris, giờ đây cộng đồng quốc
tế cũng không đạt được đồng thuận.
‘‘Kỹ
thuật thu giữ khí thải’’: chủ đề bất đồng lớn
Hãng tin Reuters đặc biệt chú ý đến việc một số quốc gia đã gắn việc cắt
giảm năng lượng hóa thạch với nhóm các kỹ thuật hấp thu khí thải hay chôn khí
thải thuộc lĩnh vực ‘‘địa – công nghệ’’, vốn chưa được coi là các kỹ thuật đáng
tin cậy, và bị chỉ trích là gây ảo tưởng. Một bản thảo tuyên bố chung vào tối
thứ 6, ngày 21/07, mà hãng tin Anh tiếp cận được, có nhấn mạnh đến ‘‘tầm quan
trọng của việc nỗ lực cắt giảm dần các năng lượng hóa thạch không liên quan đến
các kỹ thuật thu giữ khí thải’’. Rốt cuộc đoạn văn này đã bị sửa đổi. Các kỹ
thuật thu giữ khí thải gây tranh cãi này được dự đoán sẽ là một chủ đề lớn của
hội nghị COP28.
Mục
tiêu năng lượng tái tạo bị loại
Ấn Độ, quốc gia chủ tịch luân phiên G20, giải thích một trong các lý do
chính của thất bại là bất đồng quan điểm về vấn đề này. Bộ trưởng Năng Lượng
Ấn Độ RK Singh đã lên án một số nước mượn cớ sử dụng các kỹ thuật thu giữ khí
thải để thoái thác việc cắt giảm khí thải, tuy nhiên, không chỉ đích danh quốc
gia nào. Nỗ lực đạt đồng thuận về cắt giảm khí thải chung bị tấn công từ mọi
phía. Bên cạnh vấn đề ‘‘các kỹ thuật thu giữ khí thải’’, năng lượng tái tạo là
một mặt trận khác.
Ông Ed King, mạng lưới quốc tế thông tin về khí hậu Global Strategic
Communications Council (GSCC), có trụ sở tại Luân Đôn, cũng cho biết là
một số quốc gia như Nga, Ả Rập Xê Út, ‘‘đã ngăn chặn các nỗ lực để đạt thỏa thuận
tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo’’, nhằm có cơ sở để cắt giảm năng lượng hóa
thạch. Theo Reuters, Trung Quốc, Nam Phi và Indonesia cũng là các quốc gia tiêu
biểu về lập trường này.
Tín
hiệu xấu trước thềm COP 28
Việc hội nghị các bộ trưởng Năng Lượng G20 không đạt một đồng thuận về lộ
trình cắt giảm đã gửi đi một tín hiệu xấu trong bối cảnh chỉ ít tháng nữa là hội
nghị Khí hậu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 28, ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống
Nhất. Hội nghị các bộ trưởng Năng Lượng G7 hồi tháng 4/2023 đã tuyên bố ‘‘đẩy
nhanh’’ tiến trình từ bỏ năng lượng hóa thạch, nhưng cũng không đưa ra được lịch
trình cụ thể.
Trong tình thế bế tắc hiện nay, nổi lên sự đối đầu giữa hai nhóm nước.
Liên minh 18 quốc gia, trong đó có Đức, Pháp, Senegal, Colombia, mà dẫn đầu là
quần đảo Marsall, chủ trương ‘‘rời bỏ khẩn cấp’’ năng lượng hóa thạch. Trong cuộc
họp tại Bruxelles ngày 14/7, liên minh 18 nước kêu gọi cắt giảm năng lượng hóa
thạch khẩn trương, để tổng lượng khí thải toàn cầu ‘‘sớm đạt đỉnh từ năm
2025’’.
Chủ trương của liên minh là giảm 43% khí thải năm 2023 so với 2019, để bảo
đảm thực thi mục tiêu của Hiệp định Khí hậu Paris, giữ nhiệt độ Trái đất không
tăng quá 1,5°C so với thời tiền công nghiệp. Tình hình rất khẩn cấp, bởi hiện tại
nhiệt độ Trái đất đã tăng quá 1,2°C. Theo các chuyên gia, nếu hành động không đủ,
chỉ vài năm nữa, nhiệt độ Trái đất sẽ vượt quá cái mốc 1,5°C.
Tiêu biểu cho lập trường đối lập là Các Tiểu Vương Quốc Thống Nhất, một
cường quốc dầu khí đồng thời là chủ tịch hội nghị khí hậu COP28. Quốc vương Các
Tiểu Vương Quốc Thống Nhất ông Al Jaber, chủ tịch tập đoàn dầu mỏ Adnoc, tuyên
bố các năng lượng hóa thạch vẫn tiếp tục có vai trò lớn. Đại gia dầu khí này
cũng ủng hộ ‘‘các kỹ thuật thu giữ khí thải’’ gây tranh cãi nói trên.
Tài
trợ và chuyển giao công nghệ giá thấp: Thách thức nan giải
Một lý do chính của thất bại này, cũng được nói đến nhiều, là do các nước
giàu và các nước đang phát triển không đạt được đồng thuận trong vấn đề tài trợ
nhiều hơn cho công cuộc chuyển sang kinh tế xanh. Theo La Tribune, G20 không đạt
đồng thuận trong việc có các biện pháp để các nước giàu huy động đủ 100 tỷ đô
la/năm cho cuộc chiến khí hậu tại các nước đang phát triển trong thời gian
2020- 2025.
Theo một báo cáo của Ấn Độ, chuẩn bị cho hội nghị G20, thế giới cần đến
4.000 tỉ đô la/năm cho cuộc chuyển đổi năng lượng. Ấn Độ quốc gia chủ tịch luân
phiên G20 nhấn mạnh đến việc các nước giàu cần ‘‘chuyển giao công nghệ chuyển đổi
năng lượng’’, với giá thấp, cho các nước nghèo.
--------------------------
Các nội
dung liên quan
Kinh
tế gia Mỹ: Nhân loại sẽ thoát hiểm, nếu kịp rời bỏ năng lượng hóa thạch
Nắng
nóng kỷ lục tiếp tục kéo dài khắp bắc bán cầu
No comments:
Post a Comment