“Chuyến bay giải cứu” là vụ đại án ô nhục và bất
nhân bậc nhất trong lịch sử vì sự táng tận lương tâm đến kiệt cùng khốn nạn vì
đã ăn tàn bạo trên máu xương đồng bào giữa cơn điêu linh trong đại dịch.
Báo Thanh Niên viết “Từ một chủ trương nhân đạo của Đảng,
Chính phủ, “chuyến bay giải cứu” đã bị các cán bộ biến chất lợi dụng chức vụ để
trục lợi”. Nghĩa là đây (chỉ) thuộc về vấn đề đạo đức cá nhân. Liệu quan điểm này có phản ánh đúng bản chất của vụ án?
Có tới 9 bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã
chung tay gây nên tội ác này. Trong đó, có Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý xuất nhập
cảnh Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, quan lớn Hà Nội và Quảng Nam, cùng nhiều
giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch các công ty kinh doanh dịch vụ về du lịch và
lữ hành… Như vậy, bộ có, chính phủ có, địa phương có; trong nước có, ngoài nước
có; nhà nước có, tư nhân có; sếp có, giúp việc có… Tóm lại là to – nhỏ – lớn –
bé – trong – ngoài, tất cả đều gặp nhau trên sự thoi thóp của người dân khổ nạn.
Với một đội quân hùng hậu như vậy, chỉ có 2 cách giải thích: một là bộ
máy nhà nước có quá nhiều kẻ “biến chất”, bên cạnh những kẻ trực tiếp ra tay là
những kẻ im lặng quay lưng ngoảnh mặt. Nghĩa là đều xấu xa. Nhưng dù thế nào, nếu
một bộ máy mà đa phần là kẻ xấu thì không cách gì để có thể nói rằng bộ máy ấy
là tốt đẹp được. Hai là bản thân bộ máy ấy hỏng. Vì hỏng nên làm hư con người,
hoặc không thể ngăn chặn sự sa đọa của con người. Cả 2 cách hiểu đều dẫn đến một
kết luận như nhau, rằng vấn đề không thể đơn giản quy về đạo đức cá nhân. Đây
là câu chuyện thể chế. Không thẳng thắn nhìn nhận gốc
rễ của vấn đề mà chỉ loanh quanh đổ lỗi cho cá nhân thì việc chống tham nhũng
và tội phạm nhà nước nói chung vẫn chỉ là đập ruồi trên bãi rác.
Khi nào còn nói “cán bộ biến chất” mà không trung thực thừa nhận “bộ
máy hư hỏng” thì khi đó những phiên tòa như đang diễn ra chỉ an ủi được những
tâm hồn nông nổi, và quốc nạn tham nhũng thì vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.
Những ai là người đang hào hứng theo dõi phiên tòa đập ruồi này? Tôi chỉ
thấy buồn nôn.
Thái Hạo
.
No comments:
Post a Comment