Thursday, August 10, 2017

TINH THẦN BI KỊCH (Lê Mạnh Hùng)




Lê Mạnh Hùng
August 09, 2017

Có lẽ không một thành phố nào trên thế giới mà người ta có thể đi xem kịch – đủ các thể loại – nhiều và rẻ như tại Luân Ðôn. Tại Luân Ðôn không những ta có thể thưởng thức những vở kịch viết bằng tiếng Anh của các tác giả Anh Mỹ mà còn các tuyệt phẩm của từ thời cổ đại như những vở bi kịch của Hy Lạp viết cách đây trên 2,500 năm những vẫn còn tạo ra một âm hưởng trong khán giả hiện đại.

Và tình cờ khi đọc lại một bi kịch của Sophocles, tôi bỗng gặp một nhận xét của một nhà phê bình: bi kịch chỉ xuất hiện dưới một chế độ dân chủ.

Bi kịch xuất hiện lần đầu tiên tại Athens vào thế kỷ thứ 5 TCN khi Athens chuyển đổi từ chế độ độc tài sang chế độ dân chủ. Và bi kịch được người Athens rất coi trọng. Quả thật dân chúng của nhà nước dân chủ đầu tiên trên thế giới này hàng năm đều tụ tập để thưởng thức bi kịch. Các vở kịch được viết ra, dàn dựng và trình bày trước toàn thể cộng đồng với chi phí do ngân quỹ nhà nước đài thọ. Trong lúc các đối thoại và tình tiết có những thay đổi, nội dung chính và bài học đưa ra luôn luôn không đổi: Con người, dù là một cá nhân vĩ đại vẫn chỉ thể rớt từ đỉnh cao của danh vọng xuống tận cùng của vực thẳm vì những sai sót khiếm khuyết của chính mình. Và nguyên nhân quan trọng nhất là “hubris” một chữ Hy Lạp có nghĩa là quá tự đắc.

Và khuyến cáo của vở kịch thì rõ ràng. Xã hội nằm trong tay những con người mà ai cũng có thể có lỗi lầm thành ra ngay cả trong những giờ phút chiến thắng huy hoàng nhất, xã hội cũng luôn luôn nằm bên bờ một vực thẳm sụp đổ.

Cái nhậy bén với những bi tình trong cuộc sống – của cả cá nhân và xã hội – đã nằm sâu trong lòng văn hóa người Athens cổ đại. Aristotle viết bị kịch tạo cho ta một cảm giác bị thương và khủng khiếp nhưng đồng thời cũng tạo ra một hậu quả giải thoát. Hậu quả giải thoát là then chốt, có mục tiêu kích thích khán giả nhận thức được rằng những kết quả kinh khủng mà họ chứng kiến đều là những cái có thể tránh được. Qua việc nhìn thẳng vào những tai họa, thấu hiểu làm sao mọi chuyện có thể đột nhiên thoát ra khỏi vòng kiểm soát, các tác giả bi kịch tìm cách tạo ra một tinh thần tránh nhiệm chung và khuyến khích dân chúng và các lãnh tụ của họ hãy có can đảm lấy những quyết định khó khăn cần thiết để tránh một định mệnh tương tự.

Thế nhưng mặc dầu những cố gắng để tạo ra một sự cảnh giác chống lại tình trạng “hubris,” người Hy Lạp cuối cùng cũng rơi vào tình trạng đó. Trong cuộc chiến Peloponnese của thế kỷ thứ 5 TCN, Athens và Sparta, hai cường quốc hàng đầu của thế giới Hy Lạp đụng độ nhau trong một cuộc chiến làm tàn hại cả hai. Khi cuộc chiến mới xảy ra không ai nghĩ rằng một cuộc tranh cãi nho nhỏ giữa hai nước chư hầu của hai phe đã có thể leo thang và đưa đến việc sụp đổ thời đại hoàng kim của nền văn minh Hy Lạp cũng như dẫn đến việc Hy Lạp thay vì trở thành tác nhân trong chính trường quốc tế trở thành một nạn nhân của các thế lực khác. Thế nhưng đó chính là những gì đã xảy ra.

Người Mỹ cũng vậy cũng đã có thời thưởng thức ý nghĩa của bi kịch. Sau Thế Chiến Thứ Hai người Mỹ thấu hiểu hầu như một cách tự nhiên – vì họ hãy còn nhớ – mức độ khủng khiếp mà một sự tan vỡ của trật tự thế giới mang lại và nguy cơ Cộng Sản Liên Xô còn luôn luôn nhắc lại cho họ rằng hòa bình và ổn định không thể để tự nhiên mà có. Thành ra trong nhiều thập niên Hoa kỳ làm một cố gắng chưa từng có nhưng cần thiết để bảo đảm rằng trật tự thế giới sẽ không bị sụp đổ lần nữa.

Hậu quả là một tuyệt tác, nhưng lại có nhiều khuyết điểm, một trật tự thế giới hậu chiến tuy rằng không bao giờ toàn hảo nhưng trong đó những kẻ gây chiến bị ngăn chặn và cuối cùng đánh bại, dân chủ phổ biến rộng rãi hơn bao giờ hết và cả thế giới lẫn nước Mỹ đạt đến một mức trù phú chưa từng có. Chính cái nhạy bén với tinh thần bi kịch đã đẩy người Mỹ lên đến đỉnh cao của lịch sử.

Thế nhưng có lẽ cũng như Athens trong thế kỷ thứ 5 TCN, người Mỹ đã mất đi tinh thần bi kịch đó sau 70 năm hòa bình giữa các siêu cường và một phần tư thế kỷ độc quyền chi phối thế giới.

Người Mỹ đã mất đi tinh thần bi kịch. Trật tự quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo đã thành công trong một thời gian dài đến nỗi người Mỹ coi nó như là một chuyện tự nhiên. Họ đã quên đi rằng cái trật tự đó lập ra để ngăn chặn chuyện gì. Chống lại một sự tan rã dẫn đến việc bạo lực hóa các quan hệ quốc tế và chiến tranh giữa các quốc gia, một điều vốn vẫn thường xuyên xảy ra trong lịch sử loài người. Và sự lãng quên đó đã trở thành càng ngày càng quan trọng vào lúc mà mỉa mai thay sức mạnh Mỹ và trật tự quốc tế đang bị đe dọa một cách nghiêm trọng hơn là bất kỳ một lúc nào khác trong lịch sử thế giới hiện đại.

Chúng ta thường nghĩ rằng một sự sụp đổ trong trật tự quốc tế đặc trưng bởi bạo động phổ biến và chiến tranh giữa các quốc gia là một chuyện không thể xảy ra trong thời đại của chúng ta, một tàn dư của một quá khứ dã man. Thế nhưng suy nghĩ như vậy là không học bài học của lịch sử. Chính thời đại chúng ta sống mới là một ngoại lệ và trong suốt chiều dài của lịch sử thế giới, tình trạng chung là như Thomas Hobbes diễn tả “cuộc sống con người là ngắn và ngu tối.”

Thế hệ những người Mỹ sống qua Thế Chiến Thứ Hai và lãnh đạo nước Mỹ trong thời hậu chiến thấu hiểu rõ những hậu quả của sự sụp đổ này và họ đã làm tất cả những gì cần thiết để ổn định thế giới hậu chiến và ngăn chặn thế giới rơi vào một cuộc chiến còn tàn hại hơn là Thế Chiến Thứ Hai nữa. Và họ đã thành công.

Nhưng nay, giống như Henry Kissinger nhận xét về sự sụp đổ tối hậu của trật tự thế giới mà Anh xây dựng trong thế kỷ thứ 19 rằng: “Trong giai đoạn hòa bình lâu dài, cái tinh thần bi kịch bị mất đi; người ta quên mất rằng một quốc gia cũng có thể chết, rằng những thay đổi có thể không thể đảo ngược.”

Vào lúc này, người Mỹ có triển vọng sẽ phải tìm ra lại cái tinh thần bi kịch đó hoặc là qua việc hồi sinh lại cái mà họ đã để mất hay là phải tiếp xúc với nhưng bi kịch thật của cuộc sống mà vì sự lãng quên của họ đã xuất hiện trên thế giới.






No comments: