Wednesday, August 23, 2017

TỪ ROBERT LEE ĐẾN HỒ CHÍ MINH (Thạch Đạt Lang)




Thạch Đạt Lang
23-8-2017

Câu chuyện di dời bức tượng của tướng Robert Lee ở Charlottesville, vị tướng bại trận của miền Nam trong cuộc chiến tranh giải phóng nô lệ giữa hai miền Nam-Bắc Mỹ, gây ra cái chết của một luật sư Mỹ và 2 cảnh sát viên, cùng hàng chục người bị thương hôm 12/8/2017, vẫn tiếp tục căng thẳng vì những tuyên bố và cách hành xử của Tổng thống Donald Trump. Đó là sự bộc phát cao trào kỳ thị, phân biệt chủng tộc của các nhóm Thượng Tôn Da Trắng, Klu-Klux-Klan và Tân Quốc Xã.

Nhiều người dân Mỹ đặt câu hỏi: Tại sao việc di dời bức tượng tướng Robert Lee ở Charlottesville, Virginia lại là nguyên nhân gây ra xung đột sắc tộc dưới nhiệm kỳ của ông Trump? Bức tượng tướng Lee đã tồn tại ở công viên thành phố Charlottesville từ năm 1924, hơn 92 năm, không có chuyện gì xảy ra.

Tại nhiều trường trung học, thầy, cô giáo đem vấn đề ra cho học sinh tranh luận công khai theo chiều hướng nhân bản để tìm đúng câu trả lời: “Thực chất của vấn đề là gì, nằm ở đâu?” Không quá khó khăn để người ta thấy rõ là mọi việc bắt nguồn tự sự kỳ thị chủng tộc của các nhóm Thượng Tôn Da Trắng được sự ủng hộ ngầm của ông Donald Trump.

Chính quyền các tiểu bang, thành phố Mỹ, nơi có tướng Lee, hay đài kỷ niệm của Nam quân trong cuộc chiến Bắc-Nam nhanh chóng nhận ra tầm mức quan trọng của biến cố Charlottesville, nên lập tức có phản ứng thích hợp.

Có lẽ để tránh những cuộc bạo động như đã xảy ra ở Charlottesville, khắp nơi trên nước Mỹ, từ trường đại học, thành phố đến tiểu bang, hàng loạt các tượng đài, bia tưởng niệm các nhân vật lãnh đạo, thủ lãnh Liên Minh Tự Trị miền Nam trong cuộc nội chiến bị hạ bỏ hay di dời sau ngày 14.08.2017.

Ngày 18.08.2017 lúc 2 giờ sáng, tiểu bang Maryland đã cho tháo gỡ bức tượng của Roger B. Taney trước tòa nhà Quốc Hội Tiểu Bang – tác giả chính của điều khoản Dred Scott năm 1857, quy định người Mỹ da đen không được có quốc tịch Mỹ cho dù đang là nô lệ hay đã được tự do đi nơi khác sinh sống. Thống đốc Larry Hogan thuộc đảng Cộng Hòa, đã yêu cầu di dời bức tượng vào đầu tuần, theo ông, việc loại bỏ, di dời những biểu tượng như thế sẽ đem lại nhận định đúng đắn về chính trị.

Trường đại học University of Texas ở Austin, Texas với tượng tướng Lee, tượng Albert Sidney Johnston và John Reagan được tháo gỡ trong đêm 21.08.2017, rồi Baltimore, Brooklyn, tới Durham – North Carolina, Gainesville, Jacksonsville – Florida, New Orleans, Lexington – Kentucky, Memphis… Riêng tượng của Jefferson Davis, tổng thống miền Nam của Liên Minh Tự Trị ở Texas đã bị phế bỏ từ năm 2015.

Thị trưởng thành phố Baltimore, bài Catherine Pugh là người đã ra lệnh dỡ bỏ 4 đài tưởng niệm nội chiến Nam-Bắc trong thành phố, nói rằng để bảo đảm an ninh công cộng cho người dân. Những tượng đài này đã được đem đi trước bình minh ngày 16.08.2017.

Tượng đài, bia tưởng niệm của tướng Robert Lee, kỳ đài của Nam Quân trong cuộc nội chiến đã tồn tai lâu đời, có cái đã hơn 100 năm, không có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, khi cao trào thượng tôn chủng tộc da trắng bộc phát từ lúc ông Donald Trump lên làm tổng thống đưa đến cuộc bạo động ở Charlottesville khiến nhiều người trong Chính phủ, trong Quốc Hội thấy cần thiết phải đánh giá lại sự hiện diện của những tượng đài, bia tưởng niệm này.

Đối với đa số người Mỹ da trắng ở các tiểu bang mà kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, dân sống ở các tiểu bang này phần lớn là nông dân, ít học, sống quanh quẩn với chăn nuôi, trồng trọt, dễ bị kích động, xúi dục… Robert Lee là một vị tướng lỗi lạc, tài ba, một anh hùng, là biểu tượng sáng chói của chủng tộc da trắng, nhưng trong lúc đó dưới mắt người da đen và nhiều người Mỹ da trắng khác, Robert Lee lại là hình ảnh của một người kỳ thị màu da, một chủ nô độc ác, tàn nhẫn với cả phụ nữ và trẻ em.

Sự nhận định, đánh giá đầy mâu thuẫn, xung khắc đối với tướng Robert Lee tương tự như nhận định của người dân Việt Nam về ông Hồ Chí Minh.

So sánh giữa tướng Lee và ông Hồ, người ta thấy có những tương đồng và khác biệt. Điểm tương đồng, cả hai người đều là nhân vật của lịch sử, ảnh hưởng đến vận mệnh đất nước, sinh mạng nhiều người trong một giai đoạn và sau khi chết, được dựng tượng đài nhiều nơi.
Sự khác biệt là cuộc đời tướng Lee không được thần thánh hóa. Tướng Lee sống ra sao, gia đình như thế nào, học hành, làm việc, chỉ huy quân đội, đánh trận nào thắng, trận nào thua đều được quân sử Mỹ ghi lại rõ ràng, minh bạch, kể cả những hành động trái với đạo đức, nhân phẩm con người như tra tấn, đánh đập, phơi nắng, xát muối lên lưng nô lệ…

Ngược lại, cuộc đời ông Hồ Chí Minh được đảng CSVN tuyên truyền, tô son, trét phấn, trang điểm, đánh bóng thành một huyền thoại, khi ông có gần 200 tên gọi, bí danh, bút danh. Khởi đầu, từ việc ông Hồ theo thương thuyền qua Pháp, xin vào học trường thuộc địa để ra làm quan phục vụ mẫu quốc, không được nhận vào trường Pháp nhưng cũng được hô biến thành “Bác Hồ ra đi tìm đượng cứu nước”.

Do sống sau bức màn sắt, không được giao tiếp với thế giới bên ngoài, đa số người dân miền Bắc, kể cả nhiều trí thức, văn, nghệ sĩ…bị tuyên truyền, nhồi nhét vào trong đầu năm này qua năm khác rằng ông Hồ Chí Minh là một quốc phụ, người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một anh hùng trọn đời hy sinh cho dân tộc, đất nước, một người tài ba trong tất cả các lãnh vực, từ quân sự, đến thơ văn, ẩm thực… không lãnh vực nào không thông thái.

Hệ thống và đường lối tuyên truyền, giáo dục nhồi sọ của chế độ CS đã khiến họ trong mấy chục năm dài tôn sùng ông như thánh sống. Một lời nói bình phẩm, xúc phạm đến thanh danh hay tỏ vẻ nghi ngờ về khả năng của ông Hồ đều bị đánh giá là phạm thượng, dễ dàng bị kết tội, dẫn đến bắt bớ, tra khảo, tù đày…

Đến hôm nay, sự tôn sùng ông Hồ của người dân miền Bắc đã sút giảm rất nhiều, vì những huyền thoại chung quanh ông đã bị bóc mẻ dần, rơi rớt từng mảng lớn. Ông chỉ là một người tầm thường với tham muốn vật dục, hỉ nộ ái ố đầy đủ, cũng vợ con, cũng nhân tình khắp nơi và đặc biệt cực kỳ hám danh qua việc ông tự viết sách ca tụng mình qua bút danh Trần Dân Tiên, tác giả  cuốn sách “Vừa đi đường vừa kể chuyện” hay cuốn “Những mẫu chuyện về đời hoạt động của bác Hồ”…

Những câu nói nổi tiếng của ông như “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người” là ông lấy từ câu “Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc, thập niên chi kế mạc như thụ mộc, bách niên chi kế mạc như thụ nhân” của Quản Trọng hay tác phẩm Ngục Trung Nhật Ký mà CSVN đã hãnh diện khoe khoang là do ông viết chính là của môt người Hán. Tuy nhiên lòng tôn kính ông Hồ vẫn còn tồn tại không ít trong số cán bộ, đảng viên CS, nhất là những cán bộ, đảng viên, cựu sĩ quan lớn tuổi.

Với đại đa số người dân miền Nam, đặc biệt những người tị nạn đã chạy trốn CS từ năm 1954 và sau này 1975 đều coi ông Hồ như một kẻ sát nhân khát máu, chịu trách nhiệm việc giết hại và làm oan ức hàng trăm ngàn người trong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất hồi thập niên 1950 ở Việt Nam. Ông Hồ Chí Minh cũng nằm trong danh sách 13 nhà độc tài bị kết án phạm tội diệt chủng thế kỷ 20.

Một điểm khác biệt lớn nữa là khi nội chiến Nam-Bắc Mỹ chấm dứt, hoàn toàn không có sự trả thù quân dân miền Nam như người cộng sản VN đã làm khi thống nhất được đất nước bằng vũ lực. Lòng người dân Mỹ sau chiến tranh không bị ly tán, người lính trong Liên Minh Tự Trị miền Nam được phép giữ lại xe, ngựa, vũ khí, quân trang, quân dụng và tự do trở về quê quán sinh sống, làm ăn như cũ. Không có tù đày, giam cầm, bắt bớ, không có học tập đường lối, chính sách nhà nước như chế độ CS Hà Nội đã hành xử với những binh lính, sĩ quan, công chức miền Nam Việt Nam.

Người dân Mỹ sau nội chiến, không hận thù, oán trách, căm ghét lẫn nhau. Khi tượng đài kỷ niệm tướng Lee được dựng lên, hầu như không có sự phản đối nào của người da đen. Một phần có thể do sự phân biệt đối xử chưa được xóa bỏ hoàn toàn, người da đen không dám phản đối, phần khác tượng đài được dựng lên không phải để ca ngợi, biểu dương, thần thánh hóa tướng Robert Lee mà chỉ có mục đích văn hóa, ghi nhận lại lịch sử một thời của nước Mỹ. Do đó, tượng, đài kỷ niệm tướng Lee không quá to lớn, hùng vĩ, tốn kém.

Người cộng sản Việt Nam chắc chắn không học được gì từ biến cố Charlottesville cũng như cách hành xử của chính quyền thành phố, các tiểu bang Mỹ. Tượng đài ông Hồ Chí Minh trên đất nước càng nhiều thì khi chế độ CSVN sụp đổ, những biểu tượng này sẽ bị đập phá, phỉ nhổ, chà đạp càng dữ dội, khốc liệt như tượng đài các lãnh tụ CS trên khắp thế giới. Vào lúc đó, nếu không tẩu thoát kịp ra nước ngoài, có thể các lãnh đạo CSVN cũng khó toàn mạng vì sự căm thù, oán hận của người dân.

© Copyright Tiếng Dân








No comments: