Thursday, August 24, 2017

BẢN TIN NGÀY 24/8/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
Báo Người Lao Động đưa tin: Tàu Trung Quốc tấn công, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Cuối cùng thì vào lúc 12h06′ chiều 23/08/2017 cũng có một tờ báo “lề phải” đã dám gọi đúng tên con tàu ôn dịch 46106 là “tàu Trung Quốc”, không còn gọi là “tàu lạ” như các tờ báo khác đã đưa tin trước đây.

Tàu 46106 là một trong ba tàu hải giám Trung Quốc, đã liên tục tấn công 13 tàu cá của ngư dân Việt Nam, mà trang Tiếng Dân đã nhiều lần nói tới trong các bản tin hàng ngày. Gần hai tháng qua, vẫn chưa thấy lãnh đạo đảng và nhà nước, Bộ Ngoại giao VN hay “cơ quan chức năng” nào mở miệng lên tiếng, phản đối hành động cướp bóc của con tàu hải tặc này và những tàu hải giám khác của Trung Quốc.

Thêm một điều lạ nữa là, từ ngày 2/7/2017 đến ngày 18/8/2017, có tổng cộng 13 tàu cá của các ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc tấn công, nhưng Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam chỉ lên tiếng cho 2 tàu cá: đó là tàu QNg 90289 TS của ngư dân Bùi Ngọc Lành bị tấn công ngày 7-8-2017 và tàu QNg 95001 TS của ngư dân Huỳnh Văn Khanh bị tấn công ngày 18-8-2017.

Đây là danh sách 12 tàu cá bị các tàu hải giám Trung Quốc tấn công, cộng thêm tàu cá QNg 90495 TS của thuyền trưởng Huỳnh Văn Tuấn bị TQ tấn công ngày 18/8/2017, tổng cộng là 13 tàu cá, đã bị 3 tàu Trung Quốc số hiệu 46102, 46105 và 46106 tấn công liên tục từ ngày 2/7/2017 đến ngày 18/8/2017.

Mặc dù lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam không dám lên tiếng, báo chí trong nước thì chỉ dám gọi tên “tàu lạ”, nhưng các website TQ không hề giấu, mà họ nói rõ là “Tàu cảnh sát biển TQ 46106 đuổi tàu cá Việt Nam ở vùng biển Tây Sa“, đăng trên trang NHJD của Trung Quốc ngày 17/8/2017, kèm theo những hình ảnh copy lại từ video clip, các bài báo của Việt Nam như Đại Đoàn KếtDân Việt

Trang Duowei News của người Trung Quốc ở Mỹ, là trang chuyên đưa tin chính trị Trung Quốc, ngày 20/8/2017 cũng đã đăng chùm ảnh: Tàu cảnh sát biển TQ lại đâm chìm tàu cá VN. Những hình ảnh trên trang này lấy từ các tờ báo “lề phải” ở Việt Nam.

Riêng báo Tuổi Trẻ có bài: Quảng Ngãi: 51 tàu cá xâm phạm lãnh hải nước ngoài. Trong khi viết về các tàu cá VN xâm phạm vùng biển nước ngoài, bài báo xen vào đoạn: “Nhiều tàu bị tấn công ở ngư trường Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Trong vòng chưa đầy một tháng qua có 14 tàu cávới hàng trăm ngư dân về cảng trình báo bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp phá tài sản, trong đó có hai tàu cá bị đâm chìm“.

Báo Quân Khu Hai: Chuẩn bị triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Bảo tàng Quân khu 2. “Thời gian triển lãm tại Bảo tàng Quân khu 2 diễn ra từ 15 giờ ngày 18-8 đến hết ngày 22-8“, vậy mà báo Quân Khu Hai chờ đến 20:24:12 ngày 23/08/2017 mới đăng tin này, làm sao người dân biết mà đi xem?

RFI tóm lược bài viết của nhà báo Mỹ của Zachary Keck, đăng trên trang National Interest ngày 20/08/2017: “Trung Quốc, chuẩn bị đi! Tàu sân bay Mỹ đang trực chỉ Việt Nam”. “Theo nhận định của Zachary Keck, tuy hai bên không thừa nhận, nhưng động lực thắt chặt quan hệ này là Trung Quốc, một mặt do sức mạnh quân sự ngày vươn lên và thái độ ngày quyết đoán hơn, nhất là ở Biển Đông, một mặt khác là do ảnh hưởng Trung Quốc ngày quan trọng hơn“.

VOA có bài: Nữ TGĐ gốc Việt điều hành đóng hàng không mẫu hạm hiện đại nhất thế giới. Bài phỏng vấn bà Giao Phan, tổng giám đốc điều hành chương trình đóng tàu sân bay mới của Mỹ.

Bà Giao Phan cho biết: “Cơ quan của tôi đảm nhiệm tất cả các việc liên quan đến hàng không mẫu hạm, từ A tới Z. Từ lập kế hoạch, thiết kế, xây dựng, bảo trì, sửa chữa, tóm lại, từ đầu chí cuối. Người lãnh đạo cơ quan của tôi là một vị tướng 2 sao của Hải quân là Đề đốc Brian Antonio. Tôi là vị phó của vị này, đứng vị trí thứ hai, là quan chức dân sự cao cấp nhất trong tổ chức, với chức vụ tạm dịch là Tổng Giám đốc Điều hành“.

Bà Giao Phan, Tổng Giám đốc Điều hành, Cơ quan Điều hành Chương trình Hàng không Mẫu hạm, Hải quân Hoa Kỳ. Ảnh: US Navy.


RFI có bài: Cách Trung Quốc xâm lược láng giềng: Kết ước rồi bội ước. Dẫn nguồn từ trang The Diplomat, TS Namrata Goswami phân tích thủ đoạn của Bắc Kinh ở ba vùng tranh chấp: Doklam ở Bhutan, Arunachal Pradesh ở Ấn Độ và Biển Đông. “Ký kết các ‘Nguyên tắc chỉ đạo việc duy trì nguyên trạng ở các vùng tranh chấp’ để ràng buộc láng giềng, để rồi sau đó phớt lờ thỏa thuận đã ký để ngang nhiên đòi xâm lấn vùng lãnh thổ tranh chấp“.

Thêm ý kiến về bộ sách Lịch sử Việt Nam
BBC có bài phỏng vấn ông Vũ Minh Giang, đưa ra quan điểm như sau: “Cuộc tấn công vào Việt Nam ngày 17/2/1979 của quân Trung Quốc, đấy là một sự kiện lịch sử lớn, không thể không đưa vào bộ lịch sử Việt Nam“. Và rằng, “Việt Nam có quan hệ với Trung Quốc đến đâu chăng nữa, thì tính chất của nó không thể nói khác được, đấy là một cuộc chiến tranh xâm phạm lãnh thổ và có thể coi đấy là một cuộc xâm lược“.

Bài của TS Nguyễn Nhã trên VOA: Công nhận VNCH sẽ có lợi như thế nào?. TS Nguyễn Nhã cho rằng cần công nhận VNCH “để đấu tranh bảo vệ chủ quyền chính đáng của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa… thì sự chiếm hữu phải mang tính thật sự, nhà nước, liên tục và hòa bình”. Và “hiện có hơn 4 triệu Việt Kiều trong đó các thành phần trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũng rất quan trọng, công nhận VNCH sẽ tạo sự đoàn kết, hòa hợp hòa giải dân tộc“.

Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn chưa có ý kiến vì chưa đọc bộ sách này, nhưng ông cũng cho biết: nền tảng lý luận để tranh biện, hay kiện TQ trước một trọng tài quốc tế cần được chia làm 2 phần: 1- Quốc gia chưa hoàn tất và 2- Kế thừa VNCH thông qua quá trình “hòa giải quốc gia”.


Tin tặc Trung Quốc tấn công
BBC có bài: Tin tặc TQ tấn công Việt Nam trước APEC? Tin tặc được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn có thể đang tấn công giới chức Việt Nam qua các mã độc trong email, nhằm giành lợi thế trong các cuộc đàm phán mậu dịch tại Hội nghị APEC sắp tới. Ông Ben Read, giám đốc phân tích gián điệp mạng của FireEye, nói: “Chúng tôi thấy có một lượng lớn email mồi nhử tấn công Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy có hàng loạt cuộc tấn công mỗi tháng“.

RFA đưa tin: Việt Nam là mục tiêu tấn công của tin tặc Trung Quốc. Báo dẫn lời một chuyên gia về Trung Quốc làm việc ở Mỹ nói rằng, tin tặc Trung Quốc thường xuyên đe dọa các nhà ngoại giao Việt Nam, do VN là nước cạnh tranh với Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực, từ việc khai thác dầu khí trên Biển Đông, cho đến chủ quyền biển đảo trong khu vực.

Cập nhật tin Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc
Nhà báo Lê Trung Khoa đưa tin: “Bác Trọng sang thật, thuê hẳn 2 máy bay phản lực cỡ nhỏ để chở ‘củi’ từ châu Âu về đốt lò. Cái bay trước chở Trịnh Xuân Thanh cùng đội mật vụ, cái sau mới đưa em Đỗ Minh Phương, 25 tuổi cán bộ Bộ Công thương về tới Nội Bài lúc 1:00 sáng ngày 25/7“.

Đỗ Minh Phương. Nguồn: Lê Trung Khoa

Trang TAZ đưa tin: Sau vụ bắt cóc một người Việt Nam ở Bá-linh: Tiệp dẫn độ một nghi can. Bài báo cho biết, Toà Sơ thẩm ở Praha đã chuẩn y việc dẫn độ “một kẻ bị cáo buộc đồng phạm” đến Đức, dựa trên một lệnh bắt giam cấp châu Âu và việc bàn giao “phải được thực hiện trong ngày hôm nay“.

Trang Vietinfo: Cư dân mạng đồn rằng “việc mượn xe và thuê người lái là do cậu ruột của Long chỉ đạo từ xa. Đó là ông Đào Quốc Oai, em trai ông Đào Quang Trịnh, Lãnh sự danh dự của Séc tại Hải Phòng. Nguyễn Hải Long mượn xe nhưng không lái mà bàn giao cho nhóm an ninh của Việt Nam. Các nhân viên an ninh không biết do cố tình hay bất cẩn nên không tắt định vị lịch trình xe đi nên vụ việc sau này bị bại lộ”.

Nhà hoạt động Sương Quỳnh có bài: Những kẻ “Trịnh Xuân Thanh”. Qua hình ảnh Trịnh Xuân Thanh “tự thú” trên truyền hình nhà nước với gương mặt tiều tụy, cho thấy ông Thanh đã trải qua những ngày tháng kinh khủng trong trong tay “đồng chí” của ông như thế nào.
Những kẻ tham nhũng như Trịnh Xuân Thanh sẽ khai hết đồng đảng của mình bởi ông ta chẳng có lý tưởng gì để bảo vệ họ. Bà Quỳnh viết tiếp: “Trịnh Xuân Thanh và những kẻ như hắn làm sao biết sự kiêu hãnh khi bước vào tù như những người yêu nước? … Chúng chỉ lo hốt tiền bạc của dân, của Đất Nước cho đầy túi tham và quyền lực trong tay thì hà hiếp Dân đến tận cùng“.


Vụ ông Trịnh Vĩnh Bình kiện Chính phủ Việt Nam
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh có bài: Vụ kiện của Trịnh Vĩnh Bình: Như một huyền thoại. Ông chênh cho rằng, nếu ông Trịnh Vĩnh Bình không phải là người có quốc tịch nước ngoài và nếu không có thế giới văn minh, chắc chắn không tồn tại phiên tòa xét xử vụ kiện của một cá nhân bé nhỏ đối với một nhà nước cầm quyền khổng lồ.

Ông viết: “Như một câu chuyện thần thoại, bụt đã hiện ra lôi một nhà cầm quyền đầy quyền lực, nắm quyền sinh sát 90 triệu con người trong tay, qua tận Paris xa xôi để hầu tòa, bình đẳng với một cá nhân bé nhỏ mà trước đây suýt bị họ giày chết như giày một con kiến nếu muốn“. Và “hôm nay, nạn nhân Trịnh Vĩnh Bình đã dạy cho họ một bài học đích đáng… Nhà cầm quyền VN hiểu điều đó nên lén lút đến dự tòa và ra lệnh cho 800 cơ quan ngôn luận trong nước phải câm như hến“.

Nhân quyền Việt Nam
Facebooker Ann Đỗ trích dịch Thông cáo báo chí ngày 21/8/2017 của chính phủ Úc về Đối thoại Nhân quyền 2017, đối thoại hàng năm giữa Úc và Việt nam, cho biết: “Phía Úc bày tỏ lo ngại về việc chính phủ Việt nam tiếp tục ngăn chặn, cấm đoán đối với các quyền dân sự và chính trị, bao gồm tự do ngôn luận, hiệp hội và hội họp. Phía Úc nhấn mạnh mối lo ngại nghiêm trọng về việc quấy rối, bắt và giam giữ các nhà hoạt động nhân quyền. Úc đã nêu ra những trường hợp cụ thể cần phải quan tâm.

LS Hà Huy Sơn cho biết, bà Trần Thị Nga đã có đơn kháng cáo, đề nghị Tòa án NDTC mở lại phiên tòa xét xử một cách “công minh, đúng người đúng tội” theo trình tự phúc thẩm.

Facebooker Trịnh Bá Phương cho biết: “Hôm nay có thêm một nữ nhà báo tên Karnklon Aim Raktham từ Bangkok – Thái Lan đã liên hệ với tôi để tìm hiểu về những hệ quả của người nông dân sau chính sách thu hồi đất bất công của cộng sản Việt Nam. Họ muốn tôi hợp tác và tôi đã trả lời rằng: Vâng, muốn phơi bày tội ác của chế độ cộng sản Việt Nam và muốn đất nước Thái Lan hiểu về thảm hoạ dân oan ở Việt Nam, với hơn 10 triệu người nông dân đã bị ảnh hưởng bởi chính sách thu hồi bất công“.
Lùm xùm nội bộ Đà Nẵng
Báo Lao Động có bài: Vụ nhắn tin đe dọa Chủ tịch Đà Nẵng: Liên quan đến chủ trương rà soát các dự án “có vấn đề” ở Đà Nẵng. Báo dẫn lời ông Huỳnh Đức Thơ khẳng định “không có quan hệ cá nhân hay mâu thuẫn riêng với ông Cường“. Thế nhưng, báo Lao Động cho biết, “một trong những nguyên nhân ông Cường nhắn tin đe dọa Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng có liên quan đến việc kiểm tra rà soát các dự án bất động sản và du lịch trên núi Sơn Trà“.

Cơ quan chức năng Đà Nẵng xác định, trong quá trình kiểm tra các dự án ở Sơn Trà, “vợ của ông Cường là bà Lê Thị Ngọc Oanh có đứng tên sở hữu một lô biệt thự ký hiệu L09, với diện tích 300m2“. Nhưng trong quá trình sử dụng đất để xây biệt thự, từ năm 2006 đến 9/2011 bà Oanh đã mở rộng diện tích từ 300m2 lên đến đến 12.413m2. Được biết, lô đất này nằm trong số “41 lô đất biệt thự Khu vực Suối Đá, quận Sơn Trà đang gây nhiều dư luận về sai phạm“.

Báo Nhà Quản Lý có bài: Vụ Chủ tịch Đà Nẵng bị nhắn tin đe dọa: Bí thư Nguyễn Xuân Anh nói gì? Ông ấy nói rằng: “Tôi chắc chắn ông Bằng cũng không biết anh trai mình làm việc đó. Không khi nào ông Bằng đi xúi giục anh trai mình làm việc này, vì hai anh em cũng ở xa nhau. Tôi cũng như mọi người khi báo chí đăng thông tin cũng mới nắm được, nên đừng có nói liên quan đến ông Bằng – Chánh văn phòng Thành ủy hay là Thành ủy Đà Nẵng. Việc này không có bất cứ sự liên quan nào”.

Vì nếu liên quan tới ông Đào Tấn Bằng thì sẽ liên quan tới Bí thư Nguyễn Xuân Anh, nên Bí thư Xuân Anh quyết bào chữa cho ông Bằng.

“Củi” ở Bộ Giao thông liệu có bị vào lò?
Báo Công Luận có bài viết của nhà báo Bùi Hoàng Tám: Thưa Tổng bí thư, còn có nhiều “củi” ở Bộ Giao thông vận tải!Bài viết cho rằng, với Bộ Giao thông Vận tải hiện nay, không chỉ có “củi” BOT mà còn nhiều “củi” khác. Đó là việc “cổ phần hóa và bổ nhiệm cán bộ“.

Bài viết nêu 2 trường hợp bổ nhiệm cán bộ ở Cục Hàng hải Việt Nam. Đó là Cục phó Nguyễn Đình Việt, được bổ nhiệm chức vụ này khi “chưa có bằng đại học“. Người thứ hai là Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang. Ông Sang được bổ nhiệm “vượt cấp“, từ GĐ Cảng vụ Hàng hải Sài Gòn lên thẳng Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, sau khi “thi trượt” chuyên viên chính.

Còn việc Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông lý giải người được bổ nhiệm phải “đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên nhưng không quy định bắt buộc là người này phải đang là chuyên viên chính…”, theo ông Tám, là “lố bịch”.

Bê bối thuốc điều trị ung thư giả
Báo Một Thế Giới có bài: VN Pharma buôn lậu thuốc, liệu Cục quản lý dược Bộ Y tế có vô can? Bài báo đặt câu hỏi, tại sao toàn bộ giấy tờ như: “giấy chứng nhận bán hàng tự do (FSC)” để được lưu hành thuốc trên thế giới và “giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP)” do Bộ Y tế Canada cấp cùng “con dấu hợp pháp hóa lãnh sự” của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada cũng bị cơ quan điều tra xác minh là giả, nhưng “tại sao những giấy tờ này vẫn ‘qua mặt’ được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế)“.

Chính vì việc này nên một số luật sư đề nghị, “yêu cầu phải triệu tập những người có trách nhiệm liên quan ở Cục Quản lý dược” trong việc thẩm định, ký duyệt hồ sơ. Vì vậy, Cục Quản lý dược – Bộ Y tế phải trả lời trước công luận về trách nhiệm của họ trong vụ việc nghiêm trọng này.

Báo Lao Động có bài: Những ai là “bác sĩ hoa hồng” của VN Pharma? Bài báo cho biết, Phó tổng GĐ của VN Pharma “đã giao nộp cho cơ quan điều tra một số giấy tờ biên nhận chi tiền hoa hồng cho bác sĩ khoảng 7,5 tỉ đồng” nhưng tại sao lại “rất khó để tìm ra chứng cứ bác sĩ nào nhận tiền hoa hồng, nhận bao nhiêu, bởi vì không ai ký nhận đồng tiền này“?

Và không thể lấy lý do “Có thể các bác sĩ ăn hoa hồng lô thuốc của VN Pharma không biết đó là thuốc giả” để biện minh cho hành động nhận lót tay được. Những đồng tiền không rõ nguồn gốc, không phải do mình làm ra, thì phải biết đặt dấu hỏi chứ, sao lại nhắm mắt nhận bừa được?

Báo Soha có bài: Tâm thư của một công dân gửi Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Bức thư kể về cảnh cùng quẫn của các bệnh nhân ung thư, “vật vã sinh tồn trong cùng quẫn sau khi bán sạch nhà cửa, đất đai, thậm chí bán cả tư trang ngày cưới, kỷ vật do mẹ cha để lại. Có những người “thân bị ung thư nhưng ngày ngày vẫn phải đi bán vé số, rửa chén cho các quán ăn thâu đêm suốt sáng, thậm chí nhặt phế liệu để gom tiền chữa bệnh…

Báo VnExpress có bài: Cựu Chủ tịch VN Pharma xin giảm nhẹ hình phạt. Các luật sư bào chữa cho một số bị cáo là cựu cán bộ của VN Pharma khẳng định: “thân chủ làm theo chỉ đạo của cấp trên, không biết các hồ sơ nộp cho Cục quản lý dược Bộ Y tế là giả… xin tòa xem xét về cáo buộc hành vi phạm tội“.



BBC có bài: Dược phẩm nào VN Pharma nhập nhưng bị cấm lưu hành? Đó là các dược phẩm sau: Capecitabine 500mg, hay VN Pharma gọi là H-Capita 500mg Caplet. Thứ hai là thuốc dạng dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch với các hàm lượng khác nhau, H2K Ciprofloxacin và H2K Levofloxacin…

Facebooker Tra Vinh Nguyen cho biết: “Tại sao Cty Pharma bán thuốc Tây giả… Tòa lại xử tội buôn lậu. Điều 157 BLHS kinh doanh Thuốc Tây giả mức án cao nhất Tử Hình“.

Còn đây là điều 194 bộ luật hình sự 2015, quy định: 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên; b) Làm chết 02 người trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên”.


Bất cập các dự án BOT
Nhà báo Nguyễn Hoài Nam viết: Trạm thu phí – tên hút máu nhân dân! Ông cho biết, trên đoạn đường 327 km ông phải đi qua, có tới 7 trạm thu phí, trong đó có 4 trạm giá 35.000đ, 2 trạm giá 15.000đ và 1 trạm giá 10.000đ. Tổng số tiền phải trả cho 327 km này là 360.000 đồng cho 1 xe ô tô 7 chỗ.

Báo Một Thế Giới có bài: Thứ trưởng Đặng Huy Đông: BOT và BT có rủi ro tham nhũng rất lớn. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Đặng Huy Đông nhận định: “Chúng tôi đã phản đối mạnh nhưng không được. Sao không công khai cụ thể chi phí hết bao nhiêu? Không công khai số lượng lưu thông?” Và rằng, “BOT là rủi ro tham nhũng lớn nhất. Nếu làm đúng, làm tốt thì có lợi nhưng nếu nới lỏng quy trình một chút thì tham nhũng rất lớn. Vậy tại sao không truy được trách nhiệm?


“Tư lộn cái lềnh”
Về “phong trào” tinh giản bộ máy và thủ tục hành chính được Chính phủ hô hào mạnh mẽ thời gian qua, báo QĐND giật tít: “Tư lệnh ngành” và quyết tâm tinh giản bộ máy.
Việc Bộ Công Thương chỉ được “thu gọn” từ 35 xuống còn 30 đơn vị, đã được báo QĐND coi là “bước đột phá trong CCHC ở Bộ Công Thương, đồng thời thể hiện sự quyết đoán, trách nhiệm, tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm của vị ‘tư lệnh ngành’ – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh“.

Còn nhớ, người được mệnh danh là “trùm tư lệnh“, trong những năm cầm đầu ngành Giao Thông, đã gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng cùng những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến các dự án BOT trên cả nước.

Việc báo QĐND sử dụng danh từ quân sự trong ngôn ngữ đời thường, theo blogger, nhà văn Nguyễn Phương Văn, rằng “có cái gì đó rất bệnh hoạn và có tác hại xã hội rất lớn…

Vụ đóng tàu theo Nghị định 67/CP
Báo Một Thế Giới có bài: Vụ tàu vỏ thép Thanh Hóa: DN bồi thường ngư dân 500 triệu đồng. Ông Nguyễn Duy Muộn, chủ nhân chiếc tàu vỏ thép bị hư hỏng cho biết, Công ty Đại Dương đã thống nhất mức đền bù 500 triệu đồng để sửa chữa lại các phần hư hỏng trên con tàu của ông.

Được biết, tàu của ông Muộn được đóng theo Nghị định 67/CP, hạ thủy từ tháng 10/2016 và hoạt động đến tháng 6/2017. Số vốn đầu tư hơn 17,7 tỉ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng 17 tỉ đồng, còn lại là số vốn từ gia đình. Ngư dân phải đi vay ngân hàng lên đến hơn 95%, khi tàu phải nằm bờ, chắc chắn sẽ vỡ nợ.

Ông Muộn cho biết thêm: “9 chuyến ra khơi thì cả 9 lần tàu hỏng. Riêng tiền sửa chữa, dầu máy, lương thuyền viên… cũng đã tốn của tôi vài tỉ đồng” và “tôi đã phải vay ngân hàng khoảng 95% giá trị, do đó việc trả tiền ngân hàng vất vả, mỗi quý khoảng 300 triệu đồng”.

Tăng thuế VAT: đánh vào dân
Nhà báo Nguyễn Quốc Ấn có bài: Tăng không từ một thứ gì!. Ông viết, “Một người có uống rượu và hay hút thuốc như tôi hoan nghênh việc tăng thuế rượu bia, thuốc lá. Nhưng khi cái gì cũng tăng thuế, kể cả VAT (dự kiến lên 12%) thì thực sự là một nỗi ám ảnh.
Còn riêng các doanh nghiệp vốn nước ngoài (FDI) lẫn doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, thì “các yếu tố mua hóa đơn vẫn tồn tại“. Theo ông Ấn, có doanh nghiệp doanh thu cả nghìn tỉ, nhưng đóng thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ… vài triệu đồng/tháng kéo dài trong nhiều năm.

Ông Ấn viết tiếp, “còn một câu nữa phải nhắc: 2 nhiệm kỳ trước, những ‘nắm đấm thép” mang tên tập đoàn Nhà nước đã ‘đấm vỡ mặt’ nhân dân bằng nhiều khoản nợ trăm tỉ, nghìn tỉ, chục nghìn tỉ có phần duyệt chi của Bộ Tài chính. Nay ngân sách ‘hụt chân’, nợ công đầm đìa thì trách nhiệm của Bộ Tài chính ở đâu?


Giải thưởng Hồ Chí Minh… xuống giá!
Báo Thanh Niên có bài: Kiến nghị hạ tiêu chí Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, bởi “các gia đình nghệ sĩ tài năng nhưng trượt giải” lên tiếng.

Ông Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, cựu Phó cục trưởng Cục Điện ảnh, nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, cựu Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, đều cho rằng, nên hạ tỷ lệ gần 90% số phiếu đồng ý xuống còn 75% là vừa. Vì để cao quá, chỉ cần 1 hoặc 2 vị nắm phiếu quyết định không bỏ… là chết.

Còn về chất lượng của hội đồng xét duyệt thì Nhà văn Chu Lai cho biết: Việc ghét mà “dìm hàng” nhau trong bỏ phiếu là có thật: “Cũng nhiều trường hợp vì ghen ghét mà không bầu cho nhau chứ. Nên có những người xứng đáng mà không thể được giải”.

Các trường hợp bị “dìm hàng” sao không “tự phong” như ca sỹ Ngọc Sơn? Bởi “bác” cũng được đám con cháu tự phong là danh nhân văn hóa thế giới rồi, mặc dù bị “thế lực thù địch” cung cấp bằng chứng là không phải danh nhân gì cả.

Tham nhũng ở Ban chỉ đạo Tây Nam bộ 
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Các cá nhân sai phạm vụ Tây Nam bộ nộp tiền khắc phục hậu quả. Trong buổi kết luận sai phạm chiều 22/8, ông Nguyễn Phong Quang, cựu Phó BCĐ Tây Nam bộ công bố thông tin “đã nộp lại 3,6 tỉ đồng khắc phục hậu quả“.
Bài báo cho biết thêm: “họ tự nguyện nộp lại số tiền trên là nhằm khắc phục hậu quả, với mong muốn UBKT TƯ xem xét giảm nhẹ án kỷ luật”.


Kiến kiện khoai

Sau một thời gian dài chờ đợi và cả một lần bị tạm hoãn, phiên toà xét xử 3 vụ án Chủ tịch UBND TP Lào Cai và Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai bị người dân khởi kiện ra toà, dự kiến diễn ra trong ngày 22/8. Nhưng HĐXX TAND tỉnh Lào Cai đã bất ngờ ra quyết định “tạm đình chỉ” cả 3 vụ kiện trên, khiến “nhiều người tham dự phiên toà phản ứng gay gắt“.
Lý do tòa đưa ra là “cần đợi kết quả giải quyết vụ việc có liên quan đến việc giải quyết vụ án của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai“.

Tin quốc tế

Thưa ngài Tổng thống, tôi từ chức đây ạ!
Giáo sư Daniel M Kammen là phái viên về khoa học, thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, vừa gửi cho Tổng thống Donald Trump một bức thư từ chức rất độc đáo, đó là những chữ đầu của mỗi đoạn trong bức thư, ráp lại thành chữ IMPEACH (đàn hặc, luận tội…) tổng thống, được ráp từ những chữ sau: I, My, Particularly, Examples, Acts, Character, Herein.

Bức thư đã được GS Kammen đăng tải trên Twitter, trong đó ông viết thêm: “Thưa Tổng thống, tôi từ chức với tư cách là Phái Viên Khoa Học. Phản ứng của ngài đối với vụ Charlottesville cho phép phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, và làm hại đất nước và hành tinh chúng ta“.

Ông Daniel M Kammen là GS Ưu tú về Năng của trường ĐH UC Berkeley. Nguồn: internet

GS Kammen đã giữ nhiều chức vụ khác nhau trong Bộ Năng lượng, Cơ quan Bảo vệ Môi trường và Bộ Ngoại giao kể từ năm 1996.

Chuyện của Trump và bê bối trong chính trường Mỹ
Người Việt: TNS Mitch McConnell không chắc TT Trump có ‘trụ’ nổi không. Theo báo NYT, Thượng Nghị Sĩ đảng Cộng Hòa, ông Mitch McConnell, lãnh đạo khối đa số Thượng Viện, lo ngại rằng, “không biết Tổng Thống Donald Trump có ‘trụ’ nổi nhiệm kỳ hiện nay hay không“. Ông Trump đe dọa phản đối bất cứ thượng nghị sĩ nào dám ngáng chân ông, còn Thượng Nghị sĩ McConnell vận động các thượng nghị sĩ khác chống lại Trump.

Chuyện phân biệt chủng tộc qua cách hành xử của TT Trump sau vụ biểu tình bạo loạn ở Charlottesville, Virginia: LHQ cảnh báo Mỹ về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. “Một ủy ban của LHQ đặc trách chống phân biệt chủng tộc đã đưa ra ‘cảnh báo sớm’ về tình hình ở Hoa Kỳ và kêu gọi chính quyền Trump phải ‘dứt khoát’ loại bỏ ‘không điều kiện’ việc phân biệt đối xử“.


Người Việt: Bộ Trưởng Nội Vụ bị điều tra tội đe dọa haithượng nghị sĩ Alaska. Hai Thượng Nghị sĩ đảng Cộng Hòa là Collins Murkowski (Alaska) và Susan Collins (Maine) đã từng bỏ phiếu chống lại dự luật y tế, hủy bỏ Obamacare và bà Murkowski đã bị Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke dọa cắt các hợp đồng về năng lượng ở Alaska. Ông Zinke, Bộ trưởng Nội Vụ Mỹ hiện đang bị điều tra về vụ này.

VOA đưa tin: Trump dọa đóng cửa chính phủ nếu không có tiền xây tường biên giới. TT Trump đòi đóng cửa chính phủ nếu Quốc hội không thông qua ngân quỹ xây dựng tường biên giới với Mexico. Bà Nancy Pelosi, lãnh đạo khối thiểu số Hạ Viện, đảng Dân Chủ, nói: “Chớ nhầm lẫn: Tổng thống nói sẽ cố ý gây tổn thương cho các cộng đồng Mỹ để buộc người thọ thuế Mỹ phải bị tài trợ cho bức tường biên giới đắt đỏ, không hiệu quả và vô đạo đức này”.


Tin Bắc Hàn
Báo Người Việt có bài: Bắc Hàn tiếp tục phát triển hỏa tiễn trong lúc có chỉ dấu giảm căng thẳng. “Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un ra lệnh chế tạo thêm các động cơ hỏa tiễn sử dụng nhiên liệu cứng, theo tin từ giới truyền thông nhà nước hôm Thứ Tư, giữa khi có có chỉ dấu cho thấy tình hình trên bán đảo Triều Tiên giảm căng thẳng. Bản tin hãng thông tấn KCNA của nhà nước Bắc Hàn không có những lời đe dọa nhắm vào Mỹ như thường thấy, sau nhiều ngày có các lời đe dọa nặng nề“.



*
*
Bài Mới Nhất
24/08/2017
24/08/2017
24/08/2017
24/08/2017
24/08/2017
24/08/2017
24/08/2017
23/08/2017
23/08/2017
23/08/2017








No comments: