Tuesday, August 22, 2017

"MỘT VÀNH ĐAI, MỘT CON ĐƯỜNG và BÓNG DÁNG CHỦ NGHĨA THỰC DÂN KIỂU MỚI" (Hồng Thủy)




Hồng Thủy  -  GDVN  
10:33 22/08/17

(GDVN) - Trung Quốc có kế hoạch đặt các cảng chiến lược, các công trình hạ tầng trọng yếu khác dưới sự kiểm soát của họ như là "tài sản thế chấp" trong trường hợp...

Chủ tịch danh dự Tập đoàn Đường sắt trung ương Nhật Bản Yoshiyuki Kasai ngày 21/8 có bài viết độc quyền gửi báo Yomiuri Shimbun, phân tích về sự trỗi dậy của Trung Quốc. [1]
Tác giả đưa ra một số góc nhìn đáng chú ý về cục diện châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và toàn cầu nói chung, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt là về kinh tế và quân sự.

Thiết lập cân bằng quyền lực mới

Ông Yoshiyuki Kasai cho rằng, thế giới hiện nay dường như đang đứng trước giai đoạn cuối của việc thiết lập một sự cân bằng quyền lực mới của thế kỷ 21.
Nước đang tìm cách thay đổi hiện trạng là Trung Quốc.
Bắc Kinh đã nhanh chóng tăng cường sức mạnh của họ bằng cách tận dụng lợi thế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Họ duy trì một chiến lược mở rộng ảnh hưởng hai cánh.
Về phía Tây, Trung Quốc mở rộng quyền thống trị thông qua "một vành đai, một con đường", về phía Đông họ đang gia tăng sức ép lên Hoa Kỳ để "chia đôi Thái Bình Dương".

Trung Quốc hiện diện khắp các địa bàn, cảng khẩu trọng yếu của Pakistan thông qua các dự án của "một vành đai, một con đường". Ảnh: Alamy / SCMP.

Trung Quốc đã gây ra căng thẳng ở nhiều nơi, bao gồm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) trên Biển Đông, quần đảo Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư) ở Hoa Đông.
Những diễn biến này hoàn toàn phù hợp với chiến lược hai cánh của Bắc Kinh.
Năm 2013 ông Tập Cận Bình tung ra sáng kiến "một vành đai, một con đường".
Mục đích chính của "sáng kiến" này theo tuyên bố của Bắc Kinh là: tạo điều kiện cho các quốc gia mục tiêu có thể hội nhập, thông qua các dự án phát triển cơ sở hạ tầng để cải thiện hệ thống đường sắt, đường bộ và cảng khẩu tại các nước này.
"Vành đai" dùng để chỉ con đường tơ lụa thế kỷ 21 kết nối Trung Quốc với Trung Á và châu Âu, trong khi "con đường" đề cập đến con đường tơ lụa mới trên biển đến châu Phi thông qua Indonesia và các quốc gia ven Ấn Độ Dương.
Đáng lưu ý theo tác giả Yoshiyuki Kasai, Trung Quốc muốn mở rộng phạm vi kiểm soát của họ bằng sức mạnh kinh tế và quân sự to lớn.
Tuy nhiên Bắc Kinh không chủ trương chia sẻ các giá trị phổ quát như tự do, dân chủ, pháp quyền hoặc tôn trọng quyền con người.
Bành trướng trên biển có thể được coi là một trong những động thái Trung Quốc củng cố "một vành đai, một con đường".
Nhiều năm qua, Trung Quốc liên tục củng cố và hiện đại hóa lực lượng hải quân, không quân, sẵn sàng đối mặt với Hoa Kỳ.
Các dự án đóng mới nhiều tàu sân bay và tàu ngầm mà Trung Quốc đang triển khai thu hút sự chú ý đặc biệt của thế giới.
Đó là minh chứng rõ ràng cho thấy ý định của Bắc Kinh muốn thiết lập sự hiện diện của hải quân ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Quốc gia này được xem như đang tìm cách "chia đôi Thái Bình Dương" với người Mỹ, một tham vọng chưa từng thấy.
Do đó, chắc chắn Bắc Kinh sẽ tiếp tục tập trung vào các tuyến hàng hải qua lại Thái Bình Dương trong thời gian tới.

Chủ nghĩa thực dân kiểu mới

Trong những thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng thông qua cái gọi là "chủ nghĩa tư bản nhà nước", Yoshiyuki Kasai nhận định.
Cách tiếp cận tư bản kiểu Trung Quốc đã được thực hiện, thay vì kinh tế kế hoạch hóa tập trung, Trung Quốc để một số người làm giàu trước để làm đầu tàu kéo Trung Quốc tới bến thịnh vượng.
Mặt trái của chính sách phát triển này là mở rộng khoảng cách giàu nghèo, tăng số lượng người bị thất nghiệp.
Để xoa dịu sự bất mãn của công chúng, lãnh đạo Trung Quốc buộc phải duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Các doanh nghiệp nhà nước đã đóng vai trò chi phối trong việc giúp đạt được mục tiêu quốc gia này.
Tuy nhiên xu hướng giảm phát của nền kinh tế toàn cầu và yêu cầu tăng lương ở Trung Quốc chắc chắn sẽ làm chậm lại sự tăng trưởng kinh tế.
Do đó, Trung Quốc đã bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn, để cho các doanh nghiệp nhà nước tăng sản lượng theo kế hoạch của chính phủ, bất chấp hàng tồn kho và dư thừa lao động trong các tập đoàn.
"Một vành đai, một con đường" ra đời với 2 mục đích.
Mục đích thứ nhất của nó về kinh tế là đẩy mạnh hàng tồn kho và lực lượng lao động dư thừa ra khỏi biên giới theo các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở nước ngoài.
Mục đích thứ hai của nó về mặt chiến lược là kiểm soát các vị trí trọng yếu bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc thông qua các dự án.
Tuy nhiên Yoshiyuki Kasai lưu ý rằng, về lâu dài các dự án này sẽ không mang lại lợi ích cho các nước sở tại - các quốc gia tiếp nhận nó, cho dù là xây dựng đường sắt, đường bộ hay cảng khẩu.
Phần lớn những khoản đầu tư này sẽ kết thúc bằng những khoản nợ Trung Quốc mà các nước không thể trả được.
Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch cung cấp tài chính cho các nước tiếp cận "một vành đai, một con đường" bằng cách kết hợp các khoản vay và nguồn vốn của họ tại Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) mà Trung Quốc sáng lập và điều khiển.
Tuy nhiên Trung Quốc có kế hoạch đặt các cảng chiến lược, các công trình hạ tầng trọng yếu khác dưới sự kiểm soát của họ như là "tài sản thế chấp" trong trường hợp các nước mục tiêu của "sáng kiến" này không thể trả nợ.
Trong bối cảnh này, "một vành đai, một con đường" chính là một hình thức của chủ nghĩa thực dân kiểu mới thế kỷ 21, Yoshiyuki Kasai khẳng định.
Xét những hạn chế liên quan đến chương trình cho vay của Trung Quốc, các xung đột sẽ xảy ra giữa Bắc Kinh với chính phủ và người dân các nước mục tiêu "một vành đai, một con đường".
Chúng có thể phát triển thành các vấn đề quốc tế.
Nói chung, "một vành đai, một con đường" không phải là biện pháp cuối cùng mà Trung Quốc làm để thay đổi các vấn đề xã hội tại quốc gia này và chuyển nó sang các nước khác. [1]

"Một vành đai, một con đường" nhìn qua quan hệ Trung Quốc - Campuchia

Ngày 22/8 tờ Today Onlines, Singapore đăng bài phân tích của Tiến sĩ Terence Chong, thành viên cao cấp kiêm Phó giám đốc Viện ISEAS: Quan hệ Trung Quốc - Campuchia không khó để giải mã. [2]
Ngoài các yếu tố địa chính trị, Tiến sĩ Terence Chong cho biết, tầm nhìn rộng lớn và mơ hồ của Bắc Kinh trong "một vành đai, một con đường" về hợp tác và phát triển đã giúp Thủ tướng Hun Sen và đảng cầm quyền "thưởng thức sự bảo trợ" của Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Campuchia Hun Sen, ảnh: Asia Times.

Khác với các định chế tài chính quốc tế, các ngân hàng và các nhà phát triển (dự án) Trung Quốc có thể đáp ứng các nhu cầu phát triển lớn tại đất nước Chùa tháp mà không đòi hỏi các điều kiện khác đi kèm.
Campuchia đang thiếu năng lượng, giá điện tại quốc gia này khá cao. Để khắc phục điều này, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào xây dựng hệ thống các đập thủy điện tại Campuchia.
Có 6 con đập đã được xây dựng, trong khi con đập thứ 7 đang được thi công. Trung Quốc cung cấp 100% nguồn tài chính thực hiện tất cả dự án thủy điện tại Campuchia.
Hệ thống giao thông của Campuchia đang phát triển, ước tính cần tới 9 tỉ USD cho 850 km đường cao tốc, đường bộ vào năm 2020.
Trung Quốc đã đáp ứng một phần nhu cầu này với cam kết 2 tỉ USD vốn vay ưu đãi.
Bên cạnh đó Trung Quốc viện trợ cho Campuchia 200 triệu USD xây dựng 6 cây cầu. Cây cầu thứ bảy dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay với kinh phí 20 triệu USD.
Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại Campuchia trên khắp các lĩnh vực đã khiến nhiều người dân bản địa cảnh giác.
Điều này buộc Campuchia phải có cách đảm bảo tâm lý chống Trung Quốc không vượt quá mức chấp nhận được. Họ làm điều này bằng nhiều cách.
Đầu tiên, sử dụng tâm lý bài Việt trong một bộ phận người Campuchia đã được các thế lực chính trị sử dụng như một mánh khóe và tập trung nhiều vào đối tượng người Việt Nam nhập cư.
Thứ hai, chính phủ Campuchia khẳng định những đóng góp của Trung Quốc, đặc biệt là về kinh tế, rót vốn đúng vào những nơi cần, phù hợp với nhu cầu phát triển của các địa phương.
Thứ ba, chính phủ nước này đã cho phép báo chí chính thống thỉnh thoảng đưa tin về các hoạt động "bóc lột công nhân Campuchia" của các nhà máy Trung Quốc, hay các doanh nghiệp Trung Quốc coi thường các quy định của địa phương.
Bằng cách này, họ có thể công khai chứng minh tính "trung lập" của mình với Trung Quốc.
Tiến sĩ Terence Chong cho rằng đây là hành động "cân bằng vụng về" và có thể phản tác dụng.
Mặc dù người Campuchia thích sự hiện diện của Nhật Bản hoặc Hàn Quốc hơn, nhưng giới tinh hoa cầm quyền tại quốc gia này chào đón tiền đầu tư từ Trung Quốc.
Tuy nhiên nguy cơ đặt ra đối với Campuchia là tệ nạn tham nhũng và khai thác cạn kiệt tài nguyên đi cùng với các sảm phẩm kém chất lượng từ Trung Quốc có thể dấy lên các luồng dư luận phản đối từ địa phương.
Tiếp đến là tình trạng các doanh nhân Trung Quốc thích tìm gặp thẳng các quan chức quân đội, thay vì làm việc theo "quy trình" với hệ thống công vụ, hành chính quan liêu.
Cá nhân người viết cho rằng, những phân tích của Chủ tịch danh dự Tập đoàn Đường sắt trung ương Nhật Bản Yoshiyuki Kasai và Tiến sĩ Terence Chong là rất đáng lưu tâm.
Những nghiên cứu về "một vành đai, một con đường" nói riêng, chính sách đối ngoại của Trung Quốc và các siêu cường nói chung rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam cũng là một quốc gia mục tiêu mà “một vành đai, một con đường” nhắm tới.
Chúng tôi cho rằng các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách cần tiếp tục tìm hiểu “một vành đai, một con đường”, từ thực tiễn triển khai tại các quốc gia khác.
Đặc biệt đáng quan tâm là bài học từ Singapore. 

Quốc đảo này đã chủ động xây dựng hệ thống “miễn dịch” với các ý đồ xuất khẩu công nghiệp và lao động dư thừa kết hợp chiến lược thôn tính các cảng khẩu, địa bàn trọng yếu đội lốt các dự án cho vay ưu đãi phát triển cơ sở hạ tầng.

Tài liệu tham khảo:

Hồng Thủy

----------------------

LIÊN QUAN :











No comments: