Monday, August 28, 2017

BẢN TIN NGÀY 28/8/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
Báo Washington Post có bài, được dịch giả Trúc Lam dịch riêng cho Tiếng Dân: Khi Hoa Kỳ rút lui, người Việt lo ngại Trung Quốc kiểm soát. Bài viết nói về chuyện Hoa Kỳ không quan tâm nhiều đến tình hình Biển Đông và khu vực kể từ khi ông Trump nhậm chức, đã làm cho Việt Nam ở vào thế không còn nhiều lựa chọn, mà phải “bí mật đầu hàng một nước Trung Quốc hung hãn“, qua sự kiện công ty Repsol rút lui khỏi dự án khoan dầu ngoài khơi VN.

Một nhân vật nổi tiếng, có quan hệ với các quan chức đại diện của ba nước Mỹ – Việt – Trung, nói: “Có rất nhiều tin đồn xung quanh vụ Repsol, như những tin đồn luôn có khi nói đến Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng chẳng có lý do nào khác ngoài sức ép từ Bắc Kinh“. Người này cũng nói rằng VN đầu hàng là vì họ không còn nhiều sự lựa chọn, sau khi ông Trump lên làm tổng thống Mỹ.

Trang National Interest có bài (sẽ có bản dịch phục vụ độc giả): Trung Quốc lên kế hoạch thắng cuộc chiến ở Biển Đông như thế nào? Tác giả nhận định, Trung Quốc có thể giành chiến thắng cho dù vẫn còn yếu hơn Mỹ. Trung Quốc có thể trụ lại được lâu hơn Mỹ, gây ra nhiều tổn thất về mặt chiến thuật trong một thời gian dài, làm cho cái giá của việc bảo vệ tự do trên biển cao hơn cái giá mà các lãnh đạo Mỹ sẵn sàng trả.

Báo Tuổi Trẻ có clip: Cứu 19 ngư dân Nghệ An gặp nạn trước cơn bão số 7. Sáng 27/8, tàu cứu nạn SAR 273 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã lai dắt tàu cá Nghệ an số hiệu NA 97788 TS, đưa 19 thuyền viên trên vào Cửa Lò an toàn: https://www.youtube.com/watch?v=-OYtroiE_-Y


Tổng Tham mưu trưởng mới của Quân đội TQ là tay đã từng tham chiến ở VN
Báo New York Times đưa tin, Trung Quốc bổ nhiệm tướng Li Zuocheng, là người từng tham chiến trong cuộc chiến biên giới 1979. Bộ Quốc phòng TQ bổ nhiệm tướng Lý Tác Thành (Li Zuocheng), 63 tuổi, làm Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân TQ, thay thế tướng Phòng Phong Huy (Fang Fenghui), 67 tuổi.

Bài báo cho biết, Tướng Lý Tác Thành đã từng tham gia trong cuộc chiến biên giới với Việt Nam năm 1979, khi ông ta 26 tuổi. Hoàn Cầu Thời báo nói, ông Lý bị thương trong cuộc chiến này nhưng đã dũng cảm chiến đấu, nên ông được trao danh hiệu “anh hùng chiến tranh”.

Báo Dân Trí đã đưa tin này rất sớm, nhưng đã tự kiểm duyệt, không hề nói gì tới chuyện ông tướng TQ đã từng tham chiến ở Việt Nam: Trung Quốc bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng mới.


Bộ sách Lịch Sử Việt Nam: Vũ Như Cẩn!
Bài trên báo Tiền Phong: Bộ sách ‘Lịch sử Việt Nam’ có gì ồn ào? Nhà sử học Dương Trung Quốc, cho biết: “Chỉ là cuốn sách của Viện Sử thôi, có gì mà ồn ào, giời ạ!”. Nhưng ông cũng nói về bộ sách mới tái bản: “Có gì mới đâu”.

Nhà nghiên cứu Dương Quốc Đông, Viện Sử học, cho biết, đây là bộ sử tái bản, không có gì mới. GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, xác nhận: “Bộ sử được viết lâu rồi. Nhiều người chưa đọc tưởng cuốn này trình bày kỹ lắm, không có gì đâu, thoáng tí thôi. Do cách diễn đạt khi họp báo thôi…”.  Nhà sử học Lê Văn Lan cho biết, bộ sử này có tiếng vang là do thủ thuật tuyên truyền.

Facebooker Bùi Quang Minh có bài: Sách Lịch Sử Việt Nam đã viết về cuộc chiến biên giới Việt-Trung như thế nào?Tác giả chụp lại 7 trang sách, tập 14 của bộ sách lịch sử này, từ 351 đến trang 357, “Trang 351: Ngay sau chiến tranh 1975 ta đã cảm ơn và coi trọng tình hữu nghị. Trang 352: TQ viện trợ giúp đỡ ta. Trang 353: Việt Nam gây xung đột do vấn đề người Hoa cư trú (thực ra TQ xuyên tạc tình hình). Hai bên bắt đầu có xung đột biên giới“.

BBC có bài: Cáo buộc VNCH làm tay sai Mỹ ‘là thiếu khách quan’. Ông Nguyễn Quang Thạch nói rằng, khi không gọi Việt Nam Cộng Hòa “Ngụy quân, ngụy quyền’ nữa, thì đấy làm cho người Việt ở trong nước người ta sẽ gắn kết với nhau hơn, không tạo ra những xung đột, mối nguy không đáng có, tương tự như khi người ta phổ biến nghiên cứu khoa học của họ mà xác thực các triều đại này làm được việc này, việc kia, hay chưa làm được…, thì việc ấy là việc tốt“.

TS Nguyễn Xuân Diện đưa ra ý kiến, “bộ sử này dù có công nhận chính quyền Việt Nam Cộng Hòa hay không công nhận Việt Nam Cộng Hòa, có gọi cuộc chiến tranh chống Trung Quốc là chiến tranh chống xâm lược hay không, thì sự thực lịch sử cũng đã tồn tại rồi… và với một thời đại Internet như hiện nay, mọi người có thể vào tất cả các văn khố để có thể đọc, vậy thì không ai có thể trốn tránh, hay lảng tránh được…”

Đảng Cộng sản có “tự diễn biến”
Trang Quan hệ Quốc tế có bài của dịch giả Nguyễn Hữu Liêm: Tương lai nào cho Việt Nam: tiến tới dân chủ hay vẫn giữ độc tài? Với một thể chế và quy trình hiện nay, “khó mà có một hay vài cá nhân có khả năng vượt qua được tính ù lì, bảo thủ của cơ chế. Những ai có ý chí cải cách mạnh đều bị loại ra khỏi guồng máy để rồi trở nên bất mãn, vô hiệu quả“.

Bài viết kết luận: “Nếu không có những yếu tố bất định trong chính sách quốc gia và thế giới, hay là sự khởi động của một cao trào quần chúng trong một năng lực ý chí và ý thức tự do mới, thì liệu đây có phải là định mệnh cho Việt Nam trong vòng hai ba thập niên tới? Tương lai cho tự do và dân chủ ở Việt Nam sẽ còn là một con đường nhiều thử thách, cay nghiệt và đầy bi vọng“.

Đại án kinh tế OceanBank: Hà Văn Thắm ra tòa hôm nay
Báo Lao Động đưa tin: Ngày mai, Hà Văn Thắm cùng đồng phạm lại ra tòa. Đây là phiên tòa sơ thẩm, tiếp theo phiên xử hồi cuối tháng 2, khi diễn ra được 10 ngày thì TAND Hà Nội trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ tội danh của hai ông Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch OceanBank và Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng giám đốc OceanBank, cùng một số người liên quan.

Sẽ có 727 người được triệu tập tới phiên tòa sơ thẩm hôm nay. Đây là con số kỷ lục so với các đại án kinh tế đã đưa ra xét xử thời gian gần đây. Báo VietNamNet có bài: Những con số ‘khủng’ tại phiên tòa xử Hà Văn Thắm.



Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
Trang Thời Báo có bài viết của tác giả Trung Khoa, đặt vấn đề: Chức danh Tổng bí thư có bảo vệ được ông Nguyễn Phú Trọng thoát khỏi lệnh truy nã quốc tế? Tác giả cho biết: “Cuộc điều tra của Đức đã và đang tiến hành rất bài bản và thận trọng, đặc biệt cuộc điều tra đã lan sang CH Séc thì tất nhiên vụ bắt cóc trở thành một vụ việc mang tính tội phạm quốc tế mà Liên hiệp châu Âu đều phải có trách nhiệm với các thành viên của mình“.

Cho nên TBT Nguyễn Phú Trọng từ một người “đi săn chuột nhưng sợ vỡ bình” có lẽ “cần phải chứng minh ngoại phạm” trong vụ bắt cóc này, khi ông từng tuyên bố “bắt cho bằng được Trịnh Xuân Thanh“. Từ người đi săn, ông Trọng “cũng có thể trở thành kẻ bị săn đuổi trên toàn thế giới“.

Tin Đồng Tâm: dân quyết giữ đất đến cùng!
Về chuyện Bộ Quốc phòng gửi giấy triệu tập ông Lê Đình Kình và con trai ông Lê Đình Công, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn có bài: Quân đội, việc của các anh là bảo vệ lãnh thổ, hãy buông tay khỏi Đồng Tâm.

Tác giả cho rằng, Bộ Quốc phòng có dấu hiệu lạm quyền khi khởi tố các vụ án có liên quan tới tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm, bởi vụ này “không phải tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, lại chẳng xảy ra trên địa bàn nhiều quân khu, mà cũng chẳng xuyên quốc gia, thì lãnh đạo Bộ Quốc Phòng lấy lý do gì để biện minh cho việc khởi tố vụ án ở Đồng Tâm?

Tiếng Dân: Cụ Lê Đình Kình :”Phải giữ mảnh đất này, dù phải hy sinh cả xương máu”! Cụ Lê Đình Kình khẳng định: “Đất này là của chúng ta. Phải giữ mảnh đất này, dù phải hy sinh cả xương máu  https://www.youtube.com/watch?v=uUTFqqhRlew


Bê bối thuốc điều trị ung thư giả và vai trò của Bộ Y tế
Facebooker Đỗ Cao Cường có bài: Tôi đến nhà Bộ trưởng Bộ Y tế, khuyên chị nên từ chức! Tác giả cho biết, ông có đến quận 2, “thăm căn biệt thự số 177, ngay mặt tiền đường Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, được cho là nhà của chị Bộ trưởng Bộ Y tế. Theo kinh nghiệm làm cò biệt thự của mình, tôi ước tính giá căn này rơi vào khoảng 90 tỷ. Trong khi, lương của chị Bộ trưởng Tiến hiện nay là 13.390.000/tháng (nếu tính theo bậc 2)“.

 Nhà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Đỗ Cao Cường

Báo Pháp Luật TP có bài: Bộ trưởng Y tế nói gì về vụ VN Pharma? Phóng viên đặt câu hỏi về chuyện em chồng, con trai Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tham gia ban lãnh đạo Công ty VN Pharmacũng như thông tin ông Nguyễn Minh Hùng, cựu tổng giám đốc VN Pharma, đã mua cho gia đình bà Tiến căn biệt thự trị giá gần 60 tỉ đồng tại khu biệt thự Thảo Điền, quận 2, bà Tiến trả lời:

Trong gia đình tôi không ai tham gia công ty này cả. Đây là công ty nhỏ, tôi còn không biết nó như thế nào… Còn thông tin tôi được tặng căn biệt thự liền kề phía sau nhà tôi là dựng chuyện vu khống cho tôi và gia đình tôi. Bởi phía sau nhà tôi không có căn nhà nào như mạng tung tin cả… Căn nhà ở đường Nguyễn Văn Hưởng gia đình tôi mua đất đã 20 năm trước và cất nhà ở gần 10 năm nay rồi“.

Nhà báo Bạch Hoàn có bài: VN Pharma và Bộ Y tế. Tác giả đặt câu hỏi, “tại sao VN Pharma có thể lộng hành, vượt qua hàng loạt khâu kiểm soát, để thực hiện hành vi mà nhiều người đang cho rằng đó là một tội ác không thể dung tha?”

Tác giả viết: “Bộ Y tế không thể vô can khi để xảy ra tình trạng có một bộ phận doanh nghiệp dược cầm tay bác sĩ kê đơn. Mà ở đó, bàn tay của doanh nghiệp dược được lót bằng những đồng tiền hoa hồng từ hành vi móc túi người bệnh, từ việc ăn cướp cả xương máu của nhân dân… Bộ Y tế càng không thể vô can khi đã để cho những hành vi táng tận lương tâm của VN Pharma được hiện thực hoá bằng việc đưa 9.300 hộp thuốc chữa ung thư giả lọt cửa kiểm soát“.

Báo Tuổi Trẻ có bài: Làm sao ngăn chặn nạn ‘hoa hồng’?Luật sư Trần Minh Hải cho rằng, mặc dù có quy định bác sĩ không được phép kê toa thuốc không cần thiết hoặc không phù hợp với chẩn đoán bệnh, nhưng Luật dược và Luật khám chữa bệnh không có quy định về chuyện bác sĩ nhận hoa hồng của công ty dược và đây là lỗ hổng mà luật pháp cần bổ sung.

Ảnh minh họa. Nguồn: Satế/VNN

Tiếng Dân xin hiến thêm kế: sau khi bổ sung luật này, cần khuyến khích các bác sĩ hành nghề phải mua bảo hiểm malpractice, là loại bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, hầu hết những người hành nghề y ở Mỹ (bác sĩ nha khoa, mắt, chuyên khoa…) đều phải có. Trường hợp bác sĩ có bất kỳ quyết định sai lầm nào trong việc điều trị bệnh nhân, như kê toa sai hay quyết định mổ xẻ sai, gây tổn hại cho sức khỏe bệnh nhân, bệnh nhân sẽ kiện bác sĩ và phòng mạch.

Khi tòa án chứng minh quyết định của bác sĩ là sai, bệnh nhân có thể được bồi thường một số tiền lớn. Dĩ nhiên bác sĩ không có tiền để trả, mà bảo hiểm malpractice sẽ trả cho người thắng kiện. Và tiền bảo hiểm sau đó sẽ tăng rất cao khi bác sĩ thua kiện. Điều này sẽ giúp bác sĩ làm việc có trách nhiệm hơn.

Bác sĩ cũng có thể chọn không mua loại bảo hiểm này, nhưng sẽ khó cạnh tranh với những bác sĩ có bảo hiểm malpractice. Và quan trọng nhất là khi bác sĩ quyết định sai lầm, họ phải bán nhà cửa, sản nghiệp để bồi thường cho bệnh nhân, nên họ có thể bị phá sản nếu không mua bảo hiểm malpractice.


Thảm họa Formosa
Trang FB Tin Mừng Cho Người Nghèo có bài: Nhận diện vài chiêu trò qua thông báo liên quan chuyện kiện Formosa. Tác giả cho biết, việc Tòa Án Nghệ An gửi thông báo chuyển đơn khiếu nại của hơn 500 hồ sơ của người dân Tân An vào tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh là chiêu trò dùng “cây gậy và củ cà rốt” để “câu giờ” và “thọc gậy bánh xe“.

Tác giả cho rằng, việc tỉnh Nghệ An ngăn chặn người dân đi kiện là sai, và việc nhận đơn khiếu nại, đơn kiện cũng sai. Và “bất kỳ ai chống Formosa là chẳng khác nào đụng đến túi cơm của mấy vị lãnh đạo. Thế nên những thủ đoạn này chỉ nhằm một mục đích câu giờ để giữ miếng bánh béo bở“.

‘Đồn điền’ BOT
Báo Một Thế Giới có bài: ‘Đồn điền’ BOT. Tác giả so sánh các trạm BOT ở nhiều nơi trên đất nước ta, giống như những ‘đồn điền’ mà những người lái xe qua đó phải nộp phí dù họ không sử dụng, giống như phu phen trong các đồn điền ngày xưa, phải nộp cho các chủ đồn điền.

Tác giả Quốc Nam viết: “Nếu phu đồn điền ngày xưa bị vắt kiệt sức lực cho giới chủ làm giàu thì phu xe ngày nay phải nộp phí, cũng là nộp mồ hôi, công sức cho giới chủ BOT dưới cái tên mĩ miều: ‘Thu theo hợp đồng BOT’… Đồn điền ngày trước mang nhiều nghĩa bóc lột, ‘đồn điền’ BOT như Cai Lậy ngày nay mang nghĩa kiểu mới nhưng bản chất vẫn là bòn rút mồ hôi lao động của người dân mà thôi”.

VietNamNet có bài: Công an sẽ xử lý trường hợp gây rối tại trạm BOT Cai Lậy. Đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, “đối với những hành vi vi phạm pháp luật như gây cản trở giao thông, gây rối trật tự công cộng, hiện công an tỉnh đã giao cho công an huyện Cai Lậy, PC67 điều tra, thu nhập chứng cứ, nếu phát hiện có hiện tượng vi phạm sẽ xử lý theo pháp luật“.

Thông tin một lãnh đạo tỉnh Tiền Giang nói với báo chí, gây sự chú ý trong dư luận: “Dự án này là của Bộ GTVT, tỉnh chỉ tham gia giai đoạn giải tỏa mặt bằng; các khâu còn lại, từ vị trí đặt trạm thu phí, giá thu phí, chủ đầu tư là ai, tỉnh không biết. Việc Bộ GTVT cho rằng tỉnh Tiền Giang đề nghị đưa thêm ‘Tăng cường mặt Quốc lộ 1’ vào dự án là hoàn toàn không có văn bản nào...”.

Trước đó, cũng chính đại tá Nguyễn Việt Hùng cho báo Zing biết: Công an không xử lý tài xế trả tiền lẻ qua trạm BOT Cai Lậy. Ông Hùng cho rằng: “đơn vị không tham gia xử lý những vấn đề liên quan đến tiền lẻ tại trạm thu phí Cai Lậy… lực lượng công an có mặt tại trạm này để giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông“.


Tăng thuế và những câu hỏi
Trang The Leader có bài: Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Tăng thuế VAT – VÌ AI THẾ? Bà Lan đặt câu hỏi: “Ở một đất nước mà Nhà nước khẳng định là ‘của dân, do dân, vì dân’, thì rút cuộc tăng thuế VAT lần này là do ai, vì ai?” Nếu không phải “người bị thua thiệt thì rất rõ là đông đảo người dân, ‘nạn nhân’ trực tiếp nhất của tăng thuế VAT, và doanh nghiệp“.

Bà Lan cho biết thêm: “Phần lớn các nước có kinh tế-xã hội phát triển tốt đều có ngân sách được sử dụng hiệu quả, theo đó nhà nước với bộ máy gọn nhẹ, có năng lực và hiệu suất cao, chỉ tập trung đầu tư và tiến hành những công việc đúng với chức năng đích thực của mình, không ‘lấn sân’ thị trường và xã hội“.

Học viện Khoa học Xã hội: đào tạo 700 tiến sĩ/ năm!
Báo Một Thế Giới có bài: Công bố hàng loạt sai phạm tại ‘lò đào tạo tiến sĩ’ từng cho ra lò 700 tiến sĩ 1 năm. Về cái “lò đào tạo tiến sĩ” Học viện Khoa học Xã hội, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, đã đào tạo hàng loạt tiến sĩ vượt quá chỉ tiêu đăng ký, như trong năm 2015-2016, trường đã cho ra lò tới 700 tiến sĩ!

Ảnh: Học viện Khoa học Xã hội. Ảnh Xuân Trung/ GDVN.

Báo VietNamNet có bài: Học viện Khoa học xã hội: Một giáo sư hướng dẫn 12 nghiên cứu sinh cùng lúc. Đúng là “lò ấp tiến sĩ”: “Tại một thời điểm có người có học hàm giáo sư đang hướng dẫn 12 NCS, học hàm phó giáo sư đang hướng dẫn 9 NCS, học vị tiến sĩ đang hướng dẫn 7 NCS“.

Bài báo còn cho biết: “Nhiều trường hợp được phân công hướng dẫn không đúng chuyên ngành, chẳng hạn có người là tiến sĩ ngành kinh tế nhưng được phân công hướng dẫn NCS chuyên ngành quản lý giáo dục, hay tiến sĩ ngành Nhân học được phân công hướng dẫn 7 NCS ngành Dân tộc học…


Vụ bê bối tàu vỏ thép
Báo Tiền Phong có bài: Vụ tàu vỏ thép hỏng nằm bờ: Hãng đóng tàu dọa kiện ngư dân, Bộ NN&PTNT. Cho rằng Bộ NN&PTNT phải chịu trách nhiệm vì “chính đơn vị này cắt mẫu kiểm tra cho chúng tôi đóng, giờ lại bắt chúng tôi phải tháo thép ra thay lại”, nên Ông Lê Văn Thục, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Đại Nguyên Dương dọa sẽ kiện Bộ NN&PTNT ra tòa, và kiện luôn cả 5 ngư dân có tàu bị hư hỏng, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận về việc khắc phục hậu quả.

Ngư dân Mai Văn Chương, Chủ tàu BĐ 99179 TS được đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cho biết: “Nếu công ty kiện, chúng tôi sẽ theo hầu đến cùng. Trắng đen cần làm rõ. Nếu Công ty khẳng định dùng thép đúng Mac A thì tôi đề nghị cứ lấy thêm mẫu thép để đi thẩm định tiếp tục, trắng đen sẽ rõ ngay”.

Tin quốc tế

Bắc Hàn
Sau khi Bắc Hàn bắn 3 quả tên lửa: Mỹ tiếp tục ‘gây áp lực’ lên Bắc Hàn. Ông Tillerson nói trên Fox News: “Chúng tôi coi đó là một hành động khiêu khích đối với Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến dịch gây áp lực một cách ôn hòa như tôi đã miêu tả, hợp tác với các đồng minh, với cả Trung Quốc để xem liệu chúng tôi có thể đưa chính quyền Bình Nhưỡng tới bàn thương lượng hay không”.

Reuters đưa tin, mục sư Canada sống sót là vì có quốc tịch nước ngoài. Reuters dẫn nguồn từ hãng tin CBC News của Canada, mục sư Hyeon Soo Lim, nói: “Nếu tôi là người Hàn, có lẽ họ đã giết tôi. Tôi là người Canada nên họ không thể, vì họ không thể giết chết người nước ngoài”.

Có lẽ mục sư Hyeon Soo Lim không biết, trong khi ông bị Bắc Hàn cầm tù, một thanh niên Mỹ, anh Otto Warmbier, 22 tuổi đã phải bỏ mạng sau chuyến đi oan nghiệt đến Bắc Hàn. Tháng 1/2016, anh Warmbier đi du lịch từ Trung Quốc tới Bắc Hàn, đã bị bắt và bị kết án 15 năm lao động khổ sai vì bị buộc tội đã đánh cắp một biểu ngữ tuyên truyền trong khách sạn của anh.

Anh bị Bắc Hàn bỏ tù 15 tháng. Ngày 13/6/2017, anh được trả về Mỹ vì lý do “nhân đạo”, nhưng anh đã không thể tự bước đi một mình khi xuống máy bay. Warmbier đã được đưa vào bệnh viện, đúng 1 tuần lễ sau, anh qua đời ngày 20/6/2017.


Về chuyện cựu Thủ tướng Thái Lan bỏ trốn
RFI có bài: Thái Lan: Yingluck Shinawatra bỏ trốn, phe ủng hộ giới quân sự bất bình. “Chính quyền quân sự Thái Lan khẳng định không biết làm thế nào bà Yingluck đã rời khỏi Thái Lan mà không bị phát hiện, trong khi bà bị giám sát chặt chẽ. Ngược lại, truyền thông Thái nêu khả năng có một thỏa thuận ngầm với chính quyền quân sự để cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra ra nước ngoài...”.


Xuống đường ở Tây Ban Nha
RFI đưa tin: Tây Ban Nha: Tuần hành lớn chống khủng bố tại Barcelona. Hàng trăm ngàn người Tây Ban Nha, trong đó có sự tham dự của vua Felipe VI, tham gia một cuộc tuần hành lớn chống khủng bố, tưởng niệm các nạn nhân 2 vụ tấn công hôm 17/8 vừa qua làm 16 người chết và 125 người bị thương.

Biển người tuần hành tại Barclonale ngày 26/08/2017 chống khủng bố và tưởng niệm cán nạn nhân của vụ tấn công hôm 17/08/2017. REUTERS/Albert Gea

Bà Marie Carmen, một trong những người tham gia, nói : “Người Hồi Giáo không phải là khủng bố, khủng bố là những kẻ xấu. Tôi sợ rằng mọi người đánh đồng tất cả. Bên cạnh nỗi lo sợ khủng bố còn có cả nỗi lo sợ mọi người nhầm lẫn“.


*
*
Bài Mới Nhất
28/08/2017
28/08/2017
28/08/2017
28/08/2017
28/08/2017
28/08/2017
28/08/2017
27/08/2017
27/08/2017
27/08/2017










No comments: