Tuesday, August 22, 2017

TRANH LUẬN CHUNG QUANH TỪ 'NGỤY QUÂN, 'NGỤY QUYỀN' (VOA Tiếng Việt)




22/08/2017

Có những ý kiến khác nhau về việc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam phát hành bộ sách Lịch sử Việt Nam, công nhận Việt Nam Cộng hòa (VNCH) là một thực thể, và không còn gọi chính quyền ở Sài gòn trước 1975 là “ngụy quân, ngụy quyền” nữa. Có người cho đây là một dấu hiệu tích cực, có người hoài nghi động cơ phía sau việc loại bỏ cụm từ “ngụy quân, ngụy quyền”, có người cho là điều này không có nghĩa lý gì, và cũng có người cho đây là “một sự kiện lịch sử”, có thể báo hiệu những sự thay đổi khác trong tương lai.

Giáo sư Nguyễn Thanh Trang, người từng cộng tác với Viện Đại học Huế thời Việt Nam Cộng hòa, hiện cư ngụ ở bang California, nói rằng việc Việt Nam Cộng Hoà được công nhận là một tín hiệu đáng mừng:
“Họ công nhận thực thể Việt Nam Cộng hòa, không còn gọi là ngụy quân, ngụy quyền nữa, theo thiển ý của chúng tôi, đó là một dấu hiện đáng mừng.”

Cho đến nay, chính quyền Hà Nội vẫn gọi chính quyền miền Nam là “ngụy quyền” và những người lính miền Nam là “ngụy quân.”

Ông Phan Ngọc Lượng, một cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa đang sinh sống ở bang California, bày tỏ nghi vấn về động cơ phía sau việc công nhận “Chính quyền Việt Nam cộng hoà là một thực thể ở miền Nam Việt Nam.”

“Khó mà tin được điều họ làm. Tôi không biết động cơ, chương trình của họ là gì. Lúc nào tôi cũng đặt sự nghi ngờ đối với Cộng sản, vì họ lừa nhiều lần rồi. Điều gì họ làm đều có mục đích phía sau.”

Ông Lượng cho rằng chữ “ngụy” trong “ngụy quân, ngụy quyền” đã sai ngay từ đầu:

“Cái chữ ngụy họ từng dùng không biết để chỉ ai cho đúng? Tôi biết chính phủ Việt Nam Cộng hòa không lừa gạt ai. Tôi là một quân nhân. Tôi tham gia quân đội từ lúc bé, 12 tuổi tham gia thiếu sinh quân cho tới khi cuộc chiến tàn. Tôi không bao giờ chấp nhận người Cộng sản. Cũng không quan tâm họ gọi mình như thế nào. Tôi nghĩ anh em cựu quân nhân ở đây cũng không nhạy cảm với từ ‘ngụy quân, ngụy quyền’ vì họ biết họ không là ‘ngụy’ mà chính người Cộng sản mới là ‘ngụy.’ Dân chúng đều hiểu rõ chuyện này. Đó là điều quan trọng đối với chúng tôi.”

Trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ hôm 18/8, ông Trần Đức Cường, nguyên viện trưởng Viện sử học, chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, tổng chủ biên bộ sách Lịch sử Việt Nam, nói: “Chính quyền Việt Nam cộng hoà là một thực thể ở miền Nam Việt Nam.”

Bộ sách Lịch sử Việt Nam vừa ra mắt

Ông Cường còn nói rằng nhóm viết sách lịch sử đã từ bỏ cách gọi ‘ngụy quân’, ‘ngụy quyền,’ mà thay vào đó, gọi là ‘chính quyền Sài Gòn’, ‘quân đội Sài Gòn.’

Giáo sư Nguyễn Thanh Trang nhận định rằng thông thường các cơ quan, viện nghiên cứu Việt Nam phải thể hiện quan điểm thống nhất của Đảng, và ông cho rằng lần xuất bản này được thực hiện trong một hoàn cảnh khá đặc biệt:

“Đây là một bước tiến mà Viện Hàn lâm Khoa học đã thực hiện. Có thể đây là một công việc vì nhu cầu, vì hoàn cảnh đặc biệt mà Hà Nội sẵn sàng cho cơ quan này lên tiếng.”

Giáo sư Trang nói có thể tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong Biển Đông là nguyên nhân buộc cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam phải chỉnh đổi cách gọi chính quyền Sài gòn trước năm 1975:

“Sau năm 1954 khi Việt Nam bị chia đôi, thì chủ quyền biển đảo là chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa, chứ không phải của Hà Nội. Cho nên bây giờ họ xác nhận Việt Nam Cộng hòa là một thực thể chính trị, một quốc gia độc lập, có chủ quyền, được quốc tế thừa nhận thì đó là một điều quan trọng.”

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng trong một bài viết cho VOA nhận định: ‘thực thể Việt Nam Cộng Hòa không hoặc chưa phải là phát ngôn hay chủ trương được chính thức công bố, nhưng hiện tượng bộ sách Lịch sử Việt Nam không còn xem Việt Nam Cộng Hòa là ‘nguỵ quân ngụy quyền’ vẫn là một sự xác nhận gián tiếp về tính chủ trương chưa được công bố, cùng lúc được ‘bật đèn xanh’ từ một cấp trên nào đó.”

Luật sư Lê Công Đinh ở thành phố Hồ Chí Minh viết trên trang Facebook của ông rằng việc bộ sách công nhận VNCH “không có ý nghĩa gì”, vì đây chưa phải là “sự công nhận chính thức của nhà nước cộng sản hiện nay.”

Tuy nhiên, liên quan đến cộng đồng người Việt trong và ngoài nước về cách gọi tên và việc công nhận này, Giáo sư Nguyễn Thanh Trang nói rằng chính quyền Hà Nội cần phải đối xử bình đẳng với tất cả mọi người.

“Đây là một việc làm rất đáng khích lệ nhưng cũng quá trễ. Qúa trễ, nhưng có còn hơn không! Tuy vậy, điều này không có nghĩa là lịch sử sang trang thì xóa hết tất cả mọi chuyện. Chắc chắn rằng cộng đồng người Việt hải ngoại mong muốn Việt Nam có những chủ trương và hành động cụ thể đối xử với tất cả người Việt Nam, nhất là những người phục vụ dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa một cách bình đẳng. Có như vậy mới hy vọng lôi kéo sự hưởng ứng và đóng góp của người Việt hải ngoại, nhất là trong mặt trận bảo vệ chủ quyền đất nước trước nạn xâm lăng của Trung Quốc.”

Trên trang Facebook, Luật sự Định chia sẻ rằng công nhận VNCH là “hành động chính trị đơn thuần,” chứ không mang lại giá trị hay ý nghĩa pháp lý gì và không giúp ích gì thêm cho lập luận xác nhận chủ quyền đối với hai quần đảo đang trong vòng tranh chấp.

Trên trang VNTB.org xuất hiện bài viết được cho là của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục Trưởng Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng, không chấp nhận việc công nhận chính quyền Sài gòn, tác giả cho rằng công nhận chế độ VNCH là “đánh tráo lịch sử” và “yêu cầu Đảng, Nhà nước phải kiểm tra xử lý kiên quyết thu hồi, đính chính trở lại tập sử và làm rõ trách nhiệm những người gây nên hậu quả sai trái.”

Gần đây nhất, hồi tháng 6/2017, báo Quân đội Nhân dân, trong một bài ca ngợi Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn như là “người truyền lửa cho cộng đồng người Việt trong và ngoài nước”, vẫn tố cáo “tội ác của chế độ Mỹ-Ngụy”. Bài báo nói ông Tuấn từng được phân công để “lên lớp chính trị cho gần một vạn binh lính, nhân viên ngụy quân, ngụy quyền.”

Trên Blog VOA, nhà báo Phạm Chí Dũng dự báo hiện tượng xác nhận “thực thể Việt Nam Cộng Hòa” có thể được xem là một sự kiện lịch sử, và có thể là một tiền đề dẫn đến một giai đoạn “tự chuyển hóa” về quan điểm chính trị của Đảng, hay nói chính xác hơn, là bắt đầu từ một bộ phận nào đó của đảng cầm quyền. Tiến trình chuyển đổi này có thể nhanh hơn hoặc tăng tốc vào năm sau - 2018.”

*
88 Comments







No comments: