Tuesday, August 22, 2017

TIN CẬP NHẬT THỨ HAI 21/8/2017 (Lê Minh Nguyên)





Tin Thế Giới

1.
Bình Nhưỡng: Cuộc tập trận Mỹ-Hàn khơi mào chiến tranh hạt nhân --- Hàng Bắc Triều Tiên gửi tới cơ quan võ khí hóa học Syria bị chặn

Hoa Kỳ và Hàn Quốc đầu tuần này khởi sự cuộc diễn tập quân sự chung đã hoạch định lâu nay, tăng nhiệt căng thẳng với Bắc Triều Tiên vì Bình Nhưỡng gọi đây là bước khinh suất hướng tới xung đột hạt nhân.
Mỹ và Hàn Quốc nói cuộc tập trận Ulchi Freedom Guardian chỉ nhằm tự vệ không nhằm gia tăng căng thẳng bán đảo Triều Tiên, nhưng Bình Nhưỡng lên án đây là một sự thao dượt chuẩn bị chiến tranh.
Cuộc tập trận kéo dài đến ngày 31/8 với sự tham gia cảu hàng chục ngàn binh sĩ.
Thông tấn xã trung ương của Bắc Triều Tiên nói “Điều này nhằm khơi mào cuộc chiến hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bằng mọi giá.”
Bình Nhưỡng nói “tình hình bán đảo Triều Tiên đã rơi vào giai đoạn nghiêm trọng” cũng bởi hành động mà họ gọi là khinh suất, khơi mào chiến tranh nhắm vào miền Bắc này.
Một báo cáo mật của Liên hiệp quốc được Reuters ghi nhận hôm 21/8 cho thấy Bình Nhưỡng đã vi phạm các biện pháp trừng phạt của Liên hiệp quốc bằng cách “cố tình dùng các kênh gián tiếp” để xuất khẩu các mặt hàng bị cấm và đã thu về 270 triệu đô la từ tháng 10/2016 tới tháng 5/2017.
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đồng lòng ban hành các lệnh cấm mới đối với Bình Nhưỡng ngày 5/8 cắt giảm giá trị xuất khẩu 3 tỷ đô la thường niên của Bắc Triều Tiên 1/3 sau khi nước này phóng thử 2 phi đạn đạn đạo xuyên lục địa hồi tháng 7.
Hoa Kỳ hiện có 28 ngàn binh sĩ đồn trú tại Hàn Quốc. Khoảng 17.500 quân nhân tham gia vào cuộc tập trận với nước chủ nhà trong tháng này, Ngũ Giác Đài cho hay.
Ngoài ra, cuộc thao dượt còn có sự góp mặt của binh sĩ các nước đồng minh khác của Hàn Quốc như Úc, Anh, Canada, Colombia, Đan Mạch, Hà Lan, và New Zealand. - VOA

***
Trong nửa năm qua có hai chuyến hàng của Bắc Triều Tiên chuyển tới một cơ quan chính phủ Syria chịu trách nhiệm cho chương trình võ khí hóa học của Syria bị chặn, theo một phúc trình mật của Liên hiệp quốc về các vi phạm trừng phạt của Bình Nhưỡng.
Reuters ngày 21/8 dẫn báo cáo do một ủy ban Liên hiệp quốc gồm các chuyên gia độc lập thực hiện đệ nạp cho Hội đồng Bảo an trong tháng này nhưng phúc trình không nêu rõ chi tiết về thời gian, địa điểm, và số hàng thu được.
Báo cáo dày 37 trang cho biết ủy ban đang điều tra về hợp tác võ khí và hợp tác về phi đạn đạn đạo hay võ khí hóa học giữa Syria và Bắc Triều Tiên, kể cả hợp tác về các chương trình phi đạn Scud của Syria và hợp tác sửa chữa-bảo trì hệ thống phòng không phi đạn đất đối không của Syria.
Phái bộ ngoại giao của Bắc Triều Tiên và Syria tại Liên hiệp quốc chưa lên tiếng bình luận về tin này.
Các chuyên gia Liên hiệp quốc cũng cho hay họ đang điều tra việc sử dụng chất độc thần kinh VX trong vụ sát hại người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Kim Jong Un là ông Kim Jong Nam tại Malaysia hồi tháng 2 năm nay. Vụ này có dính tới một nghi can người Việt tên Đoàn Thị Hương.
Syria đồng ý hủy bỏ các võ khí hóa học của mình vào năm 2013 theo một thỏa thuận do Mỹ và Nga làm trung gian. Tuy nhiên, giới ngoại giao và giới thanh sát võ khí quốc tế nghi ngờ Syria có lẽ vẫn bí mật duy trì hay phát triển khả năng võ khí hóa học mới.
Trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 6 năm nay ở Syria, người ta tin rằng chất độc thần kinh sarin đã được dùng ít nhất hai lần trong khi việc sử dụng chất chlorine như một võ khí vẫn còn tràn lan.
Chính phủ Syria đã nhiều lần bác mọi tố cáo về việc sử dụng võ khí hóa học. - VOA
|
|

2.
Tập Cận Bình sẽ được nâng lên ngang hàng Mao Trạch Đông?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được sự đồng thuận về việc đưa tư tưởng mang tên ông vào điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc tại cuộc họp kín của các lãnh đạo cùng các nguyên lão trong Đảng tại Bắc Đới Hà, các nguồn tin cho biết.
Như vậy với động thái này, địa vị của ông Tập trong Đảng Cộng sản đã được nâng lên ngang hàng với cố Chủ tịch Mao Trạch Đông, người duy nhất cho đến nay được ghi tư tưởng của mình vào Điều lệ Đảng tại Đại hội 7 hồi năm 1945.
Theo hãng truyền thông AsiaToday thì hội nghị Bắc Đới Hà hồi tuần trước “gần như chắc chắn” đồng ý đưa Tư tưởng Tập Cận Bình vào Điều lệ Đảng. Hãng truyền thông dẫn lời một số nguồn tin phương Tây ở Bắc Kinh cho biết quyết định này đã được thông qua mà không vấp phải bất kỳ sự phản đối nào. Hãng tin AP cũng dẫn lời các nhà phân tích cho rằng ông Tập sẽ thực hiện điều này tại Đại hội 19.
Nếu như việc này được chính thức thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ 19 vào cuối năm nay thì vị thế của ông Tập đã vượt qua những người tiền nhiệm của ông là các cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.
Theo Điều lệ hiện nay của Đảng Cộng sản Trung Quốc thì Đảng này hoạt động theo đường lối của Chủ nghĩa Mác-Lê Nin, Tư tưởng Mao Trạch Đông và Lý luận Đặng Tiểu Bình.
Cũng tại hội nghị Bắc Đới Hà, những nhân vật thân cận của ông Tập cũng được xác nhận là những ứng viên hàng đầu được đề bạt vào Bộ Chính trị và Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội 19.
Theo đó, nếu các tình huống được xem xét thì ông Vương Kỳ Sơn, Bí thư Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương, người được xem là đồng minh thân cận nhất của ông Tập và cánh tay mặt của ông trong cuộc chiến chống tham nhũng, nhiều khả năng sẽ tiếp tục được giữ lại trong Thường vụ Bộ Chính trị bất chấp việc ông Vương đã quá tuổi.
Ngoài ra, các ông Lưu Hạc, Chánh văn phòng Tiểu tổ Các vấn đề Kinh tế và Tài chính của Bộ Chính trị, Lật Chiến Thư, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, và Trần Mẫn Nhĩ, người vừa được điều về làm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh rất có thể sẽ có ghế trong Thường vụ Bộ Chính trị đầy quyền lực hoặc ít nhất là vào Bộ Chính trị, cũng theo AsiaToday.
Như vậy thì những người thuộc phe cánh của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào sẽ bị loại ra khỏi cuộc đua.
Điều này cũng làm dấy lên đồn đoán rằng tại Đại hội 9 sắp tới, ông Tập sẽ sửa đổi quy luật bất thành văn về số nhiệm kỳ tại nhiệm để cho phép ông tiếp tục nắm quyền sau khi nhiệm kỳ thứ hai của ông kết thúc vào năm 2022. Trước đây, các ông Giang và ông Hồ đều phải rút lui sau 10 năm cầm quyền.
“Điểm khác biệt tại (hội nghị Bắc Đới Hà) lần này là có ít ‘trao đổi’ giữa các phe phái và phần nhiều là phục tùng uy quyền của lãnh đạo tối cao,” ông Vũ Mậu Xuân, giáo sư về chính trị Trung Quốc tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ, nhận định với hãng tin AP.
Trong một bình luận mới đây, ông Giang Kiến Quốc, giám đốc Văn phòng Thông tin của Quốc vụ viện, dường như đã úp mở về khả năng Tư tưởng Tập Cận Bình sẽ được đưa vào Điều lệ Đảng khi ông dành lời khen có cánh cho tư tưởng của ông Tập, AP cho biết.
“Đó là học thuyết mà đại bộ phận người dân Trung Quốc đã quán triệt và đã trở nên quen thuộc với mỗi người dân Trung Quốc. Nó cũng trở thành một nguồn lực có thể thay đổi thế giới,” ông Giang nói, “Do đó việc tổng kết lại hệ thống tư tưởng này một cách chính xác hơn và khoa học hơn cũng là điều bình thường.”
Tại một hội nghị trung ương mới đây, ông Tập đã xác định mình là “lãnh đạo hạt nhân” của Đảng Cộng sản Trung Quốc thay cho quy chế lãnh đạo tập thể dưới thời ông Hồ Cẩm Đào. Ông cũng giới hạn quyền lực của Thủ tướng Lý Khắc Cường, đồng minh của ông Hồ, trong vai trò truyền thống là giám sát nền kinh tế. Ngoài ra, ông cũng làm suy yếu ảnh hưởng của Đoàn phái, tức Đoàn thanh niên cộng sản, vốn là cơ sở quyền lực của các ông Hồ và Lý.
Những động thái này cho thấy “không ai có thể thách thức quyền lực của ông Tập,” ông Trần Đạo Ngân, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Khoa học Chính trị và Pháp luật Thượng Hải, nói với AP. Những ai không thề trung thành với sự lãnh đạo của ông Tập sẽ đối mặt với nguy hiểm, ông Trần nói thêm.
“Thông điệp được đưa ra tại Bắc Đới Hà về vấn đề nhân sự chỉ là thông báo với hội nghị về những gì mà ông Tập đã quyết định bất chấp người khác có đồng ý hay không,” ông Trần nói.
Hội nghị Bắc Đới Hà, diễn ra trên bờ biển của thị trấn Bắc Đới Hà thuộc tỉnh Hà Bắc, thực chất là kỳ nghỉ hè thường niên của các lãnh đạo cao cấp đương nhiệm lẫn về hưu. Thông tin về hội nghị không được công bố và hội nghị năm nay diễn ra trước thềm Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc nên được cho là có vai trò rất quan trọng.
AsiaToday cho rằng hội nghị Bắc Đới Hà năm này là hội nghị “của ông Tập, bởi ông Tập và vì ông Tập”. - VOA
|
|

3.
Chiến hạm John S. McCain gặp nạn, 10 người mất tích
Mười thủy thủ bị mất tích và 5 người bị thương sau khi một tàu khu trục Hoa Kỳ va vào một tàu chở dầu ngoài khơi Singapore rạng sáng ngày 21/8, gây thủng mạn tàu chiến Mỹ và nước tràn vào khoang lưu trú của thủy thủ, theo Hải quân Hoa Kỳ.
Tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS John McCain và tàu chở dầu Alnic MC va vào nhau khi tàu chiến Hoa Kỳ đang hướng đến Singapore theo lộ trình thăm viếng hải quân thông thường, Hải quân Hoa Kỳ nói trong một tuyên bố.
Đây là lần thứ hai tàu hải quân Mỹ gặp tai nạn trong vùng biển châu Á trong vòng chưa đầy hai tháng qua.
Reuters dẫn thông báo của Hải quân Hoa Kỳ cho biết: “Các báo cáo ban đầu cho thấy tàu John S. McCain bị hư hỏng ở phía mạn. Hiện tại có 10 thủy thủ mất tích và 5 người bị thương”.
Tàu khu trục đã tự di chuyển đến Căn cứ Hải quân Changi của Singapore vào chiều 21/8.
Theo Hải quân Hoa Kỳ, tai nạn gây nước tràn vào làm ngập các khoang, bao gồm các khoang ngủ nghỉ, máy móc và phòng thông tin liên lạc, nhưng các thành viên trên tàu đã kịp thời ngăn không để nước tràn vào thêm.
Bốn người bị thương nhưng không quá nghiêm trọng đã được đưa bằng máy bay trực thăng tới một bệnh viện ở Singapore. Người thứ 5 bị thương nhẹ và không cần điều trị thêm.
Trước đó vào ngày 17/6, tàu USS Fitzgerald, gần như bị chìm ngoài khơi bờ biển Nhật Bản, sau khi bị một chiếc tàu chở dầu của Philippines đâm vào. Tai nạn làm bảy thủy thủ của tàu USS Fitzgerald thiệt mạng.
Trực thăng quân đội Mỹ cũng như hải quân và hải quân Singapore đang tiến hành các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ. Malaysia cũng đã tham gia vào nỗ lực cứu hộ này.
Một thành viên của tàu chở dầu Alnic MC nói với Reuters qua điện thoại rằng tàu chở gần 12.000 tấn dầu từ Đài Loan tới Singapore.
Thượng nghị sĩ John McCain viết trên Twitter: "Tối nay, Cindy và tôi cầu nguyện cho các thủy thủ tàu USS John S McCain, chân thành cảm ơn các nhân viên tìm kiếm và cứu hộ".
Tàu USS John S. McCain đi vào hoạt động từ năm 1994 và được đặt tên theo cha và ông nội của thượng nghị sĩ John McCain.
Theo đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam, cả cha và ông của nhà lập pháp đại diện tiểu bang Arizona “đã đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau ở khu vực Thái Bình Dương trong Thế chiến II” và “trở thành cặp cha con đầu tiên trong lịch sử hải quân Mỹ được phong hàm đô đốc”.
Tin cho hay, các thủy thủ gọi con tàu là “Big Bad John” để thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường của những người mà con tàu được đặt tên theo. Khu trục hạm này từng “tuần tra, hỗ trợ an ninh và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương và châu Á – Thái Bình Dương”.
Hồi đầu tháng này, USS John S. McCain đã tiến hành tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa hiện nằm dưới sự chiếm đóng của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh tức giận. - VOA
|
|

4.
Châu Âu được khuyên kiên trì chống lại trật tự do Bắc Kinh áp đặt

Hai hành động của Trung Quốc trong thời gian gần đây - vụ giàn khoan Repsol ở Biển Đông và vụ Lưu Hiểu Ba - đã gióng lên hồi chuông báo động về thái độ coi thường quốc tế của Trung Quốc, nhưng chỉ gặp phản ứng yếu ớt từ phía các cường quốc, đặc biệt là châu Âu. Trong một bài viết đăng trên nhật báo Úc The Australian ngày hôm nay, 21/08/2017, giảng sư đại học Ana Palacio, cựu ngoại trưởng Tây Ban Nha, cựu phó chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới, đã kêu gọi châu Âu là dù thận trọng, nhưng cũng phải mạnh dạn chống lại những hành động sai trái của Trung Quốc.
Sự kiện đầu tiên được Ana Palacio nêu bật thành ví dụ về hành động hung hăng của Trung Quốc là vụ một công ty con của tập đoàn dầu hỏa Tây Ban Nha Repsol, vào tháng 6 vừa qua, đã bắt đầu khoan một giếng dầu ngoài khơi trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông. Trung Quốc lập tức phản đối, trước hết là hủy bỏ một cuộc họp an ninh chung giữa Trung Quốc và Việt Nam, và sau đó tuyên bố đe dọa dùng hành động quân sự đánh vào các vị trí của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Không thể dựa vào Hoa Kỳ, Việt Nam đã khuất phục trước sức ép của Trung Quốc, ra lệnh cho Repsol ngừng việc khoan thăm dò.
Đối với tác giả bài viết, đó là chiến thắng của quyền lực thô bạo, và là thất bại của luật lệ được mọi nước chia sẻ. Kết luận đó cũng có thể được áp dụng cho sự kiện thứ hai mang tầm vóc toàn cầu.
Vào tháng 7 vừa qua, ngay trước hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 ở thành phố Đức Hamburg, đã rộ lên thông tin về giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba, bị Trung Quốc giam giữ trong gần 10 năm nay, đã bị ung thư gan giai đoạn cuối. Ông Lưu Hiểu Ba đã xin phép được ra điều trị ở nước ngoài, nhưng bị Bắc Kinh từ chối. Ông qua đời ngay sau đó.
Điều đáng nói, theo Ana Palacio, là thay vì lên án cách hành xử độc ác đó của Trung Quốc, cộng đồng quốc tế - và châu Âu nói riêng - chỉ đưa ra một phản ứng nhẹ nhàng. Không nước nào dám nêu tên ông Lưu Hiểu Ba một cách công khai trong cuộc họp G20. Và ngay cả sau khi Giải Nobel Hòa Bình qua đời, các lãnh đạo phương Tây chỉ gởi lời chia buồn mà thội. Không ai dám đụng đến Trung Quốc.
Đối với tác giả bài viết, cách tiếp cận đó thoạt nhìn có vẻ hợp lý, đặc biệt đối với một châu Âu vẫn đang tìm sự hồi phục sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Liên Hiệp Châu Âu sau Mỹ, và là nguồn đầu tư trực tiếp chủ yếu, đã đầu tư hơn 35 tỷ Euro vào năm ngoái.
Tuy nhiên, chủ nghĩa thực dụng đó có nhược điểm nghiêm trọng. Hơn bất kỳ khối nước nào khác, cả châu Âu – chứ không riêng gì Liên Hiệp Châu Âu - cần đến một trật tự được hình thành trên hợp tác hơn là cạnh tranh. Thật vậy, trật tự hiện tại, dựa trên sự tôn trọng luật lệ chung, mang lại sức mạnh cho châu Âu, đồng thời giảm thiểu những điểm yếu.
Theo Ana Palacio, dĩ nhiên là châu Âu không thể đứng ra kháng lại bạo quyền của Trung Quốc, nhưng có thể hỗ trợ Hoa Kỳ, nước trong một tương lai gần, vẫn là một cường quốc mà thế giới cần đến.
Có điều là nước chính quyền Mỹ của Donald Trump dường như ít quan tâm, và thậm chí không có nhiều năng lực trong vai trò lãnh đạo thế giới. Nếu Washington không thay đổi cách tiếp cận theo chủ trương « Nước Mỹ Trên Hết », thì sẽ có rất ít hy vọng về một trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Nhưng nếu chính quyền Trump thay đổi cách nghĩ, thì tất cả vẫn chưa hoàn toàn bị mất.
Trong khi chờ đợi, Châu Âu phải kiên quyết hơn trong việc bảo vệ luật lệ quốc tế, không phải bằng cách tung ra những cuộc thập tự chinh liều mạng và vô ích, nhưng bằng cách tiếp tục thúc đẩy nhân quyền và nhà nước pháp quyền, một cách kiên quyết, nhưng có cân nhắc.
Đối với tác giả, thực tế đáng buồn hiện nay là nếu Châu Âu không lên tiếng, thì không còn ai lên tiếng, và một trật tự thế giới dựa trên sự dẫn dắt của Trung Quốc sẽ có kẻ thắng người thua, nhưng số lượng người thua sẽ vượt xa số người thắng. Châu Âu có trách nhiệm ngăn chặn kết quả đó. - RFI
|
|

5.
Căng thẳng Ấn-Trung: Quân đội Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở miền tây

Báo chí Ấn Độ hôm nay, 21/08/2017, loan tin quân đội Trung Quốc tập trận bắn đạn thật tại quân khu miền Tây, trong lúc tại khu vực Doklam biên giới Ấn-Trung, không khí vẫn tiếp tục căng thẳng. Theo một số nguồn tin Ấn Độ, New Delhi bàn với Nga về vấn đề này, trước phiên họp của khối BRICS, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 9/2017 tại Trung Quốc.
Báo Ấn Độ India Today dẫn thông tin của nhật báo chính thức Trung Quốc Hoàn Cầu Thời Báo, theo đó, Bộ chỉ huy Khu quân sự chiến lược miền tây Trung Quốc, quản lý vùng lãnh thổ giáp với Ấn Độ, vừa tổ chức một cuộc tập trận đạn thật quy mô hồi tuần trước. 10 đơn vị quân đội Trung Quốc tham gia.
Một đoạn video dài 5 phút, được đài truyền hình Trung Quốc công bố, cho thấy xe tăng nã đạn vào một số ngọn đồi, trong lúc trực thăng bắn vào các mục tiêu trên mặt đất.
Báo Trung Quốc không cho biết địa điểm và thời gian cụ thể nơi diễn ra cuộc tập trận.
Điều mà báo Ấn Độ lưu ý là tờ báo Trung Quốc, không nói thẳng, nhưng dùng một thông tin từ một tờ báo tiếng Trung có cơ sở tại Singapore - vốn không thuộc báo chí chính thống Trung Quốc - để khẳng định mục tiêu của cuộc tập trận này là « tấn công Ấn Độ ».
Thông tin về cuộc tập trận bắn đạn thật tại miền tây Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh tranh chấp tại địa điểm biên giới Doklam, nằm ở ngã ba biên giới Ấn – Trung – Bhoutan - nơi Ấn Độ đưa quân đến để ngăn chặn Trung Quốc mở xa lộ ở một khu vực mà Bhoutan, quốc gia nằm dưới sự bảo trợ của New Delhi, đòi hỏi chủ quyền. Tranh chấp đã bước sang tháng thứ ba.
Cũng về căng thẳng Docklam, báo chí Ấn Độ hôm nay dẫn một số nguồn tin chính thức, theo đó, New Delhi đang tiếp xúc với Nga để thảo luận về tranh chấp với Trung Quốc, ngay trước thềm hội nghị BRICS, sẽ diễn ra từ ngày 3 đến ngày 5/9 tại thành phố Hạ Môn (Xiamen), Trung Quốc. Theo một quan chức Ấn Độ, xin ẩn danh, « Nga là một đối tác chiến lược quan trọng và việc thảo luận về vấn đề an ninh với một quốc gia bằng hữu là điều dễ hiểu ».
Hiện tại thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chưa quyết định chính thức có tham gia hội nghị hay không. - RFI
|
|

6.
Mỹ ngưng cấp visa không di dân cho người Nga
Hoa Kỳ sẽ ngừng việc cấp tất cả các thị thực không di dân cho công dân Nga từ ngày 23/08 đến ngày 01/09, theo Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Moscow.
Đại sứ quán Hoa Kỳ nói rằng động thái này là đáp lại "giới hạn do chính phủ Nga áp đặt" đối với số nhân viên ngoại giao Mỹ.
"Tất cả các hoạt động xin thị thực không di dân trên khắp lãnh thổ Nga sẽ bị đình chỉ vào ngày 23/08. Các hoạt động sẽ trở lại bình thường tại thủ đô Moscow vào ngày 01/09, nhưng các hoạt động xin thị thực tại các lãnh sự quán Mỹ ở Nga sẽ vẫn bị đình chỉ vô thời hạn," một tuyên bố của đại sứ quán Mỹ cho hay.
Bản tuyên bố nói rằng tất cả các cuộc hẹn phỏng vấn theo đã lên lịch đối với đơn xin thị thực không định cư sẽ bị hủy bỏ.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng động thái mới trong cuộc tranh cãi ngoại giao giữa Mỹ và Nga là "một hành động nhằm khuấy động sự bất mãn giữa các công dân Nga về hành động của chính quyền Nga."
Tháng trước, khi đáp lại lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ, Nga nói rằng họ đang áp dụng các biện pháp đối phó, bao gồm cả yêu cầu giảm số lượng nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ làm việc tại Nga từ 755 xuống còn 455 vào cuối tháng 8.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bổ nhiệm Phó Thủ tướng Anatoly Antonov làm tân đại sứ của nước này tại Hoa Kỳ.
Ông Antonov sẽ thay thế đại sứ Sergei Kislyak, người đã đảm nhận vai trò đặc sứ của Moscow tại Washington trong hơn 9 năm qua.
Quan hệ Mỹ - Nga đã xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, khi các cơ quan tình báo Mỹ kết luận rằng Moscow đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 nhằm giúp ông Donald Trump thắng cử. Nga đã phủ nhận việc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.
Công tố viên đặc biệt của Hoa Kỳ Robert Mueller đang tiến hành một cuộc điều tra hình sự về việc liệu chiến dịch tranh cử của ông Trump có “thông đồng” với Moscow hay không.
Ông Trump nhiều lần bác bỏ cuộc điều tra đang diễn ra ở Mỹ về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử, ông gọi đó là “cuộc săn phù thủy." - VOA
|
|

7.
Hung thủ khủng bố ở Barcelona là ai?

Cảnh sát Tây Ban Nha ngày 21/8 hạ sát một thành phần chủ chiến Hồi giáo, hung thủ lái xe van lao vào cán chết 13 người ở Barcelona tuần trước, chấm dứt 5 ngày săn lùng kẻ gây ra cuộc tấn công khủng bố thương vong nhất nước này kể trong vòng hơn chục năm nay.
Cảnh sát cho hay họ theo chân Younes Abouyaaqoub, 22 tuổi, tới một khu vực nông thôn gần Barcelona và bắn hạ đương sự sau khi ông ta giơ lên một thắt lưng cài chất nổ rồi la to ‘Thượng đế là vĩ đại nhất.’
Sau khi Abouyaaqoub quỵ ngã, đội rà bom đã cho robot tiếp cận thi thể đương sự để kiểm tra chất nổ và phát hiện thắt lưng cài chất nổ là giả.
Abouyaaqoub chạy trốn từ chiều thứ năm tuần trước sau khi tăng tốc chiếc xe van, tông thẳng vào khách bộ hành trên đại lộ Las Ramblas nổi tiếng nhất của Barcelona.
Chạy bộ tẩu thoát khỏi hiện trường gây án, ông ta cướp một ô tô rồi đâm chết tài xế trước khi vứt bỏ chiếc xe tại thị trấn Sant Just Desvern.
Nhà nước Hồi giáo lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công mà cảnh sát tin là được hoạch định bởi một chục tòng phạm chỉ không đơn phương chỉ mình Abouyaaqoub, trong đó có cả người anh em ruột và hai người họ hàng của hung thủ gốc Ma-rốc này.
Trong số 12 nghi can dính líu trong vụ tấn công, chỉ một mình Abouyaaqoub là tẩu thoát. Mẹ hung thủ từng van nài con trai mình ra đầu thú, nói rằng thà trông thấy ông ta ở tù còn hơn là phải chứng kiến ông ta thiệt mạng.
11 nghi can còn lại trong nhóm này thì có 5 người bị cảnh sát bắn chết chỉ vài giờ sau vụ tấn công bằng xe van; 2 người tử vong và 1 người bị thương trước đó một ngày trong một vụ nổ tại căn hộ họ cư ngụ, nơi họ chế tạo chất nổ; và 3 người bị bắt tại những nơi khác.
Một nhân viên làm việc trong một cây xăng phát hiện Abouyaaqoub và gọi cảnh sát.
Người nhân viên tên Sant Sadurni Mayor Maria Rosell cho hay tất cả lực lượng cảnh sát trong vùng Catalonia huy động về thị trấn. Họ phát hiện Abouyaaqoub trốn trong một vườn nho và bắn chết đương sự.
Abouyaaqoub từng sống tại Ripoll, thị trấn phía Bắc Barcelona gần biên giới Pháp. - VOA
|
|

8.
Phấn trẻ em Johnson & Johnson có nguy cơ gây ung thư?
Một bồi thẩm đoàn ở bang California ngày 21/8 ra lệnh cho công ty Johnson & Johnson phải trả 417 triệu đô la cho một nữ khách hàng kiện hãng sản xuất đồ dùng trẻ em nổi tiếng thế giới này rằng bà bị ung thư buồng trứng sau một thời gian dùng phấn bột trẻ em của Johnson cho mục đích vệ sinh phụ nữ.
Bồi thẩm đoàn Tòa tối cao Los Angeles bênh vực bà Eva Echeverria, một cư dân California, và đây là vụ kiện lớn nhất cáo buộc công ty Johnson & Johnson đã không khuyến cáo thích hợp cho khách hàng về các nguy cơ ung thư từ những sản phẩm phấn bột của công ty.
Bản án bao gồm 70 triệu bồi thường thiệt hại và 347 triệu tiền phạt thiệt hại.
Đây là một đòn giáng nặng nề cho hãng Johnson & Johnson vốn đang đối mặt với 4800 đơn kiện tương tự trên toàn quốc và đã bị tuyên phạt hơn 300 triệu đô la trong các bản án ở Missouri.
“Chúng tôi sẽ kháng án vì chúng tôi làm theo khoa học vốn hậu thuẫn độ an toàn của phấn bột trẻ em Johnson,” hãng loan báo.
Đơn kiện của Echeverria là một trong số hàng trăm đơn kiện tại California về sản phẩm phấn bột vừa kể.
Đương đơn, 63 tuổi, nói bà phát triển ung thư buồng trứng sau nhiều chục năm dùng các sản phẩm của hãng Johnson’s.
Luật sư của bà nói hãng Johnson & Johnson khuyến khích phụ nữ dùng các sản phẩm của hãng mặc dù biết rõ về các cuộc nghiên cứu liên kết ung thư buồng trứng với việc dùng phấn bột nơi bộ phận sinh dục.
Vụ kiện này theo sau 5 vụ trước đó ở tòa án bang Missouri.
Hãng Johnson & Johnson thua 4 vụ trong số các đơn kiện này. Trước vụ kiện hôm nay, án phạt lớn nhất lên tới 110 triệu đô la. - VOA
|
|

9.
Các chuyên gia hàng đầu cảnh báo nguy cơ tràn lan “sát thủ người máy”
Hơn 100 chuyên gia hàng đầu về lãnh vực người máy vừa lên tiếng kêu gọi Liên Hiệp Quốc hãy có hành động để ngăn chặn việc phát triển và chế tạo “sát thủ người máy”.
Trong lá thư ngỏ gửi tổ chức này, các nhân vật hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence AI) của thế giới, kể cả tỉ phú Elon Musk, cảnh báo về nguy cơ có cuộc “cách mạng thứ ba trong hình thức chiến tranh của nhân loại”
Lá thư này nói rằng kỹ thuật khiến có máy móc có khả năng tìm giết con người sẽ đưa đến nhiều vấn đề tai hại không lường trước và phải tìm cách ngăn chặn ngay lập tức, theo BBC News.
Tất cả 116 chuyên gia này cũng đòi có việc cấm sử dụng AI trong việc điều hành võ khí.
“Một khi được chế tạo, chúng sẽ khiến các cuộc chiến trên thế giới diễn ra ở tầm vóc lớn lao hơn bao giờ hết, và sẽ gia tăng ở mức độ nhanh chóng mà con người không thể nghĩ tới,” lá thư cho hay, cũng theo BBC News.
Lá thư nói thêm rằng đây có thể là võ khí để khủng bố, loại võ khí mà thành phần lãnh đạo độc tài hay bọn khủng bố có thể dùng để giết hại dân chúng vô tội, đó là chưa kể tới việc các võ khí này bị kẻ khác giành quyền kiểm soát khiến có hành động ngoài ý muốn của chủ nhân. - nguoiviet
|
|

Tin Hoa Kỳ

10.
TT Trump loan báo kế hoạch mới, tăng quân ở Afghanistan

Đưa ra chỉ dấu cho thấy quân đội Mỹ dự trù sẽ tiếp tục nhiệm vụ ở Afghanistan, vị tướng tư lệnh các đơn vị Mỹ nơi đây hôm Chủ Nhật khi lên tiếng ca ngợi việc thành lập đơn vị mới thuộc lực lượng đặc biệt Afghanistan, nói rằng “chúng tôi đang chiến đấu cùng các bạn và sẽ ở cùng các bạn.”
Việc Tướng John Nicholson bày tỏ sự tiếp tục hỗ trợ dành cho quân đội Afghanistan cho thấy Ngũ Giác Đài có thể đã thuyết phục được Tổng Thống Donald Trump là quân đội Mỹ nên tiếp tục ở lại quốc gia này để bảo đảm rằng thành phần khủng bố không thể sử dụng nơi đây làm nơi xuất phát các cuộc tấn công nhắm vào chính nước Mỹ.
Tòa Bạch Ốc cho hay Tổng Thống Donald Trump sẽ loan báo quyết định của ông với quân đội và người dân Mỹ tối ngày Thứ Hai về đường hướng sắp tới tại Afghanistan và Nam Á.
Tướng Nicholson, lên tiếng trước khi có loan báo của Tòa Bạch Ốc, cho hay việc thành lập đơn vị biệt kích mới và tăng gấp đôi quân số lực lượng đặc biệt ở quốc gia này là điều cần thiết để chiến thắng.
Ngũ Giác Đài đang chờ đợi lời loan báo của Tổng Thống Trump về đề nghị gửi thêm gần 4,000 quân đến Afghanistan.
Lực lượng này sẽ giúp tăng cường huấn luyện và cố vấn cho quân đội chính phủ Kabul cũng như mở thêm các cuộc hành quân chống Taliban và ISIS đang tìm cách củng cố khu vực kiểm soát nơi đây.
Trong mấy tháng qua đã có nhiều tranh cãi trong Tòa Bạch Ốc để làm sao đưa ra một chiến lược mới cho cuộc chiến ở Afghanistan, vốn kéo dài từ 16 năm nay. - nguoiviet
|
|

11.
Mỹ: Tay súng ‘phục kích’ thẩm phán ở Ohio
Một tay súng bắn và làm bị thương một thẩm phán trong một vụ phục kích bên ngoài tòa án ở bang Ohio ngày 21/8, nhưng sau đó đã bị một nhân viên giám sát việc quản chế các cựu tù nhân bắn chết, theo Reuters.
Thẩm phán Joseph Bruzzese Jr. đã được đưa bằng trực thăng tới một bệnh viện ở thành phố Pittsburgh, trong tình trạng được miêu tả là ổn định sau vụ tấn công tại Tòa án Hạt Jefferson ở thành phố Steubenville, theo đài truyền hình WKYC.
Cảnh sát cũng bắt giữ một người đàn ông thứ hai được cho là đang ở trong cùng một chiếc xe với tay súng bị tình nghi.
Tòa án phải ngưng làm việc cho đến hết ngày.
Tổng chưởng lý bang Ohio Mike DeWine nói trong một tuyên bố rằng Cục điều tra Hình sự của tiểu bang đang điều tra sự việc. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

12.
Tổng Bí thư Trọng thăm Indonesia và Myanmar
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ thăm Indonesia và Myanmar từ ngày 22 tới 26/8/2017, theo truyền thông Việt Nam.
Đây là chuyến thăm cấp nhà nước của ông Nguyễn Phú Trọng, được tổ chức theo lời mời của lãnh đạo hai quốc gia thành viên trong khối Asean, báo chí chính thống của Việt Nam đưa tin.
"Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Indonesia Joko Widodo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Cộng hòa Indonesia từ ngày 22 đến ngày 24/8/2017," trang tin của đài truyền hình Việt Nam (Vtv.vn) hôm thứ Sáu cho hay.
"Chuyến thăm nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược, tăng cường tin cậy chính trị, củng cố quan hệ hữu nghị, thúc đẩy hợp tác thực chất, tạo lập bước phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam với Indonesia."
Vẫn nguồn này cho biết thêm: "Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Htin Kyaw, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ thăm cấp nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar từ ngày 24 đến ngày 26/8/2017."
"Chuyến thăm nhằm xác định khuôn khổ quan hệ thể hiện dấu mốc mới, tầm cao mới, xung lực mới cho quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực."
Hôm thứ Hai, một nhà nghiên cứu chiến lược ngoại giao của Việt Nam, Tiến sỹ Trần Việt Thái từ Học viện Ngoại giao bình luận với báo điện tử Vietnamnet.vn rằng chuyến đi này 'có ý nghĩa lịch sử'.
Ông Trần Việt Thái được tờ báo dẫn lời nói:
"Quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Indonesia không chỉ là quan hệ song phương mà còn quan hệ đa phương trong khuôn khổ các nước ASEAN. Mặt khác, quan hệ giữa Việt Nam- Myanmar cũng đang trong quá trình phát triển và ngày càng có nhiều ý nghĩa thiết thực."
'Chuyến đi vận động?'
Tiến sỹ Thái nói thêm với tờ báo mạng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông:
"Cả Indonesia và Myanmar đều là hai đối tác quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Vì thế mà chuyến thăm của Tổng Bí thư và lãnh đạo cấp cao lần này không chỉ củng cố nền tảng quan hệ song phương mà còn thúc đẩy việc mở rộng các hợp tác dựa trên các cơ chế, khuôn khổ hợp tác khác trên bình diện đa phương.
"Chuyến thăm này mang nhiều ý nghĩa lịch sử bởi vì đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư thăm chính thức Indonesia kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Một ý nghĩa nữa mà chuyến thăm mang lại, đó là hứa hẹn mở ra tương lai phát triển quan hệ giữa Việt Nam với Indonesia cũng như với Myanmar trong thời kì mới."
Hôm 20/8, bình luận tại Bàn tròn điểm tin tức và sự kiện trong tuần của BBC Tiếng Việt, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) đưa ra nhận xét về các chuyến thăm nói trên, cũng như một số chuyến đi khác của các lãnh đạo cao cấp tại Việt Nam, ông nói:
"Có lẽ nên để ý tới những chuyến công du dồn dập của giới lãnh đạo Việt Nam. Thứ nhất là ông Nguyễn Xuân Phúc đi Thái Lan trong thời gian vừa rồi và Chủ nhật về."
"Và tuần tới từ ngày 22 cho tới ngày 26/8, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN sẽ đi Indonesia và Myanmar với những mục tiêu, mục đích nào đó không công bố rõ mà chỉ nói chung chung là vấn đề quan hệ đối ngoại thôi."
"Nhưng theo tôi đây là việc Việt Nam đang cố gắng ra công, ra sức để vận động các nước ở Asean để có những từ ngữ sắc bén, mạnh mẽ hơn để đối phó với Trung Quốc."
Hôm 21/8, hai trang mạng được nhiều người biết rộng rãi ở Indonesisa cũng đưa tin đề cập chuyến thăm của Tổng Bí thư Trọng.
Trang International.Kimpas.com tuy không cho biết chi tiết về chương trình nghị sự của ông Trọng nhưng cho hay nhà lãnh đạo đảng của Việt Nam 'sẽ thăm nghị viện' Indonesia trong chuyến thăm cấp nhà nước theo lời mời của Tổng thống Widodo.
Còn trang NewDetik.com dẫn lời Ngoại trưởng Indonesia cho hay chuyến thăm nhằm 'tăng cường mối quan hệ' giữa hai quốc gia và nói Việt Nam là một trong những đối tác chiến lược quan trọng của Indonesia ở khu vực.
Trang này cũng cho biết Tổng thống Indonesia sẽ tới Việt Nam tham dự Hội nghị Apec 2017 vào tháng Mười Một năm nay. - BBC
|
|

13.
Philippines giải cứu thuyền viên Việt từ tay phiến quân
Quân đội Philippines hôm 21/8 cho biết đã cứu một thuyền viên Việt Nam bị nhóm phiến quân Abu Sayyaf bắt làm con tin vào tháng 11 năm ngoái, theo tin Tân Hoa Xã.
Ông Đỗ Trung Hiếu, thành viên của tàu MV Royal 16, đã được hải quân Philippines giải cứu hôm 20/8 trên đảo Mataja thuộc tỉnh Basilan, nơi nhóm trên đặt cứ địa.
Đô đốc Rene Medina, Tư lệnh Lực lượng Hải quân Tây Mindanao, tuyên bố: "Các cuộc tấn công quân sự ngày càng gia tăng khiến phiến quân Abu Sayyaf trốn chạy, và tạo cơ hội cho các hoạt động giải cứu.”
Ông Đỗ Trung Hiếu là một trong sáu thuyền viên của tàu MV Royale 16 đã bị các phiến quân Abu Sayyaf bắt cóc gần Đảo Sibago, ở eo biển Basilan, nằm giữa đảo Mindanao và tỉnh Basilan, vào sáng ngày 11/11/2016.
Đô đốc Medina nói: "Ông Đỗ Trung Hiếu sẽ được đưa đến bệnh viện quân đội để khám sức khoẻ và phỏng vấn trước khi đưa ông được đưa đến các cơ quan chức năng và cuối cùng là được trao cho chính phủ Việt Nam."
Ngày 21/8, viên chức Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho báo Người Lao động biết phía Việt Nam vừa nhận được thông tin thuyền viên Đỗ Trung Hiếu được quân đội Philippines giải cứu.
Tháng 7/2017, quân đội Philippines nói rằng phiến quân Abu Sayyaf đã chặt đầu hai thủy thủ Việt Nam: Hoàng Trung Thông và Hoàng Văn Hải. Hai người này bị bắt cóc cùng với ông Đỗ Trung Hiếu vào năm ngoái. Quân đội cũng đã cứu một thuyền viên khác là Hoàng Võ vào tháng 6/2017.
Vào tháng 2/2017, phiến quân Abu Sayyaf cũng đã giết chết một thuyền viên tàu MV Giang Hải của Việt Nam ở ngoài khơi đảo khu vực Pearl Bank đảo Sulu và bắt cóc 7 người khác.
Trong một diễn biến liên quan, rạng sáng hôm 21/8, hãng tin AFP trích lời cảnh sát trưởng tỉnh Basilan cho biết 60 phiến quân Abu Sayyaf đã càn quét một thị trấn trong tỉnh, giết chết 9 người và làm bị thương 10 người; chúng đốt nhà khi phụ nữ và trẻ đang ngủ.
Theo quân đội Philippines, nhóm Abu Sayyaf vẫn đang bắt giữ ít nhất 20 con tin.
Nhóm phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf được thành lập vào đầu những năm 1990 do nhóm al-Qaeda chu cấp tài chính. Đây là một trong những nhóm Hồi giáo cực đoan ở Philippines, cam kết trung thành với Nhà nước Hồi giáo, khét tiếng vì bắt cóc đòi tiền chuộc, đánh bom và cướp ở miền nam Philippines. - VOA
|
|

14.
Vụ bán dâm nghìn đô ‘lái’ dư luận Việt Nam?
Vụ bắt giữ “hoa khôi cầm đầu đường dây bán dâm nghìn đô” ở Việt Nam bị nhiều người coi là để “hướng” dư luận, nhất là mạng xã hội, khỏi vụ Trịnh Xuân Thanh, trạm thu phí BOT hay sức khỏe của Chủ tịch Trần Đại Quang.
Truyền thông trong nước cũng như Facebook mấy ngày qua tràn ngập hình ảnh của người đẹp từng đăng quang một cuộc thi nhan sắc, bị cáo buộc là một trong những người “cầm đầu” nhóm bán dâm với giá lên tới vài nghìn đô, “nhấn chìm” các tin tức nóng khác đang thu hút sự chú tâm của công chúng.
Tối 21/8, tìm kiếm về vụ việc, hàng trăm nghìn kết quả liên quan hiện ra trên Google. Còn trên Facebook, tên của hoa khôi liên quan được gần 90 nghìn người bàn luận, cao hơn nhiều so với ông Trịnh Xuân Thanh và ông Trần Đại Quang hay BOT.
Trước khi bùng ra tin “bán dâm tiền đô”, việc dùng tiền lẻ để phản đối các trạm BOT, sức khỏe của chủ tịch Việt Nam cùng khả năng Đức trả đũa vụ bắt cóc ông Thanh đã khiến cư dân mạng bình luận nhiều.
Vụ bắt giữ “hoa khôi cầm đầu đường dây bán dâm nghìn đô” ở Việt Nam bị nhiều người coi là để “hướng” dư luận, nhất là mạng xã hội, khỏi vụ Trịnh Xuân Thanh, trạm thu phí BOT hay sức khỏe của Chủ tịch Trần Đại Quang.
Truyền thông trong nước cũng như Facebook mấy ngày qua tràn ngập hình ảnh của người đẹp từng đăng quang một cuộc thi nhan sắc, bị cáo buộc là một trong những người “cầm đầu” nhóm bán dâm với giá lên tới vài nghìn đô, “nhấn chìm” các tin tức nóng khác đang thu hút sự chú tâm của công chúng.
Tối 21/8, tìm kiếm về vụ việc, hàng trăm nghìn kết quả liên quan hiện ra trên Google. Còn trên Facebook, tên của hoa khôi liên quan được gần 90 nghìn người bàn luận, cao hơn nhiều so với ông Trịnh Xuân Thanh và ông Trần Đại Quang hay BOT.
Trước khi bùng ra tin “bán dâm tiền đô”, việc dùng tiền lẻ để phản đối các trạm BOT, sức khỏe của chủ tịch Việt Nam cùng khả năng Đức trả đũa vụ bắt cóc ông Thanh đã khiến cư dân mạng bình luận nhiều.
Trả lời VOA tiếng Việt, luật gia Nguyễn Đình Hà đồng ý với ý kiến cho rằng có thể là có “thế lực” nào đó đang “lái dư luận” khỏi các vấn đề “nóng” và gây đau đầu cho chính quyền trong nước.
Ông nói thêm: “Cái chuyện mua bán dâm hàng nghìn đô thì không phải bây giờ mới có. Nó có từ trước rất lâu rồi. Có khả năng là việc này có sự dàn dựng, sắp xếp nào đó. Trong tình hình hiện tại ở xã hội Việt Nam thì đang có rất nhiều sự kiện nóng như việc bắt giữ Trịnh Xuân Thanh hay các trạm [thu phí] BOT ở Cai Lậy, đang thu hút sự chú ý của độc giả, của dư luận trong xã hội. Do vậy, việc tung lên cái thông tin về mua dâm đó có thể là để kéo sự chú ý của dư luận về hướng đó”.
Đây không phải là lần đầu tiên có sự nghi ngờ về chuyện chính quyền “lái dư luận”.
Hồi tháng Sáu, khi vấn đề sân golf trong sân bay Tây Sơn Nhất đang gây tranh cãi, công an Hà Nội bất ngờ “khởi tố hình sự” người dân Đồng Tâm, dù Chủ tịch Nguyễn Đức Chung từng cam kết “không truy cứu trách nhiệm hình sự” đối với nhân dân xã này.
Li
ên quan tới vụ “sex tour”, trong các bản tin, báo chí trong nước chỉ đăng thông tin và hình ảnh của những người được cho là bán dâm mà không có bất kỳ chi tiết nào về người mua dâm, mà tin cho hay, có thể trả tới hàng nghìn đôla, cao hơn nhiều so với mức thu nhập của nhiều người dân.
Còn trước đó, một cụ ông ở Đà Nẵng được truyền thông đăng tải cả hình ảnh và địa chỉ khi bị bắt gặp “đi mua dâm”. Người đàn ông 85 tuổi này sau đó đã phải đóng tiền phạt gần 800 nghìn đồng (khoảng 36 đôla).
Câu chuyện trên cũng đã khơi lại chủ đề cho phép những người bán dâm hoạt động theo pháp luật. Về việc này, luật gia Hà nói:
“Xu hướng kêu gọi hợp pháp hóa mại dâm không phải chỉ có khi xảy ra vụ việc này. Đã rất nhiều lần, khi sửa đổi các bộ luật của Việt Nam, thì đã có tiếng nói kêu gọi như thế. Rất nhiều người mong muốn rằng vấn đề mại dâm được hợp pháp hóa, bởi vì nó có những điểm lợi ích".
Nhà hoạt động xã hội này nói thêm: "Thứ nhất, nó giúp hạn chế tình hình lây lan của các bệnh liên quan tới đường tình dục. Các cô gái khi đã được hợp pháp hóa như thế thì các cô sẽ được hưởng các quyền lợi được chăm sóc y tế, được khám định kỳ, được đóng bảo hiểm, được công nhận là một người lao động đàng hoàng, không phải trốn chui trốn lủi. Tiếp đến nữa là lợi ích về việc thu ngân sách”.
Việt Nam hiện vẫn “hình sự hóa” mại dâm, khiến những người hoạt động mại dâm được cho là “gặp nhiều rủi ro, bị kỳ thị, lạm dụng và dễ bị tổn thương”.
Trên Facebook cá nhân, luật sư Trần Vũ Hải cũng đã “hiến kế tăng thu và giảm chi ngân sách” bằng việc “hợp pháp hoá mại dâm”, dẫn tới việc “kích thích du lịch, giảm các vụ hiếp dâm và xâm phạm tình dục trẻ em, giảm thất nghiệp, giảm lao động tình dục nữ ra nước ngoài!” - VOA
|
|

15.
Mở rộng điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh tại Czech
Cuộc điều tra vụ việc mà Đức nói là ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc giờ không còn nằm trong lãnh thổ Đức mà đã mở rộng sang Cộng hòa Czech, nhà báo Lê Trung Khoa của thoibao.de nói với BBC trong chương trình Bàn tròn cuối tuần hôm 20/8.
Ông Lê Trung Khoa cho biết hôm 13/8, một người Việt là chủ doanh nghiệp chuyển tiền tại Trung tâm thương mại Sapa, thủ đô Prague, Cộng hòa Czech, đã bị cảnh sát xét hỏi và tạm giữ.
Ông Nguyễn Hải Long, người đứng tên chủ doanh nghiệp Money Gram, là người thuê chiếc xe Multivan VW (Volkswagen) 7 chỗ mang biển số 2AB-3140 từ ngày 20-24/7.
Hiện chiếc xe đang bị cảnh sát nghi là phương tiện được phía Việt Nam sử dụng trong vụ 'bắt cóc' ông Trịnh Xuân Thanh, nhà báo Khoa nói.
"Hôm 17/8, cảnh sát Czech cũng đã khám và lưu giữ lại toàn bộ dữ liệu và hồ sơ của ông Long tại cửa hàng để điều tra thêm những chi tiết có liên quan, đặc biệt những cá nhân đứng sau ông Nguyễn Hải Long là ai, dùng hộ chiếu nào và đi bằng con đường nào để dùng chiếc xe thuê làm những chuyện khác," nhà báo Lê Trung Khoa nói với BBC.
Văn phòng Money Gram tại Trung tâm thương mại Sapa đã đóng cửa từ nhiều ngày nay, với dòng chữ "Hôm nay đóng cửa" dán trên cửa.
Ông Bùi Quang Hiếu, chủ doanh nghiệp Hieu Bui Travel, hãng đã cho ông Long thuê chiếc xe nói trên, hôm 21/8 cho BBC biết trước đó bốn hôm ông được mời đến Sở thanh tra xét hỏi của Prague để làm việc với cảnh sát Czech và Đức.
"Trong phòng có ba cảnh sát Đức và khoảng năm, sáu cảnh sát Czech. Có một phiên dịch người Czech, nói tiếng Czech dịch ra tiếng Đức, và một phiên dịch người Việt Nam dịch từ tiếng Việt ra tiếng Czech," ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cho biết trong buổi làm việc hôm 17/8, cảnh sát hỏi ông chi tiết 'từ đầu đến cuối câu chuyện liên quan đến cái xe' mà ông Long đã thuê của Hieu Bui Travel từ ngày 20 đến 24/7.
"Cách hỏi của cảnh sát Đức khác với cảnh sát Czech là hết sức chi tiết. Họ hỏi [tôi] cũng khoảng 5 đến 6 tiếng," ông Hiếu kể.
"Khi tôi hỏi trực tiếp người cảnh sát Đức chiếc xe của tôi hiện đang ở đâu thì họ nói đang ở bên Đức. Tôi nói là tôi cần xe để kinh doanh, họ nói họ sẽ cố gắng làm sớm trong vòng một, hai tuần để trả lại cho tôi," ông Hiếu tiếp lời.
Sau nhiều lần làm việc với cảnh sát từ ngày 28/7, ông Hiếu tin rằng đây sẽ là lần cuối cùng ông bị hỏi về vụ việc này.
Theo thông cáo của Công tố liên bang Đức hôm 10/8, phía Đức tập trung điều tra về nghi ngờ có hoạt động gián điệp nước ngoài và tước đoạt quyền tự do một cách bất hợp pháp.
Thông cáo hôm 10/8 cũng nói phía Đức đang nghi ngờ "các nạn nhân được đưa tới Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin, rồi từ đó đưa về Việt Nam".
Trước đó hôm 9/8, Đức tuyên bố đang cân nhắc các bước đi cần thiết sau khi Việt Nam không hồi đáp yêu cầu của Berlin, muốn Hà Nội trao trả ông Trịnh Xuân Thanh.
Berlin nói ông Trịnh Xuân Thanh 'đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc' hồi cuối tháng Bảy, tuy nhiên phía Việt Nam nói đối tượng đã tự nguyện 'ra đầu thú'.
Hôm 4/8, Ngoại trưởng Đức cáo buộc Việt Nam đã thực hiện vụ việc theo cách thức "chỉ có trong các phim ly kỳ thời Chiến tranh Lạnh" và đó là hành vi mà Đức thấy là "không thể chấp nhận".
Tin tức trái chiều giữa Việt Nam và Đức về chuyện Trịnh Xuân Thanh xuất hiện tại Hà Nội vẫn là chủ đề được nhiều người quan tâm.
Trong cuộc họp báo định kỳ hôm thứ Năm 17/8, vấn đề này lại được nhiều phóng viên nêu ra.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng được dẫn lời nói "Việt Nam luôn muốn duy trì, phát triển mối quan hệ tốt đẹp đã xây dựng được" với Đức.
Trả lời báo giới, bà Thu Hằng khi đó cũng nói rằng "đến nay chưa có thêm thông tin mới về động thái từ phía bạn" liên quan tới điều mà Berlin nói là 'các bước đi cần thiết' nếu Việt Nam không để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức. - BBC
|
|

16.
Trạm BOT Cai Lậy tiếp tục xả cửa
Trạm BOT Cai Lậy tiếp tục xả cửa cho xe qua mà không thu phí, mặc dù Bộ Giao Thông Vận Tải thông báo sẽ điều chỉnh giảm giá phí và áp dụng kể từ ngày 21 tháng 8.
Giám đốc Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn BOT Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, ông Nguyễn Phú Hiệp cho biết lý do xả cửa để tránh ách tắc giao thông là vì buộc phải chờ văn bản hướng dẫn chính thức trong việc giảm giá phí và thời điểm thu phí để in vé thu phí, đồng thời trạm cũng soạn thảo quy chế thu phí để trình các cơ quan liên quan và công bố rộng rãi trước khi tiến hành thu phí trở lại.
Xin được nhắc lại, trạm thu phí BOT Cai Lậy bắt đầu thu phí từ ngày 1 tháng 8 năm 2017. Tuy nhiên, các tài xế xe dùng tiền lẻ trả phí vì phản đối trạm BOT này đặt sai vị trí cũng như mức phí cao. Vụ việc này khiến cho Quốc lộ 1 kẹt xe hơn 3 km, gây náo loạn tại khu vực này trong suốt những ngày qua, khiến cho trạm BOT Cai Lậy phải xả cửa liên tục kể từ chiều ngày 13 tháng 8 cho đến nay.
Vào ngày 18 tháng 8, truyền thông trong nước đưa tin, dẫn lời của Thanh tra Chính phủ Việt Nam cho biết có rất nhiều sai phạm liên quan đến các dự án BOT xây dựng các trạm thu phí đường bộ. Trạm thu phí BOT Cai Lậy thuộc trong số 7 dự án trên các tuyến đường bộ từ Bắc tới Nam bị thanh tra. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9







No comments: