Joseph E. Stiglitz
Đỗ Quyên dịch
Posted by basamnews on 07/11/2011
NEW YORK – Phong trào biểu tình bắt đầu ở Tunisia vào tháng 1, sau đó lan sang Ai Cập, rồi tới Tây Ban Nha, và giờ đây đã trở thành một phong trào toàn cầu, với những cuộc phản đối nhấn chìm phố Wall và các thành phố trên khắp nước Mỹ. Toàn cầu hóa cùng với công nghệ hiện đại giờ đây đang giúp cho các phong trào xã hội vươn khỏi mọi biên giới với tốc độ nhanh ngang ý nghĩ. Và ở khắp nơi, những cuộc chống đối trên toàn xã hội đó đã tìm ra một cơ sở vững chắc: một cảm giác rằng “hệ thống” đã sụp đổ, và kết luận rằng ngay cả ở trong một nền dân chủ, bầu cử cũng không làm cho mọi thứ trở nên đúng đắn được – ít nhất là không thể, nếu không có áp lực mạnh mẽ từ ngoài đường phố.
Hồi tháng 5, tôi có đến nơi diễn ra những cuộc biểu tình ở Tunisia. Tháng 7, tôi nói chuyện với những người biểu tình ở Tây Ban Nha; từ đó, tôi lại đi gặp những nhà cách mạng Ai Cập trẻ tuổi trên quảng trường Tahrir của Cairo; và cách đây mới vài tuần, tôi đã nói chuyện với người biểu tình Chiếm Phố Wall (OWS) ở New York. Có một chủ đề chung mà phong trào OWS đã trình bày trong một câu đơn giản: “Chúng tôi chiếm 99%”.
Khẩu hiệu ấy nhắc lại tựa đề một bài báo mà gần đây tôi viết, là “Của 1%, do 1%, và vì 1%”, mô tả sự bất bình đẳng ngày càng tăng lên khủng khiếp ở nước Mỹ: 1% dân số kiểm soát hơn 40% tài sản và nhận hơn 20% thu nhập. Và những người ở cái dải ít ỏi này thường nhận được rất nhiều, không phải do họ đã đóng góp lớn hơn cho xã hội – những phần thưởng và phần bảo lãnh mổ xẻ rõ ràng mọi lời biện hộ cho sự bất bình đẳng đó – mà là do họ đã thành công (và nhiều khi đã hối lộ, tham nhũng) trong việc trục lợi, nói thẳng ra là vậy.
Nói như thế không phải để phủ nhận rằng một số trong tỷ lệ 1% kia đã đóng góp rất nhiều. Quả thật, một cách đặc thù, lợi ích mà xã hội thu nhận được từ nhiều sáng kiến thực sự (đối lập với các “sản phẩm” tài chính mới mà kết cục của chúng chỉ là tàn phá nền kinh tế thế giới) vượt xa những gì mà các nhà phát minh được nhận.
Nhưng, trên khắp thế giới, ảnh hưởng của chính trị và những hành vi chống cạnh tranh (thường được duy trì thông qua chính trị) đã trở thành trung tâm của sự bất bình đẳng kinh tế đang gia tăng. Hệ thống thuế mà trong đó một tỷ phú như Warren Buffett trả tiền thuế ít hơn (tính theo phần trăm thu nhập) thư ký của ông ta, và các nhà đầu cơ – những kẻ đã góp phần đánh tụt nền kinh tế toàn cầu – thì trả với thuế suất thấp hơn những người thực sự lao động để kiếm thu nhập cho mình; hệ thống thuế đó củng cố thêm cái khuynh hướng này.
Nghiên cứu trong mấy năm qua cho thấy khái niệm công bằng ăn sâu và quan trọng như thế nào. Người biểu tình ở Tây Ban Nha và các nước khác đã đúng khi họ tỏ thái độ căm phẫn: ở đây là một hệ thống mà trong đó nhà kinh doanh ngân hàng thì được bảo lãnh, trong khi những người mà ngân hàng ăn thịt thì bị bỏ mặc, phải tự tìm cách bảo vệ mình. Tồi tệ hơn, giới kinh doanh ngân hàng giờ đây đã quay trở lại ghế ngồi của họ, kiếm thêm những khoản thu nhập lên tới mức cao hơn cả mức mà phần lớn công nhân cả đời chỉ có thể mơ, còn thanh niên – những người từng học hành vất vả và chơi đúng luật – thì không thấy hy vọng nào tìm được việc như ý.
Bất bình đẳng gia tăng là kết quả của một cái vòng xoáy trôn ốc luẩn quẩn: bọn trục lợi giàu có sử dụng tài sản của họ để làm ra luật nhằm bảo vệ và tăng thêm tài sản cho mình, và cả ảnh hưởng. Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, trong vụ án tai tiếng “Citizens United” của họ (*), đã cho các công ty một lãnh địa tự do để toàn quyền sử dụng tiền nhằm gây ảnh hưởng lên các quyết sách chính trị. Nhưng, trong khi kẻ giàu có thể dùng tiền để có thêm tiếng nói, thì, trở ra đường phố xem, cảnh sát còn không cho tôi cầm loa nói chuyện với các biểu tình viên phong trào OWS.
Không phải là không ai để ý thấy sự tương phản giữa một nền dân chủ có quá nhiều luật lệ với một giới kinh doanh nhà băng chẳng hề bị luật chi phối. Những người biểu tình rất khôn ngoan: Họ nhắc lại những gì tôi đã nói, suốt dọc đám đông, để ai cũng có thể nghe được. Và để tránh vỗ tay làm gián đoạn cuộc “đối thoại”, họ lấy tay ra dấu thật mạnh để bày tỏ sự tán đồng.
Họ nói đúng, có cái gì đó không ổn trong “hệ thống” của chúng ta. Trên khắp thế giới, chúng ta đã sử dụng không hết các nguồn lực – những người muốn lao động, những máy móc nằm ì, những ngôi nhà bỏ không – và có các nhu cầu khổng lồ không được đáp ứng: xóa nghèo đói, thúc đẩy phát triển, trang bị thêm cho nền kinh tế chống hiện tượng nóng lên toàn cầu… đó chỉ là một vài ví dụ. Ở Mỹ, sau khi hơn 7 triệu ngôi nhà bị tịch thu trong mấy năm qua, chúng ta có rất nhiều căn nhà không và rất nhiều người vô gia cư.
Người ta cũng phê phán các biểu tình viên không có chương trình hành động nào. Nhưng nói như vậy là đã bỏ qua trọng tâm của phong trào chống đối. Những phong trào ấy là cách thể hiện sự thất vọng và bất mãn với hoạt động bầu cử hiện nay. Chúng là một hồi chuông cảnh cáo.
Phong trào chống toàn cầu hóa ở Seattle năm 1999, trong một sự kiện được coi là mở đầu cho vòng đàm phán mới về thương mại quốc tế, đã thu hút người ta phải chú ý tới những thất bại của toàn cầu hóa, của các định chế và thỏa thuận quốc tế điều chỉnh nó. Khi báo chí tìm hiểu ý kiến chỉ trích của các biểu tình viên, họ thấy ở đó có hơn một phần trăm sự thật. Các cuộc đàm phán thương mại sau đó rất khác – ít nhất cũng là, về nguyên tắc, chúng được coi như một vòng đàm phán về phát triển, nhằm khắc phục một số hạn chế mà các biểu tình viên đã chỉ ra – và Quỹ Tiền tệ Quốc tế sau đó đã tiến hành nhiều cải cách đáng kể.
Cũng vậy, ở Mỹ, thời thập niên 1960, những người biểu tình vì quyền dân sự kêu gọi sự chú ý của dư luận tới nạn phân biệt chủng tộc, được thể chế hóa, lan tràn trong xã hội. Chưa vượt qua hết được những di chứng của nạn phân biệt chủng tộc, song việc Tổng thống Barack Obama trúng cử cũng cho thấy những cuộc biểu tình khi xưa đã tác động mạnh mẽ tới nước Mỹ như thế nào.
Ở một giác độ nào đó, những người biểu tình ngày nay đòi hỏi ít hơn: một cơ hội để phát huy những kỹ năng của họ, quyền làm công việc phù hợp với thu nhập thích ứng, một xã hội và một nền kinh tế công bằng hơn. Mong muốn của họ là phát triển (cấp tiến) chứ không phải là phản động. Nhưng ở giác độ khác thì họ lại đang đòi hỏi quá nhiều: một nền dân chủ trong đó con người, chứ không phải đồng đô-la, mới là quan trọng, và một nền kinh tế thị trường tạo ra những gì nó cần phải tạo ra.
Hai thứ này có liên quan đến nhau: như chúng ta đã thấy, thị trường không bị kiểm soát sẽ dẫn tới khủng hoảng kinh tế và chính trị. Thị trường vận hành đúng cách chỉ khi chúng hoạt động trong khuôn khổ các quy định, luật định phù hợp của chính quyền; và khuôn khổ ấy chỉ có thể có được trong một nền dân chủ phản ánh lợi ích chung – không phải thứ lợi ích của 1%. Chính quyền tốt nhất, mà tiền lại có thể mua được, thì cũng không còn đủ tốt nữa.
Ông Joseph E. Stiglitz là giáo sư Đại học Columbia, từng nhận giải Nobel Kinh tế và là tác giả của cuốn Freefall: Free Markets and the Sinking of the Global Economy (Bản dịch của Nguyễn Phúc Hoàng: Rơi tự do: nước Mỹ, thị trường tự do và sự chìm đắm của nền kinh tế thế giới).
Ghi chú:
(*) Trong vụ Citizens United (2010), Tòa án Tối cao Mỹ phán quyết rằng Tu chính án số 1 trong Hiến pháp Mỹ bảo đảm công ty có quyền tự do ngôn luận tương tự như thể nhân. Điều đó có nghĩa rằng công ty cũng có quyền tác động tới các chiến dịch chính trị thông qua quảng cáo tương tự như cá nhân. Nguồn: Sinh thể quyền lực nhất thế giới, Minh Tuấn dịch từ Economist.
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
---------------------------------
Hà Giang
November 6, 2011
Sáng Chủ Nhật trời mưa, một buổi sáng hiếm hoi ngủ dậy không phải hấp tấp vội vàng để ra khỏi nhà đi đâu đó. Tưởng sẽ thanh nhàn lắm, đinh xem qua tin tức rồi đi làm cái gì minh thich nhưng nhìn đâu cũng thấy hình các người xuống đường, đọc đâu cũng thấy tin Occupy…
Hình như phong trào xuống đường đã tòan cầu hóa?
Cũng chẳng có gì ngạc nhiên, khi cuộc xuống đường bắt đầu ở Tunisia vào tháng Giêng, lan sang Ai Cập, rồi Tây Ban Nha, giờ đây mọc lên như nấm ở mọi thành phố lớn trên nước Mỹ được hỗ trợ bằng mọi phương tiện kỹ thuật tối tân chưa từng thấy, và khi những trang mạng xã hội khiến người ta có thể chia xẻ cảm nghĩ nhanh như chia xẻ tin tức.
Nhưng lý do quan trọng hơn, là vì phong trào phản kháng xã hội, như một hạt giống được nẩy mầm ở mảnh đất phì nhiêu, nơi mọi người có một nhận thức chung là “guồng máy” đã thất bại, và thái độ rất cả quyết là ngay cả trong một nền dân chủ, chỉ có động tác đi bầu không, dù là bầu cử tự do, trong sạch, chưa đủ để, mà còn phải có áp lực, mạnh mẽ, từ quần chúng.
Nhiều người sẽ chặc lưỡi nói rằng, ồ, làm gì có toàn cầu hóa, mỗi đám biểu tình đều tự biên, tự diễn chẳng có lãnh đạo chung, sức mạnh chung. Họ tự phát rồi sẽ tự tàn, rồi sẽ chẳng đi đến đâu.
Có phải thế không?
Từ Tunisia đến Spain, từ Tahrir Square đến New York, Chicago, Oakland, Seatle, Los Angeles, rồi biết bao nơi khác nữa, giữa biết bao nhiêu biểu ngữ và nhưng tiếng hò hét, bằng đủ mọi thứ tiếng, là một thông điệp chung, rất ngắn gọn: “We are the 99%!”
Vâng, We are the 99%, chúng tôi là thành phần 99%, chúng tôi là số đông quần chúng!
Chỉ tập trung vào Hoa Kỳ thôi, sự cách biệt giầu nghèo càng ngày càng lớn rộng. Ngòai số đông 99% quần chúng, 1% người giầu ở Mỹ nắm 40% tài sản của quốc gia và lợi nhuận của họ chiếm 20% lợi tức tòan quốc. Quan trọng hơn, đa số người trong số 1% này được hưởng mọi lợi thế không phải vì họ đã đóng góp nhiều hơn cho xã hội, mà vì họ là những người giầu có, có đủ thế lực và tiền bạc để lobby cho những dự luật có lợi cho giới của họ.
Cứ so sánh việc những công bảo hiểm sức khỏe bỏ ra hàng tỉ tỉ đồng mua ào ạt hàng ngàn giờ trên TV để tấn công việc cải tổ y tế, với những nỗ lực lẻ loi của các vị y sĩ có lương tâm trong việc kể cho những ai muốn nghe, về hệ thống bảo hiểm y tế quá ì ạch nặng nề hiện đang làm giầu cho hãng bảo hiểm và đẩy người nghèo đến chỗ chết oan vì không được tiếp cứu kịp thời. Phải có lý do tại sao thì Hoa Kỳ mới là quốc gia tốn nhiều tiền cho y tế cho mỗi đầu người nhất, mà số người dân không có bảo hiểm sức khoẻ đông nhất. Nhưng không, qâần chúng vẫn cho rằng cải tổ y tế là một con quái thai nào đó được một nhóm sinh ra.
Vấn đề nằm ở chộ bao nhiêu người nghe được những câu chuyện thật của các vị y sĩ có lòng, và bao nhiêu người nghe thông điệp của các hãng bảo hiểm y tế?
Thí dụ trên cho thấy khỏang cách giữa giầu nghèo sẽ ngày càng lớn, trừ phi có một thay đổi quan trọng. Một trong những biểu ngữ của phong trào Occupy Wall Street được chú ý nhiều viết: “We are the 99%, We can’t afford a lobbyist!”
Nhiều người cho rằng phong trào biểu tình khắp nơi rồi sẽ tàn đi, bất ngờ như lúc nó bộc phát.
Tôi không nghĩ thế!
Những người mang biểu ngữ dầm mưa đội nắng ở khắp nơi trên thế giới cho chúng ta thấy có một cái gì không ổn với “guồng máy”. Họ là những người còn trẻ, nhiều năng lực, mà không có công ăn việc làm, hay có nhữbg việc làm không thích hợp với khả năng, họ là những căn nhà không người ở, những máy móc tinh vi không được dùng vào việc sản xuất, họ biểu hiệu cho những nhu cầu thiết yếu không đựơc thỏa đáng.
Đất nứơc Hoa Kỳ có hơn 7 triệu căn nhà bị tịch thu, có hàng ngàn căn nhà bỏ trống và không biết bao nhiêu người homeless.
Nhiều người, nhiều giới đã lên tiếng chỉ trích các nhóm biểu tình là không có “agenda”. Chính những người này mới là những người không hiểu rõ hiện tượng phản kháng tự phát.
Những người biểu tình khắp nơi không thế giới không cần có “agenda”, vì họ không xúông đường theo lệnh của một tổ chức nào, hay bị ai kéo gọi. Nỗi bất mãn âm ỉ trong lòng đã đẩy đôi chân họ xuống phố.
Với họ, xuồng đường là một cách biểu lộ những gì ho suy nghĩ, là thực thi quyền tự do phát biểu.
Với những ngừơi đang điều khiển các “guồng máy”, bứơc chân của họ là những tiếng còi báo động, vang dội và inh ỏi.
.
.
.
No comments:
Post a Comment