Monday, November 7, 2011

BẤT THƯỜNG KHÔNG? - Vụ thu hồi tập truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên (Phạm Xuân Nguyên)



PHẠM XUÂN NGUYÊN
07.11.2011

Tập truyện ngắn Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên do Phương Nam Book liên doanh với Nhà xuất bản Hội Nhà văn in, nộp lưu chiểu quý II/2011, đang bị lệnh thu hồi. Một cuốn sách phát hành trên cả nước đã được nửa năm bỗng dưng có lệnh cấm phát hành và thu hồi ban ra từ thanh tra của Sở VH-TT-DL Thành phố Hồ Chí Minh.
Chuyện này có bất thường không?

Cuốn sách đó là sách sáng tác văn học, một tập truyện ngắn, in tại một nhà xuất bản trung ương của một hội chuyên ngành. Trong nửa năm đã được phát hành, cuốn sách đang được tìm đọc, đã có một vài bài đọc sách phê bình, nhưng nó không gây điều tiếng gì xấu về nội dung, nghệ thuật, ngược lại là khác, khi nó là tác phẩm của một cây bút trẻ đang có nhiều nỗ lực tìm tòi cách viết, đổi mới nghệ thuật truyện ngắn. Thế mà bỗng dưng lệnh cấm phát hành ban ra, bắt thu hồi sách với lý do “truyền bá lối sống dâm ô đồi trụy, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam” và căn cứ để ra lệnh là theo “khoản 2, điều 10 Luật xuất bản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xuất bản”. Ô hô, người ra lệnh cấm có thể trưng bày được bằng chứng nào cho thấy cuốn sách đó là “truyền bá lối sống dâm ô đồi trụy, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam” trong nội dung, trong câu chữ, trong tình tiết, trong nhân vật và chứng minh được là trong nửa năm qua cuốn sách đó đã gây ra bao nhiêu vụ hiếp dâm, bao nhiêu cuộc làm tình trái phép, bao nhiêu sự hư hỏng đạo đức của người đọc sách? Khó mà đưa ra được cái gì như thế lắm. Vậy thì nhân danh ai, nhân danh cái gì, và ai cho phép nhân danh ai, cái gì đó, mà người ra lệnh được phép ra lệnh? Cụm từ “thuần phong mỹ tục” gần đây rất hay bị lạm dụng, bị biến thành bình phong, thành chiêu bài cho những lệnhcấm sách, gây thiệt hại cả về vật chất và tinh thần cho người viết sách và người làm sách, nhưng xã hội thì không hề được trong sạch và tốt đẹp hơn chút nào nhờ những lệnh cấm núp dưới mấy chữ bị lợi dụng ấy. Các cấp quản lý văn hóa của chúng ta thường rất hay nhân danh, đại diện, tự cho mình cái quyền bảo vệ, che chắn cho người đọc, rộng ra là người tiêu dùng văn hóa, khỏi những sự họ coi là độc hại, nhưng thực ra là trong nhiều trường hợp họ lại đang làm hại, làm hỏng cả văn hóa và người tiêu dùng văn hóa mà không tự biết hoặc vờ như không biết.

Trường hợp tập truyện của Nguyễn Vĩnh Nguyên bị cấm nhắc tôi nhớ tới trường hợp bị cấm, bị phỉ nhổ nữa, của nhà văn Anh David Herbert Richards Lawrence (1885-1930) với cuốn tiểu thuyết Lady Chatterley’s Lover. Liên tưởng ở đây chỉ là về việc cấm sách, không nói về chất lượng hai tác phẩm của hai tác giả ở hai phương trời khác nhau, hai thời đại khác nhau. Tác phẩm của D. H. Lawrence in năm 1928 ở Italia, mãi đến năm 1960 mới in ở Anh, nhưng vẫn bị coi là “khiêu dâm, đồi bại”, bị ném đá rất nhiều. Trong bản in năm 1960 của Penguin Books ở Anh, do giữ nguyên toàn bộ bản thảo của tác giả nên nhà xuất bản đã bị đưa ra tòa, mà một trong những lý do phản đối là trong tác phẩm dùng quá nhiều những từ tục như “fuck” (giao cấu) và “cunt” (bộ phận sinh dục giống cái). May nhờ bộ luật về những ấn phẩm khiêu dâm (Obscene Publications Act, 1959) đã cứu cho nhà xuất bản khỏi bị kết tội nếu họ chứng minh được tác phẩm đó là có chất lượng văn học. Và ngày 2.11.1960, tòa án Anh quốc đã tuyên Lady Chatterley’s Lover là “vô tội”. Từ đó nó trở thành tác phẩm nổi tiếng nhất của D. H. Lawrence, được chuyển thể thành phim đoạt sáu giải Cesars của Pháp và giải Oscar cho phim xuất sắc nhất. Cho đến nay, mặc dù vô số những thay đổi đã diễn ra trong văn học và ngành xuất bản, Lady Chatterley’s Lover vẫn là một trong những tác phẩm thuộc dòng chủ lưu văn học trong văn hóa thế giới thế kỷ XX, nó vẫn là cái “hạch cứng” đối với một bộ phận loài người mong muốn tìm kiếm sự tự do và sự “hiện tồn” của tâm hồn và cơ thể. Và D. H. Lawrence được một nhà nghiên cứu nước ngoài đánh giá: “Tôi vẫn không thể nào hạ thấp đánh giá Lawrence, như hiện nay người ta vẫn thường chờ đợi điều đó ở bất kỳ độc giả nào. Đối với tôi, ông vẫn là thực sự vĩ đại lớn lao trong bối cảnh thời Victoria cũng như trong thời chúng ta, vẫn là ngọn Everest đột khởi lên giữa những quả núi bình thường; ý nghĩa sáng tác của ông có thể so với sự giàu có của những thủ đô lâu đời trên thế giới như Roma hay Paris, hay với những giống loài thực vật vô giá rất quan trọng đối với thế giới chúng ta để không thể bỏ đi không tính đến. Lawrence lớn lao vô hạn; tất nhiên, có thể phê phán, xem thường ông, nhưng tốt nhất là phải làm việc đó một cách xứng đáng, chứ không phải là theo cách nhạo báng, cười cợt.” (John Fowles). Ở Việt Nam, tác phẩm này vừa được Hồ Anh Quang dịch ra tiếng Việt mang tên Người tình của phu nhân Chatterley, cũng do nxb Hội Nhà văn in và được phát hành vào giữa năm 2011. Cấm cuốn của Nguyễn Vĩnh Nguyên thì có cấm cả cuốn của D.H. Lawrence không nhỉ!

Trường hợp Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông thì ngược lại, lệnh cấm đã ban ra mà trước đó không hề có một sự giám định nghệ thuật nào đối với tác phẩm. Cuộc họp giám định của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, nơi cho ra đời cuốn sách, sẽ chỉ diễn ra vào ngày 8.11.2011, khi lệnh cấm đã có. Còn công ty sách Phương Nam, đơn vị liên kết xuất bản, thì sẽ bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng, bị dọa “sẽ bị cưỡng chế và phải chịu chi phí cho việc cưỡng chế” nếu 10 ngày không thu hồi sách và có quyền khiếu nại trong 90 ngày, nhưng “việc khiếu nại không làm đình chỉ quyết định xử phạt”. Quả là bất thường. Nếu vụ việc này xử theo cái luật của đảo quốc xứ sương mù dẫn trên đây thì tôi khẳng định tác phẩm của Nguyễn Vĩnh Nguyên là có chất lượng văn học, là một tập truyện ngắn được viết với một bút pháp khác lạ.

Những sự cấm như đối với tập truyện ngắn Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông, hay với tập sách tranh Sát thủ đầu mưng mủ, quả thật là bất thường đối với đời sống văn hóa, tinh thần của một xã hội đang cố gắng hoàn chỉnh về luật pháp của chúng ta. Nhưng ngẫm ra, cái sự bất thường đó lại vẫn là bình thường lâu nay. Thế mới buồn!

Hà Nội 6.11.2011
(Bài đăng báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 7.11.2011, đây là bản đầy đủ).

-----------------------------------



.
.
.

No comments: