Sunday, November 20, 2011

ĐỌC TẬP SÁCH "CHẾT BỞI TRUNG QUỐC" của TÁC GIẢ PETER W. NAVARRO & GREG AUTRY [Phần 1/3] - Lý Thái Hùng



Lý Thái Hùng
Cập nhật: 25/08/2011

Chất Heparin
Không chỉ thực phẩm Trung Quốc mới có chứa độc tố Melamine - một hoạt chất độn trong thức ăn để tăng lợi nhuận nhưng có khả năng tàn phá thận, mà nguồn thuốc uống do Trung Quốc sản xuất cũng chứa chất độn để tăng lời bất kể ảnh hưởng tai hại lên người bệnh. Nạn “giết người bằng heparin”, một hoạt chất chống đông máu rất phổ thông trong những vụ giải phẫu và chuyền máu cũng như lọc thận, được tinh chế từ màng nhờn của ruột heo. Để tăng lời, Trung Quốc đã bỏ thêm vào heparin một chất có hoạt tính tương tự như heparin nhưng nguy hiểm chết người, đó là chất chondroitin sulfate với nồng độ sulfate quá tải, đưa đến những phản ứng trầm trọng có thể giết người như hạ áp huyết, thở rút, nôn mửa và tiêu chảy.
Điều đáng ghê sợ là tà chất này rất giống heparin khiến việc điều tra tạp chất heparin rất khó khăn; tà chất này lại rẻ gấp 100 lần với giá trung bình $9 một pound so với heparin $900 một pound. Lòng tham vô đáy của gian thương khiến họ đã trộn tới 50% hóa chất giả này trong thuốc heparin bán trên thị trường.

Một thí dụ của “Những cái chết bởi độc dược Trung Quốc” chẳng phải đâu xa: ông Leroy Hubley, cư dân tại Toledo, Ohio đã mất người vợ 48 năm vì thuốc heparin nhiễm độc, và chỉ một tháng sau, người con trai của ông lại trở thành nạn nhân thứ hai của trò gian xảo này vì cùng bị bệnh thận như mẹ.

Cho tới nay, thuốc heparin của Trung Quốc đã giết hằng trăm người Mỹ và làm hằng ngàn người trọng thương. Loại tà dược này cũng đã xuất hiện ở 11 quốc gia trên thế giới, kể cả Nhật Bản, Ấn Độ, Đức và Gia Nã Đại. Dù đã có những nỗ lực kiểm soát của cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ, heparin giả vẫn tuồn vào tới các phòng giải phẫu và trung tâm lọc máu.
Chúng ta không thể nào không tự hỏi “Tại sao lại có quá nhiều những trái tim đen từ Trung Quốc sẵn sàng đầu độc cả thế giới qua thực phẩm và thuốc men chỉ vì lợi nhuận?”. Câu trả lời của một học giả Trung Hoa cho chúng ta cái nhìn xuyên suốt về tình trạng tuột dốc đạo đức thê thảm tại Trung Quốc, mà theo Giáo sư thương mại Luo Yadong qua bài viết “Quản lý và Tổ chức”, do sự phá sản những nguyên tắc Khổng giáo đưa đến lỗ hổng đạo đức nghề nghiệp – đó chính là Chủ Thuyết Trung Cộng.
Chính sự băng hoại đạo đức này, cộng thêm với hiện tượng tham nhũng của cán bộ và kiểm soát lỏng lẻo khiến gian thương tha hồ đưa vào thực phẩm các độc chất từ hàng loạt những hóa phẩm để làm thức ăn ngon hơn hoặc bảo quản lâu hơn.
Ngay cả những giới chức kiểm phẩm cũng phải kinh ngạc khi khám phá ra chất formaldehyde được bỏ vào soup để tăng vị ngon và xì dầu rắc thêm hydrocloric acide cùng tóc người để làm tăng chất đạm. Những trái tim đen Trung Quốc còn nhẫn tâm bỏ vào súc xích thuốc trừ sâu độc hại dichlorvos để tăng mùi vị.... ngon tới chết người! Hãy nhớ những điều này khi quý vị định ăn món gì “làm ở Trung Quốc”.

“Cố Sát” hay “Ngộ Sát”
Trong khi mà bản án dành cho những trường hợp như melamine và heparin không thể nào khác hơn là “cố sát” thì có nhiều trường hợp có thể được xem là “ngộ sát” tức là giết hại người không chủ mưu, nhưng tác hại không kém, đó là sự ô nhiễm môi sinh với các chất thải độc địa ngấm sâu vào đất đai, nước uống, không khí... khiến Trung Quốc – cái nôi sản xuất của thế giới và cũng là môi trường ô nhiễm tệ nhất hoàn cầu - biến thành địa điểm xuất cảng những thức ăn và sản phẩm nhiễm độc tố đủ loại từ chì, chất hóa học, thuốc trừ sâu bọ, kim loại, thủy ngân..... Thế giới không thoát khỏi mầm mống độc hại từ môi trường ô nhiễm Trung Quốc xuất cảng lan tràn khắp chốn.

Ăn một trái Táo Tàu mỗi ngày sẽ giúp các bác sĩ ung thư khỏi thất nghiệp
Khi gói cơm cho con đi học với nước táo, quý vị tin là con mình đã được chăm sóc chu đáo với thức ăn bổ dưỡng thay vì uống nước ngọt, nhưng không ngờ là đã đầu độc con mình với chất arsenic, một chất kim loại nặng có thể tạo ung thư, đầy trong nước táo nhập cảng từ Trung Quốc, nơi mà các nhà vườn trồng táo đã dùng chất trừ sâu bừa bãi - loại bị cấm có chứa arsenic. Trong 30 năm qua, lượng nước táo nhập cảng từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ đã gia tăng từ 10,000 gallons lên tới gần nửa tỷ gallons (tức 500 triệu gallons).

Bạn muốn uống trà bình thường hay loại không có chì?
Ngay cả trà Tầu cũng không thể tin tưởng được. Hãy nghe một giới chức của cơ quan Kiểm soát thực phẩm và thuốc men của Hoa Kỳ mô tả một cách sấy trà tại Trung Quốc như sau: Họ trải lá trà ra trên sàn một nhà kho vĩ đại rồi lái xe truck lên trên để khói thải từ ống bô của xe làm trà mau khô hơn. Vì Trung Quốc dùng xăng có chì, không có cách nào hữu hiệu hơn để biến những lá trà xanh thành một loại vũ khí giết người!

Thành phần thực phẩm liệt kê trên nhãn hiệu của thực phẩm Trung Quốc rất xạo
Điều xạo nhất từ những trái tim đen Trung Quốc là thực phẩm organic (trồng theo phương pháp hữu cơ). Trung Quốc đã lạm dụng phong trào “organic” bên Mỹ để bán những mặt hàng xạo này. Theo một chủ chợ người Tàu thì nhiều lắm là 30% thực phẩm có tên “organic” là đúng, còn đa số là xạo vì giới chức kiểm phẩm tại Hoa Kỳ không có đủ người để xét nghiệm. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi Walmart, Whole Foods và nhiều cửa tiệm khác đã tìm thấy thực phẩm organic nhập cảng từ TQ đầy rẫy hóa chất trừ sâu.

Một thí dụ nhiễm độc ở Nhật do thực phẩm từ TQ:
Một hãng thực phẩm Nhật nhập cảng 50,000 gói đậu cô ve từ Trung Quốc, trên nguyên tắc là đậu “tươi”, do hãng Yantai Beihai Foodstuff Co. tại tỉnh Quảng Đông sản xuất. Người tiêu thụ ăn phải đã bị buồn nôn, ói mửa và cảm thấy miệng tê cứng. Giới chức y tế Nhật sau đó đã tìm ra một lượng hóa chất trừ sâu lớn gấp 35,000 lần giới hạn cho phép.

Những trường hợp nhiễm độc bên Âu Châu:
Vitamin A nhiễm vi khuẩn suýt bỏ vào sữa trẻ em.
Multivitamin nhiễm chì; mật ong và tôm nhiễm kháng sinh.
Một trường hợp nổi tiếng khác là thuốc ho chứa đầy antifreeze (hóa chất chống đông lạnh) đã giết hàng ngàn người trên toàn thế giới.

Với căn bản mất đạo đức và ô nhiễm trầm trọng, rộng lớn tại Trung Quốc, các cơ quan kiểm phẩm như U.S. FDA, European Food and Safety Authority, và Food Safety Commission of Japan cũng đành bó tay trước làn sóng nhập cảng ồ ạt từ TQ.

Chuyện Cá của Trung Quốc
Hàng nhập cảng rẻ từ Tầu nói chung và cá nói riêng đã là một loại “Weapons of Job Destruction” – Khí Giới Giết Công Ăn Việc Làm hàng loạt tại Hoa Kỳ. Các nông trại cá thuộc các tiểu bang Đông Nam Hoa Kỳ như Louisiana, Mississippi và Alabama - từng một thời thành công vượt bực vào thập niên 90s – đã trở nên khô cạn khi cá được tải từ Trung Quốc sang bắt đầu từ thập niên 2000s. Hoa Kỳ không thể nào cạnh tranh nổi với Trung Quốc vì lối giao thương bất công của họ với những mặt hàng được chính phủ nâng đỡ giá cả.
Ngày nay, Trung Quốc đã chiếm lĩnh thị trường cá trên toàn thế giới, đứng đầu việc xuất cảng cá catfish, tilapia, tôm và lươn. Qua những hồ nuôi chứa đầy nước thải từ nhà máy và cống rãnh, TQ đã xuất cảng cùng tôm, cá các cặn bã con người, thuốc trừ sâu bọ, phân bón, bùn than, kháng sinh, thuốc nhuộm, các chất hóa học và ô nhiễm khác... đã một cách thản nhiên, thoải mái vào tận bàn ăn của chúng ta tại Mỹ và các quốc gia tân tiến khác.
Chưa hết, trước khi xuất cảng, cá còn được tẩm với chất gas carbon monoxide để tăng mầu đỏ tươi, vừa che giấu những chỗ thịt bị hỏng vừa làm cho thịt cá thêm bắt mắt.
Điều đáng lo là cơ quan kiểm phẩm FDA của Hoa Kỳ không đủ người nên dành tối đa khả năng để kiểm soát 80% sản phẩm nội địa, trong khi đó chỉ kiểm được có 1% hàng nhập cảng. Chúng ta không thể dựa vào giới chức an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ hay Trung Quốc để bảo vệ chúng ta; do đó, cần nhớ là khi quý vị ăn hàng nhập cảng từ Trung Quốc, quý vị đang chơi trò “Russian Roullette” với tính mạng của quý vị; đây là trò chơi “Chinese Food Roulette”.

Hàng giả khó tin từ những trái Tim Đen Trung Quốc
Những mặt hàng giả khó tin bán ngay cho chính người dân Trung Hoa thì thử hỏi những trái TIM ĐEN tại TQ này có ngại gì mà không gởi hàng giả, hàng xấu, hàng độc đi khắp thế giới!
Gạo plastic bán cho những người dân làng nghèo đói Trung Quốc: Theo một giới chức của Hiệp Hội Tiệm Ăn Trung Hoa thì “ăn ba chén cơm gạo này sẽ tương đương với việc nuốt nguyên một bịch ny lông”. Tưởng tượng ảnh hưởng của một bao ny lông trên đường ruột của chúng ta sẽ tai hại cỡ nào!
Tẩm gạo với nước hoa để tạo ra mùi thơm như loại gạo thơm đắt tiền “Wuchang”.
Theo truyền thông Trung Quốc, mỗi năm Trung Quốc chỉ sản xuất có 800,000 tấn Wuchang, nhưng hơn 10 triệu tấn lại được bán trên thị trường!
Những gian thương tim đen này khi bị bắt gặp quả tang, họ trả lời thoải mái là “hàng bán rất đắt vì rẻ hơn hàng thật”. Chúng ta thấy có những kẻ bị bệnh tâm thần và tác hại lên xã hội còn biết ân hận về việc làm của mình hơn những kẻ này.

(Còn Tiếp)
Lý Thái Hùng
Ngày 12/8/2011.

.
.
.

No comments: