Sunday, November 20, 2011

ĐỌC TẬP SÁCH "CHẾT BỞI TRUNG QUỐC" của TÁC GIẢ PETER W. NAVARRO & GREG AUTRY [Phần 2/1] - Lý Thái Hùng



Lý Thái Hùng
Cập nhật: 28/08/2011

PHẦN 2:

Chương III:
Death by Chinese Junk: Strangling Our Babies in Their Cribs.
Chết Vì Phế Phẩm Trung Quốc: Xiết Cổ Con Trẻ Chúng Ta Trong Nôi

Không chỉ ở thực phẩm hay dược phẩm, hai tác giả còn cảnh báo độc giả rằng bất kỳ khi nào mua những sản phẩm của Trung Quốc, nên đề phòng bất trắc xảy ra. Đó là vì những nhà sản xuất Trung Quốc đã có một hồ sơ lâu đời về sản xuất đồ tồi phát nổ trong đêm – hay ban ngày – và một hồ sơ cũng dài không kém về sản xuất đồ tồi bốc cháy, vỡ tung, gây thương tích và xây xát. Đây chỉ là những trường hợp nhỏ trong vô số tai họa có thể xảy ra cho bạn, gia đình bạn, láng giềng bạn, những người cùng sở làm hay bạn bè của bạn nếu bạn vẫn tiếp tục quên đi những nguy hiểm đã từng xảy ra như:
- Bạn gãy cổ khi một cái dè tồi trên xe đạp rơi vào bánh xe và ném bạn qua tay lái.
- Đứa con trai của bạn đang chơi bóng chày và bị một quả bóng rơi ngay trên “mũ an toàn” – cái mũ vỡ tan tành khi bị quá bóng rơi trúng; đầu cháu bị thương tích.
- Một người khách ngồi xem trận đấu Super Bowl bị phỏng tay vì cái Remote TV bị bốc cháy trong tay.
- Nhà người láng giềng của bạn bị cháy rụi vì cái quạt bị chạm điện.
- Người bạn thân nhất của bạn bị thương khi điện thoại di động trong túi phát nổ và bắn mảnh vào tim.

Năm Lý Do Khiến Sản Phẩm Trung Quốc Không An Toàn:
Câu hỏi nêu ra từ những tai họa nói trên là tại sao người tiêu thụ không được bảo vệ an toàn từ các sản phẩm của Trung Quốc? Hai tác giả cho rằng sự lưu tâm về an toàn đã bị sụp đổ tại Trung Quốc vì 5 yếu tố:
1/ Những công nhân làm công việc lắp ráp đã không được huấn luyện, không có ý thức an toàn, bị trả lương quá ít nhưng lại bắt làm nhiều giờ trong điều kiện làm việc quá tồi.
2/ Các nhà sản xuất Trung Quốc không sợ bị trừng phạt vì có bị kiện ra tòa họ cũng được nhà nước Bắc Kinh bao che và nhất là rất khó theo đuổi một vụ kiện đòi bồi thường tại Hoa Kỳ hay tại Trung Quốc;
3/ Cán bộ kiểm phẩm an toàn của Trung Quốc đã bị mua từ trên cao xuống đến thấp. Đây là bộ máy tham ô và tồi bại nhất thế giới;
4/ Hệ thống kiểm tra cửa khẩu và các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của Hoa Kỳ và các quốc gia đã có chung “căn bệnh” với những đồng sự của họ ở Trung Quốc;
5/ Sự nhắm mắt làm ngơ, thậm chí còn bao che cho những sự việc tồi bại của những công ty Hoa Kỳ chuyên nhập khẩu hàng hóa rẻ tiền Trung Quốc để cung cấp bán lẻ tại Hoa Kỳ.

Hai tác giả đã dành nhiều trang để giải thích lý do vì sao những nhà sản xuất của Trung Quốc lại có khuynh hướng sản xuất hàng kém phẩm chất và độc hại như vậy. Việc chế tạo ra một số sản phẩm bị hư hay bị nguy hiểm đều có ở hầu hết các quốc gia, ngay cả công ty Toyota, một công ty hàng đầu của Nhật nổi tiếng về phẩm chất tuyệt hảo đôi lúc cũng có sai lầm; nhưng theo hai tác giả thì sự sai lầm ở Trung Quốc hoàn toàn khác thường.

Hệ Thống Kiểm Phẩm Trung Quốc Tham Ô Nhất Thế Giới:
Trong năm 2009, Trung Quốc chiếm 58% những cảnh báo về an toàn thực phẩm bị các giới chức kiểm tra Âu Châu đưa ra, trong khi chỉ có 2% xuất khẩu của Mỹ sang Âu Châu bị cảnh cáo. Lưu ý là số lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Âu Châu chỉ cao hơn Hoa Kỳ một chút: 18% của Trung Quốc so với 13% của Hoa Kỳ. Một phép tính đơn giản với những tỷ lệ này cho thấy rằng sản phẩm Trung Quốc bị cảnh cáo về vi phạm an toàn theo tỷ số 22 lần cao hơn so với tỷ số của Hoa Kỳ.
Đến năm 2010, Liên Hiệp Âu Châu đã vừa áp dụng phương pháp kiểm tra đặc biệt hàng hóa Trung Quốc, vừa gửi những thanh tra Âu Châu sang Trung Quốc, huấn luyện những viên chức chính phủ Trung Quốc về những tiêu chuẩn kiểm an toàn sản phẩm. Kết quả là các nhà sản xuất Trung Quốc đã nhận đến 61% của tất cả những cảnh báo an toàn từ Liên Hiệp Âu Châu, nhiều hơn 3% so với năm 2009. Lý do dễ hiểu, các nhà sản xuất Trung Quốc đã mua trọn gói các giới chức kiểm phẩm Trung Quốc.
Khi những bọn doanh nhân tim đen của Trung Quốc đã mua được giới chức kiểm phẩm thì họ có thể tung ra nhiều thủ đoạn từ các phương pháp sản xuất chất lượng kém đến các trò hung ác và bất chính làm giả sản phẩm và lừa bịp chất lượng. Hai tác giả đã dành khá nhiều chương sách cho độc giả thấy rõ một loạt các “lò chế phế phẩm” của Trung Quốc:

Vụ Tường Tiền Chế (Drywall)
Đầu tiên, hai tác giả ghi lại một câu chuyện trích từ tờ New York Time viết về gia đình ông Bill Morgan, một cảnh sát viên về hưu liên quan đến việc sử dụng tường tiền chế (Drywall) của Trung Quốc. Gia đình ông Bill Morgan đã dọn vào ở một căn nhà lý tưởng mới xây ở Williamsburg, tiểu bang Virginia. Sau khi dọn vào, vợ và con gái của ông đã bị chảy máu cam và nhức đầu kinh niên. Trong nhà luôn luôn có mùi hôi thối. Mọi thứ đồ đạc bằng kim loại trong nhà đều bị ruỗng ra và thâm đen. Ông Morgan vội vàng dọn ra, tức thì bệnh máu cam và nhức đầu của vợ con ông đều chấm dứt; nhưng những vấn đề tài chánh theo sau đó đã làm ông phá sản.
Nguyên do là vì tường của căn nhà ông Morgan sử dụng vật liệu từ Trung Quốc. Theo điều tra, hàng triệu tấm tường tiền chế như nhà ông Morgan đã bị nhiễm độc với các hợp chất lưu huỳnh, bị soi mòn khi các nhà sản xuất pha vào thạch cao những tro phế thải từ các nhà máy Trung Quốc chạy bằng than có nồng độ lưu huỳnh cao. Ở trạm chót của quá trình phế phẩm đó những sản phẩm tường tiền chế được pha chế và chở sang Hoa Kỳ không được giám sát hay thử nghiệm.
Chất độc lưu huỳnh trong tường tiền chế của Trung Quốc không những làm không khí trong nhà ngửi giống như trứng thối và tấn công hệ thống khí quản ; mà chất ga lưu huỳnh rất mạnh nên còn làm xói mòn các đường ống, và làm hỏng các máy móc và hệ thống quạt, sưởi, điều hòa không khí, biến nữ trang bằng bạc thành màu đen, và giết chết chó mèo trong nhà. Thực tế là tường tiền chế làm từ Trung Quốc đã được phát hiện trong khoảng 100 ngàn căn nhà mới tại nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ. Những tiểu bang bị nặng nhất là những tiểu bang có không khí nóng và ẩm thấp, điều kiện giúp hơi lưu huỳnh bốc ra dễ dàng. Tiểu bang Florida là trung tâm khủng hoảng của tường tiền chế Trung Quốc. Ngoài ra, sau trận bão Katrina, các nhà xây cất tại tiểu bang Lousiana đã nhập cảng một số lượng lớn tường tiền chế Trung Quốc để tái thiết các căn nhà bị ngập nước. Hậu quả là sau đó các căn nhà này phải bị phá một lần nữa để sửa lại vì mùi hôi thối của chất độc lưu huỳnh. Tác giả cho biết là qua vụ sử dụng tường tiền chế Trung Quốc, Hoa Kỳ đã phải tốn hơn 15 tỷ Mỹ Kim trên giá mua. Lý do là tiền sửa mỗi căn nhà tốn từ 100 ngàn đến 250 ngàn Mỹ Kim.

Vụ Chì Trong Đồ Chơi Trẻ Con:
Kế đến, hai tác giả kể về việc sử dụng chất chì trong các sản phẩm Trung Quốc. Theo tin tức của MSNBC.com thì vào ngày 2 tháng 8 năm 2010, công ty Mattel đã phải hủy bỏ, thu hồi khoảng 1,5 triệu đồ chơi sản xuất từ Trung Quốc bao gồm các món như Dora Nhà Thám Hiểm, Chim Lớn và Elmo vì chúng có chứa chất sơn pha chì. Vào tháng 6, khoảng 1,5 triệu đồ chơi đường rầy xe lửa bằng gỗ nhãn hiệu Thomas & Friends, nhập khẩu từ Trung Quốc, bị hủy bỏ vì sơn có chất chì. Chì là một độc tố nếu trẻ con ăn phải.
Chất chì tấn công trẻ con khốc liệt vì bộ óc và cơ thể đang phát triển của chúng rất nhạy cảm dù với lượng tương đối nhỏ của kim loại nặng. Chỉ từ những lượng chì rất nhỏ, trẻ con có thể bị những thương tổn không thể hồi phục được, mà trong cuộc sống sau này chúng sẽ sinh ra bất cứ thứ bệnh gì, từ rối loạn thiếu sự tập trung và tính hiếu động thái quá, cho đến hành xử tội phạm, phình não, và hư hoại cơ quan trọng yếu. Bởi vì trẻ con chịu rủi ro nhiều nhất từ các tác động của chì, cho nên thật là vô cùng hèn hạ khi có nhiều sản phẩm của Trung Quốc có chứa chất chì nhắm vào con của chúng ta – cho dù nó là các đồ chơi Sesame Street, đồ trang sức làm rộn ràng trái tim tuổi thanh thiếu niên hay các đoàn tàu bằng gỗ mang tính cổ điển.
Tại sao những gian thương vô liêm sỉ Trung Quốc thường cho chất chì vào sơn, mặc dù biết là rất nguy hiểm cho trẻ con? Lý do đơn giản là sơn pha chì khô rất nhanh và do đó làm giảm đáng kể chi phí sản xuất. Chì cũng là chất có giá thành thấp và mềm dẻo hơn thay thế cho các kim loại đắt tiền hơn như niken và bạc trong các sản phẩm như đồ trang sức và nữ trang rẻ tiền.

Vụ Chất Độc Cadmium Trong Đồ Chơi Trẻ Em:
Sau khi bị phá sản trong nhiều trường hợp bị phát hiện sử dụng chất chì bất hợp pháp, những doanh nhân vô liêm sỉ Trung Quốc lại tìm ra một cách để làm giả các sản phẩm của họ bằng các kim loại nặng cũng gây chết người nhưng ít bị phát hiện hơn như antinomy, barium và tệ hại nhất là cadmium. Trên thực tế, cadmium thực sự là một chất độc hại khủng khiếp. Chất này có thể sinh ra ung thư, sinh ra các phản ứng hô hấp rất nghiêm trọng như viêm phổi độc tính và đau phổi. Cadmium cũng có thể hút mật độ của các tỷ trọng chất khoáng (mineral) ra khỏi xương, do đó gây ra cơn đau xương sống và khớp trầm trọng trong khi làm tăng các rủi ro gãy xương; và có thể gây ra rối loạn hoạt động thận dẫn đến hôn mê.
Tất nhiên, theo tác giả thì sự cực kỳ độc hại của cadmium chính là những gian thương vô lương tâm Trung Quốc đã không ngừng việc thay thế nó cho kin loại chì dễ bị phát hiện. Trung Quốc là nước sản xuất kim loại lớn nhất thế giới hiện nay và trong những thay đổi tráo trở này, các công ty lớn của Hoa Kỳ đã luôn luôn trở thành tòng phạm giết người với bọn gian thương Trung Quốc. Ví dụ, năm 2010, thông tấn xã AP đã tiến hành một loạt điều tra bí mật qua việc thí nghiệm độc lập một số sản phẩm của Trung Quốc. Những thí nghiệm này đã tìm thấy sự có mặt của chất cadmium trong toàn bộ một dây chuyền đồ trang sức Miley Cyrus mà hãng Walmart đã quảng cáo như là một món đồ đặc biệt cho tuổi mới lớn. Tuy nhiên, Walmart vẫn tiếp tục bán đồ trang sức độc hại này trong nhiều tháng với lý lẽ rằng “quá khó để thí nghiệm các sản phẩm đã được bày bán trên những kệ của hãng”. Trong cùng năm 2010, Walmart đã bị phát giác việc bán các vòng/dây chuyền cho trẻ em có pha cadmium, được sản xuất để mô phỏng các nhân vật trong bộ phim Disney Công Chúa và Chú Ếch.
.
.
.

No comments: