Sunday, November 20, 2011

ĐỌC TẬP SÁCH "CHẾT BỞI TRUNG QUỐC" của TÁC GIẢ PETER W. NAVARRO & GREG AUTRY [Phần 4/3] - Lý Thái Hùng



Lý Thái Hùng
Cập nhật: 30/09/2011

Duy Trì Lực Lượng Bộ Binh Lớn Nhất Thế Giới.
Từ thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc đã dựa trên một chiến lược quân sự là “đánh phủ đầu”. Ngày nay, mặc dù Trung Quốc đang hướng tới một cái nhìn hiện đại hơn về chiến tranh, vẫn tiếp tục duy trì một lực lượng bộ binh lớn nhất thế giới. Lực lượng này có đến 2,3 triệu; nhiều hơn tổng số quân của Gia Nã Đại, Đức, Hoa Kỳ và Anh cộng lại. Hơn nữa, bộ binh Trung Quốc được trang bị dồi dào nhất thế giới gồm xe tăng, pháo binh và vận chuyển. Chỉ riêng xe tăng không thôi, 6,700 xe tăng của Trung Quốc vượt xa 1,100 xe tăng của Đài Loan, 2,300 xe tăng của Nam Hàn và 1,000 xe tăng của Việt Nam. Ngay cả Hoa Kỳ ở giữa hai cuộc chiến ở Châu Á chỉ có khoảng 5,000 xe tăng.
Biểu tượng của sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ mới của Hồng Quân Trung Quốc là loại tăng chiến đấu “Type 99”, vốn là vũ khí tiên phong ngày nay cho nhu cầu hiện đại hóa lực lượng bộ binh của Trung Quốc. Thiết kế của xe tăng này phần lớn đánh cắp từ loại tăng đáng gườm T-72 của Liên Xô. Cỗ máy kỹ thuật cao cấp giết người này kết hợp tất cả mọi thứ từ hỏa tiễn hướng dẫn bằng laser và vệ tinh dẫn đường đến vỏ thép chống nổ để có thể chống đỡ những đầu đạn phá tăng.
Theo nhận định của tác giả thì Hồng Quân Trung Quốc là lực lượng viễn chinh đáng sợ. Lực lượng này còn có khả năng tiến hành chiến thuật biển người cổ điển mà thế giới đã từng chứng chiến trong các trận đụng độ bất ngờ với Ấn Độ (1962) và khiêu khích Việt Nam (1979).

Xây Dựng Không Lực Từ Đánh Cắp Kỹ Thuật.
Trong khi Hồng Quân dựa vào con số, Không quân đang trở thành một trong những lực lượng tốt nhất mà Trung Quốc có thể mua từ những đồng Mỹ Kim Walmart hoặc gián điệp của họ có thể đánh cắp.
Hãy xem hai chiếc “cá mập bay” (Flying Shark) có tên là Thẩm Dương J-11B và J-15. Chiếc thứ nhất là một phản lực cơ chiến đấu 2 máy, bản sao từ chiếc Sukhoi Su-27 của Nga. Chiếc thứ 2 là một phản lực có thể cất cánh từ hàng không mẫu hạm, phỏng theo chiếc Su-33 của Nga. Theo sự tìm hiểu của tác giả thì nhà cầm quyền Trung Quốc đầu tiên đã ký mua và được giấy phép với Nga; nhưng sau khi nhận được một trong hai máy bay nói trên, Trung Quốc đã đơn thuần đảo ngược kỹ thuật công nghệ của Nga và sau đó hủy bỏ hợp đồng. Nga rất tức giận sau khi biết là Trung Quốc đã phỏng theo kỹ thuật của hai chiếc Su-27 và Su-33 để tự chế ra J-11B và J-15 cạnh tranh lại với Nga.
Trong những máy bay đáng chú ý của Trung Quốc hiện nay, có chiếc phản lực Thunder J-17. Chiếc máy bay này được chú ý không phải vì khả năng tấn công mà nó được Trung Quốc chế tạo dựa theo sự phỏng chế một cách bí mật từ một số những kỹ thuật quân sự nhạy cảm mà họ lấy được. Đó là Trung Quốc đã dựng lên một công ty ma với Pakistan, thông qua sự môi giới của đám doanh nhân thời cơ Pháp, để qua mặt lệnh cấm bán vũ khí của Liên Hiệp Âu Châu. Và mới đây, Không quân Trung Quốc còn tiết lộ cho thế giới thấy là họ đã chế được loại máy bay không người lái (drones), mô phỏng từ loại máy bay không người lái mà Hoa Kỳ đã xử dụng rất hiệu quả ở hai chiến trường Iraq và A Phú Hãn.
Trong tất cả những máy bay của không lực Trung Quốc, loại máy bay chiến đấu tàng hình Chendu J-20 “Ó Đen” (Black Eagle) được xem là một sáng chế mang tính khiêu khích nhất. Trung Quốc đã nhân chuyến viếng thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates để cho bay thử chiếc máy bay này vào cuối năm 2010. Chendu J-20 vượt xa máy bay tàng hình F-22 của Hoa Kỳ về khả năng không kích khá chính xác những mục tiêu trên mặt đất bao gồm cả sức chứa nhiên liệu để bay đường dài và có thể mang số lượng lớn về bom và hỏa tiễn.
Theo Tham Mưu Trưởng Của Cộng Hòa Croatia, Đô Đốc DavorDomazet-Lozo thì Trung Quốc đã không tốn nhiều chi phi nghiên cứu để chế chiếc Chendu J-20. Trung Quốc đã mô phỏng theo các kỹ thuật từ xác máy bay tàng hình F-22 của Hoa Kỳ bị bắn rơi ở Serbia vào năm 1999. Thực vậy, ngay khi nghe tin chiến máy bay tàng hình bị bắn rơi, Bắc Kinh đã gửi người đến mua tất cả mọi bộ phận mà người dân địa phương thu nhặt được mang về Trung Quốc.

Thách Thức Lực Lượng Hải Quân Hoa Kỳ.
Theo Nhật Báo Asahi Shimbun, Nhật Bản: “Mục tiêu tương lai của quân đội Trung Quốc là bảo đảm quyền bá chủ của hải quân trong vùng biển phía Tây Thái Bình Dương bên trong đường phòng thủ thứ nhì từ quần đảo Nhật Bản tới đảo Guam và Nam Dương. Sau đó, quân đội Trung Quốc sẽ tranh giành với lực lượng hải quân Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương và trong toàn vùng Thái Bình Dương.”
Qua nội dung của bản tin nói trên, người ta thấy rõ rằng: lực lượng bộ binh Trung Quốc tượng trưng cho sức mạnh bạo lực và lực lượng không quân trang bị những chiến đấu cơ tốt nhất có thể mua hay đánh cắp, và sự tăng cường lực lượng hải quân Trung Quốc cuối cùng là mối lo lớn nhất của những nhà phân tích của Ngũ Giác Đài. Thật vậy, Cộng hòa nhân dân Trung Quốc đang tiến về phía trước với dự án Manhattan (là Dự án phát triển vũ khí hạt nhân đầu tiên trong Thế Chiến Thứ 2 do Hoa Kỳ, Anh và Gia Nã Đại thực hiện từ cuối thập niên 1930, huy động gần 130 ngàn người tham gia với tổng kinh phí lên đến 2 tỷ Mỹ Kim, tương đương với 20 tỷ Mỹ kim năm 2004. Kết quả của dự án là bom Nguyên Tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản vào tháng 8 năm 1945) nhằm phát triển nhanh chóng lực lượng hải quân nuớc xanh có khả năng thách thức hải quân Hoa Kỳ. Mục tiêu đầu tiên của họ là đẩy những hạm đội Hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ ra khỏi Tây Thái Bình Dương – và có lẽ cuối cùng chiếm lấy Đài Loan – và sau đó vươn sức mạnh ra toàn cầu.
Trọng tâm chính của cuộc đọ sức chiến lược vĩ đại này là một trong những vũ khí mang tính biểu tượng nhất trong lịch sử – Hàng Không Mẫu Hạm hùng mạnh. Hải quân Hoa Kỳ thích gọi những tàu này là “bốn mẫu rưỡi lãnh thổ di động và chủ quyền Hoa Kỳ” và chúng là xương sống của nền hòa bình Tây Bán Cầu trên đại dương kể từ sau Thế chiến thứ hai.
Trên thực tế, như Con Rồng biết mọi chuyện rất rõ, trực tiếp đối đầu với một Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ và hạm đội tùy tùng là một công việc cực kỳ khó khăn. Bên cạnh sự việc đã có những phi cơ có cánh 75 cố định và động cơ bay lên thẳng như trực thăng, một hàng không mẫu hạm như chiếc George Washington sẽ được canh gác chặt chẽ bởi một tuần dương hạm trang bị hỏa tiễn hướng dẫn Aegis có khả năng đẩy lùi bất cứ những cuộc tấn công diện địa. Hàng không mẫu hạm cũng sẽ được hộ tống bởi một vài khu trục hạm trang bị hỏa tiễn phòng không và có thể có ít nhất một hải đội săn tàu ngầm hoạt động thường xuyên. Trong khi đó, bên dưới biển, một hay hai tàu ngầm nguyên tử cấp Los Angeles (hay còn gọi là cấp 688) có khả năng tấn công nhanh hơn sẽ yên lặng tháp tùng hải đội đáng sợ này, và ít nhất trong quá khứ, bất kỳ sự tấn công chính diện nào của Hải quân Trung Quốc sẽ không thực hiện được trong vòng 50 dặm chung quanh một hạm đội như thế trên mặt biển.
Theo tác giả nhận định thì nhờ sức mạnh vượt trội của Hàng không mẫu hạm như vậy, Hoa Kỳ đã bảo vệ được vùng biển Nhật Bản và tránh cho Đài Loan không bị Trung Quốc xâm chiếm. Và chính sức mạnh của Hạm đội Thái Bình Dương, khiến cho các nhà chiến lược quân sự Trung Quốc ngày đêm lo sợ là một ngày nào đó, hải quân Hoa Kỳ sẽ phong tỏa toàn bộ con đường vận chuyển 80% dầu hỏa của Trung Quốc để trả đũa những toan tính bành trướng xâm lấn trên biển Đông. Do đó, những nhà chiến lược quân sự Trung Quốc đã tiến hành một chiến lược phản công gồm 2 mũi nhọn: Một là đẩy mạnh chế tạo Hàng không mẫu hạm. Hai là hoàn chỉnh hỏa tiễn tối tân để tiêu diệt Hàng không mẫu hạm của đối phương, được Ngũ Giác Đài gọi là Hỏa Tiễn BAMer viết tắt của Ballistic Anti-ship Missile (Hỏa tiễn chống tàu thủy).
Việc Trung Quốc cố hoàn chỉnh Hỏa tiễn BAMer đang làm cho Hoa Kỳ quan ngại và có thể làm đảo lộn tình thế khi mà vòng đai an toàn của các Hàng không mẫu hạm của Mỹ bị đe dọa. Hiện nay, Trung Quốc đang sử dụng sa mạc Gobi làm nơi thực tập tác xạ Hỏa tiễn BAMer, trước khi mang nó ra thực tập trên biển vì theo tác giả là không phải dễ bắn trúng những mục tiêu nhấp nhô trên sóng biển từ cả ngàn dặm.
Ngoài ra, Trung Quốc hiện cũng đang tu sửa một Hàng không mẫu hạm mua lại từ Cộng hòa Ukraine có tên là Varyag vào năm 1998, vốn do Liên Xô đóng cho hải quân Liên Xô sử dụng nhưng vì hết tiền, Varyaga chỉ hoàn tất được có khung tàu mà không có động cơ, bánh lái và phần lớn các hệ thống vận hành khác. Mặc dầu đấu giá mua được từ năm 1998 nhưng mãi đến năm 2002, chiếc tàu này mới được Trung Quốc cho vận chuyển về cảng Đại Liên. Tháng 6 năm 2005, lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định bỏ ra 5 tỷ Mỹ Kim để tu sửa, trang bị thành một hàng không mẫu hạm đầu tiên của nước này và đặt tên là Thi Lang (Shi Lang), tên của vị Thủy sư đô đốc nhà Thanh và từng tấn công sang Đài Loan vào năm 1681.
Hàng không mẫu hạm Thi Lang dài 304,5 mét, rộng 37 mét, có trọng tải 67,500 tấn và chạy bằng nhiên liệu thông thường chứ không bằng nguyên tử. Thi Lang có khả năng chứa tối đa 50 chiếc máy bay phản lực và 18 trực thăng; nhưng Bộ quốc phòng Trung Quốc cho biết là sẽ không sử dụng đủ số chiến đấu cơ này trong giai đoạn đầu, vì chỉ sử dụng tàu phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu và huấn luyện. Theo tin tức, hải quân Trung Quốc đã nghiên cứu rất kỹ các bước hoàn chỉnh việc tu sửa chiếc Thi Lang, để lấy kinh nghiệm cho việc tự đóng Hàng không mẫu hạm nội địa đầu tiên tại cảng Thượng Hải, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015. Mục tiêu của Bắc Kinh là sẽ đóng 5 Hàng không mẫu hạm cho đến năm 2020.

Chế Tàu Ngầm Vượt Ra Biển Xanh.
Không có hạm đội Hàng không mẫu hạm nào hoạt động hiệu quả nếu không có lực lượng tàu ngầm hùng mạnh chạy thật êm và thật sâu. Trung Quốc đã và đang âm thầm xây dựng một lực lượng tàu ngầm, chẳng bao lâu sẽ lớn nhất thế giới. Thực vậy, tác giả cho biết là hiện Trung Quốc đang sở hữu thế hệ mới nhất của những tàu ngầm chạy bằng tổng hợp điện - dầu cặn (Diesel – Electric) rất nhanh và yên lặng nên nó có thể bám sát và theo dõi những tàu chiến của Hoa Kỳ mà rất ít khi bị phát hiện.
Ngoài ra, những tàu ngầm mới hơn của Trung Quốc thuộc loại yuan Class, nó còn chạy im hơn và có thể hoạt động dưới biển trong một thời gian rất dài nhờ vào một hệ thống “động cơ không cần không khí”. Ngoài ra để bảo đảm khả năng đưa được lực lượng hải quân chiến đấu tới những vùng biển xanh xa xôi như tận bờ biển California chẳng hạn, Trung Quốc đã chế một số tàu ngầm mang hỏa tiễn loại 094 Jin Class, bắn xa đến tận thành phố Savannah hay thành phố Missouri vùng Đông Nam Hoa Kỳ.
Hồi tháng 11 năm 2010, Thiếu tướng Không Quân về hưu, Thomas McInerney đã khẳng định rằng hải quân Trung Quốc đã thực sự tiến hành một cuộc phóng thử hỏa tiễn loại 094 Jin Class ngoài khơi Los Angeless – ngay hôm trước khi khai mạc Hội nghị Thượng Đỉnh G20. Trong khi đó Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ lại nhanh chóng phủ nhận sự kiện này. Mặc dù chính quyền ông Obama phủ nhận, nhưng đa số các chuyên gia quân sự của Hoa Kỳ đều tin rằng việc Trung Quốc phóng thử nghiệm hỏa tiễn là điều có thể xảy ra.

Hãy Coi Lại Sân Sau Sản Xuất Của Mỹ.
Sau khi phân tích về tiềm lực lục quân, không quân và hải quân của Trung Quốc, tác giả cho rằng tuy sức mạnh quân sự của Trung Quốc chưa có thể đối đầu với Hoa Kỳ vào lúc này, nhưng chính sự cạn kiện của hạ tầng sản xuất Hoa Kỳ vì từ từ chuyển sang Trung Quốc, sẽ làm cho Hoa Kỳ kiệt quệ và không còn khả năng đề kháng.
Tác giả đã dẫn giải rằng Hoa Kỳ đã đánh bại Hitler và Đức Quốc Xã phần lớn không do lực lượng binh sĩ quả cảm mà chính nhờ sức mạnh kỹ thuật trấn áp. Hồi đó, trong hầu hết các loại, Đức Quốc Xã đều có vũ khí ưu việt về mặt kỹ thuật như xe tăng Pazer, tàu ngầm U boats và chiến hạm Bismarck là chiến hạm vĩ đại nhất chưa từng thấy lúc đó. Ngoài ra về hỏa tiễn, Đức vô địch những loại hỏa tiễn tầm xa duy nhất trên thế giới thời đó. Những hỏa tiễn hướng dẫn V1, hỏa tiễn đạn đạo V2 và phi cơ Me -262 (phi cơ phản lực đầu tiên thế giới) mà phe đồng minh không thể sánh kịp.
Ngược lại, cái mà Hoa Kỳ có vào lúc đó chính là hạ tầng sản xuất lớn nhất thế giới. Một khi hạ tầng sản xuất này hoàn toàn chuyển sang phục vụ nhu cầu chiến tranh sau trận Trân Châu Cảng, những nhà máy khổng lồ và hiệu quả ở Detroit, những cơ xưởng đóng tàu ở Maine, những nhà máy hóa học ở Ohio và những nhà máy thép ở Pennsylvania đã sản xuất hàng loạt với số lượng tràn ngập các loại xe tăng, máy bay, súng và bom. Kết quả là lực lượng quân sự khổng lồ của Hoa Kỳ đã đánh bại hai bộ máy chiến tranh lớn nhất thế giới thời đó là Nhật Bản và Đức Quốc Xã.
Ngày nay, Hoa Kỳ đã không còn ở vào cái thế như trước đây. Những nhà máy xe hơi lớn nhất không còn ở Detroit mà ở những thành phố như Thành Đô, Cát Lâm, Nam Kinh, Vũ Hồ. Những xưởng đóng tàu nhộn nhịp nhất hiện đang ở Bó Hải, Đại Liên, Phúc Kiến, Dương Gan và nhiều nhà máy khác ở Trng Khánh, Hồ Bắc Thượng Hải có sức sản xuất gấp 10 lần hơn Hoa Kỳ. Theo tác giả thì Hoa Kỳ cần quan tâm một điều nữa là khi đụng trận thật sự kẻ nào có nhiều vũ khí - tuy không tốt bằng - nhưng sẽ là kẻ chiến thắng. Loại phi cơ chiến đấu J-20 của Trung Quốc không nhất thiết phải là loại phi cơ tốt nhất thế giới; nhưng nếu nó có thể xuất trận với 1,000 chiếc địch với 187 chiếc F-22 của Hoa Kỳ, thì không lực Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế.
Kết luận ở chương này, tác giả cảnh báo rằng khi Hoa Kỳ đã chuyển giao nhiều công nghệ và hạ tầng sản xuất cho Trung Quốc thì có ngày Trung Quốc sẽ không những qua mặt Hoa Kỳ mà còn quay trở lại kiềm chế nước Mỹ. Quan sát những gì Trung Quốc đang làm ngày hôm nay, tất chúng ta phải thấy rõ Bắc Kinh đang: 1/Tập trung phát triển hay đánh cắp những hệ thống vũ khí tối tân để tăng cường khả năng kỹ thuật và sau đó sẽ 2/Chế tạo đủ số lượng để khống chế ưu thế kỹ thuật của Hoa Kỳ.
Theo nhận xét của tác giả thì Trung Quốc đã làm xong điều thứ nhất và hiện đang bước vào điều thứ hai.

(Còn tiếp)

Lý Thái Hùng
Ngày 29/9/2011

.
.
.

No comments: