Lý Thái Hùng
Cập nhật: 7/10/2011
PHẦN 5:
Chương 9:
Death By Chinese Spy: How Beijing’s “Vacuum Cleaners” Are Stealing the Rope to Hang Uncle Sam.
Chết Vì Gián Điệp Trung Quốc: Những Máy Hút Bụi Của Bắc Kinh Đang Đánh Cắp Dây Để Treo Cổ Chú Sam.
Chết Vì Gián Điệp Trung Quốc: Những Máy Hút Bụi Của Bắc Kinh Đang Đánh Cắp Dây Để Treo Cổ Chú Sam.
Gián điệp Trung Quốc đứng thứ 5 thế giới sau Pakistan, Do Thái, Anh, Hoa Kỳ.
Theo Intelligence Threat Handbook: “Mục tiêu chính của những hoạt động tình báo Trung Quốc là nhắm vào chính phủ Hoa Kỳ và các ngành công nghiệp để thu thập thông tin kỹ thuật và kinh tế, với hai mục tiêu là làm cho hạ tầng kỹ nghệ quân sự Trung Quốc tối tân hơn và nền kinh tế có khả năng cạnh tranh cao hơn”.
Theo nhận xét của tác giả thì hàng ngày có hàng ngàn gián điệp chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp của Trung Quốc đang thu thập tin tức tình báo ở những văn phòng, nhà máy và trường học Hoa Kỳ, Âu Châu và những quốc gia khác nhau như từ Brazil, Ấn Độ đến Nhật và Nam Hàn. Và mỗi phút trong ngày, hàng trăm tin tặc Trung Quốc khống chế hàng ngàn máy điện toán để triệt phá tường lửa bảo vệ của các hệ thống thông tin kỹ nghệ, tài chánh, học đường, chính trị và quân sự trên toàn thế giới nhằm tìm kiếm những dữ kiện quý báu và âm thầm truy cập những kẽ hở có thể khai thác để tấn công và phá hoại trong tương lai.
Tác giả đã nêu ra câu hỏi rằng: Tại sao chúng ta ở Hoa Kỳ kiên nhẫn chịu đựng những điều mà Ủy ban điều tra Trung Quốc của Hoa Kỳ đã gọi là “quốc gia hung hăng nhất đang tiến hành hoạt động gián điệp chống lại Hoa Kỳ?” Để trả lời cho câu hỏi này, tác giả dành nguyên chương 9 mô tả về những hoạt động hắc ám và đen tối của gián điệp Trung Quốc trên đất Hoa Kỳ và những nơi khác trên thế giới.
Gián Điệp Trung Quốc Vào Hoa Kỳ Như Thế Nào?
Như một phần của gót giày ống xâm lược trên bộ, gián điệp truyền thống, chính phủ Trung Quốc và nhiều ngành công nghiệp quốc doanh đã tích cực mở ra một chiến dịch hoạt động tình báo với ba mũi nhọn rất tinh vi chống lại nhiều quốc gia trên thế giới - đặc biệt, các đối thủ lớn như Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản. Chiến lược 3 mũi nhọn này bao gồm các trung tâm nghiên cứu, kỹ nghệ và những cơ quan chính quyền với mục đích đánh cắp những thông tin giá trị về tài chánh, kỹ thuật, và chính trị, đồng thời chuẩn bị cho những cuộc tấn công gây rối và phá hoại trong trường hợp xảy ra chiến tranh nóng.
Trong khi tình báo Hoa Kỳ mệt mỏi vì cuộc chiến chống khủng bố, gián điệp Trung Quốc coi như tự do thao túng trên đất Mỹ. Phương tiện của họ là một hệ thống gián điệp tinh vi và hỗn hợp, rất khác với hệ thống gián điệp cổ điển của Liên Xô cũ. Trong thời chiến tranh lạnh, KGB đưa một số nhỏ gián điệp chuyên nghiệp đồn trú ở nước ngoài và dùng tiền mua chuộc, hối lộ hay bắt bí một số phần tử phản bội quốc gia cộng tác cung cấp tin tức. Trong khi đó, Trung Quốc tuy cũng tổ chức những nhóm gián điệp bí mật và khai thác những tên phản bội quốc gia để lấy tin; nhưng phần lớn dựa vào mạng lưới gián điệp cấp thấp, đa số là những người Mỹ gốc Hoa.
Bộ công an quốc gia Trung Quốc, một loại KGB của Trung Quốc phụ trách việc chỉ huy và tuyển chọn những điềm chỉ viên và những điệp viên bán chuyên nghiệp từ các cộng đồng người Hoa. Theo sự ghi nhận của Intelligence Threat Handbook thì những người nói trên được đưa vào hệ thống gián điệp Trung Quốc bằng một trong hai cách: qua việc kêu gọi lòng ái quốc và chủng tộc, hoặc qua hăm dọa hợp tác vì có thân nhân đang sống ở Trung Quốc. Theo tác giả thì có rất nhiều gián điệp được cài vào trong số 750 ngàn người Trung Quốc được cấp chiếu khán vào nước Mỹ hàng năm. Họ có thể là những ký giả của các hãng thông tấn như Tân Hoa Xã; những sinh viên tại các đại học Hoa Kỳ; những cán bộ thương mại đi tham quan; những công nhân xuất khẩu lao động hay những du khách. Nhờ số lượng lớn lao du khách Trung Quốc đến Mỹ hàng năm cùng với sự đông đảo của cộng đồng người Hoa tại khắp các tiểu bang, Trung Quốc đã rất dễ dàng qua mặt FBI, trong việc tuyển dụng gián điệp hoạt động cho họ.
Tác giả đã nêu lên trường hợp Lý Phong Thực (Li Fengzhi) một điệp viên của Trung Quốc, tuy nay đã đào thoát và xin tỵ nạn tại Hoa Kỳ; nhưng qua vụ án này vừa cho thấy làm sao một điệp viên Trung Quốc dễ dàng xâm nhập Hoa Kỳ vừa cho thấy chiều sâu của hệ thống gián điệp Trung Quốc. Lý Phong Thực là một cán bộ tình báo của Bộ công an quốc gia Trung Quốc, nhưng đã xâm nhập vào Hoa Kỳ với lý lịch của một sinh viên du học đại học Denver, tiểu bang Colorado năm 2003.
Điệp Viên Trung Quốc Lý Phong Thực sau khi đầu thú với chính quyền Hoa Kỳ đã tổ chức cuộc họp báo rút ra khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc và tham gia phong trào dân chủ chống lại nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Theo sự phỏng vấn của tác giả, Lý Phong Thực cho biết anh sinh năm 1968 tại Liêu Ninh, Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1990, Lý Phong Thực tham gia một cơ quan tình báo tỉnh, và trong vòng non một năm sau, Lý được đưa về làm việc cho Bộ công an tại Bắc Kinh. Với tư cách là một phân tích gia cho cơ quan tình báo Trung Quốc tương đương với KGB của Liên Sô ngày trước, Lý Phong Thực dành nhiều thì giờ để thu thập tin tức tình báo tại Đông Âu và Nga trong khi theo học chương trình Tiến sĩ ngành chính trị quốc tế. Năm 2003, Lý được chọn để đi du lịch Hoa Kỳ và xin nhập học tại đại học Denver. Tuy nhiên, thay vì làm gián điệp chống lại Hoa Kỳ, Lý Phong Thực đã tỉnh ngộ và đào thoát.
Lý Phong Thực cho tác giả biết là lúc rời Bộ công an quốc gia, Trung Quốc có khoảng 100 ngàn gián điệp chính thức hay điềm chỉ viên, không kể những gián điệp tài tử, và một số lớn những cá nhân làm việc như những gián điệp bên trong những cơ quan chính phủ Trung Quốc. Ngoài ra, Lý Phong Thực tiết lộ rằng đa số những gián điệp chính thức của Trung Quốc là những ký giả, nhiếp ảnh gia, thành viên của các tổ chức NGO, những người lãnh đạo người Mỹ gốc Hoa có thế lực và những thương gia, kỹ sư và học giả người Trung Quốc. Những điệp viên chuyên nghiệp này có thể không có điều kiện thu thập những thông tin quan trọng nhưng họ sẽ tập trung tuyển mộ những điềm chỉ viên để qua đó lấy những tin tức cần thiết.
Gián Điệp Trung Quốc Hoạt Động Ra Sao?
Trong lãnh vực hoạt động gián điệp công nghiệp, mạng lưới này được tổ chức với mục tiêu tìm kiếm những công nghệ mới, những bí mật thương mại và phương pháp thực hiện. Trong mặt trận quân sự, mạng lưới này có mục tiêu kiếm được từ những hệ thống vũ khí mới cho đến những thông tin chi tiết hơn về các căn cứ và các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ.
Trong cả hai hoạt động tình báo công nghệ và quân sự, yêu cầu của gián điệp Trung Quốc là hăng say, kiên nhẫn như đàn ong. Qua từng thập niên, hàng ngàn gián điệp “ong thợ” (worker bee) và những nhóm thu thập tin tức cần cù hút những thông tin nho nhỏ từ các phòng nghiên cứu đại học, những phòng nghiên cứu nhạy cảm quốc gia, những đại học Hoa Kỳ, những công ty mới khởi đầu tại Silicon Valley, và những công ty liên hệ đến quốc phòng.
Trong thực tế, sự chuyển động lạnh lùng này trong tiến trình tiêu hóa dài hạn hoàn toàn đi liền với sử quan Trung Quốc – và hoàn toàn phù hợp với câu danh ngôn nổi tiếng của Tôn Tử là: “một gián điệp đáng giá bằng 10,000 người lính”. Vì một khi có đầy đủ những mảnh thông tin nhỏ được đưa về Đại Lục và biên giải (compile), chúng sẽ cung ứng cho các cơ quan tình báo và các xí nghiệp quốc doanh Trung Quốc một cái nhìn rõ ràng về toàn bộ các công nghệ, tiến trình hay hệ thống.
Theo phát biểu của ông Scott Henderson trong Hắc Khách (The Dark Visitor): “Thay vì ấn định một mục tiêu cho việc thu thập, họ dựa vào một khối lượng lớn thông tin để có được nhận thức rõ ràng về tình huống.” Giá trị có thể rất cao của loại thông tin kiểu hút bụi này được phản ảnh trong những câu nói nổi tiếng của không ai khác hơn là George Washington, tổ phụ của nước Mỹ. Về lợi ích của những tình báo quần chúng, ông đã nhận xét một cách tinh tế như sau: “ Ngay cả những chi tiết vụn vặt nên có một vị trí trong sưu tập của chúng ta, những sự việc mang tính chất có vẻ tầm thường, khi được kết hợp với những sự việc khác mang một tính chất nghiêm trọng hơn, có thể đưa đến một kết luận giá trị”.
Cho đến nay, hệ thống gián điệp của Trung Quốc đã đánh cắp những công nghệ và những quy trình từ hệ thống phụ (subsytems) của Khu trục hạm có trang bị hỏa tiễn hướng dẫn Aegis, sự vận hành bên trong bom neutron, và những thiết kế lò phản ứng hải quân đến những kế hoạch cho phi thuyền con thoi, những chi tiết kỹ thuật của hỏa tiễn Delta IV, và những hệ thống hướng dẫn phi đạn liên lục địa. Tổ ong cộng sản cũng hữu hiệu tương đương với việc hút những chi tiết liên quan đến những hệ thống vũ khí từ máy bay thả bom B2-B, máy bay không người lái, và những hệ thống động cơ tàu ngầm đến động cơ phản lực, những hệ thống phóng phi cơ hàng không mẫu hạm, và thậm chí cả những nguyên tắc hoạt động vô cùng chuyên biệt của tàu hải quân Hoa Kỳ.
Trên tất cả, những viện Hàn lâm và nghiên cứu ưu tú của Hoa Kỳ đã trở thành vận động viên ngây thơ cho cái gọi là phép lạ kinh tế của Trung Quốc. Một phần của vấn đề này là do một nguồn tiền hấp dẫn đổ vào tài trợ cho những công trình nghiên cứu khác nhau về Trung Quốc. Điều này khiến các đại học Mỹ không muốn “cắn bàn tay Trung Quốc đã nuôi họ”. Một phần lớn hơn còn lại của vấn đề này là hàng tỷ Mỹ Kim học phí tuôn vào các đại học Mỹ từ hơn 120 ngàn du học sinh đến từ Trung Quốc. Theo tác giả thì trong số những sinh viên này, khá nhiều người vẫn còn chịu những ảnh hưởng của nhà cầm quyền Bắc Kinh, đủ để phải hợp tác làm gián điệp cho chế độ.
Những Gián Điệp Trung Quốc Bị Phát Hiện.
Trong khi những người Mỹ gốc Hoa chiếm số lượng lớn trong mạng lưới gián điệp Trung Quốc, những tay trùm tình báo Trung Quốc đôi lúc cũng đã thành công trong việc “cải hóa” những người không phải gốc Hoa thành những tay gián điệp theo cách Liên Xô cũ.
Chẳng hạn, Mộ Khả Thuấn (Moo Ko Suen), người Nam Hàn làm tư vấn thương mại cho Lochheed Martin và những công ty quốc phòng khác. Mộ Khả Thuấn đã cộng tác làm gián điệp cho Trung Quốc, tìm cách đến kho máy bay tại Floria để mua một đầu máy phản lực có quạt chạy bằng Turbine của hãng GE sản xuất, thiết kế cho phi cơ chiến đấu F16. Rất may là cơ quan quan thuế Hoa Kỳ đã phá vỡ âm mưu này và họ Mộ đã bị bắt giữ hồi tháng 5 năm 2006.
.
.
.
No comments:
Post a Comment