Sunday, November 20, 2011

ĐỌC TẬP SÁCH "CHẾT BỞI TRUNG QUỐC" của TÁC GIẢ PETER W. NAVARRO & GREG AUTRY [Phần 4/2] - Lý Thái Hùng



Lý Thái Hùng
Cập nhật: 30/09/2011

Dân Trung Quốc Tràn Ngập Phi Châu?
Ngay cả khi Trung Quốc bùng nổ kinh tế và các quốc gia sản xuất khác trên thế giới sẽ phá sản, những thuộc địa mới của Trung Quốc đang nẩy nở tại Châu Phi - từ Angola đến Zimbabwe – vẫn còn đắm chìm trong đói, nghèo và những cuộc nội chiến đẫm máu. Đây là sự thật mặc dù những thuộc địa này ngồi trên đỉnh những kho tàng quý giá nhất của trái đất.
Theo tác giả nhận định thì tình trạng nghèo nàn và nội chiến của Phi Châu là hệ quả trực tiếp phần “lật lọng” (switch) trong chính sách Mồi Câu và Lật Lọng (Bait and Switch) - thủ đoạn dùng tiền mua chuộc của Trung Quốc. Ngay từ đầu của mối quan hệ thực dân, Trung Quốc hứa hẹn rằng tất cả những món tiền cho vay để xây dựng hạ tầng cơ sở của xứ thuộc địa sẽ việc mang lại nhiều công việc làm và lương cao cho người dân địa phương. Tuy nhiên, sau khi ký xong giao kèo, Trung Quốc đã lật lọng: thay vì thuê mướn những kiến trúc sư, kỹ sư, công nhân xây dựng và những công ty vận tải bản xứ, Trung Quốc đã lặng lẽ xuất cảng “đạo quân một triệu người” của chính họ sang làm việc.

Thực trạng đau buồn này tại thuộc địa Sudan đã được các tác giả của tập sách China Safari mô tả như sau:
“Người Trung Quốc khoan dầu và bơm nó vào đường ống của Trung Quốc, được bảo vệ bởi một tay Trung Quốc to con trên đường tới một bến cảng cũng được xây dựng bởi người Trung Quốc, nơi mà dầu sẽ được bơm lên những tàu dầu chở về Trung Quốc. Những công nhân Trung Quốc xây dựng đường sá, cầu cống và những đập nước khổng lồ khiến hàng chục ngàn chủ đất nhỏ nhoi tại địa phương phải di tản; người Trung Quốc trồng trọt thực phẩm Trung Quốc để những người Trung Hoa khác chỉ ăn rau quả Trung Quốc với những mặt hàng chủ lực nhập khẩu từ Trung Quốc; Người Trung Quốc võ trang cho một chính quyền đang phạm tội chống lại nhân loại; và người Trung Quốc bảo vệ chính phủ đó và bênh vực nó tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.”
Ngoài ra, theo tác giả thì bí mật nhơ bẩn nhất của tham vọng thực dân Trung Quốc là xuất khẩu hàng triệu công dân Trung Quốc một cách có hệ thống sang những quốc gia vệ tinh ở Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh để giảm bớt áp lực nạn nhân mãn tại Đại lục. Trong tập sách “China Safari”, một nhà khoa học Trung Quốc mô tả chiến lược di dân này như sau: “Chúng tôi có 600 con sông ở Trung Quốc, 400 trong số này đã bị chết bởi ô nhiễm… chúng tôi sẽ phải gửi đi ít nhất 300 triệu người sang Phi Châu...” Khi Namiba không thể trả nổi hàng tỉ Mỹ kim tiền vay, Bắc Kinh đã xiết nợ bằng cách buộc chính quyền Namiba phải chấp nhận để cho hàng ngàn gia đình người Trung Quốc di dân sang Namiba. Thỏa ước mật này bị tiết lộ qua WikiLeads khiến cho người dân xứ này phẫn nộ dữ dội.

Một nhà báo gốc Phi Châu đã từng nhận giải thưởng báo chí Andrew Malone đã kể về diễn tiến di dân Trung Quốc tại Phi Châu như sau:
“Với một nhóm nhỏ ban đầu ít ai để ý, bỗng chốc một cộng đồng 750 ngàn người Trung Quốc đã định cư tại Phi Châu hơn một thập kỷ qua. Nhiều người nữa đang trên đường đến. Chiến lược này đã được hoach định cẩn thận bởi những quan chức tại Bắc Kinh; ở đó, một chuyên gia đã ước tính rằng Trung Quốc sẽ gửi đi 300 triệu dân sang Phi Châu để giải quyết những vấn đề nhân mãn và ô nhiễm. Kế hoạch đang khởi động. Xuyên qua Phi Châu, cờ đỏ Trung Quốc đang tung bay. Những cuộc mặc cả béo bở đang được đánh đổi để mua những hàng hóa Trung Quốc - dầu hỏa, bạch kim, vàng và khoáng chất. Những tòa đại sứ mới và đường hàng không đang mở ra. Tầng lớp ưu tú của Trung Quốc có thể nhìn thấy khắp mọi nơi, đang mua sắm tại những cửa hàng đắt tiền, lái xe Mercedes và BMW, gửi con học những trường tư dành riêng... Trên khắp lục địa to lớn này, sự hiện diện của Trung Quốc đang phình to như cơn lũ… sống riêng biệt, những chung cư có cổng, chỉ phục vụ thực phẩm Trung Quốc, và ở đó người da đen không được phép vào. “Vải Phi Châu” (African Cloths) bày bán các chợ khắp lục địa cũng là đồ nhập khẩu, chế tạo từ Trung Quốc.”

Trung Quốc không chỉ xuất khẩu di dân, theo tờ Economist thì Trung Quốc còn thâu tóm hơn 7 triệu mẫu tây đất sản xuất dầu cọ (Palm Oil) chủ yếu tại Congo để phục vụ cho nhu liệu sinh học. Ở Zambia, những nông trại của Trung Quốc đã “sản xuất một phần tư số trứng bán ra ở thủ đô Lusaka.” Còn tại Zimbabwe, theo tờ Tuần Báo Standard, chế độ Mugabe đã đi xa hơn khi cho phép các công ty quốc doanh Trung Quốc được tự do sở hữu các nông trại của những người da trắng trước đây.
Ngoài cuộc di dân ào ạt của các nông dân Trung Quốc, từng làn sóng thương nhân Trung Quốc tràn ngập cả Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh. Một số đến với cơn lũ hàng hóa Trung Quốc tràn ngập các thành phố lớn như Kinshasha, Kampala, Lagos, Lima, và Santiago. Những đợt khác – là những thương nhân thuộc loại mạo hiểm hơn - bốc giỡ hàng hóa từ tàu và máy bay để phục vụ những thành phố đang bùng nổ sự phát triển ở vùng xa mọc lên chung quanh những dự án xây cất của Trung Quốc ở khắp các lục địa Phi Châu và Nam Mỹ.

Tại Sao Trung Quốc Được Đón Chào Các Nơi?
Qua những phân tích bên trên, tác giả đã nhận định rằng, nhà cầm quyền Trung Quốc đã và đang xuất khẩu hiệu quả những vấn đề kinh tế và thất nghiệp của chính họ sang những thuộc địa mới trong khi đẩy dân bản xứ thành những đội ngũ sống nhờ vào trợ cấp xã hội hay đi ăn xin ngoài đường phố. Nhưng đây không phải là những xuất khẩu độc hại duy nhất. Theo tác giả, Trung Quốc cũng đang xuất khẩu chính sự khinh thường tột đỉnh mà họ thể hiện trên chính đất của họ liên quan đến an toàn lao động và bảo vệ môi sinh. Người ta cho rằng, nếu như lãnh đạo Trung Quốc đã không có thiện chí bảo vệ những công nhân của họ ngay tại Đại Lục thì đừng chờ mong Bắc Kinh sẽ hành xử tốt hơn đối với những công nhân và môi trường tại các hầm mỏ Cobalt ở Congo, những khu rừng ở Gabon, mỏ Bạc ở Peru hay mỏ Đồng ở Zambia.
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là tại sao có quá nhiều quốc gia Phi Châu, Á Châu, Mỹ Châu đều đang mở rộng vòng tay chào đón Trung Quốc như vậy?
Đa số những quốc gia đón chào Trung Quốc là những nhà nước độc tài, nơi mà những luật lệ được ban hành bởi các tay quân phiệt, cộng sản, những tên sát nhân hàng loạt vô nhân tính, hoặc những nhà nước dân chủ trá hình. Các thể chế dân chủ giả mạo như Angola, Sudan, Zimbabwe luôn luôn đứng đầu trong danh sách các quốc gia này. Tại những quốc gia Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh khác, có đặc điểm là nền dân chủ rất yếu hoặc phe quân đội nắm quyền lực mạnh mẽ. Nguyên tắc thực dân của Trung Quốc dựa trên điều mà Hồ Cầm Đào, chủ tịch nước Trung Quốc đã nói trước Quốc hội Gabon là: “Chỉ có kinh doanh, không đề cập tới chính trị.”.
Qua câu nói của họ Hồ người ta đã thấy bản chất phi đạo đức của lãnh đạo Bắc Kinh. Trung Quốc làm kinh doanh với bất kỳ chính phủ nước nào, bất chấp tình trạng đàn áp nhân quyền, tham nhũng, phi dân chủ. Để làm điều đó, Bắc Kinh chìa bàn tay giúp đỡ trong bối cảnh khủng hoảng và đề nghị giúp đỡ với các điều khoản kinh doanh bất chấp tình trạng nhân quyền hay minh bạch tài chánh của các nước thuộc địa mới này.
Khi các quốc gia Phương Tây cố gắng tạo áp lực đối với những xứ độc tài vi phạm nhân quyền, thì Con Rồng thực dân lại tìm cách đi cửa sau. Khi Hoa Kỳ cắt đứt ngoại giao và thương mại với Sudan vì chính quyền này đã đàn áp và giết chết nhiều người Phi Châu tại Darfur, hoặc khi Liên Hiệp Quốc áp dụng lệnh cấm vận quân sự vào bờ biển Ngà hoặc Siera Leone, hoặc khi Châu Âu áp lực Etriea hoặc Somalia, hay khi toàn thế giới chống lại nhà độc tài Robert Mugabe của Zimbabwe thì Bắc Kinh lại đi cửa hậu để tranh thủ họ. Bắc Kinh đưa một số những đề nghị béo bở với các tay độc tài này - bất cứ điều gì đối tác mong muốn - từ các vũ khí hạng nhẹ và máy bay chiến đấu đến các máy tính đời mới và hệ thống viễn thông hiện đại để giúp họ củng cố quyền lực hầu làm ăn với Bắc Kinh.
Ngoài ra, điều mà người ta đang lo ngại hiện nay là một vài quốc gia phát triển kinh tế và có nền dân chủ vững mạnh như Úc Đại Lợi, Brazil và Nam Phi vẫn có nguy cơ bị quyến rũ bởi chính sách “dùng tiền mua chuộc” của Trung Quốc. Trường hợp Úc Châu, đây là quốc gia có dân số được hưởng nền giáo dục tốt, lực lượng lao động có kỹ năng cao, và hầu như có tất cả nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết để trở thành một cường quốc kỹ nghệ. Tuy nhiên, thay vì phát triển các ngành công nghệ để chế biến tài nguyên thiên nhiên và dùng nó để sản xuất hàng hóa, các nhà lãnh đạo Úc đã suy nghĩ ngắn hạn cho rằng cứ đơn thuần để cho Trung Quốc vào mua, và đào xới các tài nguyên giàu có, và chở nó về Trung Quốc với giá rẻ mạt.
Trong ít năm gần đây, các công ty như Yanzhou Coal Mining, China Minmetals, Human Valin Ste el & Iron, China Metallurgical, và Shanghai Baosteel đã đạt được những hợp đồng to lớn về nguyên liệu thô. Điều này tuy là mối lợi lớn cho hàng trăm gia đình thượng lưu Úc, nhưng về lâu dài thì đó là nguyên nhân của sự nghèo đói một khi Trung Quốc đã khai thác hết những hầm mỏ của Úc. Thậm chí trong ngắn hạn, nước Úc đang nắm đầu cụt của cây gậy thực dân. Đó là bởi vì khi Trung Quốc gửi lại Úc những thành phẩm được sản xuất với nguyên liệu của Úc, lúc đó Úc sẽ chịu thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc - bất chấp nguồn tài nguyên thiên nhiên bao la của họ.
Cả hai quốc gia Brazil lẫn Nam Phi đều có nhiều điểm tương đồng với Úc - cùng nằm trên thuyền thực dân - thậm chí còn bị nhiều chỗ lủng hơn nữa. Cả hai quốc gia đều ngồi trên một loạt kho tàng vô cùng đa dạng. Cả hai quốc gia đều có một giai cấp trung lưu mới trổi dậy và một cơ hội gia nhập đội ngũ của những quốc gia công nghiệp. Tuy nhiên, cả hai quốc gia đều giao nạp quá nhiều những tài nguyên thiên nhiên cho Trung Quốc – và đang bị thâm thủng mậu dịch rất lớn trong tiến trình đó.

Tóm lại, tác giả muốn nhấn mạnh ở phần cuối chương này là Trung Quốc đang có một chiến lược thâu tóm tài nguyên để giữ cho các nhà máy của họ hoạt động. Trong khi đạo quân một triệu người của Trung Quốc tràn sang Phi Châu, Á Châu và Châu Mỹ La Tinh để thực hiện chiến lược thâu tóm tài nguyên thiên nhiên, khuynh loát thị trường và khóa chặt phần còn lại của thế giới, thì con Đại Bàng Mỹ vẫn nằm yên dưới đất. Âu Châu vẫn bị chết cứng trong thái độ bất hợp tác cố hữu, và Nhật Bản thì đơn thuần bị tê liệt vì sợ hãi. Điều này không phải luôn luôn như vậy – ít nhất là đối với Hoa Kỳ.


Chương 8:
Death By Blue Water Navy: Why China’s Military Rise Should Red Flags
Chết Bởi Hải Quân Nước Xanh: Tại Sao Cần Báo Động Đỏ Sự Trổi Dậy Của Quân Đội Trung Quốc.

Lần cuối cùng mà Phương Tây chú ý đến quân sự Trung Quốc là ngày 4 tháng 6 năm 1989. Đó là ngày những xe tăng của Con Rồng cán qua những xác người và xe đạp ở Quảng Trường Thiên An Môn và lực lượng xung kích hiếu sát đã thực tập tác xạ vào những người phản kháng dọc chân tường của Cấm Thành.
Kể từ cuộc đổ máu đó cách nay hơn hai thập niên, những nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không có thái độ nhẹ nhàng hơn đối với các nhà phản kháng chính trị. Điều thay đổi đáng kể là kho vũ khí quân sự của họ
Thực vậy, Bộ binh, Không quân, và đặc biệt là Hải quân Trung Quốc đã có những bước nhảy vọt vĩ đại về phía trước trở thành lực lượng được trang bị dữ dội nhất trên thế giới. Bất hạnh thay, kho vũ khí sáng chói này bây giờ đang nhắm vào chúng ta.
Một trong những vũ khí giết người hàng loạt là đầu đạn Đông Phong 31A (DF-31A). Đây là một hỏa tiễn xuyên lục địa lưu động tầm xa (ICBM) khó phát hiện, càng khó xác định vị trí, và sẵn sàng phóng đi một đầu đạn nguyên tử một triệu megaton thẳng đến trước cửa nhà của bạn tại Des Moines, Iowa hay Decatur, Alabama. Hay là loại tàu ngầm nguyên tử có trang bị đầu đạn Ju Lang 2 (ICBM). Những hỏa tiễn “Sóng Thần” (Great Wave) này có thể được trang bị với nhiều đầu đạn có khả năng đốt cháy bất cứ thành phố nào ở Hoa Kỳ hay Âu Châu.
Và nói đến tàu ngầm, tác giả đã cho biết là trên đảo nhiệt đới Hải Nam, tỉnh cực Nam của Trung Quốc, Hải quân đã xây một địa đạo ngầm theo kiểu phim James Bond. Mục tiêu rõ ràng của căn cứ này là che chắn không cho vệ tinh Phương Tây nhìn thấy sự ra vào của hạm đội tàu ngầm - một hạm đội hiện thường xuyên xâm nhập lãnh hải của Nhật và cũng thường theo dõi tàu của Hoa Kỳ trên đại dương.
Đối với việc kiểm soát đại dương, Trung Quốc đã dùng hỏa tiễn chống tàu thủy DF-21D - một loại vũ khí thực sự thay đổi cuộc chiến hải quân. Nó là dàn phóng di động, Mach 10 (vũ khí chạy bằng nhiên liệu đặt và bay nhanh hơn vận tốc âm thanh 10 lần), được thiết kế để tấn công vào hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ từ Eo biển Đài Loan và Biển Nhật Bản xuống đến những bãi biển của Hawaii; và tử thần hung hiểm này chỉ có một mục tiêu: những hàng không mẫu hạm như USS George Washington, với thủy thủ đoàn gồm 5000 Thủy thủ và Phi công Hoa Kỳ.
Tất cả những vũ khí mà Trung Quốc xử dụng nói trên, theo tác giả thì nó không chỉ nhằm bảo vệ lãnh thổ mà còn để thực hiện “chiến dịch viễn dương” (expeditionary campaigns) của Bắc Kinh, đặc biệt là đối phó với Nhật Bản, Ấn Độ hay Việt Nam trong các cuộc xung đột cấp vùng. Ngoài ra, Trung Quốc còn xử dụng những vũ khí này để dành quyền kiểm soát của Hoa Kỳ trên những địa bàn chiến lược, những đường vận chuyển quốc tế, hay để cuối cùng tiến chiếm Đài Loan trong một trận đánh chớp nhoáng.
Đô Đốc Mike Muller, Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân cho rằng những gia tăng quân sự nhanh chóng của Trung Quốc hiện nay đã mâu thuẫn với chủ trương “trổi dậy hòa bình” của Thủ tướng Ôn Gia Bảo: “Những đầu tư to lớn của Trung Quốc trong lãnh vực hàng hải viễn dương hiện đại và những khả năng không quân có vẻ ngược với mục tiêu phòng thủ lãnh thổ. Mọi quốc gia đều có quyền tự vệ và chi phí thích ứng cho mục tiêu đó. Nhưng sự chênh lệch quá lớn như đang thành hình giữa ý đồ công khai của Trung Quốc và những chương trình quân sự của họ khiến tô rất thắc mắc về hệ quả sau cùng. Thực vậy, tôi đã đi từ hiếu kỳ sang quan ngại thực sự”.
Để giúp độc giả hiểu rõ tiềm lực quân sự của Trung Quốc và nhất là các ý đồ của Bắc Kinh trong việc hiện đại hóa quân đội, tác giả đã dành chương 8 đề cập về tiềm lực Bộ binh, Không quân và Hải quân của Trung Quốc. Riêng hai chương 9 và 10 thì tác giả đề cập về những hoạt động gián điệp của Trung Quốc mà tác giả gọi là “cuộc chiến không đối xứng” (asymetric warfare).

.
.
.

No comments: