Sunday, November 20, 2011

ĐỌC TẬP SÁCH "CHẾT BỞI TRUNG QUỐC" của TÁC GIẢ PETER W. NAVARRO & GREG AUTRY [Phần 8/1] - Lý Thái Hùng



Lý Thái Hùng
Cập nhật: 29/10/2011

PHẦN 8

Chương 15:
Death by China: Apologist Fareed Zakaria Floats Away.
Chết Bởi Trung Quốc: Tên Biện Hộ Fareed Zakaria Đang Vật Vờ Trôi Đi

Mỗi ngày trên toàn quốc Hoa Kỳ, có một số đông người cố bênh vực và ca tụng Trung Quốc, không hề nhận thực về những điều tồi tệ mà Trung Quốc đang nhắm vào Hoa Kỳ như đánh cắp tài sản trí tuệ, đánh cắp hàng triệu việc làm của công nhân Hoa Kỳ, ráo riết tân trang vũ khí để đánh chìm hải quân Hoa Kỳ.... Tác giả đã nêu đích danh một số nhà báo, giáo sư đại học và bình luận gia nổi tiếng như Fareed Zakaria, James Fallows, Tom Friedman, Fred Hiatt, Nicholas Kristof, David Leonhardt và Joseph Stiglitz, là những người đứng về phía Trung Quốc để chống lại những người đang thúc đẩy những cải cách mà đáng lý đã phải làm từ lâu.

Đã có một liên minh gồm những đoàn thể, công ty và cá nhân liên kết một cách không chính thức để ủng hộ Trung Quốc. Ngày nào mà dư luận Hoa kỳ chưa vạch trần những ý đồ đen tối của nhóm người thuộc "liên minh ủng hộ Trung Quốc” sẽ khó mà tạo ra những cải cách trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Trong chương này, tác giả sẽ đề cập đến những tổ chức nằm trong “liên minh ủng hộ Trung Quốc” gồm có:
1/ Trường phái phóng khoáng: Dân chủ hóa và thuần phục Con Rồng (The “Democratize and Tame the Dragon” Liberals)
2/ Trường phái bảo thủ: Nguyền rủa bọn phá hoại thương mại: “Tự Do Mậu Dịch Bằng Mọi Giá ” (The Damn the Mercantilist Torpedoes, “Free Trade Ahead at Any Costs” Conservatives).
3/ Những chủ ngân hàng lưu vong phố Wall chuyên thao túng dư luận (The Wall Street Banker Expat Spin Doctors)
4/ Những kẻ nhân nhượng trong chóp bu quyền lực tại Washington (The Washington Power Elite Appeasers)
5/ Những bậc thầy Toàn cầu hóa: “Thế Giới Phẳng” (The “World Is Flat” Globalization Gurus)
6/ Những nhóm tư vấn dẫn mối cho Gấu Trúc (The Panda-Pandering Think Tanks)
Trường Phái Phóng Khoáng: Dân Chủ Hóa và Thuần Phục Con Rồng

Dân chủ hóa và thuần phục Con Rồng (The “Democratize and Tame the Dragon” Liberals)
Nội dung chính trong lập luận ủng hộ Trung Quốc của nhóm này là: Chúng ta phải tiếp cận con Rồng để chế ngự nó.
Theo quan điểm này, tất cả những gì mà một Trung Quốc độc tài toàn trị thật sự cần để trở thành một Trung Quốc dân chủ là thời gian – và một liều lượng khổng lồ của thịnh vượng kinh tế. Nhóm này còn lập luận rằng: khi trở nên sung túc hơn, Trung Quốc sẽ trở thành như Hoa Kỳ, có nghĩa là, một nền dân chủ văn minh, biết tôn trọng tự do ngôn luận, nhân quyền, sở hữu trí tuệ, những nguyên tắc tự do mậu dịch, và giá trị thiêng liêng của các thùng phiếu.
Chính những lập luận sai lầm này đang là nền tảng cho nguồn gốc của những vấn đề kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Chính quyền Bill Clinton đã không ngừng sử dụng luận cứ đó trong những năm cuối thập niên 1990 để hỗ trợ cho chính sách “can dự” (engagement) với Trung Quốc và gây áp lực với các nhà lập pháp để đưa Trung Quốc vào Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới vào năm 2000.
Tất nhiên, lịch sử trên vấn đề này đã chứng tỏ đây là một tình nhân khắc nghiệt cho Tổng thống Bill Clinton. Trong thập niên qua, Hoa Kỳ đã đem về kết quả hoàn toàn trái ngược so với kết quả đã được hứa hẹn bởi chính sách “can dự” của ông đối với Trung Quốc.
Thật vậy, nền kinh tế Trung Quốc mang lại cho tầng lớp trung lưu đang trổi lên càng nhiều của cải bao nhiêu thì lại càng có nhiều công dân Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận ý tưởng rằng chủ nghĩa toàn trị vừa cần thiết vừa đáng quý để giữ cho phép lạ tăng trưởng. Giáo sư Minh Nhạc (Ming Xia) đã mô tả Trường Phái Phóng khoáng Mỹ đã hoàn toàn hiểu sai suy nghĩ của nhóm tân bảo thủ Á Châu:
Ở Phương Tây, những người theo khuynh hướng tự do dân chủ thường hy vọng rằng nền kinh tế thị trường mới nổi sẽ tạo ra một tầng lớp trung lưu khá lớn; sau đó những người này sẽ trở thành xương sống của xã hội dân sự và động lực cho dân chủ hóa. Nhưng, nhiều chuyên gia Á Châu đã phát hiện ra rằng điều đó không đúng ở Đông Á: dưới chế độ tư bản theo định hướng của nhà nước, tầng lớp trung lưu thường phụ thuộc vào nhà nước cho việc làm (công chức và chuyên viên nhà nước) và các tài nguyên (giới kinh doanh); do đó họ không hoạt động chống lại nhà nước. Đây là trường hợp ở Trung Quốc. Không đáng ngạc nhiên, tầng lớp trung lưu đã đứng về phía chủ nghĩa tân bảo thủ (neo-conservatism) ở Trung Quốc từ thập niên 1990.
Nói thẳng ra, có nhiều người dân Trung Quốc dường như sẵn sàng từ bỏ các quyền tự do ngôn luận và nhân quyền để đổi lấy quyền lực và tiền bạc hầu mua xe BMW và bánh mì kẹp Big Mac. Đó là lý do tại sao Giáo sư Đại học Harvard Samuel Huntington cảnh cáo những người theo Trường phái phóng khoáng giữa thập niên 1990 không nên tin hoàn toàn vào chính sách “can dự”. Lời cảnh báo của ông Huntington đã được trích dẫn trong tờ Taiwan Review:
Bản chất của nền văn minh Phương Tây là Đại Hiến Chuơng (Magna Carta), chứ không phải là đại McDonald’s. Thực vậy, người Trung Quốc có thể ăn Hamburger McDonnalt hay thậm chí lái xe hơi, nhưng vẫn không quan tâm đưa vấn đề dân chủ vào chính trị của họ, đặc biệt khi họ trở nên giàu có dưới chủ nghĩa tư bản độc tài do nhà nước chỉ huy.
Khi suy nghĩ kỹ vấn đề này, chúng tôi muốn làm thật rõ một điều: Không có cái gì gọi là cố hữu “Trung Quốc” hay cố hữu về chủ nghĩa toàn trị, và không có thứ gì ngăn cản nhân dân Trung Quốc tiến đến xã hội tự do. Thực vậy, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore và Cộng đồng Trung Hoa khắp thế giới đã từng nhiều lần chứng minh điều này.
Thực ra, sự thành công của người Hoa trong những hệ thống khác nhau và dân chủ hơn là kết quả của lòng tự hào, tính cần cù lao động và triệt để tôn trọng giáo dục. Tuy nhiên, thật đáng buồn, bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng sản đã bịp bợm thuyết phục một bộ phận quan trọng của Trung Quốc – và nhiều người trên thế giới - rằng chính sự “lãnh đạo đáng ngưỡng mộ” của đảng Cộng sản đã tạo nên sự giàu có cho Trung Quốc.
Trường Phái Bảo Thủ: Nguyền Rủa Bọn Phá Hoại Thương Mại: Tự Do Mậu Dịch Bằng Mọi Giá.

Nguyền rủa bọn phá hoại thương mại: “Tự Do Mậu Dịch Bằng Mọi Giá ” (The Damn the Mercantilist Torpedoes, “Free Trade Ahead at Any Costs” Conservatives).
 Theo tác giả thì dấu hiệu phân biệt những người theo phái bảo thủ nói trên là một niềm tin mù quáng vào nguyên tắc tự do mậu dịch bất kể loại chính sách con buôn và bảo hộ nào mà những đối tác mậu dịch của Hoa Kỳ chọn lựa. Tuy nhiên, như chúng ta học bài học đau thương nơi Chương 4 về cái chết của hạ tầng sản xuất của Hoa Kỳ, tự do mậu dịch chỉ làm lợi cho cả hai phía nếu cả hai đều tuân thủ theo luật lệ. Ngược lại, và như nhiều trường hợp quan hệ mậu dịch bất cân xứng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, một quốc gia thắng trên sự thua thiệt của nước bên kia về thu nhập, công việc làm, hạ tầng sản xuất và thịnh vượng.
Có lẽ điều khó chịu nhất về những người trong Trường Phái Bảo Thủ là gần như không thể tranh luận với họ. Những nhà tư tưởng tự mãn này có vẻ dung túng bất kỳ vi phạm nào của Trung Quốc về tự do mậu dịch, ngay cả khi họ đòi hỏi Hoa Kỳ phải tiếp tục tuân thủ những quy luật đó. Thật ra, không có chỗ nào trong tư tưởng này cho thấy sự uyển chuyển trí óc để phân biệt, ví dụ, giữa các loại thuế bảo hộ xấu và các hạng ngạch được thiết kế để đóng cửa thị trường đối với người ngoại quốc với các biện pháp chính đáng để tự vệ như các sắc thuế trừng phạt những trợ cấp bất chính của chính quyền Trung Quốc.
Tác giả đã đưa tờ Wall Street Journal là một điển hình cho trường phái bảo thủ. Theo tác giả thì khi nào xuất hiện một tiêu đề về cải tổ mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thì ban xã luận và nhóm bình luận bảo thủ của tờ Wall Street Journal bắt đầu tấn công với một công thức tuyên truyền theo kiểu “đã thử và đúng” (tried-and-true).
Tờ Wall Street Journal đã viết như sau: “Làm như nền kinh tế thế giới chưa đủ suy yếu, các chính trị gia ở Mỹ và Trung Quốc dường như có ý định theo đuổi một cuộc chiến về tiền tệ theo lối cũ. Trong vấn đề này, Hoa Kỳ đang phạm sai lầm nhiều hơn Trung Quốc, và điều quan trọng là phải hiểu tại sao, để hai quốc gia không đưa thế giới quay về thời kỳ đen tối của chủ nghĩa bảo hộ tiền tệ theo kiểu “lợi mình hại người” (beggar-thy-neighbor).
Với quan điểm và công thức mang tính tuyên truyền nói trên, tờ Wall Street Journal luôn luôn bắt đầu việc quy kết bất kỳ hành động tự vệ nào đối với Trung Quốc là theo “chủ nghĩa bảo hộ”. Sau khi phun ra chữ P (Protectionism) đầy cảm tính, tờ Wall Street Journal tiếp nối bằng một cảnh cáo nghiêm khắc về một cuộc chiến mậu dịch sắp xảy ra nếu Hoa Kỳ cố tự vệ trước sự ăn cướp kiểu dã thú của Trung Quốc.
Đương nhiên, nếu cải cách thực sự là một khả năng, tờ Wall Street Journal sẽ cố làm cho chúng ta sợ bằng cách trích dẫn và đổ trách nhiệm lên thuế suất Smoot – Hawley trong việc gây ra cuộc Đại Khủng Hoảng. Điều này không khác gì một đống phân bò, nhưng đó là sự tuyên truyền hiệu nghiệm khó chối bỏ vốn đã phục vụ tốt cho luận điệu: “Hướng đến tự do thương mại với mọi giá” của tờ Wall Street Journal trong những năm qua.
Điều này không có nghĩa là tờ The Wall Sttreet Journal một mình, trong thành phần ưu tú của giới báo chí tài chánh, có thể đứng ra tấn công những nhà chủ trương cải cách đối với Trung Quốc. Đáng tiếc, hai tay chơi lớn toàn cầu khác - Nhật Báo Finance Times và Tuần Báo Economist – cũng có cùng khuynh hướng muốn làm ngơ những thủ đoạn mậu dịch bất chính của Trung Quốc vì sợ rằng trấn áp những thủ đoạn như thế có thể làm suy yếu chế độ tự do mậu dịch toàn cầu.
Ngoài những tờ báo lớn, có nhiều học giả bảo thủ và thành viên một số viện nghiên cứu nằm trong nhóm bảo thủ ủng hộ Trung Quốc. Ví dụ, Dan Griswold thuộc Cato Institude và Ed Feulner thuộc Heritage Foundation là những người thường xuyên đưa ra những luận điệu ủng hộ lập luận tự do mậu dịch nói trên. Ngoài ra còn có Greg Mankiw của Đại học Harvard, Ronald McKinnon của Đại học Stanford, ủng hộ tự do mậu dịch và chống lại việc Quốc hội bàn thảo những dự luật liên quan đến cải cách tiền tệ đối với Trung Quốc. Tác giả cho rằng nhóm bảo thủ này đã không nhận thức một điều hệ trọng là: Trung Quốc đang làm hại nền tự do mậu dịch nhiều hơn rất nhiều so với hệ quả trừng phạt tự vệ có thể có đối với chính sách lái buôn và bảo hộ của Trung Quốc.
Lãnh Đạo Ngân Hàng Phố Wall - Lũ Lưu Vong Chuyên Thao Túng Dư Luận

Những chủ ngân hàng lưu vong phố Wall chuyên thao túng dư luận (The Wall Street Banker Expat Spin Doctors)
Trong khi chúng ta không đặt dấu hỏi trên vấn đề chính trực “integrity” và động cơ “motives” của những người theo Trường Phái Phóng Khoáng “dân chủ hóa và chế ngự con Rồng” hay những người theo Trường Phái Bảo Thủ “Chống phá hoại thương mại, hướng đến tự do mậu dịch bằng mọi giá” - thì họ đã nhiệt tình bênh vực lập trường của họ dựa trên một cam kết ý thức hệ – tuy nhiên, thái độ nhân nhượng này không thể áp dụng cho liên minh thứ ba thuộc nhóm “Lãnh đạo Ngân hàng phố Wall” bênh vực cho Trung Quốc. Nhóm “Lãnh đạo Ngân hàng phố Wall” đại diện cho tất cả các ngân hàng lớn khác nhau và các công ty dịch vụ tài chính đã đầu tư rất nhiều ở Trung Quốc và hiện đang thu vào rất nhiều tiền và rất nhanh - thường là với những tổn phí mà Hoa Kỳ phải trả. Đương nhiên, chiến lược tiêu biểu của nhóm này là xử dụng các lập luận được công chúng ưa thích để làm tăng lợi ích tài chính cho bản thân.
Có lẽ những hung thủ lợi hại nhất của nhóm này là những tay tài phiệt lớn như Goldman Sachs và Morgan Staley. Họ đã thiết lập một vài chi nhánh thuộc loại nhất của Hoa Kỳ tại Trung Quốc, thường có một quan hệ khắng khít với những cán bộ Trung Quốc và muốn bảo đảm rằng không có gì có thể làm chao đảo chiếc thuyền chở vàng của họ.
Với mục đích đó, họ đã thuê hai trong số những tay súng đánh thuê có thành tích cao nhất trong cuộc tranh luận về Trung Quốc, đó là Jim O’Neil, Chủ tịch Ban quản trị tài sản của Goldman Sachs và Stephen Roach, Cựu chủ tịch của Morgan Stanley Asia. Cũng như các biên tập viên của The Wall Street Journal, hai người luân phiên nhanh chóng chụp mũ “bảo hộ” hay “bài Trung Quốc” cho bất cứ ai tìm cách cải tổ với Trung Quốc – và cả hai được tán thưởng như những ca sĩ nhạc Rock trên báo chí của nhà nước Trung Quốc. Điểm nổi bật giữa hai tên đánh thuê nặng ký này với đám đông là cách xử dụng thông minh các lập luận kinh tế và xuyên tạc các thống kê.
Ví dụ, hãy xem trường hợp Jim O’Neil. Ngay đêm hôm trước khi có quyết định quan trọng của Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ liên quan đến việc Trung Quốc thao túng tiền tệ , tờ Financial Times đã trao cho Jim O’Neil một cột báo để đưa ra một luận điệu lạ lùng là: “đồng nhân dân tệ rất gần với giá thực của nó”. Trong khi đó, tờ Nhân Dân Nhật Báo Trung Quốc ở Bắc Kinh thì viết bài ca ngợi cựu chủ tịch Morgan Stanley của Morgan Staley Asia là đã phê phán về các hành động chống lại Trung Quốc của chính phủ Hoa Kỳ.
Tờ Nhật báo Trung Quốc viết rằng: “Cựu chủ tịch Morgan Stanley Asia là Stephen Roach đã nói một cách mỉa mai rằng chính quyền Hoa Kỳ đã quy kết tiền tệ Trung Quốc là nguyên nhân gây ra tình trạng thất nghiệp và thâm thủng mậu dịch của Hoa Kỳ, và cho rằng những trừng phạt mậu dịch đối với Trung Quốc sẽ gây ra một hậu quả tai hại cho Hoa Kỳ. Thâm thủng mậu dịch song phương Mỹ - Trung có rất ít liên quan đến đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Nó phản ảnh một sự thật là Hoa Kỳ không có tiết kiệm và những quốc gia không tiết kiệm phải nhập khẩu tiết kiệm thặng dư từ nước ngoài.”
Với những phát biểu của Jim O’Neil và Stephen Roach nói trên, độc giả nhìn thấy lý do vì sao Trung Quốc tránh né việc định giá đồng nhân dân tệ một cách công bằng, chính là vì nó không cung ứng một lực đẩy lớn cho nền kinh tế Trung Quốc. Việc Stephen Roach cho rằng Hoa Kỳ thâm thủng mậu dịch vì không tiết kiệm. Đó là suy nghĩ không nghiêm túc vì Stephen Roach từ chối ghi nhận vai trò quan trọng mà quá trình thao túng tiền tệ của Trung Quốc đã gây ra trong việc “nén” lãi xuất Hoa Kỳ một cách giả tạo, đưa đến hệ quả “nén” tỉ suất tiết kiệm tại Hoa Kỳ.

.
.
.

No comments: