Sunday, November 20, 2011

ĐỌC TẬP SÁCH "CHẾT BỞI TRUNG QUỐC" của TÁC GIẢ PETER W. NAVARRO & GREG AUTRY [Phần 8/2] - Lý Thái Hùng



Lý Thái Hùng
Cập nhật: 29/10/2011

2
Những Kẻ Nhân Nhượng Trong Chóp Bu Quyền Lực Tại Hoa Thịnh Đốn (The Washington Power Elite Appeasers)
Thập niên vừa qua, trong khi Trung Quốc chế ngự nền kinh tế Hoa Kỳ, dường như nó không là vấn đề cho bất cứ ai ngồi ở Tòa Bạch Ốc, ai điều hành Bộ Tài Chánh, hay ai chiếm đa số tại Capitol Hill. Bất luận đảng chính trị nào nắm quyền lực, sự đồng thuận trong nhóm “những kẻ nhân nhượng trong chóp bu quyền lực tại Hoa Thịnh Đốn” là nên nhân nhượng hơn là đối đầu với Con Rồng.
Với Tổng Thống George W Bush, vấn đề phần lớn là tư tưởng - là một nhà mậu dịch tự do, ông đã không thể hiểu được sự thiệt hại gây ra cho hạ tầng sản xuất của Hoa Kỳ do chính sách lái buôn và bảo hộ của Trung Quốc. Thêm vào sự phân tâm của ông Bush về cuộc chiến ở Iraq, cuộc chiến chống khủng bố, và nỗi ám ảnh của ông đối với “trục ma quỷ”, chúng ta đã bị tổn thương với 8 năm của chính sách “không thấy ma quỷ Trung Quốc” từ một nhân vật quyền lực nhất hành tinh.
Sau 8 năm của ông Bush, người ta hy vọng là khi có sự thay đổi lãnh đạo ở Hoa Thịnh Đốn qua cuộc bầu cử năm 2008, Hoa kỳ sẽ nhanh chóng chuyển sang một lộ trình mới của những cải cách có ý nghĩa với Trung Quốc. Tuy nhiên, với Tổng Thống Barack Obama, rõ ràng là người dân Hoa Kỳ đã đánh đổi một kẻ nhân nhuợng trong chóp bu quyền lực tại Hoa Thịnh Đốn bằng một người khác.
Điều đáng lo nhất trong tất cả những vấn đề này là Tổng Thống Obama dường như hoàn toàn không có khả năng nối kết những gạch nối ngày càng rõ ràng giữa tình trạng suy thoái kinh tế và những vũ khí tiêu diệt việc làm của Trung Quốc. Có thể là vì ông tin rằng ông cần phải tiếp tục vay tiền của Trung Quốc để tài trợ cho những cú kích cầu tài chánh khổng lồ và thiếu hụt ngân sách. Có thể là vì ông đã bị bao vây quanh mình những thành phần nội các và cố vấn thân Tàu như Jason Furman của Tòa Bạch Ốc, Bộ trưởng thương mại Gary Locke, Giám đốc Hội đồng an ninh quốc gia Jeffrey Bader, Lael Brainard của Bộ tài chánh, James Steinberg và Kurt Campbell của Bộ ngoại giao.
Điềm đáng ngại nhất, có lẽ là Tổng Thống Obama thực sự không hiểu những phức tạp của kinh tế vĩ mô toàn cầu và như là một phiên bản hiện đại của Neville Chamberlain, “tuyệt đối tin rằng” sự “trổi dậy” của Trung Quốc sẽ “hòa bình” và “tốt cho Hoa Kỳ”. Dù cách nào đi nữa, chúng ta ở Hoa Kỳ đã không được đáp ứng tốt về những câu hỏi liên quan tới Trung Quốc từ hai chủ nhân gần đây nhất của Toà Bạch Ốc.
Và từ câu chuyện này của hai vị Tổng Thống, không mấy ngạc nhiên khi chúng ta có những câu chuyện tương tự về hai Bộ trưởng tài chánh – Henry Paulson thời Bush con và Timothy Geithner thời Obama. Dù cho có nhiều cơ hội – và những bằng chứng hiển nhiên - cả hai người đều liên tiếp
từ chối việc tiến hành một trong những bước quan trọng nhất và trực tiếp mà đất nước này có thể thực hiện trên con đường tiến đến cải cách mậu dịch với Trung Quốc, cụ thể là dán nhãn Trung Quốc là thao túng tiền tệ.
Dĩ nhiên không ai thật sự hy vọng là Hank Paulson trừng phạt Trung Quốc về tội thao túng tiền tệ. Dầu sao, trước khi trở thành Bộ trưởng tài chánh, Paulson là một trong những tay đầu sỏ quan trọng của nhóm “Lãnh đạo ngân hàng phố Wall”. Thật ra, trên cương vị là Chủ tịch và Tổng giám đốc điều hành (CEO) của Goldman Sachs, Paulson đã thực hiện hơn 70 chuyến đi đến Trung Quốc. Mối liên hệ với Trung Quốc của Paulson đã giúp cho công ty của ông ta kiếm hàng trăm triệu Mỹ Kim; và không thể nào một tay gạo cội của phố Wall lại cắn bàn tay Bắc Kinh vốn đang nuôi sống cho các đồng chí Goldman Sachs của ông ta quá tốt.
Còn chuyện làm thế nào mà Timothy Geithner lại trở mặt một cách nhanh chóng thành kẻ bênh vực Trung Quốc, đây là điều bí ẩn lớn. Và trời hỡi, nhanh tới độ khó lường! Trong một phút chớp nhoáng “thấy đó, mất đó” ở New York, Geither đi từ một nhà cải cách Trung Quốc, hứa hẹn sẽ dán nhãn Trung Quốc thao túng tiền tệ trong suốt cuộc điều trần nhậm chức, sang thành người nhân nhượng Trung Quốc ngay sau khi ông ngồi vào ghế Bộ trưởng.

Những Bậc Thầy Toàn Cầu Hóa “Thế Giới Phẳng”  (The “World Is Flat” Globalization Gurus)
Ký giả James Fallow, tác giả của nhiều bài báo về Trung Quốc đã viết như sau: “Cho đến nay, mối quan hệ kinh tế của Hoa Kỳ với Trung Quốc đã thành công và có lợi – và lợi cả đôi bên.”
Một ca làm việc trong nhà máy (ở Trung Quốc) thường là 12 tiếng, và thường với 2 lần nghỉ ở giữa cho họ dùng bữa (có trợ cấp hay miễn phí), sáu hay bảy ngày một tuần. Bất cứ khi nào có sự cố - nếu dây chuyền bị dừng lại vì lý do nào đó, hoặc nếu công nhân có dư chút thời giờ tại bữa ăn - nhiều người gục đầu vào cái bàn trước mặt và đánh ngay một giấc.”
Làm thế nào mà một trí thức Hoa Kỳ như James Follow lại có thể dung hòa phát biểu phần đầu và phần thứ hai của ông được? Đây là một câu hỏi hay, nhưng nếu “Những bậc thầy toàn cầu hóa” giỏi một thứ gì đó, thì đó là khả năng che đậy những mâu thuẫn dưới sự bao phủ của những câu chuyện hoang đường như chuyện Trung Quốc dựa vào bóc lột lao động lại được xem là “có lợi” cho Hoa Kỳ và những công nhân của họ.
Những bậc thầy Toàn cầu hóa là ai? họ là những người đàn ông (và thỉnh thoảng có những người đàn bà) viết những bài bóng bẩy và đăng trên những tạp chí và nhật báo có uy tín quốc gia như Atlantic Monthly, The New York Times và Tuần Báo Time. Ngoài Fallow, họ còn có những cái tên như Tom Friedman, Nocholas Kristof, và Fareed Zakaria đã đề cập trước đây.
Những nhân vật nói trên có chung một nền tảng nhận định rất sai lầm rằng các công nhân và những công ty Hoa Kỳ thuê mướn họ không còn khả năng cạnh tranh chi phí với những quốc gia đang phát triển như Trung Quốc.
Qua kinh nghiệm lịch sử, Hoa Kỳ luôn luôn có khả năng cạnh tranh với các nước có mức lương thấp hơn bằng lợi thế năng xuất vượt trội của nó. Với lợi thế đó, thực sự không trở thành vấn đề, nếu những công nhân ở Thẩm Quyến hay Sài Gòn kiếm 50 xu Mỹ Kim một giờ và công nhân Hoa Kỳ kiếm gấp 30 lần, và nếu những công nhân Hoa Kỳ - được trang bị với những kỹ thuật mới hơn và những trang thiết bị vượt trội – có thể có năng xuất cao gấp 30 lần.
Dĩ nhiên, vấn đề hiện nay của Hoa Kỳ với Trung Quốc không phải là cạnh tranh về lương thấp. Các công ty và công nhân Hoa Kỳ phải vượt qua những trợ cấp xuất khẩu phi pháp của Trung Quốc, sự thao túng tiền tệ và nhiều vũ khí tiêu diệt việc làm của Trung Quốc. Chưa một người Hoa Kỳ nào tỏ ý nghi ngờ về một chân lý kinh tế đã tồn tại rất lâu: Trên một sân chơi bình đẳng với Trung Quốc hay bất kỳ một quốc gia nào khác, các công ty và công nhân Hoa Kỳ có thể cạnh tranh với bất kỳ ai trên thế giới.
Do bởi chân lý này mà việc tuân thủ những cải cách thực sự về tiền tệ và mậu dịch đối với một Trung Quốc gian lận rất quan yếu tại thời điểm chuyển tiếp này trong lịch sử của chúng ta. Tuy vậy, các bậc thầy Toàn cầu hóa từ chối ghi nhận sự thật này và thay vì vậy, họ khăng khăng rằng những người công nhân Hoa Kỳ không cần những công việc sản xuất bởi vì những công việc này “dứt khoát” phải đưa sang những quốc gia như Trung Quốc.
Những bậc thầy Toàn cầu hóa không chỉ sai lầm mà họ còn sử dụng những vị trí quyền lực và đặc lợi của họ tại những đỉnh cao của các tờ báo để đánh lừa, và trong một số trường hợp, nói dối trắng trợn với công chúng Hoa Kỳ nhằm củng cố ý đồ toàn cầu hóa của họ. Ví dụ, Fareed Zakaria đã huyênh hoang chống lại cải cách tiền tệ Trung Quốc, từ vị trí đặc quyền của ông ta ở tạp chí Time như sau:
Ngày 29 tháng 8 năm 2010, Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua dự luật nhằm trừng phạt việc Trung Quốc đã duy trì hối xuất thấp cho đồng tiền của họ dưới giá trị thực bằng việc đánh thuế suất trên hàng hóa của Trung Quốc. Mọi người dường như đồng ý rằng đó là thời điểm phải làm. Nhưng không phải thế. Dự luật này hoàn toàn vô nghĩa và tồi tệ hơn nữa là lối mị dân nguy hiểm. Nó sẽ không giải quyết được vấn đề mà nó đang tìm cách giải quyết. Đáng lo hơn, nó là một phần của tinh thần chống Trung Quốc đang lên ở nước Mỹ vốn bỏ lỡ những thách thức thực sự của giai đoạn phát triển kế tiếp của Trung Quốc.
Thật sự, ngay cả bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh cũng không thể khuấy tung một cách tài tình nghệ thuật hơn thế được. Khi lý luận rằng dự luật cải tổ tiền tệ sẽ “trừng phạt Trung Quốc”, Zakaria ngay từ đầu đã dàn dựng Trung Quốc như một nạn nhân đáng thương sẽ bị “đánh” bởi các sắc thuế hơn là kẻ săn mồi lái buôn mà Hoa Kỳ phải tự vệ để chống lại. Hãy trở về với trái đất Fareed: Đó là vi phạm nguyên tắc tự do mậu dịch nếu định giá đồng tiền thấp hơn 40% giá trị thật - đơn giản chỉ để bòn rút các đối tác mậu dịch của mình.
Zakaria còn khẳng định rằng đánh thuế trả đũa để bù đắp cho đồng tiền đánh giá thấp của Trung Quốc “sẽ không giải quyết vấn đề mà nó đang tìm cách giải quyết”. Luận điểm này của Zakaria không đúng. Nếu đưa đồng tiền của Trung Quốc trở về giá trị thật, thu nhập của Hoa Kỳ sẽ gia tăng trong tương quan mậu dịch với Trung Quốc và buộc họ phải hành xử đứng đắn.
Zakaria là một người hay chỉ trích những ai ủng hộ cải cách tiền tệ đối với Trung Quốc là “mị dân nguy hiểm” (dangerous demagoguery). Trong khi Zakaria là một người thân Tàu rất lộ liễu nhưng lại không nghiên cứu kỹ càng cho những lập luận bênh vực Trung Quốc của mình.
Ví dụ, Zakaria đã giải thích nguồn gốc của lợi thế về giá thành của Trung Quốc đối với những nhà sản xuất Hoa Kỳ trên Tạp chí Time. Với Zakaria, vấn đề không chỉ là lương thấp. Nó còn là các yếu tố khác như “sự hiếu khách trong kinh doanh, những công đoàn biết tuân thủ và lực lượng lao động cần cù.” Zakaria đã không hiểu thực chất của những gì mà Zakaria ca tụng về công nhân Trung Quốc. Đối với cái gọi là “sự hiếu khách trong kinh doanh” của công nhân Trung Quốc, Zakaria phải tin rằng tệ nạn tham nhũng lan tràn ở Trung Quốc bằng cách nào đó đã giúp cải thiện môi trường kinh doanh. Đối với “những công đoàn biết tuân thủ” của Zakaria, nó như việc thoa son cho heo; những công đoàn lao động Trung Quốc chỉ tồn tại trên danh nghĩa và Thượng Đế (và một toán bác sĩ nằm chờ) phải đến để giúp đỡ bất kỳ người nào đứng ra cố gắng thành lập một tổ chức lao động thực sự có thực lực điều đình. Và liên quan đến “lực lượng lao động cần cù” của Trung Quốc, nếu Zakaria không muốn nói là người Mỹ không sẵn lòng làm việc 12 tiếng một ngày, 6 ngày 1 tuần với những lần nghỉ để đi tiểu tiện được quy định trong điều kiện bóc lột tàn tệ thì vâng, Fareed, ông đã thắng ở điểm này.
Nhưng những điều này tương đối chỉ là những lý sự cùn nhỏ nhặt với phân tích của Zakaria về lợi thế chi phí sản xuất của Trung Quốc. Vấn đề lớn thực sự trong lập luận của ông ta là không hề đề cập đến những nguồn gốc thật sự của lợi thế cạnh tranh Trung Quốc. Đương nhiên, những vũ khí hủy diệt việc làm như đã đề cập trước đây vốn vi phạm gần như mọi nguyên tắc của tự do mậu dịch. Một lần nữa, như đã đề cập ở chương 4, nó bao gồm trợ cấp xuất khẩu phi pháp của Trung Quốc, thao túng tiền tệ tràn lan, làm hàng nhái trắng trợn và ăn cắp bản quyền, chính sách bắt buộc chuyển giao công nghệ phi pháp vân, vân… Và trong những cái vân vân đó, chúng ta đừng quên lợi thế chi phí của các nhà máy Con Rồng có được từ việc sử dụng các con sông, con suối của Trung Quốc và bầu khí quyển của thế giới như là những bãi xả rác khổng lồ.
Zakaria sở dĩ làm ngơ những nguồn gốc quan trọng nhất của lợi thế cạnh tranh Trung Quốc ngoài chuyện nhân công rẻ vì hai lý do. Thứ nhất, có thể Zakaria tuy hiểu rõ sức mạnh cùa nhũng vũ khí tiêu diệt việc làm nhưng cố tính làm ngơ. Thứ hai, có thể Zakaria không hiểu về kinh tế học trong quan hệ mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nên mới bình luận lăng nhăng mà thôi.

Những Nhóm Tư Vấn Dẫn Mối Cho Gấu Trúc  (The Panda-Pandering Think Tanks)
Là thành viên cuối cùng của liên minh ủng hộ Trung Quốc, có nhiều Nhóm Tư Vấn Dẫn Mối Cho Gấu Trúc trong và ngoài Washington D.C vốn thường xuyên nhảy vào các cuộc tranh luận về Trung Quốc. Chúng tôi không biết chính xác tại sao những nhóm tư vấn này lại thân Trung Quốc như vậy và chúng tôi không có ý muốn đặt vấn đề về tính chính trực hay động cơ của họ. Tuy nhiên, chúng tôi muốn xác định những “nghi can thông thường” trong nhóm này, không có lý do nào khác hơn là khi gặp những luận điệu của họ trên các phương tiện truyền thông, bạn có thể hoài nghi các dữ kiện hay ý kiến dựa trên những nguồn của họ.
Sau đây là một danh sách không theo thứ tự gồm những nhóm tư vấn và các nhà phân tích thiếu sáng suốt và hiểu biết về Trung Quốc:
- Albert Kiedel của Atlantic Council.
- Peter Bottelier và Doug Paal của The Carnegie Endowment.
- Kenneth Lieberthal, Bob Rubin và John Thornton của The Brookings Institute.
- Charles Freeman của Center for Strategic and International Studies (Trung Tâm Chiến Lược và Nghiên Cứu Quốc Tế)
- Ed Gresser của Progressive Policy Institute.

Tóm Lược Về Liên Minh Ủng Hộ Trung Quốc
Để tổng kết về Liên Minh Ủng hộ Trung Quốc, sau đây là những điểm nổi bật cần chúng ta quan tâm để ý mỗi khi thấy một trong những lập luận này xuất hiện trên các mục bình luận, xã luận, diễn văn, tranh luận trên các phương tiện truyền thông, báo chí.
- Cáo Buộc (the sine qua non - điều kiện tất yếu) : Buộc tội bất cứ ai chỉ trích Trung Quốc là kẻ “đả kích Trung Quốc (China Basher).
- Vu Cáo (the Joe McCarthy): Chụp mũ bất cứ ai ủng hộ cải cách mậu dịch là kẻ “bảo thủ” (protectionist)
- Hù Dọa (Let’s play on our fears): Cảnh báo bất cứ nỗ lực nào nhằm bảo vệ Hoa Kỳ chống lại chính sách lái buôn và bảo hộ của Trung Quốc sẽ dẫn đến “trận chiến mậu dịch” (trade war).
- Cảnh Cáo (Make it a Stephen King horror novel): Dẫn chứng vai trò của sắc thuế Smoot-Hawley trong cuộc Đại Khủng Hoảng để tạo ấn tượng rằng một cuộc chiến mậu dịch với Trung Quốc sẽ tàn phá nền kinh tế toàn cầu.
- Răn Đe (Reverse – reverse psycholoy – tâm lý ngược): Cảnh cáo rằng nếu cố rắng gây áp lực đòi Bắc Kinh cải cách thì chỉ dẫn đến kết quả ngược.
- Câu Giờ (Stall for time after time): Nhấn mạnh rằng “bây giờ” không phải là thời điểm để cam kết các cải cách và lập lại lập luận này từ năm này sang năm khác.
- Dân Nghèo (Play the Walmart “poor people” card): Cho rằng bất cứ sự tổn hại nào cho hạ tầng sản xuất tại Hoa Kỳ sẽ được bù đắp nhiều hơn bằng lợi ích cho giới tiêu thụ được mua hàng rẻ của Trung Quốc.
- Xảo Ngôn (Use Stephen Roach’s shell game): Cho rằng vấn đế thâm thủng mậu dịch của Hoa Kỳ là một vấn đề đa phương của cả thế giới thay vì là chủ yếu song phương với Trung Quốc.
- Đổ Lỗi (Engage in self –loathing - tự trách): Cho rằng trách nhiệm trong sự bất cân xứng trong cán cân mậu dịch của Hoa Kỳ là do tỷ lệ tiết kiệm thấp của Hoa Kỳ chứ không do thủ đoạn lái buôn của Trung Quốc.
- Lừa Bịp (Can I sell you the Brooklyn Bridge): Cho rằng đồng tiền Trung Quốc không thật sự bị định giá thấp đến mức đó – hay không bị định giá thấp chút nào.
- Bào Chữa (Use the Marie Antoinette – Fared Zakaria defense): Cho rằng cải tổ mậu dịch với Trung Quốc sẽ không giúp Hoa Kỳ mà chỉ chuyển mậu dịch sang những quốc gia có chi phí thấp như Bangladesh và Việt Nam.

(Còn Tiếp)

Lý Thái Hùng
Ngày 26/10/2011
.
.
.

No comments: