Sunday, November 20, 2011

ĐỌC TẬP SÁCH "CHẾT BỞI TRUNG QUỐC" của TÁC GIẢ PETER W. NAVARRO & GREG AUTRY [Phần 2/2] - Lý Thái Hùng



Lý Thái Hùng
Cập nhật: 28/08/2011

Vụ Lừa Bịp Chất Lượng:
Bên cạnh việc sử dụng chất độc trong sản phẩm, các gian thương Trung Quốc còn nổi tiếng trên thế giới về “hàng dỏm”, tức hàng thiếu chất lượng. Tác giả kể lại câu chuyện “Nỗi Đau Thượng Hải” qua việc một giám đốc của công ty Hoa Kỳ sang Trung Quốc tìm nơi sản xuất hàng hóa với giá thành thấp để giảm chi phí. Sau khi tìm được một công ty Trung Quốc nhận làm theo những điều kiện sản xuất của công ty Hoa Kỳ. Lúc này, có ba kịch bản xảy ra:
Kịch bản thứ nhất là nhà sản xuất Trung Quốc ký một thỏa thuận lâu dài với công ty Mỹ, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao với giá thấp, và hai bên sống giàu có với nhau.
Kịch bản thứ hai là nhà sản xuất Trung Quốc từ chối lời đề nghị sản xuất sản phẩm; nhưng giữ lại bản thiết kế của công ty Hoa Kỳ. Trong vòng vài tháng sau, nhà sản xuất Trung Quốc đó đang chế biến mặt hàng của công ty Mỹ để bán như là một đối thủ cạnh tranh, bằng cách xử dụng thiết kế ăn cắp của công ty Mỹ.
Kịch bản thứ ba là sự lừa bịp chất lượng đối với sản phẩm của công ty Mỹ. Nghĩa là công ty Trung Quốc sẽ nhanh chóng chế tạo ra một loạt hàng mẫu đúng chất lượng theo yêu cầu của công ty Mỹ. Thế là công ty Mỹ hài lòng và ký hợp đồng sản xuất với công ty Trung Quốc với một khối lượng sản phẩm nhất định trên cơ sở hàng tuần hoặc hàng tháng.
Kịch bản thứ ba là kịch bản mà nhiều công ty Hoa Kỳ đã bị “ôm đầu máu” tại Trung Quốc. Bởi vì qua những hàng mẫu chế tạo đầu tiên, công ty Hoa Kỳ nào cũng rất hài lòng làm ăn với Trung Quốc. Chi phí được cắt giảm đáng kể - thường là tới 50% khi cho sản xuất tại Hoa Kỳ. Đây là thời kỳ trăng mật của sự lừa bịp chất lượng khi công ty Mỹ vớ được một món lợi lộc béo bở và chính vào lúc đỉnh điểm của hạnh phúc trong mối quan hệ hai bên, thì sự lừa bịp chất lượng bắt đầu một cách nghiêm túc. Vì, theo thời gian, nhà sản xuất Trung Quốc một cách từ từ và đôi khi rất tinh vi, bắt đầu thay thế các nguyên vật liệu hay các bộ phận bằng những thứ phẩm chất kém như là một phương cách gia tăng lãi suất. Bớt một chút chỗ này, cạo một tý chỗ kia; nhưng không bao giờ bớt quá nhiều trong một lần để khỏi bị phát hiện.
Tất nhiên, đội ngũ quản lý của công ty Hoa Kỳ càng ngây thơ và dễ dụ bởi tiền bạc và nữ sắc thì những doanh nhân Trung Quốc càng khuynh loát trong các hợp đồng. Với cách làm ăn sản xuất này, công ty Hoa Kỳ rõ ràng là không chỉ xuất khẩu công việc làm sang Trung Quốc mà còn hứng chịu cả những rủi ro nhận hàng dỏm.
Tác giả đã nêu một trường hợp điển hình về sự lừa bịp chất lượng xảy ra tại công ty Cao Su Zhongce ở Hàng Châu. Công ty Foreign Tire Sales của Mỹ tại New Jersey đã mua khoảng 400 ngàn vỏ xe từ công ty Zhongce ở Hàng Châu, Trung Quốc. Sau một thời gian rất ngắn làm ăn lương thiện, công ty Zhongce bắt đầu dở thói lừa bịp bằng cách chỉ dùng một nửa của một dải gôm quan trọng (key gum strip) để bảo đảm cho sự toàn vẹn chất lượng của những vỏ xe. Khi thay đổi này diễn ra một thời gian không bị phát hiện, công ty Zhongce đã leo thang trò lừa bịp này bằng cách bỏ hẳn dải gôm quan trọng ra khỏi vỏ xe. Điều này được thực hiện, tất nhiên, chỉ để nạo xén mấy đồng xu lẻ từ chi phí sản xuất. Nhưng cái giá của sự lừa bịp chất luợng này là vô số vụ hỏng vỏ xe, vụ đâm vào nhau của một xe cấp cứu ở thành phố New Mexico, và một vụ tông xe chết người ở Pennsylvania cướp đi hai sinh mệnh và làm bị thương nặng nhiều người khác.
Nếu Trung Quốc tiếp tục chuyển đến chúng ta rất nhiều hàng hóa độc hại và nguy hiểm như vậy, tại sao các nhà phân phối ở Hoa Kỳ như Foreign Tire Sales, Simplicity và Walmart lại không có những biện pháp đề phòng hơn trước khi bán chúng cho công chúng? Câu hỏi đặt ra rất hay nhưng đáng quan tâm hơn hết là khả năng giải quyết của chúng ta như thế nào đối với hàng loạt các vụ bê bối đã xảy ra? Phản ứng tự động của rất nhiều công ty Hoa Kỳ là tìm cách che dấu hơn là thú nhận các lỗi của chính họ và tiếp tục cộng tác với các doanh nhân vô lương tâm của Trung Quốc


Chương IV:
Death to America’s Manufacturing Base: Why we don’t play (or Work) in Peoria Anymore).
Hiểm Họa Đối Với Hạ Tầng Sản Xuất Hoa Kỳ: Tại sao chúng ta không chơi/làm việc ở Peoria Nữa.

Trung Quốc hiện đã trở thành một cường quốc tài chánh và thương mại toàn cầu. Nhưng kinh tế gia Paul Krugman, khôi nguyên giải Nobel Kinh Tế cho rằng Trung Quốc đã không hành xử như những nền kinh tế lớn khác. Ngược lại, Trung Quốc đã theo đuổi một chính sách con buôn, duy trì thặng dư mậu dịch cao một cách giả tạo. Và trong thế giới suy thoái ngày hôm nay, chính sách đó, nói trắng ra, là chính sách săn mồi.
Suốt nhiều thập niên qua, ngồi trên lưng con ngựa gỗ tự do mậu dịch, một Trung Quốc “săn mồi” đã đánh cắp hàng triệu công việc sản xuất Hoa Kỳ ngay trước mắt của chúng ta. Nếu không bị đánh cắp thì tỷ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ đã thấp hơn 5%, ngân sách Hoa Kỳ đã ổn định, và quốc gia một thời an bình này đã nhìn thấy một tương lai tươi sáng hơn bất kỳ viễn tượng nào mà chúng ta có thể hình dung. Câu hiển nhiên là: Tại sao chúng ta trên cương vị một quốc gia lại chịu đựng một cách thụ động như vậy khi đối mặt với một trong những tay trộm cắp lớn nhất lịch sử kinh tế toàn cầu (ăn cắp các cơ sở hạ tầng kinh tế Hoa Kỳ)?

Tám Vũ Khí Tiêu Diệt Việc Làm Tại Hoa Kỳ:
Nhiều người sẽ cho rằng Trung Quốc không ăn cắp mà đang lấy đi công việc làm ăn của Hoa Kỳ một cách chính đáng nhờ vào nhân công rẻ và kỹ thuật tốt. Theo tác giả thì đó là những biện hộ cho phía Trung Quốc; những thành phần này từ chối nhìn nhận ngay cả sự hiện hữu của những thủ đoạn thương mại không công bằng, hoặc đúng ra là gian xảo; mỗi thủ đoạn đều là những vi phạm trắng trợn luật tự do mậu dịch.

Trung Quốc đang dùng 8 loại vũ khí sau đây để tiêu diệt công việc làm tại Hoa Kỳ:
1/ Thiết lập một mạng lưới trợ cấp xuất khẩu bất hợp pháp.
2/ Thao túng và duy trì hối xuất thấp của đồng nhân dân tệ.
3/ Giả mạo trắng trợn, vi phạm bản quyền và công khai đánh cắp kho tàng tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ.
4/ Sự cực kỳ thiển cận của đảng Cộng sản Trung Quốc khiến họ sẵn sàng đánh đổi sự thiệt hại môi trường to lớn với một chút lợi nhuận bằng cách cắt giảm chi phí sản xuất.
5/ Coi thường những tiêu chuẩn về sức khoẻ và an toàn cho công nhân; thực hiện ở dưới mức quy định quốc tế rất xa khiến cho bệnh nám phổi (brown lung), gãy tay chân, và một loạt những bệnh ung thư đang là những nguy hiểm nghề nghiệp trầm trọng.
6/ Những hạn ngạch thuế quan bất hợp pháp và hạn chế xuất khẩu đối với những nguyên liệu thô chủ chốt từ A đến Z - từ antimon đến kềm – như một thủ thuật nhằm tăng cường kiểm soát ngành luyện kim của thế giới và ngành công nghiệp nặng.
7/ Thi hành những thủ đoạn phá giá để loại các đối thủ nước ngoài trong những thị trường tài nguyên chính yếu và sau đó khống chế người tiêu thụ.
8/ Áp dụng “Chính sách bảo hộ Vạn Lý Tường Thành” - để gia tăng xuất cảng hàng Trung Quốc và ngăn cản hàng nhập cảng của các quốc gia trên thế giới, đưa đến thặng dư mậu dịch một cách phi pháp và bất công.

Trên đây là tám vũ khí mà Trung Quốc đang dùng hiện nay có sức công phá ghê gớm nhắm vào nền kinh tế của Hoa Kỳ- đã và đang buộc Hoa Kỳ phải đóng cửa hàng ngàn công xưởng, khiến cho hàng triệu công nhân của Hoa Kỳ bị vạ lây. Tất cả đều núp dưới cái gọi là lá cờ tự do mậu dịch.
Tác giả đặt câu hỏi rằng tại sao chúng ta cần quan tâm về sự mất mát hạ tầng sản xuất tại Hoa Kỳ? Thomas Freidman đã từng nói tương lai phồn thịnh của Hoa Kỳ nằm trong sự bành trướng nhanh chóng của những công ăn việc làm thuộc lãnh vực dịch vụ. Ngay cả Bình Luận Gia Farreed Zakaria của Newsweek và CNN và James Follows của Atlantics từng nhấn mạnh rằng việc chuyển những công việc sản xuất hàng loạt từ Hoa Kỳ và Âu Châu sang các nước Trung Quốc và Ấn Độ là nhu cầu tất yếu như thủy triều lên và mặt trời lặn xuống. Tuy nhiên, nghĩ cho kỹ thì đó chỉ là những lời bình luận hời hợt và hoàn toàn sai. Họ đã không nhận thức đúng về nền tảng của kinh tế học.
Công nhân Hoa Kỳ có thể cạnh tranh với những công nhân đang ăn lương thấp ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới nếu có một môi trường tự do mậu dịch bình đẳng. Công nhân Hoa Kỳ sử dụng máy móc, kỹ thuật, và những quá trình sản xuất cao để nâng cao sản lượng. Nhờ hiệu suất cao, giới công nhân Hoa Kỳ đã có thể kiếm được đồng lương thỏa đáng và đương nhiên họ có khả năng chi tiêu cho những ước mơ của chính mình. Thế nhưng ngày hôm nay, vì lòng tham của những chủ công ty, giới công nhân Hoa Kỳ từ từ bị đánh gục bởi “tám vũ khí tiêu diệt việc làm” của Trung Quốc. Thực vậy, trong khi nền sản xuất một thời từng chiếm 25% tổng sản lượng nội địa, giờ đây tỷ số nói trên chỉ còn 10%.

Bốn Lý Do Làm Nền Sản Xuất Hoa Kỳ Bị Chết Dần Mòn:
Việc mất 10 triệu công ăn việc làm tại Hoa Kỳ trong thập niên vừa qua, theo tác giả, không chỉ nói lên tầm quan trọng của nền sản xuất đối với kinh tế Hoa Kỳ; mà còn dẫn đến hệ lụy là làm cho hạ tầng sản xuất mạnh và sinh động trước đây của Hoa Kỳ không còn nữa. Bốn lý do sau đây cho thấy nền sản xuất của Hoa Kỳ đang chết dần mòn nếu không giải quyết:
Thứ nhất là trong vai trò khởi động, những công việc sản xuất đã tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn đối với các ngành dịch vụ. Cứ mỗi một Mỹ Kim của thành phẩm, Hoa Kỳ tạo ra gần một Mỹ Kim rưỡi trong những dịch vụ liên quan đến xây dựng, tài chánh, bán lẻ và giao thông.
Thứ hai là những công việc sản xuất cũng trả lương nhiều hơn - nhiều hơn nhiều - đặc biệt là đối với phụ nữ và các sắc dân. Mãi lực mạnh hơn của tầng lớp công nhân này đã là một kích thích quan yếu cho phần còn lại của nền kinh tế. Khi những nhà máy đóng cửa, tất nhiên những trung tâm thương mại, văn phòng bác sĩ, các tiệm ăn ở chung quanh sẽ chết. Và khi nhà máy ra đi thì thành phố và tiểu bang không còn có thể thu thuế, dẫn đến việc chi dùng cho các dịch vụ công ích sẽ bị cắt giảm.
Thứ ba là hạ tầng sản xuất đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích những phát minh kỹ thuật mà Hoa Kỳ cần để đẩy nền kinh tế của mình trong dài hạn. Sự kiện cần lưu ý ở đây là những nhà sản xuất tượng trưng cho 2/3 công trình nghiên cứu và phát triển tại Hoa Kỳ. Khi những nhà sản xuất bỏ sang Trung Quốc, họ mang theo những ngân khoản nghiên cứu và phát triển – và mang đi cả khả năng phát minh của Hoa Kỳ.
Thứ tư là Hoa Kỳ phải cương quyết bảo vệ hạ tầng sản xuất của các đại công ty như Boeing, Caterpillar, GM… và các công ty cung ứng dây chuyền liên hệ. Giữ những công xưởng của các ngành kỹ nghệ nặng này ở lại Hoa Kỳ là điều quan trọng bởi vì vô số những công ty lớn nhỏ khác lệ thuộc vào hoạt động của các đại công ty này.
Những công ty lớn như AC Delco có trụ sở tại Kolomo, tiểu bang Indiana, Cummins Engines có trụ sở tại Columbus, tiểu bang Indiana cung ứng những sản phẩm như phụ tùng xe hơi và máy dầu cặn cho xe hàng như GM và Ford. Tương tự, hàng ngàn những công ty cỡ trung và nhỏ hơn trong hàng trăm thành phố khắp nước Mỹ đóng góp những bộ phận như đường ống áp suất cao và dây điện, cũng như những nguồn đặc chế như Plastic và các phụ tùng đòi hỏi độ chính xác cao.
Vấn đề là khi một công xưởng như DuPont hay Medtronic đưa sản xuất sang Trung Quốc, họ thường lấy đi tất cả dây cung ứng liên quan đi theo. Đây không chỉ là vì lý do tiếp liệu mà còn là lý do bảo hộ. Trung Quốc ép buộc các công xưởng Tây Phương nào chuyển sang Trung Quốc đều phải xử dụng nguyên liệu nội địa và như thế sẽ giúp phát triển những công ty cung ứng nội địa. Trong thế kỷ 21, hiện tượng “nhỏ giọt kinh tế” (trickle down economics) và xuất cảng công việc (job outsourcing), những mất mát việc làm bước đầu lan ra dần khắp phần còn lại của hạ tầng sản xuất tại Bắc Mỹ, sau đó lan ra khắp tất cả mọi khu vực dịch vụ và cuối cùng những công ty một thời vang bóng như Warren, Ohio và Windor, Ontario đã trở thành phố ma.
Với tất cả những lý do đó, người ta thấy rõ tại sao những công việc sản xuất quá quan yếu như thế không chỉ ảnh hưởng đối với sự phồn thịnh kinh tế lâu dài tại Hoa Kỳ mà còn cả ở Âu Châu, Nhật và những phần còn lại của thế giới. Người ta cũng thấy rõ tại sao cái búa của Trung Quốc đánh vào hạ tầng sản xuất Hoa Kỳ đã làm cho nước này rất khó tạo ra đủ công việc làm để giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp.

.
.
.

No comments: