Sunday, November 20, 2011

ĐỌC TẬP SÁCH "CHẾT BỞI TRUNG QUỐC" của TÁC GIẢ PETER W. NAVARRO & GREG AUTRY [Phần 3/3] - Lý Thái Hùng



Lý Thái Hùng
Cập nhật: 24/09/2011

Làn Sóng Thứ Ba: Đại Ảo Tưởng Về 1,3 Tỷ Khách Tiêu Dùng
Đợt thứ ba và là làn sóng xuất nguồn nguy hiểm nhất hiện đang tiến hành. Nó được thúc đẩy một phần bởi giá công nhân rẻ như trong đợt sóng thứ nhất và một phần do những lợi thế sản xuất của con buôn tại Trung Quốc (từ những thủ đoạn mậu dịch bất chính để đạt thặng dư mậu dịch) như đợt sóng thứ hai. Nhưng động cơ quan trọng đối với làn sóng thứ ba này là cái đại ảo tưởng trong số các lãnh đạo công ty Hoa Kỳ rằng thời cơ thị trường lớn kế tiếp của họ nằm trong chỗ bán hàng cho 1,3 tỷ người tiêu dùng đang sống trong quốc gia đông dân nhất thế giới. Làn sóng xuất nguồn này cực kỳ nguy hiểm bởi vì nó bị điều hướng theo cái ảo tưởng rằng hầu hết người tiêu dùng Trung Quốc có đủ sức mua để thúc đẩy thị trường – trong khi trên thực tế, đa số nghèo mạt rệp. Làn sóng xuất nguồn nguy hiểm này cũng đòi hỏi bất kỳ công ty Hoa Kỳ nào muốn bán vào thị trường Trung Quốc phải chấp nhận ba điều kiện bảo hộ như được nêu trong chính sách của Trung Quốc được gọi là “Sáng tạo bản địa” (Indigenous Innovation).
Điều kiện bảo hộ thứ nhất đòi hỏi thiểu số sở hữu (minority ownership), tức là những công ty Hoa Kỳ phải liên doanh với một đối tác Trung Quốc và cổ phần không được chiếm quá 49% vốn xí nghiệp. Rõ ràng, điều kiện này có nghĩa là công ty Hoa Kỳ mất quyền kiểm soát xí nghiệp. Tinh tế hơn, điều kiện này dành cho đối tác đa số Trung Quốc - hầu hết là những công ty quốc doanh - quyền truy cập bất kỳ và tất cả những thông tin liên quan đến công ty, kể cả những bí mật thương mại.
Điều kiện bảo hộ thứ hai bao gồm một trong những vi phạm trắng trợn quy luật về tự do mậu dịch: cưỡng bách các công ty Hoa Kỳ phải chuyển giao công nghiệp - tức tài sản trí tuệ của họ cho các đối tác Trung Quốc như một điều kiện gia nhập thị trường. Hệ quả thực tế của tình trạng này là đã giúp tán phát những công nghệ khác nhau, không chỉ cho đối tác Trung Quốc trực tiếp tham gia, mà còn cho chính quyền Trung Quốc và các đối thủ Trung Quốc có tiềm năng cạnh tranh khác. Khi chấp nhận điều kiện này, các công ty Phương Tây đã vô tình tiếp tay tạo ra những đối thủ cạnh tranh Trung Quốc chỉ qua đêm.
Điều kiện thứ ba được tiến hành trong bàn tay lái buôn, ngụy trang bảo hộ gắn liền với điều kiện thứ hai ép buộc về chuyển giao công nghệ. Điều này tương tự như việc bắt buộc Phương Tây xuất khẩu những cơ sở nghiên cứu và phát triển cho Trung Quốc - một vi phạm trắng trợn những luật lệ của WTO. Đây là thủ đoạn bất chính nhất trong số tất cả những thủ đoạn vì không khác gì bán đi hạt ngô giống của Hoa Kỳ. Dưới mắt của bất kỳ kinh tế gia nào, chỉ nhờ vào nghiên cứu và phát triển mới có phát minh kỹ thuật cần thiết để tạo ra việc làm mới. Nếu nghiên cứu và phát triền được thực hiện ở Trung Quốc chứ không phải trên đất Mỹ thì đoán xem nước nào sẽ chiếm ưu thế trong việc tạo ra công ăn việc làm mới?
Tại điểm này, người ta thấy rõ ràng là tại sao bất kỳ công ty nào của Hoa Kỳ cũng đều từng bước rơi vào vòng tự hủy diệt khi chấp nhận ba điều kiện bảo hộ của Trung Quốc về sáng tạo bản địa (Indigenous Innovation). Khi một công ty Hoa Kỳ chuyển giao quyền tự trị của mình, chuyển giao những kỹ thuật và khả năng phát triển những kỹ thuật tương lai của mình, vấn đề chỉ còn là thời gian trước khi những công ty Trung Quốc “tiêu hóa” (digest) được những kỹ thuật này và sử dụng chúng để cạnh tranh dễ dàng với những công ty Hoa Kỳ - không chỉ trên đất Trung Quốc, mà còn trên thị trường thế giới.

Những Câu Chuyện Thật:
Dựa trên một số những điều kiện mà Trung Quốc đưa ra để “bắt chẹt” các công ty Hoa Kỳ đầu tư trên đất Trung Quốc, hai tác giả đã truy tìm một số những câu chuyện “dở khóc, dở cười” của 4 công ty Hoa Kỳ đang làm ăn trên đầt Tàu: Westinghouse (tập đoàn ngây thơ nhất); General Electronic (tập đoàn bị bệnh tâm thần); Catepillar (tập đoàn tiêu biểu nhất về nạn nhân ăn phải bả lái buôn của Trung Quốc) và Evergreen Solar (tập đoàn đã từng là Hy Vọng Xanh Vĩ Đại của chính quyền Obama, và bây giờ đang là một hỡi ôi về sự thất bại của các chính trị gia Hoa Kỳ trong việc bảo vệ các thương vụ của chúng ta trước sự xâm lấn của Trung Quốc).

Câu Chuyện Của Tập Đoàn Westinghouse
Theo tờ Finance Time cho biết: “Westinghouse Electric đã chuyển giao hơn 75,000 tài liệu cho những khách hàng Trung Quốc của họ như phần khởi đầu của hợp đồng chuyển giao công nghệ mà Westinghouse hy vọng sẽ giữ vị trí của họ trong thị trường hạt nhân đang phát triển nhanh nhất... Jack Allen, chủ tịch của Westinghouse ở Á Châu cho biết rằng công ty của ông đã “không có bảo đảm nào” về vai trò của nó ở Trung Quốc sau khi bốn lò phản ứng hạt nhân Trung Quốc AP 1000 đã được hoàn tất.”
Tương tự như Frodo không thể nào cưỡng lại nổi món mồi cám dỗ của chiếc nhẫn giết người, Westingshouse rõ ràng là không thể nào cưỡng lại sức quyến rũ của thị trường xây nhà máy phát điện hạt nhân của Trung Quốc. Này nhé, chúng ta hãy xem: thị trường nguyên tử Trung Quốc là thị trường lớn nhất và phát triển nhanh nhất thế giới, với 23 lò phản ứng đang xây dựng cùng những kế hoạch thiết lập hơn 100 lò nữa. Nhưng trong khi vồ lấy một phần khá lớn thị trường đang lớn mạnh đó, chắc chắn sẽ là một phần thưởng to lớn cho Westinghouse, thì con đường tồi tệ để đánh mất phần thưởng đó là làm những gì mà Chủ tịch hội đồng điều hành (CEO) Jack Allen đã làm: chuyển giao cho Trung Quốc mọi cái họ cần để xây dựng những lò phản ứng tương lai mà không cần sự giúp đỡ của Westinghouse.
Sự việc thật khôi hài! Trên trang nhà, Westinghouse Nuclear tự hào rằng “gần 50% những nhà máy điện nguyên tử đang hoạt động khắp thế giới… đã dựa trên công nghệ của Westinghouse.” Niềm tự hào này quả là ngây thơ, vì khi Westinghouse chuyển 75 ngàn tài liệu kỹ thuật cho Trung Quốc thì có nghĩa là công nghệ của Westinghouse đã bị đánh cắp; và không chỉ 50% mà còn hơn thế nữa những lò phản ứng nguyên tử Trung Quốc dựa theo công nghệ của Westinghouse.
Sự ngây thơ của Westinghouse càng đáng ngạc nhiên hơn nữa khi người ta biết rằng, tuy nó là công ty của Hoa Kỳ nhưng lại do Tập đoàn Toshiba của Nhật Bản kiểm soát. Nhiều công ty Nhật đã bị đốt cháy vì những điều kiện chuyển giao công nghệ bắt buộc của Trung Quốc, và khả năng đáng kinh ngạc của các nhà sản xuất Trung Quốc trong việc nhanh chóng tiêu hóa những công nghệ nước ngoài và xử dụng chúng để trở thành những tay cạnh tranh quyết liệt.

Câu Chuyện Của Tập Đoàn Capterpillar:
Capterpillar đã đóng cửa các nhà máy ở các tiểu bang Illinois, Indiana và Georgia, cho nghỉ việc hơn 20 ngàn công nhân để chuyển các hoạt động kinh doanh sản xuất sang Trung Quốc. Trong ba thập niên vừa qua, Capterpillar đã trưởng thành từ một văn phòng bán lẻ duy nhất ở Bắc Kinh sang hệ thống toàn quốc bao gồm 11 cơ sở sản xuất, ba trung tâm nghiên cứu và phát triển, 9 văn phòng và 2 trung tâm bán đồ tiếp liệu và phụ tùng. Đó là những gì được báo chí loan tải trên bề nổi.
Trong thực tế thì Capterpillar đang phải trả cái giá rất lớn cho sự đầu tư của họ tại Trung Quốc. Để xâm nhập thị trường này, Capterpillar đã quyết định sản xuất những máy đào đất loại nhỏ để bán vào thị trường Trung Quốc thay vì sản xuất từ Mỹ. Tuy nhiên, Capterpillar đã chịu một sắc thuế rất khắc nghiệt tại Trung Quốc dưới hình thức trị giá một yuan thấp khoảng 40% trị giá thật. Capterpillar hiện đang chịu nhiều sắc thuế mà nhà cầm quyến Trung Quốc đã ấn định trên mặt hàng sản xuất của họ nhưng không giải thích lý do hoặc có giải thích đi chăng nữa thì cũng rất là mơ hồ và tùy tiện.
Việc Capterpillar ngưng sản xuất tại Mỹ là một thiệt thòi to lớn cho các công nhân Hoa Kỳ, khi Tập đoàn Capterpillar được coi là thần tượng và mang lại nhiều lợi tức kỹ nghệ cho vùng Trung Tây Hoa Kỳ cách nay vài thập niên. Điều khôi hài là sau 3 thập niên xuất nguồn đầu tư tại Trung Quốc, Capterpillar hiện đang phải ngửa tay xin trợ cấp từ chính quyền Obama trong chương trình kích cầu tài chánh nền kinh tế.

Câu Chuyện Tập Đoàn Evergreen Solar:
Evergeen chuyên sản xuất một số những tấm tiếp nhận năng lượng mặt trời có hiệu năng cao nhất trên thế giới. Nếu chúng ta tin vào Tổng thống Obama, đó chính là các công ty như Evergreen Solar được cho là một trong những nguồn tốt nhất để cung cấp công ăn việc làm mới cho Hoa Kỳ. Được mệnh danh là “những kỹ nghệ xanh (green Industries)” của Hoa Kỳ, đáng lý ra Evergreen Solar đã có thể tạo công ăn việc làm nhanh nhất trong thời kỳ mà cung ứng “xăng dầu” sút giảm và nạn hâm nóng địa cầu gia tăng? Nhưng theo giả thì không hẳn là như vậy.
Theo ông Rick Feldt, Tổng giám đồc điều hành (CEO) của Evergreen nói rằng công ty của ông quả có làm mọi thứ có thể làm được để thuyết phục chính quyền Obama giúp Evergreen duy trì những cơ sở sản xuất của họ ở Massaschusetts. Hoạt động cùa Tổng giám đốc Feldt bao gồm ngay cả việc đi đến Thủ đô Hoa Thịnh Đốn để cầu cứu những viên chức trọng yếu trong chính quyền như Bộ trưởng Năng Lượng Steven Chu và Bộ trưởng Thương Mại Gary Loke nhằm chống trả những trợ cấp bất chính khổng lồ mà chính quyền Trung Quốc đã đổ vào công nghệ năng lượng mặt trời của họ. Nhưng những yêu cầu của Evergreen đã rơi vào những lỗ tai điếc.
Vì thế, khi chính quyền Trung Quốc đề nghị cho Evergreen vay với lãi xuất thấp để tài trợ 65% chi phí xây dựng những cơ xưởng mới của họ tại Trung Quốc thay vì tại Massaschusetts, Tổng giám đốc điều hành của Evergreen tin rằng mình không còn chọn lựa nào khác hơn là chấp nhận món tiền của Trung Quốc và đem cơ sở sản xuất của mình “xuất dương”. Theo tác giả nhận định thì việc Tập đoàn Evergreen phải dời công ty sản xuất từ tiểu bang Massachusetts sang Trung Quốc không những làm mất công ăn việc làm của hàng ngàn công nhân tại đây mà còn làm mất những nguồn lợi kinh tế của tiểu bang Massachusetts khi những người đóng thuế tại tiểu bang Massachustts đã bỏ ra 54 triệu Mỹ Kim để hỗ trợ cho việc xây dựng nhà máy tối tân của Evergreen vào năm 2007, giờ đây không còn sử dụng nữa. Và điều sỉ nhục sau cùng của việc này là những người đóng thuế Hoa Kỳ phải trả $340 triệu Mỹ Kim phí tổn cho việc đóng cửa nhà máy.

Câu Chuyện Của Tập Đoàn General Electric:
Theo tác giả thì General Electric là công ty Hoa Kỳ đầu tiên đã “phản bội” khi tiên phong trong việc làm ăn với Trung Quốc. Bề ngoài, sự làm ăn giữa GE và đối tác Trung Quốc không phải là canh bạc xấu. General Electric hiện có khoảng 15 ngàn công nhân (đa số là người Trung Quốc) tại hơn 50 địa điểm ở Trung Quốc. Tuy mỗi năm GE mang về một số lợi tức; nhưng con số này không bỏ so với những tiềm năng mà đáng lý ra GE phải được hưởng từ sự xuất nguồn đầu tư tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo tác giả nhận định thì vấn đề quan trọng của General Electric hiện nay chính là hành vi loạn trí (schizophrenic behavior) của Tổng Giám đốc Điều hành Jeffrey Immelt. Một mặt thì Jeffrey Immelt chỉ trích nặng nề chính sách bảo hộ của Trung Quốc; nhưng mặt khác, ông ta đã làm cho mọi người kinh ngạc khi chuyển giao những công nghệ mới cho Trung Quốc để đổi lấy “đặc ân” được làm ăn với Trung Quốc. Một trong những chuyển giao nguy hại nhất mà Jeffrey Immelt đã làm là chuyển giao toàn bộ doanh nghiệp hàng không toàn cầu của GE, để có thể dự phần vào công trình phát triển một máy bay phản lực chở khách của Trung Quốc. GE còn chuyển giao những công nghệ đa dạng quan trọng trong kỹ nghệ về đầu máy xe lửa, năng lượng gió và các trang thiết bị chống ô nhiễm…
Theo nhận định của ký giả John Grapper của tờ Finance Times thì những hành động của Jeffrey Immelt nói trên là quá thiển cận. Một khi mà công ty Trung Quốc tiêu hóa được những công nghệ hiện có của GE và những công nghệ mới hơn của GE nằm trên đất Trung Quốc thì có ngày General Electric sẽ bị loại ra bên lề và đương nhiên GE sẽ đương đầu với cuộc cạnh tranh thậm chí còn ác liệt hơn thị trường thế giới.
Theo nhận định của tác giả thì không chỉ có các tập đoàn GE, Captelpillar, Evregreen mới quay lưng và phản bội Hoa Kỳ. Hiện có rất nhiều công ty và những kỹ nghệ khác nhau - vốn hưởng lợi ngắn hạn nhờ mối liên hệ ký sinh mà Trung Quốc có được với Hoa Kỳ, đã thay đổi lập trường trong cuộc tranh luận về Trung Quốc. Thực vậy, mỗi khi vấn đề cải tổ mậu dịch với Trung Quốc được nêu ra thì những công ty này liền ra mặt… chống lại.
Ngay những nhóm nông nhiệp có nhiều thế lực như Hiệp Hội Đậu Nành Hoa Kỳ (American Soybeam Association), Hiệp Hội Chế Biến Bắp (Corn Refiners Association), Hiệp Hội Thịt (American Meat Instituten) và Hội Đồng Xuất Khẩu Gà & Trứng Hoa Kỳ (USA Poultry & Egg Export Council), thường xuyên phản đối việc cải tổ mậu dịch mang tính cách “xây dựng - thẳng thẳng” (constructive) với Trung Quốc vì họ sợ những thuế xuất trả đũa. Trong khi sự sợ hãi như vậy có thể là chính đáng, thì nó lại không biện minh được những hành động “vận động hậu trường” (lobby) vốn rõ ràng là phương hại đến những quyền lợi rộng lớn hơn của Hoa Kỳ và những công nhân Hoa Kỳ khi nước này cố gắng đối phó với một trong những vấn nạn kinh tế tệ hại nhất chưa từng phải đối mặt.
Thành phần quan yếu thứ hai trong liên minh thân Trung Quốc nhằm “chia để trị” (devide and conquer) gồm những nhóm bán lẻ như American Apparel & Footwear Association, The National Retail Federation và The Sporting Goods Manufacturers Association, sợ giá cả tăng và phá sản nếu như Trung Quốc chấp nhận việc định giá thực đồng Yuan theo thị trường và bãi bỏ những trợ cấp xuất khẩu. Điều mà những nhóm này không hiểu – và điều mà những công dân Hoa Kỳ vẫn chưa nắm bắt được là: Trận lụt hàng hóa giá rẻ giả tạo của Trung Quốc vốn đang làm cho Hoa Kỳ phá sản chỉ là món tiền cọc để nuôi nạn thất nghiệp hiện tại và tương lai của quốc gia này. Hơn nữa, nạn thất nghiệp ở Hoa Kỳ gia tăng có nghĩa là mãi lực nơi người tiêu dùng giảm xuống và giảm luôn cả những doanh nghiệp bán lẻ của Hoa Kỳ về lâu dài.

(Còn tiếp)

Lý Thái Hùng
Ngày 23/9/2011

.
.
.

No comments: