Sunday, November 20, 2011

ĐỌC TẬP SÁCH "CHẾT BỞI TRUNG QUỐC" của TÁC GIẢ PETER W. NAVARRO & GREG AUTRY [Phần 3/2] - Lý Thái Hùng



Lý Thái Hùng
Cập nhật: 24/09/2011

Hoa Kỳ Mắc Kẹt?
Sự thao túng tiền tệ của Trung Quốc không chỉ làm mất chủ quyền chính trị của Mỹ, nó còn làm người Mỹ tự sa vào “cái chết từ sự tiêu hoang”. Hãy nhớ: trong quá trình thao túng tiền tệ, chính quyền Trung Quốc phải duy trì hối suất cố định giữa đồng Yuan và đồng Đô la, chủ yếu bằng cách mua công khố phiếu Hoa Kỳ. Theo cách này, người cho vay đến từ Trung Quốc đã giúp các chính khách Hoa Kỳ tài trợ cho mức thâm hụt ngân sách khổng lồ.
Sự kiện Trung Quốc giúp Hoa Kỳ tài trợ các chương trình như những kế hoạch kích thích tài chánh hàng loạt và việc in tiền dễ dàng của Ngân khố Hoa Kỳ không phải là sự mỉa mai nho nhỏ. Tựu trung, phần lớn bởi vì mức thâm thủng mậu dịch xuất huyết của Hoa Kỳ với Trung Quốc mà những chính trị gia Hoa Kỳ cảm thấy cần tiếp tục bơm hơi cho nền kinh tế với chi tiêu thâm thủng, thậm chí cả trong khi Hoa Kỳ tiếp tục lún ngày một sâu vào nợ nần với một chế độ độc tài toàn trị đang bòn rút cạn kiệt từ các nhượng bộ của Hoa Kỳ.
Thực vậy, toàn bộ quá trình đáng buồn này mà trong đó, Trung Quốc đóng vai nhà cho vay của nước Mỹ, là một phần của cuộc “mặc cả với Quỷ” (Devil’s bargain) mà sự thể là Tổng Thống Obama hứa hẹn ngay từ lúc nhậm chức sẽ mạnh tay với chủ nghĩa bảo hộ Trung Quốc và rồi đã thất hứa. Ổ đây, chúng ta cần nhớ rõ rằng trong chiến dịch tranh cử 2008, tại các tiểu bang công nghiệp chủ chốt vẫn còn đang do dự như Illinois, Ohio và Pennylvania, ứng cử viên tổng thống Barak Obama đã hứa đi hứa lại rằng sẽ chấm dứt các thực thi thương mại bất bình đẳng với Trung Quốc.
Từ khi nhậm chức, Bộ tài chánh của Tống thống Obama, dẫn đầu bởi Timothy Geithner như đã đề cập ở trên, đã từ chối nhiều lần việc quy tội Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ có thể áp đặt những mức thuế đáp ứng thích hợp để loại bỏ một trong những chính sách bảo hộ quan trọng nhất của Trung Quốc. Nhưng thay cho việc thực thi lời đã hứa khi tranh cử, Tổng thống Obama đã chọn một cuộc mặc cả nguy hiểm với Quỷ: “Trung Quốc, các ông hãy tiếp tục mua công khố phiếu của chúng tôi, và chúng tôi sẽ không làm lớn chuyện cải tổ mậu dịch.” Theo cách đó, Tổng thống đã sai lầm khi đặt chính trị và những nhu cầu tài chánh ngắn hạn của chính quyền mình lên trên những viễn tượng phục hồi kinh tế dài hạn của Hoa Kỳ.
Thượng Nghĩ Sĩ Lindsay Graham, đảng Cộng Hòa thuộc Tiểu bang SC đã phát biểu: “Chúng tôi chán rồi. Chính sách bảo hộ của Trung Quốc đã làm tổn thương phần còn lại của thế giới, không chỉ mỗi nước Mỹ. Nó gây nên một cuộc suy thoái toàn cầu. Trung Quốc muốn được đối xử như một quốc gia đang phát triển, nhưng họ là một gã khổng lồ, là nhà xuất khẩu hàng đầu của thế giới.”.
Cuối cùng, nếu quan sát từ xa 30 ngàn bộ, chính sách thao túng tiền tệ của Trung Quốc không chỉ làm suy yếu nền kinh tế Hoa Kỳ. Nó đe dọa xé nát hệ thống kinh tế toàn cầu và khung điều hành tự do mậu dịch. Vấn đề là ở chỗ: bất cứ khi nào đồng đô la giảm so với các loại tiền khác như euro, real, won hay yen - một chuyện xảy ra khá thường xuyên ngày nay – thì đồng yuan cũng rớt giá theo. Sự rớt giá của đồng yuan so với các đồng tiền khác lại cung cấp cho chính sách bảo hộ của Trung Quốc một lợi thế lớn hơn đối với những đối thủ cạnh tranh khắp thế giới, từ Âu Châu và Brazil đến Nhật và Nam Hàn. Hệ quả bao gồm cả mức cầu trong xuất khẩu bị suy yếu khiến cho Âu Châu rơi vào sự đình đọng kinh tế và khiến nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản bị trì trệ cả thập niên. Trong khi đó, lạm pháp gia tăng vùn vụt ở những quốc gia như Úc và Brzil do những dòng tiền nóng đầu cơ và giá nhiên liệu gia tăng mà nguyên nhân trực tiếp có thể xác định là do hối xuất thấp của đồng yuan.
Qua tất cả những điều này – và bất chấp những lời kêu gọi từ các định chế như Qũy Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới yêu cầu Trung Quốc tăng giá tiền tệ của họ - Trung Quốc vẫn giữ thái độ cứng rắn nhất chống lại việc cải tổ. Đường lối cứng rắn này bắt đầu ngay trên thượng tầng của giới lãnh đạo Trung Quốc; như một câu ngạn ngữ nói: “Cá ươn từ trên đầu xuống”.
Hãy xem một ví dụ về một câu trả lời quái đản của Thủ tướng Ôn Gia Bảo đối với áp lực tái định giá từ các hội viên khác trong Tổ chức G20. Họ Ôn nói: “Trước tiên, tôi không nghĩ rằng đồng yuan được định giá thấp.” Trong thực tế, với những loại trả lời vô lý của giới lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc trước áp lực quốc tế, quả thực khó nói việc phủ nhận thao túng tiền tệ của Trung Quốc có giống với vở bi kịch Shakespeare hay vở hài kịch của Monlière hay không? Nói cho cùng, trong tất cả các quốc gia được hưởng lợi từ sự tăng gia đồng yuan, Trung Quốc sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất.
Để khởi đầu cải cách, một đồng yuan mạnh hơn sẽ nhanh chóng giảm lạm phát ở Trung Quốc do giảm giá dầu, nguyên liệu, và bao nhiêu nguồn vào khác mà Trung Quốc cần để chạy các nhà máy. Và như một phần thưởng chống lạm phát mạnh mẽ, một đồng yuan mạnh cũng nhanh chóng chận đứng dòng tiền nóng đầu cơ đang thổi phồng cả thị trường chứng khoán và bong bóng nhà đất ở Trung Quốc.
Quan trọng hơn hết, đồng yuan mạnh sẽ cải thiện đáng kể sức mua của người tiêu dùng nghèo khó ở Trung Quốc. Bằng cách này, cải cách tiền tệ của Trung Quốc sẽ làm cho Trung Quốc ít lệ thuộc vào xuất khẩu ra thị trường thế giới - một điểm yếu được mô tả như gót chân Achille của mô hình tăng trưởng Trung Quốc.
Không may, các lãnh đạo Trung Quốc từ chối chấp nhận lý lẽ thuyết phục của thông điệp này. Thay vào đó, những nhà ý thức hệ bảo thủ này đã bảo vệ quan điểm không khoan nhượng bằng cách tuyên bố rằng tăng giá đồng yuan sẽ tiêu diệt nền kinh tế Trung Quốc vì đột ngột cắt giảm xuất khẩu. Nhưng điều này cũng là một cách nữa để nói rằng phương thừc duy nhất giữ Trung Quốc tiếp tục phát triển là làm nghèo đi phần còn lại của thế giới, và đặc biệt, làm suy yếu kinh tế và hạ tầng sản xuất của Hoa Kỳ là một trong những mục tiêu quân sự và chiến lược lâu dài của Trung Quốc.


Chương 6:
Death by American Corporate Turncoat: When Greenbacks Trump the Red, White, and Blue.
Chết Vì Công Ty Phản Bội: Khi Đồng Tiền Lấn Lướt Màu Cờ.

Theo tờ Lodon Daily Mail loan tải: “Công ty General Electric (Hoa Kỳ) dự định bỏ ra hơn 2 tỷ Mỹ Kim vào Trung Quốc trong năm 2012. Tập đoàn GE đã đưa nhiều hoạt động sản xuất từ Hoa Kỳ sang Trung Quốc, tạo thêm hơn 1,000 việc làm mới… Vừa qua, GE đã đóng cửa một nhà máy chế tạo bóng đèn ở Virginia và sẽ đưa 200 việc làm này sang Trung Quốc.”
Theo tác giả nhận định rằng: Không có vấn đề danh dự đối với bọn cướp – và không có lòng yêu nước trong hàng ngũ những công ty Mỹ. Đó là thông điệp rõ ràng mà những công ty như GE, Caterpillar, và Evergreen Solar đang gửi đến nhân dân Hoa Kỳ trong những ngày gần đây, khi họ đóng cửa những nhà máy ở Hoa Kỳ để mở những công xưởng mới, tráng lệ, hiện đại trên xứ Con Rồng. Khi xuất nguồn sang Trung Quốc, các tập đoàn chuột bọ phản bội này không những tiếp tay xô đẩy quốc gia của mình xuống vực thẳm, mà còn đang ký những bản án tử hình cho chính tương lai của công ty mình. Trước đây không có tình trạng này.
Ngay vào đầu thế kỷ này, khi Trung Quốc lần đầu tiên gia nhập WTO và bắt đầu áp dụng chính sách bảo hộ để tấn công hạ tầng sản xuất của Hoa Kỳ, những giới lãnh đạo các xí nghiệp Hoa Kỳ đã sát cánh với công nhân để phản đối kịch liệt những thủ đoạn mậu dịch bất chính của Trung Quốc. Những cảnh cáo nghiêm khắc của Liên minh Công – Thương này đã gặp phải những kẻ điếc mang bệnh giáo điều cố chấp trong chính quyền Bush (con); họ không thể phân biệt những điểm trọng yếu giữa tự do mậu dịch mang phúc lợi cho tất cả với mậu dịch bất chính chỉ mang phần lớn lợi ích cho Trung Quốc.
Bây giờ, sau một thập niên, Liên minh Công – Thương của Hoa Kỳ đã chết như một số nhà tranh đấu dân chủ ở Thiên An Môn. Trong bài toán chính trị mới, mỗi khi có thêm một việc làm và một nhà máy bị xuất nguồn sang Trung Quốc, cái gọi là những tổ chức “Hoa Kỳ” như là Hội Nghị Bàn Tròn Doanh Nhân, Hiệp Hội Quốc Gia Chế Tạo và Phòng Thương Mại Hoa Kỳ biến thái từ những nhà phê bình gắt gao sang những kẻ bênh vực ngoan ngoãn cho chính sách lái buôn và bảo hộ của Trung Quốc vốn đang lũng đoạn nền kinh tế và công nhân Hoa Kỳ.

Làn Sóng Xuất Nguồn Đầu Tiên: Phát Triển Kỹ Nghệ.
Làn sóng xuất nguồn đầu tiên là một động thái chậm bắt đầu ít lâu sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc mở cửa “Thiên đường lao động” cho Phương Tây vào năm 1978. Sự mở cửa này thực hiện cái gọi là “cải tổ thị trường” nhằm bóc lột giới lao động Trung Quốc về bảo hiểm y tế và những trợ cấp hưu bổng của họ cùng với những quyền hưởng lương thích đáng và điều kiện lao động an toàn – trong khi, mỉa mai thay, Trung Quốc không thực sự giải phóng kinh tế thoát ra khỏi sự khống chế của những xí nghiệp quốc doanh và những nhà hoạch định của Trung ương đảng. Không phải ngẫu nhiên mà trong vài thập niên tiếp theo, những công ty như Mattel, Reebok, và Schwinn bắt đầu sản xuất mỗi ngày một nhiều hơn những sản phẩm thực dụng, đòi hỏi lao động nhiều – như đồ chơi, giày dép, xe đạp - với nhân công rẻ Trung Quốc.
Trong đợt xuất nguồn đầu tiên này, mô hình nô lệ hợp pháp xuất hiện nhiều nơi tại Trung Quốc đã được hoàn chỉnh. Tại các khu chế xuất - công nghiệp, đàn ông và đàn bà - kể cả trẻ em – vừa mới ở thôn quê lên ký ngay những hợp đồng bóc lột mà đa số họ không hiểu gì cả do thiếu học. Họ làm việc cật lực trong những công xưởng nóng bức, dơ bẩn và đông đúc, trung bình 12 đến 16 giờ mỗi ngày. Họ ăn ngủ trong những khu chật chội giống như những nhà nội trú, thường có chắn song nơi cửa sổ hay hàng rào chung quanh khuôn viên công ty. Nếu cố chạy trốn, họ sẽ bị đánh đập. Nếu cố tổ chức đội ngũ để bênh vực quyền công nhân ở nơi làm việc, trước tiên họ sẽ bị đánh đập và rồi bị đuổi việc.
Chính những người nô lệ của thời đại tân tiến ngày nay, với 40 cent một giờ, vẫn còn làm những đồ chơi để vui lòng các con trẻ của chúng ta, khâu những đôi giày cho chúng ta chạy thể thao và thêu những chiếc áo cho chúng ta mặc. Như một minh chứng hùng hồn về sợi xích, tận cùng sẽ trói chặt những công nhân này vào một “Thế giới khủng khiếp với những đặc thù Trung Quốc”, nhiều người trong số họ tương đối hạnh phúc hơn trong cảnh lầm than mới, bởi vì, cho dù những khu chế xuất công nghiệp của Con Rồng có tồi tệ đến đâu đi chăng nữa, đời sống nông dân Trung Quốc vẫn còn tồi tệ hơn nhiều.

Làn Sóng Thứ Hai: Nếu Không Thắng Được Thì Hãy Theo Họ.
Làn sóng xuất nguồn thứ hai của Hoa Kỳ bắt đầu ít lâu sau khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2011 và bắt đầu dốc toàn lực tấn công hạ tầng sản xuất Hoa Kỳ bằng cách xử dụng những “vũ khí tiêu diệt việc làm” như trợ cấp xuất khẩu phi pháp và thao túng tiền tệ. Dưới sự công hãm quyết liệt từ những công xưởng Trung Quốc, càng lúc càng nhiều những lãnh đạo các tập đoàn Hoa Kỳ đi đến nhận định: Nếu khai dụng mạng lưới tinh xảo qua trợ cấp xuất khẩu phi pháp của Trung Quốc, họ có thể sản xuất hàng rẻ hơn tại Trung Quốc, và nếu họ không làm thế thì những kẻ cạnh tranh của họ cũng sẽ làm. Nhận thức này gợi cho công ty Mỹ một châm ngôn: Nếu bạn không thắng được họ thì theo họ.” Chẳng bao lâu sau, làn sóng xuất nguồn thứ hai đã trở thành cơn sóng thần.
Điều quan trọng cần nhấn mạnh là trong đợt sóng thứ hai này, mục tiêu hàng đầu của những lãnh đạo tập đoàn Hoa Kỳ không phải là bán cho 1.3 tỷ người tiêu dùng đói khát trong thị trường Trung Quốc. Đúng hơn, họ sản xuất để xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới - kể cả trở lại Hoa Kỳ! Để rõ ràng hơn, lợi thế mà lãnh đạo các tập đoàn Hoa Kỳ tin là sẽ có được do xuất nguồn trong đợt thứ hai không chỉ nhờ vào nhân công rẻ - vì yếu tố này cũng có ở những nơi khác như Bagladesh, Cambodia, và Việt Nam; mà đúng hơn, cái mồi thực sự chính là những thủ đoạn mậu dịch bất chính của Trung Quốc – và chính quyền Bush (con) đã cung ứng một phần nhỏ sự hỗ trợ quý giá cho Trung Quốc khi không chống lại những thủ đoạn mậu dịch bất chính này - thế thì ít ra là đối với cổ đông và lãnh đạo các công ty này, tốt hơn nên chuyển sản xuất sang Trung Quốc.

.
.
.

No comments: