Sunday, November 20, 2011

ĐỌC TẬP SÁCH "CHẾT BỞI TRUNG QUỐC" của TÁC GIẢ PETER W. NAVARRO & GREG AUTRY [Phần 2/3] - Lý Thái Hùng



Lý Thái Hùng
Cập nhật: 28/08/2011

Trung Quốc Đã Gian Lận Như Thế Nào?
Tác giả đã phân tích chi tiết về tám vũ khí tiêu diệt việc làm mà Trung Quốc đã tận dụng như sau.

Thứ nhất: Trợ cấp xuất khẩu.
Trên bề mặt, trợ cấp xuất khẩu có vẻ vô hại. Nhưng muốn hiểu tại sao những trợ cấp như thế lại là một con dao thực sự đâm vào tim của bất kỳ hoạt động kinh doanh nào của Hoa Kỳ, bạn hãy tưởng tượng mình là một doanh nhân Trung Quốc đang sẵn sàng khởi động một công ty đang vất vả cạnh tranh với một nhà sản xuất ở Ohio, Michigan hay Tenessee.
Muốn lập một xí nghiệp, chính phủ Trung Quốc sẽ cung cấp cho bạn mặt bằng, bảo trợ năng lượng và được vay vốn không có tiền lời và vay gần như không giới hạn. Nhân tiện, nếu gặp rắc rối, bạn sẽ không phải trả lại tiền đã vay, trong khi chính phủ sở hữu và kiểm soát tất cả các ngân hàng và đảng cộng sản bổ nhiệm các viên chức điều hành ngân hàng. Một khi bạn sản xuất hàng sang Hoa Kỳ, bạn sẽ nhận trực tiếp một phần trợ cấp béo bở cho mỗi lô hàng xuất khẩu – theo tỷ lệ từ 10 đến 20 cents cho mỗi Mỹ Kim xuất khẩu. Ngoài ra, khi lợi nhuận bắt đầu đi vào, bạn sẽ được miễn một số thuế lợi tực và thuế tài sản.
Trên tất cả, doanh nghiệp Trung Quốc của bạn không cần thiết phải lo sợ rằng một công ty cạnh tranh Hoa Kỳ sẽ tấn công bạn trên sân sau của bạn. Nếu những người ngoại quốc muốn bán vào thị trường của bạn, họ sẽ bị bắt buộc phải xây dựng cơ sở trên đất Trung Quốc và trở nên đối tác thiểu số của bạn.

Thứ hai: Thao túng tiền tệ.
Sự thao túng tiền tệ của Trung Quốc là một điều tối quan trọng cần hiểu để biết về tầm nguy hiểm của nó đối với hạ tầng sản xuất của Hoa Kỳ mà ở chương tới chúng ta sẽ nói rõ hơn. Tuy nhiên, ngay bây giờ, có thể nói một cách đầy đủ rằng tất cả những ước giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc (gọi là Renminbi) bị đánh giá thấp quá đáng – khoảng 40%.
Trong thực tế, điều này có nghĩa rằng cứ mỗi 1 Mỹ Kim của sản phẩm mà Trung Quốc bán vào thị trường Hoa Kỳ, các nhà xuất khẩu Trung Quốc chỉ phải chi ra có 60 cent. Đó là một sự bảo trợ rất lớn. Đồng thời, với mỗi 1 Mỹ Kim sản phẩm mà một doanh nhân Hoa Kỳ cố gắng bán cho Trung Quốc, họ bị tính số tiền tương đương nhiều hơn chưa kể đến các loại quan thuế mà Trung Quốc đánh lên các mặt hàng nhập cảng vào nước họ. Tóm lại, sự thao túng tiền tệ của Trung Quốc khiến hàng Trung Quốc xuất cảng vào Hoa Kỳ quá rẻ, và ngược lại, hàng Hoa Kỳ xuất khẩu sang Trung Quốc quá mắc, đưa đến mậu dịch một chiều hay Hoa Kỳ bị thâm thủng mậu dịch đối với Trung Quốc.

Thứ ba: Không nghĩ là ăn cắp nếu không bị bắt.
Bây giờ, hàng nhái và sao chép lậu, tức vi phạm bản quyền, tràn lan tại Trung Quốc, và sự ăn cắp tài sản trí tuệ ảnh hưởng ra sao đối với hạ tầng sản xuất của Hoa Kỳ? Đây là một tội phạm rất nghiêm trọng. Mỗi lần Trung Quốc đánh cắp những công nghệ, thiết kế hay những quá trình nghiên cứu mới thì đã làm cho tĩnh mạch sản xuất của Hoa Kỳ rướm máu. Lý do là vì khi những công ty Hoa Kỳ muốn khám phá một loại thuốc, thí dụ thuốc chống ung thư mới, sáng chế một loại xe tiết kiệm nhiên liệu hoặc phát triển những tấm năng lượng mặt trời hiệu quả cao, tốn kém nhiều về hai mặt tài chánh và thời giờ. Nếu những tên ăn trộm Trung Quốc có thể đơn giản đánh cắp những thành quả phát minh - hoàn toàn không quan tâm và không tôn trọng quyền sở hữu, họ sẽ có một lợi thế đặc biệt trong chi phí.
Hiểu được quy mô và phạm vi lợi thế chi phí của việc ăn cắp những tài sản trí tuệ này, chúng ta mới thấy các nhà sản xuất Trung Quốc được hưởng nguồn lợi lớn như thế nào: hai công ty dược phẩm Merk và Pfizer đã chi 20% số doanh thu cho việc nghiên cứu và phát triển, trong khi những công ty kỹ thuật cao như Intel và Microsoft đã dành 15% và những công ty xe hơi như GM và Ford đã dành 5% tiền doanh thu cho nghiên cứu. Vì vậy, khi đối thủ Trung Quốc chỉ đơn giản ăn cắp làm hàng nhái như thuốc Viagra của Plifer hay là những con chip giả từ hãng Intel hoặc chui vào máy vi tính để ăn cắp những thiết kế xe hybrid của GM thì chúng ta thấy những hệ quả gì? Bọn ăn cắp Trung Quốc có thể chi phí giá thành ít hơn đối với những sản phẩm cạnh tranh vì không phải chi tiền nghiên cứu và phát triển sản phẩm, đồng thời đốt giai đoạn để đưa vào thị trường một sản phẩm giá rẻ hơn nhiều.

Thứ tư: Phá hoại môi trường để đổi lấy vài xu
Mặc dù có một số đạo luật về môi trường khá mạnh trong sách và mặc dù liên tục tuôn ra những cổ xúy màu xanh cho hợp khẩu với thế giới Tây phương, nhưng trên thực tế, đảng Cộng sản Trung Quốc không hề tôn trọng và bảo vệ môi trường chẳng khác gì những vi phạm chính hiến pháp của họ về quyền tự do ngôn luận và tôn giáo. Một giám đốc điều hành một cơ xưởng khá lớn của Trung Quốc đã chia xẻ thẳng thừng với hai tác giả rằng: “Nếu bạn chứng minh khả năng, bạn có thể được thăng chức rất nhanh chóng – và không ai thèm quan tâm đến môi trường.”
Để hiểu rõ việc phá hoại môi trường có lợi cho trung Quốc như thế nào, hãy nhìn vào thực tế của một công ty hóa chất tại Hoa Kỳ như tại Cincinati, tiểu bang Ohio, họ phải đặt một hệ thống thiết kế tinh vi để ngăn ngừa việc thải những chất cặn bã hóa học vào sông, theo đúng tiêu chuẩn luật định. Ngược lại, những công ty của Trung Quốc ở Trùng Khánh sử dụng sông Dương Tử như một cầu tiêu công cộng, đổ vào đó tất cả mọi thứ - không quan tâm gì đến những hệ lụy xảy ra. Với những công ty sản xuất như vậy thì chúng ta thấy ngay họ không phải chi phí tiền bảo vệ môi trường như ở Hoa Kỳ hay các nước khác, và vì thế mà giá thành chi phí rẻ, cạnh tranh mạnh và chiếm lĩnh thị trường thế giới về sản phẩm hóa học.
Đây đúng là cái nhìn thiển cận nhất về những Vũ Khí Hủy Diệt Công Việc của Trung Quốc, một hình thức “tự bắn vào đầu của chính quyền”: sẵn sàng tàn phá môi trường chỉ để đổi lấy vài xu lợi nhuận. Chả thế mà chỉ trong vòng 3 thập niên, Trung Quốc đã trở thành sàn sản xuất của thế giới và được ban tặng danh hiệu “quốc gia ô nhiễm nhất hoàn cầu” và “tạo ảnh hưởng lớn nhất trên những biến đổi khí hậu”. Người dân Trung Quốc đã phải trả giá cao với các chứng bệnh gia tăng như ung thư, tim, phổi, chấn thương mạch máu não và bệnh da. Thú hoang như chim muông cũng đã từ lâu vắng bóng, và Xuân, Hạ, Thu, Đông đã trở nên thinh lặng trên mảnh đất nhiễm độc này.
Tương tự như trường hợp của công ty hóa chất tại Cincinati, một công ty sản xuất giấy ở Waterford, New York cũng không thể cạnh tranh trên thị trường giấy vì giá thành cao do những đòi hỏi bảo quản môi sinh. Công ty hóa học Dow Chemical và sản xuất sắt U.S. Steel phải dùng những ngân khoản gấp 10 lần ngân khoản của các công ty cạnh tranh tại Trung Quốc như Sinopec Oil và Bao Steel. Công việc các loại ngành nghề của Hoa Kỳ lần lượt rơi vào tay Trung Quốc, không phải vì công nhân Mỹ không thể cạnh tranh lại công nhân Tầu mà chỉ vì Trung Quốc đã cạnh tranh không lành mạnh, không tôn trọng luật chơi quốc tế về tiền tệ, thuế khóa, môi sinh cũng như coi thường sức khỏe và an toàn của người tiêu thụ hoặc của chính những công nhân Trung Quốc.

Thứ năm: Gây thương tật và giết hại những người lao động vì lợi nhuận
Việc xả rác một cách vô tội vạ trên những dòng sông, suối và cả ô nhiễm không khí đã khiến cho hàng triệu người lao động tại Trung Quốc sinh ra nhiều chứng bệnh như viêm phổi, suy hô hấp, ung thư, da bị hủy hoại bởi chất axít, các bộ phận cơ thể bị nhiễm độc, hoặc bị thương, ngón hoặc tay chân bị đứt lìa... nhưng đã không được chăm sóc và đền bù xứng đáng.
Trung Quốc không quan tâm đến sức khoẻ và sự an toàn của người lao động. Công nhân Trung Quốc đã bị đẩy đi làm ở những nơi nguy hiểm với hóa chất giết người hay những hầm mỏ không an toàn. Chỉ các hầm mỏ than đá không thôi, hằng ngàn thợ mỏ Trung Quốc thiệt mạng hàng năm so với ít hơn 50 người thiệt mạng tại Hoa Kỳ. Doanh nhân và cả nhà cầm quyền Trung Quốc chỉ quan tâm đến lợi nhuận thu vào và tìm cách cắt giảm những phụ chi để giá thành các sản phẩm xuất khẩu trở nên thật rẻ. Trong số những vũ khí để cạnh tranh trên thương trường, môi trường làm việc nguy hiểm tại Trung Quốc là điều tệ hại nhất trong số những điều mà chế độ này đang tâm thực hiện để duy trì ưu thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hơn bao giờ hết, thành ngữ “máu, mồ hôi và nước mắt” lại đúng nghĩa tới như vậy ở những trung tâm lao động khổ sai đầy mồ hôi và máu lệ tại Trung Quốc.

Thứ sáu: Trái bom nguyên tử - Hạn chế xuất khẩu.
Khí giới thứ sáu của Trung Quốc để triệt hạ công ăn việc làm tại Hoa Kỳ chính là “hạn chế xuất khẩu” bằng cách dùng thuế và giới hạn số lượng lên tới 70%. Chính vì lý do này mà Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (Word Trade Organization) đã thẳng thừng cấm Trung Quốc, và vũ khí này của Trung Quốc đã được mệnh danh là trái bom nguyên tử thả xuống kỹ nghệ nặng của Hoa Kỳ.
Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đối với những vật liệu thô mà họ có nhiều trữ lượng để bắt chẹt giá cả trên thế giới. Những chất như bauxite, coke, flourspa, magnesium, manganese, silicone, carbide, zinc... là vật liệu chủ yếu trong nền kỹ nghệ nặng và luyện kim của các nước; khi những nguyên vật liệu này trở nên hiếm hoi và tăng giá, Trung Hoa sẽ chiếm lĩnh thị trường của các sản phẩm dùng các nguyên vật liệu này (thí dụ như Fluorspa là chất cần thiết trong tiến trình sản xuất sắt và nhôm) nhờ giá thành rẻ.
Dù bị Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới cấm, nhưng Trung Quốc vẫn ngang nhiên vi phạm, trong khi đó các cường quốc đối thủ như Hoa Kỳ và Âu Châu chẳng có phản ứng mạnh mẽ nào để ngăn chặn hành vi phi pháp này của Trung Quốc. Dần dà, Trung Quốc chiếm lĩnh và kiểm soát nhiều hơn các mặt hàng từ kỹ nghệ luyện kim và kỹ nghệ nặng; thế giới trở nên lệ thuộc Trung Quốc hơn, bị bắt chẹt hơn, và cuối cùng, Trung Quốc sẽ thống lĩnh thị trường kỹ nghệ nặng và luyện kim.

Thứ bảy: Giá nuốt chửng, bán đổ đồng, và Trùm Đất Hiếm của Con Rồng.
Việc giới hạn xuất cảng các nguyên vật liệu căn bản của Trung Quốc mới chỉ là một nửa câu chuyện. Nửa còn lại liên quan tới việc giới hạn xuất cảng các loại “đất hiếm” như cerium, erbium scandium và terbium – dùng để chế tạo các sản phẩm kỹ nghệ cao. Đặc tính nam châm và phát lân quang của các chất này khiến chúng có khả năng chuyển tải, sản xuất và dự trữ năng lượng. Chỉ cần một lượng nhỏ của đất hiếm có thể tạo ra một lô những sản phẩm hi-tech như các solar panels, cuộn âm thanh trong máy ipod, pin trong xe hybrid, máy x-ray, lasers, máy bay.......
Với tầm quan trọng của đất hiếm trong mọi lãnh vực của đời sống như vậy, sự thật đáng sợ là Trung Quốc hiện đang thống lĩnh 90% thị trường thế giới về đất hiếm trong khi họ chỉ có 1/3 tổng lượng toàn cầu. Làm sao họ có thể làm như vậy? Để trở thành Trùm Đất Hiếm thế giới, Trung Quốc đã thực hiện hai loại giá ở mức trái ngược: giá nuốt chửng và giá bán đổ đồng.
Hơn một thập niên trước, lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc nhận biết họ có nhiều đất hiếm nên đã trợ giá cho việc sản xuất các loại đất hiếm này với mục tiêu biến Trung Quốc thành “OPEC của Đất Hiếm”, tương tự như cơ quan thống lĩnh dầu hỏa OPEC của Trung Đông.
Đầu tiên, Trung Quốc sản xuất một trữ lượng khổng lồ đất hiếm và đổ ra bán rẻ mạt trên thế giới dưới mức giá thành để giết chết cạnh tranh, sau đó họ giới hạn xuất cảng để tạo khan hiếm trên thị trường và tăng giá cắt cổ. Một thí dụ điển hình là chất cerium oxide, một vật liệu quan yếu trong pin và catalytic converters. Năm 2007, giá $3/kg. Hiện nay giá $23/kg, tăng hơn 7 lần chỉ trong vòng có 3 năm. Tương tự, giá chất samarium oxide (dùng trong máy radiation để chữa cancer phổi) tăng gần 1,000%.
Dĩ nhiên, giá tăng cao sẽ khiến các công ty trên thế giới muốn tham dự vào việc sản xuất đất hiếm nhưng ông Trùm Trung Quốc sẽ có thể giở trò đổ hàng loạt vào thị trường (dumping) khiến giá rẻ mạt và giết chết kẻ muốn cạnh tranh. Một trong những nạn nhân lớn nhất của trò chơi dumping này là một công ty Mỹ tại Denver, Colorado, hãng Molycorp – đã từng một thời là Vua trong lãnh vực đất hiếm, và mỏ Mountain Pass của họ tại California đã từng là mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, hãng Molycorp đã phải đóng cửa mỏ này năm 2002 vì trò dumping của Trung Quốc.
Trung Quốc đã sử dụng quyền lực đất hiếm và thủ đoạn “nuốt chửng” của họ không chỉ trong phạm vi kinh tế mà còn dùng để thao túng chính trị, như trong biến cố Đảo Senkaku xảy ra năm 2010, khi tàu Trung Quốc đã cố tình xâm phạm lãnh hải của Nhật Bản, thuyền trưởng của tàu Trung Hoa đã bị Nhật Bản bắt giữ nhưng sau đó đã phải thả chỉ vì áp lực của Trung Quốc về vấn đề đất hiếm mà Nhật Bản rất cần trong kỹ nghệ xe hơi và điện tử.

Thứ tám: Không thể tưởng tượng nổi: Vạn Lý Cấm Thành!
Khí giới cuối cùng của Trung Hoa để hủy hoại công việc tại Hoa Kỳ, đó là Vạn Lý Cấm Thành được dựng lên với nhiều loại gạch: mức thuế trắng trợn đánh lên hàng nhập cảng, quan ngạch giới hạn hàng nhập cảng được che dấu một cách khéo léo, thuế hải quan nặng nề, luật mua hàng nội, thi hành mọi giới hạn kỹ thuật về mậu dịch, tham nhũng và đấu giá gian giảo.
Vạn Lý Cấm Thành đã đưa tới những hệ quả thực tế như sau: các mặt hàng sản xuất từ Trung Quốc được tự do bán vào thị trường Bắc Mỹ, trong khi đó các đối tác cạnh tranh từ San Jose, Mexico City, Dorval, Quebec không thể bán hàng dễ dàng vào Trung Quốc. Chẳng ngạc nhiên chút nào khi các cơ sở hạ tầng sản xuất của chúng ta đang thoi thóp chờ chết!

Tổng kết mọi lo sợ của chúng ta từ Trung Quốc
Khi tổng kết lại hết Tám Vũ Khí Hủy Diệt Công Việc (của chúng ta) do Trung Quốc tiến hành, hàng triệu công việc của người Mỹ, Canada, Âu Châu, Mexico và Á Châu đã bị mất và toàn bộ hạ tầng sản xuất của Tây phương đang ngã gục. Khi liên kết các chấm điểm từ tám “vũ khí hủy diệt công việc” của Trung Quốc tới những hàng người đi xin tiền thất nghiệp tại Hoa Kỳ, nền kinh tế phiền muộn tại Nhật Bản, khủng hoảng tài chánh tại Châu Âu, và hỗn loạn dân sự tại Mexico, chúng ta sẽ thấy được rõ hơn bức tranh tổng thể: đó là chính sách con buôn và bảo vệ thị trường nội địa của Trung Quốc nhằm thống lĩnh thị trường thế giới, lãnh đạo sản xuất và muốn thế giới Tây Phương phải phục quị kinh tế đối với Thiên Triều.
Tổng giám đốc (CEO) của công ty Nucor Steel, Dan DiMicco đã mô tả thực trạng một cách hùng hồn rằng: “Chúng ta đã tham dự cuộc chiến mậu dịch với Trung Quốc hơn một thập niên qua. Nhưng chỉ có Trung Quốc là người đã bắn đạn.”
Rõ ràng, Hoa Kỳ và các đồng minh tôn trọng tự do và công bằng mậu dịch đã nhịn quá lâu rồi và bây giờ là thời điểm phải trả đũa. Trung Quốc không thể nào tiếp tục thao túng với Tám Vũ Khí Hủy Diệt Công Việc, và vi phạm trầm trọng nguyên tắc tự do và công bằng mậu dịch mà Tổ Chức Thương Mại Thế Giới đã đề ra để phát triển kinh tế cho mọi quốc gia. Chính sách con buôn và bảo vệ thị trường nội địa của Trung Quốc phải được ngăn chặn. Nếu không là bây giờ thì đến bao giờ? Nếu không từ Hoa Kỳ chủ động thì sẽ là ai? Thủ Tướng Anh Winston Churchill đã từng nói, “Người Mỹ luôn có thể làm điều đúng, sau khi họ đã thử mọi phương cách.” Và chúng ta đang ở thời điểm đó!

(Còn tiếp)
Lý Thái Hùng
27/8/2011
.
.
.

No comments: