Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2011-11-01
Sau khi trở về từ nhà tù Trung Quốc, chín người lính sống sót trong trận Gạc Ma sống cuộc đời như thế nào?
“Số phận”
Sau khi được trả về từ nhà tù Trung Quốc vào cuối năm 1991, những người lính trẻ sống sót sau trận hải chiến tại Gạc Ma trở về cùng gia đình, hy vọng sẽ bắt đầu một cuộc sống mới. Chỉ có một điều, trong số họ, nhiều người vẫn không dám ước mơ về một gia đình riêng.
Anh Dương Văn Dũng chia sẻ:
-“Sau khi được trả về từ nhà tù Trung Quốc, tôi cũng không có ý lấy vợ. Nhưng không ngờ số phận lại cột tôi và vợ lại với nhau nên đến đầu năm 1992 là tôi có vợ, sang năm 1993 tôi sinh đứa con trai đầu lòng.”
-“Sau khi được trả về từ nhà tù Trung Quốc, tôi cũng không có ý lấy vợ. Nhưng không ngờ số phận lại cột tôi và vợ lại với nhau nên đến đầu năm 1992 là tôi có vợ, sang năm 1993 tôi sinh đứa con trai đầu lòng.”
“Số phận” – là hai từ mà cho đến bây giờ họ vẫn thường dùng để nói về chính mình, về những điều mình phải trải qua cách đây hơn 20 năm và về những gì còn đeo đẳng trong cuộc sống của họ. Sau khi trở lại Việt Nam, số phận rồi cũng gắn kết họ với những người đàn bà và những đứa con. Những người lính trẻ năm xưa giờ đây đều đã gần 50 tuổi nhưng số phận lại mang họ đi qua 23 năm một cách khó nhọc, để họ cứ mãi loay hoay trong cơ cực. Hiện tại, chỉ 8 anh còn sống, anh Nguyễn Tiến Hùng đã mất vì bệnh ung thư cách đây vài năm. Trong số họ, có lẽ anh Mai Văn Hải là người nghèo khổ nhất và vẫn bám trụ với nghề nông, còn anh Lê Văn Đông có lẽ là người có cuộc sống ổn định nhất.
Anh Nguyễn Văn Thống cho biết:
-“Trong bọn tôi chỉ có anh Đông là khá hơn cả vì gia đình cha mẹ anh có rẫy trồng cao su. Còn bọn tôi thì cũng chẳng làm được gì cả, chỉ sống nhờ trợ cấp”.
-“Nói chung, sau trận chiến tôi bị thương nặng, không làm được gì cả, chỉ ở nhà giúp vợ con mà thôi. Bây giờ gia đình sống nhờ vào trợ cấp thương binh của nhà nước thôi. Cuộc sống cũng tạm đủ chứ không khá giả như người ta.”
-“Nói chung, sau trận chiến tôi bị thương nặng, không làm được gì cả, chỉ ở nhà giúp vợ con mà thôi. Bây giờ gia đình sống nhờ vào trợ cấp thương binh của nhà nước thôi. Cuộc sống cũng tạm đủ chứ không khá giả như người ta.”
Anh Thống là người bị thương nặng nhất và được hưởng chế độ thương binh hạng ¼ với số tiền khoảng 3 triệu đồng một tháng. Anh Đông và anh Phụng cũng hưởng trợ cấp thương binh hạng 4/4.
Anh Trần Thiên Phụng nói:
-“Vì vấn đề sức khỏe, tôi cũng chẳng làm gì được cả. Bây giờ chỉ ở nhà giúp vợ bán bún. Mỗi tháng, tôi được nhà nước trợ cấp khoảng hơn 500 ngàn vì là thương binh hạng 4/4. ”
-“Vì vấn đề sức khỏe, tôi cũng chẳng làm gì được cả. Bây giờ chỉ ở nhà giúp vợ bán bún. Mỗi tháng, tôi được nhà nước trợ cấp khoảng hơn 500 ngàn vì là thương binh hạng 4/4. ”
Và đó là sợi dây duy nhất kết nối họ với đơn vị cũ. Không còn chiến đấu chung, không còn sống cùng trong nhà giam Trung Quốc, mỗi người có một cuộc sống riêng và không gặp nhau từ đó. Mỗi người bươn chải cho cuộc sống của mình và không hẹn mà họ lại chọn cùng một nghề: nghề phụ hồ. Trừ anh Hải làm nghề nông, tất cả đều chọn cho mình cái nghề lao động khổ cực ấy để sống.
Anh Thống tâm sự:
-“Tại Việt Nam, nếu không có trình độ học vấn hay nghiệp vụ chuyên môn thì ngoài chọn nghề phụ hồ để kiếm vài chục hay một trăm nghìn một ngày thì cũng chẳng biết phải làm gì”.
Anh Dũng cho biết, cái nghề phụ hồ đã đeo bám anh từ khi ra tù. Đã 20 năm, anh chưa một ngày thoát khỏi vất vả. Có lẽ chính vì thế mà anh già hơn so với cái tuổi ngoài 40 của mình.
-“Sau khi có vợ thì tôi đi phụ hồ. Làm phụ hồ cực quá mà hay bị sai vặt nữa. Cho nên tôi về nhà sắm dụng cụ đi làm thợ. Lúc đầu thì tôi cũng làm từ từ thôi, nhưng chỉ có cái là tôi sai được người phụ hồ mà thôi chứ cũng chỉ là một nghề làm việc tay chân”.
Anh Dũng kể câu chuyện của mình khi đứa con trai duy nhất vừa qua đời cách đây mấy tháng. Vì nhà đang bị giải tỏa, anh lập bàn thờ cho con trong ngôi nhà như một đống gạch vụn, khiến ai thấy cũng mũi lòng.
-“Lúc giải tỏa thì tôi cũng nhận được tiền đền bù để xây nhà mới nhưng do vừa rồi thằng con trai tôi phải vào viện nên tất cả số tiền có được đều dùng để chữa cho nó. Vậy mà vẫn không cứu được con tôi mà tiền cũng hết”.
-“Lúc giải tỏa thì tôi cũng nhận được tiền đền bù để xây nhà mới nhưng do vừa rồi thằng con trai tôi phải vào viện nên tất cả số tiền có được đều dùng để chữa cho nó. Vậy mà vẫn không cứu được con tôi mà tiền cũng hết”.
Anh Dương Văn Dũng trước căn nhà cũ dở dang, phải che bạt lại ở tạm để có chỗ đặt bàn thờ con trai. (Source damlambao)
Khiêm nhường và cuộc sống giản dị
Mỗi người họ có một hoàn cảnh, một câu chuyện riêng, để khi phải kể câu chuyện về mình, họ cũng không biết bắt đầu từ đâu. Ra tù, anh Thoa là người duy nhất trở lại quân ngũ phục vụ đến năm 1996, tuy nhiên, câu chuyện của anh cũng chẳng phải là một câu chuyện vui. Anh nói:
-“Ra ngũ, tôi chạy xa ôm ở Sài Gòn và lấy vợ ở Nha Trang. Bà xã tôi không chịu được khổ cực và không làm việc gì cả. Một mình tôi phải bươn chải và trở lại Sài Gòn đi làm phụ hồ. Lúc đó, vợ tôi đã sinh được 2 đứa con mà gia đình lại túng thiếu nên cô ấy bỏ về Qui Nhơn ở với mẹ tôi. Khi sinh đứa bé thứ ba được 4 tháng thì vợ tôi cũng bỏ tôi ra đi. Từ đó, tôi trở về Qui Nhơn sống và nuôi con”.
-“Ra ngũ, tôi chạy xa ôm ở Sài Gòn và lấy vợ ở Nha Trang. Bà xã tôi không chịu được khổ cực và không làm việc gì cả. Một mình tôi phải bươn chải và trở lại Sài Gòn đi làm phụ hồ. Lúc đó, vợ tôi đã sinh được 2 đứa con mà gia đình lại túng thiếu nên cô ấy bỏ về Qui Nhơn ở với mẹ tôi. Khi sinh đứa bé thứ ba được 4 tháng thì vợ tôi cũng bỏ tôi ra đi. Từ đó, tôi trở về Qui Nhơn sống và nuôi con”.
Không có nổi một ngôi nhà cho riêng mình, hiện tại anh Thoa sống cùng ba đứa con tại ngôi nhà nhỏ của cha mẹ. Bắt đầu hơn một năm nay, anh mở tiệm phở nhỏ bán đồ ăn sáng. Cơ duyên đưa anh đến với nghề nấu bếp cũng chẳng thể gọi là bình thường:
-“Về Qui Nhơn, tôi mua một cái máy bơm hành nghề vá xe đạp. Khi thấy cuộc sống khổ quá, tôi xin đi học nấu ăn. Tại Bình Định không có một trường nào dạy nấu ăn cả, tôi chỉ tham gia một lớp dạy nấu ăn của Hội phụ nữ dành cho các bà mẹ. Trong lớp không có ai là nam, trừ tôi. Sau khi hoàn thành khóa học, tôi làm phụ bếp ở CLB Hoàng Anh Gia Lai. Trong thời gian phụ bếp tôi học được nghề nấu phở.”
-“Về Qui Nhơn, tôi mua một cái máy bơm hành nghề vá xe đạp. Khi thấy cuộc sống khổ quá, tôi xin đi học nấu ăn. Tại Bình Định không có một trường nào dạy nấu ăn cả, tôi chỉ tham gia một lớp dạy nấu ăn của Hội phụ nữ dành cho các bà mẹ. Trong lớp không có ai là nam, trừ tôi. Sau khi hoàn thành khóa học, tôi làm phụ bếp ở CLB Hoàng Anh Gia Lai. Trong thời gian phụ bếp tôi học được nghề nấu phở.”
Ngôi nhà của ba mẹ anh Thoa nhỏ đến nỗi chỉ có thể để được 3 cái bàn cho khách. Vậy mà anh phải san sẻ mặt bằng cho người em gái của mình, là đứa em gái duy nhất mà anh luôn lo lắng khi ở nhà tù Trung Quốc.
-“Cái mặt bằng ngôi nhà này tôi phải chia sẻ với em tôi. Tôi bán phở vào buổi sáng thôi, còn buổi chiều thì để cho em tôi bán ốc.”
Trận hải chiến tại Trường Sa năm 1988 có lẽ còn xa lạ với nhiều người. Thậm chí, nhiều người còn không tin nó đã từng xảy ra. Những người còn sống sót cũng chưa một lần trở lại Gạc Ma từ năm 1988.
Anh Thoa nói:
-“Từ khi ra tù, tôi chưa bao giờ trở lại Gạc Ma. Tôi có phục vụ lại trong quân đội sau khi ra tù và cũng nghe bạn bè nói rằng Gạc Ma đã thuộc về Trung Quốc. Nghe như thế tôi rất buồn vì mình vừa bị đau thương mất mát mà vừa mất lãnh hải”.
-“Từ khi ra tù, tôi chưa bao giờ trở lại Gạc Ma. Tôi có phục vụ lại trong quân đội sau khi ra tù và cũng nghe bạn bè nói rằng Gạc Ma đã thuộc về Trung Quốc. Nghe như thế tôi rất buồn vì mình vừa bị đau thương mất mát mà vừa mất lãnh hải”.
Trừ những bài báo trên tờ Nhân dân, cũng như tuyên bố của bộ Ngoại giao Việt Nam trong năm 1988 về trận chiến, bắt đầu từ năm 1991, tin tức về sự kiện này gần như không còn được nói đến trên các phương tiện truyền thông trong nước. Để rồi số phận những người ngã xuống và hy sinh chìm trong lặng lẽ và để những thế hệ lớn lên không biết về một phần lịch sử quan trọng của dân tộc.
Những người sống sót sau trận chiến Gạc Ma đã bị lãng quên và dường như đành bằng lòng với sự đối xử của số phận. Anh Dũng tâm sự:
-“Đó là những gì của quá khứ, tôi cũng muốn để cho qua đi và cũng không kể lại cho vợ con”.
-“Riêng tôi thì cuộc sống khó khăn, nhưng tôi cũng cố gắng sống với vợ con, gia đình mà không suy nghĩ gì hết”.
-“Đó là những gì của quá khứ, tôi cũng muốn để cho qua đi và cũng không kể lại cho vợ con”.
-“Riêng tôi thì cuộc sống khó khăn, nhưng tôi cũng cố gắng sống với vợ con, gia đình mà không suy nghĩ gì hết”.
Chính vì cuộc sống khổ cực, trừ anh Đông và anh Thống ở cùng huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình nên có cơ hội gặp mặt; tất cả mất liên lạc với nhau từ cái ngày chia tay nhau tại khu nghỉ dưỡng hải quân vào năm 1991. Cho đến tháng 9 vừa qua, tại cuộc hội ngộ mang tên “Vòng tròn bất tử”, họ gặp nhau sau 20 năm mà vừa mừng vừa tủi. Anh Thống nói:
-“Sau 23 năm, chúng tôi gặp nhau ở cuộc gặp mang tên “Vòng tròn bất tử”. Mọi người rất mừng, bắt tay, ôm nhau ôn lại kỷ niệm. Tiếc là hôm đó chúng tôi chưa có cơ hội nói chuyện nhiều và cũng chưa có cơ hội uống với nhau ly rượu.”
Sau ngần ấy năm, họ gặp lại và huyên thuyên với nhau như thể muốn nói hết những gì đã đi qua họ trong hơn hai thập niên. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng những gì xảy ra tại Gạc Ma chỉ có thể trở thành một góc của quá khứ mà họ có thể cất đi giữa những bộn bề nhưng không thể làm nó biến đi như thể nó chưa từng tồn tại.
Anh Thoa nói:
-“Thỉnh thoảng, lúc buồn tôi vẫn nhớ lại những kỷ niệm cũ về Trường Sa và buồn cho các anh đã ngã xuống. Tôi nghĩ rằng mình còn sống là may mắn hơn các đồng đội khác. Cho nên, (cuộc sống dù khổ cực), thì tôi vẫn cứ vậy mà sống thôi.”
-“Thỉnh thoảng, lúc buồn tôi vẫn nhớ lại những kỷ niệm cũ về Trường Sa và buồn cho các anh đã ngã xuống. Tôi nghĩ rằng mình còn sống là may mắn hơn các đồng đội khác. Cho nên, (cuộc sống dù khổ cực), thì tôi vẫn cứ vậy mà sống thôi.”
Quý thính giả vừa nghe chia sẻ của những người lính hải quân Việt Nam về trận hải chiến tại Gạc Ma mà chính họ là người trong cuộc. Anh Dũng từng tâm sự, đã một thời gian dài con cái anh cho rằng chuyện anh từng bị bắt làm tù binh Trung Quốc là chuyện hoàn toàn không có thật. Có lẽ con của anh Dũng không phải là người đầu tiên và duy nhất hoài nghi về trận hải chiến ấy. Lịch sử như một thước lụa dài mà các sự kiện là những sợi tơ. Hy vọng chia sẻ của những người lính năm xưa trong ba kỳ phát thanh vừa qua sẽ là những sợi tơ không thể thiếu trong việc dệt nên tấm sử dân tộc.
Mời quý thính giả đóng góp ý kiến với Quỳnh Chi tại email: QUYNHCHI@RFA.ORG.
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
-------------------
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2011-10-25
Trận hải chiến trên đảo Gạc Ma năm 1988 diễn ra chỉ trong vòng hơn một giờ đồng hồ đã giết chết 64 hải quân Việt Nam.
Họ vẫn còn sống
Chín người sống sót bao gồm anh Lê Văn Đông, Nguyễn Văn Thống, Trần Thiện Phụng, Phạm Văn Nhân, Nguyễn Tiến Hùng, Trương Văn Hiền, Lê Minh Thoa, Mai Văn Hải và Dương Văn Dũng. Số phận của họ sau cuộc chiến như thế nào?
Anh Thống cho biết: "Tàu chìm lúc khoảng 7 giờ 30 sáng. Sau đó tôi bị thương và vớt được một miếng gỗ và trôi đến khoảng 4 giờ chiều thì bị bắt. Tôi bị thương nặng nhưng lại ôm được tấm gỗ mang ra làm nhà. Tôi ôm và cứ để mặc nó trôi thế nào thì trôi. Lúc bị họ kéo khỏi mặt nước thì tôi đau lắm. Tôi biết rằng có vài người cũng bị bắt lên khoang tàu rồi nhưng không nhìn rõ ai cả vì tôi bị thương ở mắt”.
Đó là lý do anh Thống còn sống sót sau trận chiến. Nếu không nhờ những tấm gỗ mà các chiến sĩ hải quân Việt Nam dự định dùng làm nhà trên đảo, có lẽ cũng chẳng ai còn sống sót kể chuyện của họ ngày hôm nay. Trong số những người không tử thương trong trận chiến, có lẽ anh Thoa là người tỉnh táo nhất.
Anh còn nhớ rõ cảm xúc của mình khi thấy tàu Trung Quốc xuất hiện trở lại:
“Đến 6 giờ chiều thì tôi nhìn thấy một con tàu từ hướng đông chạy đến. Lúc ấy tôi rất mừng và nghĩ là tàu Việt Nam. Nhưng khi tàu này dừng lại và chuyển hướng gió thì tôi nhìn thấy hai chữ “Trung Quốc”. Lúc đó tôi đã xác định rằng cuộc đời tôi đến đây là hết rồi. Họ bắt từng người lên tàu. Tôi là người bị bắt cuối cùng và khi lên tàu thì đã thấy tám anh em trên tàu rồi.”
Tất cả những người bị bắt lên tàu đều bị thương, đều bị yêu cầu cởi bỏ hết quần áo ngoài và đều bị bỏ cùng một khoang tàu chở về nhà tù Trung Quốc ở Quảng Đông. Lúc đó, tất cả nghĩ rằng đời họ đến đây là hết. Mọi người đều im lặng, chỉ nhìn nhau nhưng không nói được lời nào.
Trong số chín người trên khoang tàu, anh Thống là người bị thương nặng nhất. Theo lời anh kể, lúc lên tàu, anh không phân biệt được ngày đêm và bất tỉnh ngay sau đó. Khi tỉnh lại, anh chỉ biết kêu than và xin quần áo mặc vì lạnh.
Anh Thoa nói tiếp:
“Lúc bị bắt lên tàu Trung Quốc thì suốt ba ngày ba đêm cũng không ai ăn uống gì cả. Có lúc tôi khát nước, nhìn thấy một người nữ trên tàu và xin cô ấy chút nước vì cô ấy đang ăn dưa hấu. Nhưng cô ấy còn không cho, còn dùng giày đá vào chân tôi đau điếng. Lúc đó, người thì bị thương. Trời thì lạnh, chúng tôi chỉ mặc quần đùi và áo lót.
Tất cả đều bị thương và mệt mỏi vì phải bơi gần một ngày trên biển. Tất cả những người bị bắt lên khoang tàu đều không được băng bó gì cả. Sau 3 ngày 3 đêm, chúng tôi về đến đảo Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, thì những người bị thương nặng mới được băng bó. Lúc đó thì những vết thương đã bốc mùi lên rồi”.
Sau 3 ngày 3 đêm, chín hải quân Việt Nam bị đưa về làm tù binh ở bán đảo Lôi Châu. Tại đây, mỗi người nuôi một niềm hy vọng riêng. Tuy nhiên, không ai dám hy vọng sẽ lại bước chân trên mảnh đất quê hương lần nữa.
Anh Dũng tâm sự:
“Lúc ấy tôi không hề nghĩ có ngày mình được trở về. Bởi vì các loại tù khác thì còn có án, còn có ngày về. Còn tù như chúng tôi thì không thể biết được ngày về”.
“Lúc ấy tôi không hề nghĩ có ngày mình được trở về. Bởi vì các loại tù khác thì còn có án, còn có ngày về. Còn tù như chúng tôi thì không thể biết được ngày về”.
Bị bắt làm tù binh
Họ vẫn còn sống – là sự thật. Họ bị bắt làm tù binh tại Trung Quốc – là sự thật. Tất cả không hề hoài nghi gì về điều ấy. Điều duy nhất họ chưa biết rõ lúc ấy là việc Trung Quốc có chiếm đảo Gạc Ma hay không. Chính vì thế mà họ hy vọng.
Anh Thoa thở dài nhớ lại:
“Vì đảo Gạc Ma rất dài, nên lúc ấy tôi hy vọng là Trung Quốc không chiếm hết đảo. Nhưng sau này khi trở về Việt Nam thì tôi cũng biết là Trung Quốc chiếm đảo ấy luôn rồi.”
Cũng tại đây, họ bắt đầu một cuộc đấu mới: cuộc đấu trí với cai ngục Trung Quốc. Theo lời kể, trong năm đầu tiên bị giam, cứ cách vài ngày họ bị gọi đi cung một lần để tìm hiểu về những người giữ chức vụ quan trọng trong hải quân Việt Nam. Họ còn phải đấu trí với những bài báo được viết bằng tiếng Việt được đưa vào ngục mà theo họ là “của những người phản quốc”. Thậm chí, các anh đã xé bỏ những tờ báo xuyên tạc ấy.
Anh Dũng nói:
"Khi cai ngục đưa cho chúng tôi những bài báo ấy thì chúng tôi không đọc, thậm chí xé, đốt trước mặt cai ngục luôn. Có lúc đánh với cai ngục, tôi cũng không sợ. Tôi nghĩ mình cá đã nằm trên thớt, tôi không sợ gì nữa. Họ muốn chặt con cá lúc nào cũng được, nhưng họ có dám chặt không?”
Trong số những người còn sống sót, có lẽ anh Dũng là người kiên cường và mạnh mẽ nhất. Thậm chí, có lần anh đã cãi nhau với thông dịch viên Trung Quốc vì anh không khuất phục.
Anh nói tiếp:
“Tôi tuyên bố rằng 'Mày nhốt tao thì mày phải mang cơm cho tao ăn. Mày dám không đem cơm cho tao ăn không?'. Tôi đã nói câu đó thì tôi không bao giờ sợ chết.”
Cuộc đấu trí lớn nhất có lẽ là việc trình bày về việc bên nào nổ súng trước khi một năm sau đó, Hội chữ thập đỏ quốc tế vào trại giam thăm các hải quân Việt Nam.
Anh Dũng nói:
“Khi hội chữ thập đỏ quốc tế đến thì họ yêu cầu mình phải viết tường trình rằng ai nổ súng trước. Tôi trả lời là Trung Quốc là phía nổ súng bởi Việt Nam súng đâu mà nổ? Hành động và nổ súng là chỉ có Trung Quốc thôi. Nhưng Trung Quốc lại không chấp nhận là họ nổ súng trước.”
Một năm sau khi ngày trận chiến xảy ra, đại diện Hội chữ thập đỏ quốc tế đến thăm các tù binh Việt Nam, đó cũng là lúc gia đình nhận được tin báo các anh còn sống. Trước đó, báo Nhân dân đăng ngày 28 tháng 3 năm 1988 đăng tin rằng tất cả các chiến sĩ tử trận trong trận hải chiến Trường Sa.
Anh Thoa nói:
“Trong một năm đầu ở tù, chúng tôi hoàn toàn không có tin tức về Việt Nam. Sau đó, Hội Chữ thập đỏ quốc tế vào tù thăm chúng tôi thì họ cho phép viết mỗi người một lá thư dài 24 chữ để họ chuyển về gia đình. Tôi báo cho gia đình là tôi vẫn còn sống và hiện đang ở tù tại Trung Quốc”.
Và đó là lá thư duy nhất các anh được gởi về nhà trong gần 4 năm ở nhà tù Trung Quốc. Họ ở trong nhà tù Trung Quốc, tồn tại trong sự lo lắng với những nỗi niềm riêng. Anh Thống lo cho cha mẹ già cùng bảy anh chị em khác. Anh Phụng lo cho đứa con vừa mới chào đời được một năm. Anh Hải lo cho cảnh nhà túng quẫn… Anh Thoa lại có
“Ở trong tù, nhớ nhà kinh khủng, nhất là vào những đêm giao thừa. Nhớ gia đình, cha mẹ, em út…không biết họ sống như thế nào. Ở trong tù thì làm sao mà thoải mái được. Lúc đó, đầu óc tôi suy nghĩ rất nhiều. Lao động thì vất vả. Tôi cứ suy nghĩ về gia đình và cuộc đời của mình. Lúc ấy tôi còn trẻ, chỉ mới 20-21 mà thôi. Tôi là con cả trong gia đình có 4 người con, đứa em út tôi lúc ấy mới 7 tuổi thôi nên tôi lo cho nó lắm.”
Giấc mơ hồi hương
Và họ cứ sống như thế với những lo toan, mong mỏi cho đến một ngày vào tháng 11 năm 1991, sau chuyến công du Trung Quốc của Đại tướng Lê Đức Anh vào tháng 9.
Anh Thoa nhớ lại:
“Chiều hôm ấy chúng tôi được đãi một bữa ăn tươi mà họ cũng không nói gì cả. Đến khoảng 4 giờ sáng họ bảo chúng tôi thu xếp quân trang. Khi lên xe, họ đọc lệnh phóng thích tù binh”.
Anh Thoa còn cho biết, khi nghe lệnh được phóng thích, anh vừa mừng vừa sợ. Mừng vì mình có hy vọng được về với gia đình, với tổ quốc thân yêu; nhưng lo vì không biết thực hư như thế nào. Ngồi trên xe, chín người lại nhìn nhau mà im lặng, như lúc họ im lặng trên khoang tàu khi bị bắt mang về Trung Quốc cách đó gần 4 năm. Mỗi người một suy nghĩ, một nỗi lo.
Anh Thống nói:
“Sau hơn 3 năm rưỡi, họ đọc lệnh cho về là tất cả đều mừng rỡ, mừng mà không ngủ được. Cứ đợi đến sáng để được lên xe qua biên giới. Được về, dĩ nhiên là vui, nhưng buồn vì mình bị thương nặng thì không biết cuộc sống sẽ thế nào”.
Không khí im lặng, hồi hộp kéo dài trong suốt 2 ngày đường đi, để khi họ nhìn thấy được lá cờ Việt Nam bay phất phới phía bên kia biên giới, họ mới tin là mình được tái sinh.
Anh Thoa tâm sự:
“Lúc ấy vừa vui vừa sợ nên mọi người đều nhìn nhau im lặng. Đến khi được qua bên kia biên giới Việt Nam rồi, chúng tôi rất mừng. Nhìn trong bản đồ tôi thấy Quảng Đông và Cao Bằng rất gần, nhưng không hiểu sao khi ngồi lên xe thì thấy đi lâu lắm. Chúng tôi đi 2 ngày mới đến biên giới Việt Nam.”
Vậy là họ được trả về Việt Nam sau gần 4 năm chịu cảnh tù đày nơi đất khách. Bây giờ nhớ lại, cái cảm giác sung sướng và hạnh phúc vẫn còn dâng trào trong từng con tim, từng chân tóc, thớ da của họ. Họ sung sướng cảm nhận từng bước chân mình trên con đường đất quê hương, mở rộng lồng ngực hít thật sâu mùi cao nguyên xanh thẫm và ngửa mặt như đón lấy cái nắng gió trên bầu trời. Lòng họ hân hoan, nôn nao và hạnh phúc như được sống lại lần thứ hai.
Sau một tháng sống tại khu an dưỡng dành cho hải quân tại vịnh Hạ Long, chín người lính còn sống sót trong trận hải chiến tại Gạc Ma được cho về nhà. Trừ anh Phụng được gia đình lên tận khu an dưỡng đón, tám người còn lại không thể báo tin về nhà. Để rồi khi thấy họ xuất hiện, gia đình chỉ biết khóc và không nói nên lời.
Anh Dũng cho biết:
“Cả làng thấy tôi về họ đến thăm. Lúc ấy vì vui quá mà không biết nói gì nữa, mừng quá mà khóc thôi. Gia đình tôi rất mừng, không thể tượng tượng được con mình trở về như thế.”
Rồi trong số họ, có người về nhà và thấy chính ảnh của mình trên bàn thờ. Cho đến bây giờ, anh Thoa vẫn nhớ như in cái ngày đặc biệt ấy:
“Tôi ngồi tàu đi từ Hà Nội về đến Qui Nhơn khoảng 4 giờ sáng. Không biết lúc ấy gia đình vì sao gia đình tôi lại có linh tính. Chiếc xe ôm chở tôi vừa dừng trước nhà thì gia đình mở cửa ra. Lúc ấy tôi mặc trang phục hải quân. Gia đình thấy tôi thì khóc òa lên. Tôi cũng khóc luôn bởi vì lúc ấy bố mẹ, anh em, bác của tôi ai cũng khóc cả. Khóc vì quá mừng.
Lúc tôi trở về nhà thì thấy nhà vẫn còn thờ tôi. Đó là bức hình tôi chụp khi chưa vào quân đội. Lúc ấy tôi mới 15-16 tuổi thôi. Gia đình phóng lớn tấm hình ấy và để trên bàn thờ. Bây giờ tôi vẫn còn giữ tấm hình ấy.”
Cho đến bây giờ, anh Thoa vẫn còn giữ tấm ảnh thờ của chính mình. Anh Dũng vẫn giữ những tấm hình của đồng đội. Anh Phụng, anh Hải, anh Nhân, anh Đông, anh Thống, anh Hiền vẫn còn giữ những tấm huân chương chiến sĩ... như để khép lại một quá khứ nhưng không chối bỏ nó. Có lẽ hơn ai hết, họ hiểu rằng: họ đã sống thay cho 64 đồng đội mãi mãi nằm lại Gạc Ma ngoài kia.
Chương trình “Câu chuyện hàng tuần” xin được tạm dừng tại đây. Thưa quý vị, trở về cuộc sống bình thường, họ có chấm dứt được những gian truân? Mời quý vị đón nghe kỳ tới.
Theo dòng thời sự:
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
--------------------------
Trận hải chiến Trường Sa 1988
.
.
.
No comments:
Post a Comment