Wednesday, November 2, 2011

NGA & TRUNG QUỐC ĐƯA HỐI LỘ NHIỀU NHẤT (RFI, BBC)



Thụy My   -   RFI
Thứ tư 02 Tháng Mười Một 2011

Theo một công trình nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) được công bố hôm nay 2/11/2011, các công ty Nga và Trung Quốc đưa hối lộ nhiều nhất trong các hoạt động xuyên quốc gia. Theo Minh bạch Quốc tế, chống tham nhũng phải là ưu tiên hàng đầu của khối G20 sẽ họp tại Cannes, Pháp trong tuần này.

Tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Đức đã đưa ra chỉ số về Tham nhũng của các nước xuất khẩu năm 2011, trong đó xếp hạng 28 nền kinh tế quan trọng nhất thế giới về vấn đđưa hối lộ trong các hoạt động ở ngoại quốc. Các công ty của Nga và Trung Quốc, vốn đã đầu tư 120 tỉ đô la Mỹ ra nước ngoài trong năm 2010, đứng đầu danh sách chuyên hối lộ, còn các công ty của Thụy Sĩ và Hà Lan được xem là ít chịu chi hoa hồng nhất.

Theo bản báo cáo này thì Nga được 6,1 điểm, có tiến bộ so với chỉ số của năm 2008 là 5,9 điểm, còn Trung Quốc vẫn giữ nguyên chỉ số 6,5. Tuy vậy Tổ chức Minh bạch Quốc tế cũng nhấn mạnh đến cố gắng của hai nước trên trong việc đấu tranh chống lại các ý đồ hối lộ từ các đơn vị kinh doanh.

Các chỉ số trên đây dựa vào câu trả lời của 3.000 lãnh đạo công ty thuộc 28 nước phát triển và đang phát triển, được chọn lựa để khảo sát theo khối lượng nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài, trên 19 lãnh vực hoạt động. Lãnh vực xây dựng và công chánh được xem là tham nhũng nhiều nhất, tiếp theo là khu vực dịch vụ và bất động sản. Còn nông nghiệp là lãnh vực ít có mưu toan hối lộ nhất. Tiền hối lộ được đưa cho các viên chức liên quan để có thể thắng thầu, trốn tránh các quy định, đẩy nhanh các thủ tục của chính phủ hoặc gây ảnh hưởng nhằm đưa ra được các chính sách nhà nước có lợi cho mình.

Chủ tịch Tổ chức Minh bạch Quốc tế, bà Huguette Labelle tuyên bố : « Các chính phủ khối G20 sẽ họp tại Cannes tuần này cần xem vấn nạn hối lộ xuyên quốc gia là ưu tiên hàng đầu và là vấn đề khẩn cấp ». Theo bà thì : « Các quy định mới của G20 cần đảm bảo cho một nền kinh tế thế giới công bằng hơn, rộng mở hơn, tạo điều kiện cho một sự phục hồi bền vững, và sự ổn định cho tăng trưởng trong tương lai ».

-----------------------------


BBC
Cập nhật: 08:59 GMT - thứ tư, 2 tháng 11, 2011

Theo kết quả một cuộc khảo sát vừa mới công bố, các doanh nghiệp Nga và Trung Quốc là những người dễ đưa hối lộ nhất khi kinh doanh ở nước ngoài.

Khảo sát của tổ chức chống tham nhũng có tên là Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI) đã hỏi ý kiến của 3.000 doanh nhân về văn hóa kinh doanh của 28 nước.
Những người được khảo sát trả lời câu hỏi về khả năng đưa hối lộ của các công ty đến từ 28 nước này là nhiều hay ít.
Theo đó thì Trung Quốc đứng thứ 27 còn Nga đứng chót bảng xếp hạng.
Trong khi đó thì các nước Anh, Mỹ, Pháp nằm chung thành một nhóm và lần lượt ở các vị trí 9, 10 và 11.
Theo kết quả khảo sát thì hành vi hối lộ thường xảy ra nhất là để giành các hợp đồng trong khu vực công và lĩnh vực xây dựng.
“Điều đặc biệt lo ngại là Trung Quốc và Nga nằm ở chót bảng xếp hạng,” tổ chức Minh bạch Quốc tế cho biết.
“Do sự hiện diện ngày càng tăng của các công ty đến từ các nước này ở phạm vi toàn cầu, hối lộ và tham nhũng có thể sẽ có tác động rất lớn đối với các xã hội nơi mà các công ty này hoạt động cũng như đối với khả năng cạnh tranh công bằng của chúng ở các thị trường này,” bản phúc trình của TI viết.

Giành hợp đồng chính phủ

Bản phúc trình cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế có thêm hành động để đưa các công ty đưa hối lộ khi kinh doanh ở nước ngoài ra ngoài vòng pháp luật.
Đứng đầu bảng xếp hạng minh bạch trong kinh doanh là các công ty đến từ Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ, Đức, Nhật, Úc, Canada và Singapore.
“Chính phủ các nước G20 cần phải đối phó với tình trạng đưa hối lộ ở nước ngoài như là một vấn đề khẩn cấp,” Chủ tịch TI Huguette Labelle nói trước thềm của Hội nghị thượng đỉnh của các quốc gia phát triển và các nền kinh tế mới nổi G20 ở Cannes, Ph́ap.
Bà cũng nói thêm rằng các chính phủ phải dành thêm nguồn lực cho các công việc điều tra và truy tố.
Trường hợp của Nga được IT đánh giá là một vấn đề đặc biệt thách thức.
“Điều không may là… không có nơi nào trong đời sống xã hội và kinh tế Nga là trong sạch cả," bà Elena Panfilova, giám đốc TI, nói.

Dựa trên một cuộc khảo sát riêng rẽ khác mà TI tiến hành vào năm ngoái, tổ chức này nhận xét rằng hành vi đưa hối lộ xảy ra thường xuyên hơn ở các doanh nhân đến từ những nước mà chính phủ cũng được đánh giá là ít liêm khiết nhất.
Bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hối lộ là khu vực công – nơi mà các công ty cạnh tranh nhau để giành các hợp đồng của chính phủ trong các lĩnh vực từ thu dọn rác thải cho đến xây dựng đường sá.
TI lưu ý rằng do tính chất của các hợp đồng trong khu vực công – vốn thường là những hợp đồng lớn, phức tạp và bao gồm nhiều nhà thầu phụ – khiến cho đây trở thành nơi dễ dàng đẩy chi phí lên cao và che giấu các khoản chi trả không phù hợp.
Tuy nhiên, TI cũng nói rằng việc đưa hối lộ để giành các hợp đồng xây dựng nhà ở và cơ sở hạ tầng lớn là ‘lừa gạt tiền của người đóng thuế’ và làm tổn hại đến tiêu chuẩn an toàn của các công trình.
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp hối lộ các công ty khác cũng thường xuyên như hối lộ các viên chức chính phủ.
Trong các lĩnh vực kinh tế thì lĩnh vực khai thác dầu mỏ và khí đốt mà các doanh nghiệp Nga và Trung Quốc đang hoạt động tích cực nhất cũng là những lĩnh vực dễ xảy ra hối lộ nhất.
Trong khi đó, nông nghiệp là lĩnh vực ít xảy ra tình trạng hối lộ nhất, trong khi khu vực ngân hàng đứng thư tư về ít xảy ra hối lộ trong tổng số 19 ngành được khảo sát.

Minh bạch Quốc tế là một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Berlin, Đức, chuyên theo dõi và đánh giá tình hình tham nhũng trong chính trị và kinh tế của thế giới. Hàng năm tổ chức này đều ra bảng xếp hạng tham nhũng của các quốc gia trên thế giới.

.
.
.

No comments: