Ngô Nhân Dụng
Tuesday, November 08, 2011 7:36:55 PM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=139747&z=7
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=139747&z=7
Có khoảng 14 triệu người Mỹ đang được ghi là “thất nghiệp” theo nghĩa thông dụng của Sở Thống Kê.
Nhưng con số những người không có việc làm thật sự cao hơn. Lý do vì Sở Thống Kê chỉ đếm những người đang đi tìm việc một cách “chính thức,” được các cơ quan nhân dụng của nhà nước ghi sổ. Còn những người đang âm thầm đi tìm việc mà nhà nước không biết thì không đếm được.
Ai cũng đồng ý rằng muốn cho kinh tế Mỹ phục hồi nhanh hơn, thì phải tạo ra thêm nhiều công việc làm mới. Người kiếm được việc làm thế nào cũng chi tiêu nhiều hơn. Tổng số tiêu thụ tăng, thêm nhiều xe hơi sẽ bán được; khách trở lại các tiệm làm móng tay (nails); hàng phở bán chạy không cần phải hạ giá 50% tháng này sang tháng khác; nói chung, cả nền kinh tế sẽ chạy với tốc độ nhanh hơn.
Nhưng hiện nay, các xí nghiệp lớn đều dè dặt không tuyển dụng thêm nếu không biết chắc kinh tế sắp trở lại bình thường. Sau mỗi cơn suy thoái công nghệ xây cất thường đóng vai đầu tầu kéo cả nền kinh tế Mỹ chạy trở lại; nhưng bây giờ chính ngành địa ốc đang lâm nạn với hàng trăm ngàn căn nhà xây lên chưa bán được. Các ngân hàng ngần ngại không muốn cho vay nếu thân chủ không chứng tỏ chắc chắn sẽ trả được nợ.
Một cơn suy thoái kinh tế mà do khủng hoảng tín dụng gây ra thường phục hồi rất chậm, so với những cuộc suy thoái bắt đầu từ các ngành sản xuất. Những hãng xe hơi hay các nhà sản xuất máy vi tính có thể thay đổi kế hoạch sản xuất nhanh chóng giống như các con tầu thon nhỏ, còn các ngân hàng thì khác. Hệ thống tín dụng chuyển động từ từ, giống như một tầu thủy lớn quay đầu chậm chạp và gia tăng tốc độ chậm chạp. Khi kinh tế suy yếu vì hệ thống tài chánh, như vụ khủng hoảng năm 2007 gây ra, thì thời gian hồi phục kéo dài hơn bình thường.
Các ngân hàng và công ty tài chánh đã gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay vì họ đem tiền cho vay không tính toán đúng, các con nợ không trả được. Nếu cả hệ thống ngân hàng tê liệt vì “nợ xấu” thì kinh tế nước Mỹ cũng tê liệt, năm 2008 chính phủ liên bang bỏ ra ngay 700 tỷ đô la giúp khẩn cấp. Các vị quản đốc ngân hàng đã được săn sóc chu đáo. Còn nạn nhân của họ là những người thất nghiệp có được săn sóc đầy đủ hay không? Khi chính phủ muốn giúp kéo dài trợ cấp thất nghiệp thì các đại biểu của giới ngân hàng lại chống đối, viện cớ họ lo ngân sách khiếm hụt. Tức là lúc cần thì bảo vệ những con cá lớn, còn các con cá nhỏ bây giờ phải tự lo lấy!
Một đạo luật ảnh hưởng đến tất cả những người đang và sắp thất nghiệp sẽ hết hiệu lực trong tháng tới; nếu không được Quốc Hội triển hạn thì từ đầu năm 2012 hàng triệu người sẽ gặp khó khăn hơn. Ðạo luật này cho phép chính phủ liên bang tiếp tục trợ cấp cho người thất nghiệp sau thời hạn 26 tuần mà họ được lãnh trợ cấp của tiểu bang. Nếu đến cuối Tháng Mười Hai năm nay mà Quốc Hội không làm gì thì khoảng 3 triệu 500 ngàn người sẽ không được lãnh tiền thất nghiệp nữa!
Trong tình trạng đảng đối lập trong Quốc Hội không cộng tác với Hành pháp thì rất ít hy vọng đạo luật trợ cấp thất nghiệp thêm được triển hạn. Giờ này sang năm dân Mỹ sẽ bỏ phiếu. Nếu kinh tế tiếp tục trì trệ thì Tổng Thống Barack Obama sẽ mất hết tín nhiệm. Các đại biểu Cộng Hòa chiếm đa số ở Hạ Viện sẽ viện lý do ngân sách thâm thủng để ngưng không kéo dài trợ cấp quá thời hạn 26 tuần. Trên Thượng Viện, dù không chiếm đa số nhưng các nghị sĩ đối lập vẫn có khả năng ngăn cản, như dự luật nhằm tạo thêm công việc đã phải chịu số phận đó.
Trong lúc ngân hàng bớt cho vay, các xí nghiệp bớt làm việc, các nhà kinh tế đều trông đợi chính phủ phải chi thêm tiền, tức là tạm thời thế vai trò các ngân hàng và các công ty sản xuất mà tạo thêm công việc. Một mối lo ngại chính đáng là những công việc làm “nhân tạo” do chính phủ tạo ra có thực sự ích lợi cho kinh tế toàn dân hay không. Một loại công việc chắc chắn ích lợi là sửa chữa các con đường, những cây cầu đã già nua, canh tân các phi trường, bến tầu, để người và hàng hóa di chuyển nhanh hơn. Ngành xây cất đang trì trệ, hàng trăm ngàn công nhân có hy vọng tìm được việc làm mới. Trong tuần trước, các nghị sĩ thiểu số đã thành công khi bác bỏ một dự luật tu bổ hạ tầng cơ sở như vậy. Theo quy tắc ở Thượng Viện Mỹ thì các dự luật không được đem ra thảo luận nếu không hội đủ 60 nghị sĩ đồng ý, cho nên chỉ cần 41 người bác hay bỏ phiếu trắng là mọi dự luật sẽ bị tắc nghẽn.
Lý do chính khiến các nghị sĩ Cộng Hòa đối lập bác bỏ dự luật trên là vì sẽ phải tăng thuế để có tiền tạo thêm công việc. Dân Mỹ ai cũng ghét tăng thuế, cho nên khi nêu lý do này thì rất dễ được dư luận ủng hộ. Nhưng khi nêu lên ý kiến phản đối tăng thuế, người ta thường không nói rõ số tiền thuế bị tăng lên là đánh trên những ai. Dự luật tạo công ăn việc làm mà Hành pháp đề nghị đã nhắm vào một đối tượng là những người có lợi tức trên một triệu đô la mỗi năm. Dự luật dự trù những “lợi tức hàng triệu” đó phải đóng thêm thuế 0.7 phần trăm. Ngay khi cộng thêm 0.7% đó, tỷ lệ đóng thuế của các triệu phú vẫn còn thấp hơn suất thuế họ phải đóng trước khi có các đạo luật giảm thuế của cựu Tổng Thống Gorges W. Bush. Bác bỏ dự luật này, những người được bênh vực không phải là tất cả mọi người đóng thuế, mà chỉ là những “lợi tức hàng triệu,” những triệu phú thứ thiệt! Trong số các triệu phú này có những người như Bill Gates, Warren Buffett đã bày tỏ ý kiến rằng họ muốn đóng thêm thuế; vì họ đã được hưởng rất nhiều nhờ guồng máy kinh tế cho nên thấy có bổn phận đóng góp nhiều hơn, nhất là trong lúc cả nước đang gặp khó khăn. Ông Buffett nêu lên một điều bất công trong hệ thống thuế khóa hiện hành, khi chính ông, người giầu thứ nhì ở Mỹ, đóng một suất thuế thấp hơn người thư ký của ông phải đóng.
Các nghị sĩ Cộng Hòa có thể đưa ra lý do không chấp nhận tăng thuế vì họ lo rằng đánh thuế cao sẽ khiến họ không muốn đầu tư nữa, mà thiếu đầu tư thì không tạo ra được thêm công việc. Nhưng chính ông Buffett, người thành công nhất nước Mỹ trong nghề đầu tư, đã nói rằng các quyết định có đầu tư hay không chẳng bao giờ bị ảnh hưởng của suất thuế. Ông Buffett điều hành những quỹ đầu tư hàng trăm tỷ đô la; những người như ông có bổn phận phải kiếm ra tiền cho thân chủ gửi gấm tiền cho họ chứ không được để tiền nằm trơ không sinh lợi; không lẽ họ bỏ không đầu tư nữa chỉ vì thuế tăng lên thêm mấy phần trăm? Các cuộc nghiên cứu cho thấy khi thuế đánh trên lợi tức đầu tư tăng lên thì hoạt động đầu tư có giảm trong ngắn hạn. Nhưng khi tính toán trường kỳ thì ảnh hưởng tiêu cực ngắn hạn không còn nữa; mọi người đều thích ứng với suất thuế mới. Hơn nữa, hiệu quả ngắn hạn này không xẩy ra khi thuế được tăng lên để giảm bớt khiếm hụt ngân sách, giúp các nhà đầu tư lại tin tưởng vào tương lai hơn. Trong thập niên 1990 chính quyền Clinton tăng thuế và tiến đến ngân sách cân bằng; và kinh tế đã phát triển mạnh, ngân sách thành thặng dư. Ông Clinton đã tăng thuế, và sau đó kinh tế Mỹ phát triển mạnh liên tục chưa từng thấy.
Nhưng những người chống đối bao giờ cũng đưa ra các lý luận đơn giản để ai cũng hiểu được. Mà vì dễ hiểu cho nên dễ được nhiều người tin theo. Chỉ khi nghiên cứu kỹ lưỡng mới thấy các điều có vẻ đơn giản thật ra không đơn giản như người ta nghĩ.
Một trong những lý luận biện hộ cho việc ngưng trợ cấp thất nghiệp nói rằng người nào còn nhận được tiền trợ cấp thì sẽ không chịu khó tìm việc. Chỉ khi nào bị cắt hết tiền tiêu thì họ mới hăng hái đi kiếm việc. Một thí dụ là khi đạo luật kéo dài trợ cấp thất nghiệp sau 26 tuần được thi hành vào đầu năm 2011 thì tỷ số thất nghiệp đã tăng lên (dù chỉ tăng thêm rất ít, 0.1 đến 0.5 phần trăm trên con số 9.2%). Suy ra, vì vẫn tiếp tục lãnh trợ cấp nên nhiều người không nhận làm những việc trả lương thấp. Nhưng, một cuộc nghiên cứu gần đây cho biết sự thật tỷ lệ thất nghiệp tăng lên chỉ vì số người “ghi tên” đi tìm việc, thay vì bỏ cuộc, tăng lên. Một người đang lãnh trợ cấp phải chứng tỏ mình đang đi tìm việc, họ được cơ quan nhân dụng ghi nhận, được “đếm.” Nếu không thì dù vẫn âm thầm đi tìm việc, họ cũng không được đếm, tức là không có mặt trong các con số thống kê! Chính vì thế nên khi có luật kéo dài trợ cấp thì số người được đếm tăng lên, tỷ lệ thất nghiệp chính thức cũng tăng theo!
Ngược lại, nếu không bị cơ quan nhân dụng thúc đẩy và kiểm tra mỗi tuần, những người thất nghiệp vốn đã nản, càng chán không muốn xách đơn tìm việc nữa. Hơn nữa, việc cắt trợ cấp thất nghiệp mấy triệu người có thể khiến nhiều người khác bị mất việc. Trung bình món tiền trợ cấp phụ đó chỉ là 295 đô la một tuần lễ. Nếu bị cắt thì người ta phải giảm chi tiêu, khoảng 50 tỷ đô la trong năm 2012. Hành động giảm chi tiêu của hơn 3 triệu người này sẽ ảnh hưởng trên cả nền kinh tế. Kinh tế nước Mỹ được thúc đẩy chính là nhờ người tiêu thụ. Khi số tiền tiêu thụ xuống vì người bị cắt trợ cấp hết tiền tiêu thì thêm nhiều cửa hàng ế ẩm, nhiều xí nghiệp sẽ giảm bớt sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ. Họ sẽ sa thải nhân viên; có thể 275,000 công việc sẽ bị cắt bớt, nhiều người khác bị sa thải!
Cuối cùng, khi nghĩ rằng nhiều người thất nghiệp không chịu đi làm chỉ vì còn được lãnh trợ cấp là người ta đã khinh thường những người không may mắn mất việc. Chúng ta phải tin rằng mọi người đều có tự ái, nếu không nói đến liêm sỉ. Những người đã đi làm không ai muốn ngửa tay lãnh trợ cấp, nếu có dịp đi làm trở lại. Mọi người lao động, việc trí óc hay chân tay, đều muốn giữ phẩm cách, không ai muốn sống nhờ xã hội mãi mãi. Trong mấy tháng tới, hai đảng ở Quốc Hội sẽ tranh luận về vấn đề này. Hy vọng cuộc thảo luận sẽ không biến thành một hài kịch giằng co như cuộc tranh luận về trần nợ trong năm qua, khi các đại biểu chỉ lo bắt bí lẫn nhau, không quan tâm đến hậu quả gây cho cả nền kinh tế.
.
.
.
No comments:
Post a Comment