Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [18]
Ngày 11 tháng 9 năm 2001 là một ngày làm thay đổi cả thế giới. Nước Mỹ bị khủng bố tấn công. Anh em chúng tôi -những người tù chính trị, lương tâm và tôn giáo không khỏi bàng hoàng, vì sự việc này sẽ làm thay đổi cục diện chính trị thế giới, làm chệch hướng chính sách đồi ngoại của Mỹ -một siêu cường lãnh đạo thế giới tự do, người bảo vệ những giá trị dân chủ. Nếu không có nước Mỹ, cán cân chiến lược toàn cầu sẽ nghiêng về các quốc gia cộng sản, độc tài như Trung cộng, Nga. Và độc tài cộng sản Việt Nam sẽ nương theo cục diện này để tác oai tác quái. Tuy nước Mỹ không trực tiếp can dự vào Việt Nam, nhưng sự hùng mạnh của nước Mỹ sẽ giữ cho ưu thế chiến lược toàn cầu nghiêng về phía các nước dân chủ. Chế độ cộng sản Việt Nam sẽ tồn tại trên một cán cân chiến lược chông chênh, bất lợi cho họ. Cộng sản Việt Nam ý thức được rằng sự cân bằng chiến lược này sẽ đổ bất cứ lúc nào hoặc càng ngày càng nghiêng về phía Dân chủ. Đây là điều bất lợi và bất an của họ. Ngày nào cộng sản Việt Nam còn ở thế bất lợi và bất an họ sẽ bớt đi sự điên cuồng và tội ác, nhờ đó cũng bớt đi đau khổ, bất hạnh trút lên đầu người dân nhất là những người vận động cho dân chủ và gia đình họ. Ý nghĩa và giá trị của một siêu cường Hoa Kỳ là ở đó. Nước Mỹ hùng mạnh là một điều vô cùng quan trọng và quyết định tương lai của nhân loại trong đó có Việt Nam và chúng tôi.
Buổi mai ngồi uống trà với anh em như mọi ngày, Lê văn Tiến và anh Trương Văn Sương hỏi tôi nghĩ gì về vấn đề này. Tôi đã suy nghĩ về chuyện này rất nhiều, gần như cả đêm hôm qua, sau khi nghe tin này trên tivi.
-Bọn khủng bố này đúng là lũ ngốc, theo tôi nghĩ, có một thế lực nào đó, Nga và Trung cộng. Nhất là Trung cộng được hưởng lợi lớn trong sự kiện này. Vì sao? Vì cuộc chiến chống khủng bố sắp tới mà Mỹ tiến hành sẽ cần có sự hợp tác của Trung cộng và Nga. Cuộc chiến này sẽ làm cho Mỹ mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và nhân lực. Đây là thời gian bằng vàng đối với Trung cộng để đấy mạnh sự canh tân kinh tế và nhất là quốc phòng, nâng cao vai trò, ảnh hưởng của mình trên giới. Tóm lại, Bin Laden và bọn khủng bố đã mang đến cho Trung cộng một cơ hội bằng vàng. Trung cộng sẽ nắm bắt cơ hội này để thu lợi.
Khi ông Bush lên cầm quyền với những nhân vật cứng rắn như phó tổng thống Dick Chenny, tổng trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld, làm cho nhà cầm quyền Trung cộng lo lắng. Nhất là sau vụ đụng chạm máy bay tháng tư vừa qua. Trung cộng đã tìm được hình nhân thế mạng cho mình. Hoặc đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hoặc có thể là một kịch bản đã được dàn dựng trước. Dù sao thì sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001, buộc Mỹ phải điều chỉnh chiến lược... và Trung cộng thu lợi rất nhiều trong việc này.
Nếu Mỹ sa lầy trong cuộc chiến chống khủng bố này..thì cục diện sẽ càng bất lợi hơn..trước hết Mỹ sẽ hao người tốn của và nhất là mất thời gian cho mặt trận này..vì vậy Mỹ sẽ lơ là những vùng khác..những vẫn đề khác, như vấn đề nhân quyền chẳng hạn..và TC cũng như VC sẽ tận dụng cơ hội này để đàn áp phong trào dân chủ nhân danh chống khủng bố.
Tình hình hiện nay là bất lợi.
Một tháng sau, cả Thế giới chứng kiến việc Mỹ tấn công ồ ạt vào Afganistan..đây là một sự phô diễn sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ với những công nghệ quân sự mới.
Vậy là đúng 10 năm kể từ 1991 khi Mỹ tấn công Iraq lần đầu tiên đến nay, cả thế giới lại được mục kích sự phô diễn sức mạnh của Mỹ một lần nữa. Sức mạnh của Mỹ làm cho kẻ thù của Mỹ khiếp sợ trong đó có TC và VC, họ vừa mừng vừa lo.
Mừng vì họ có thêm thời gian để ngồi trên ngai vàng, lo vì ngày nào còn có nước Mỹ hùng mạnh như thế sẽ đe doạ đến ngai vàng của họ.
Còn chúng tôi những người tù chính trị cũng có thêm nhiều đề tài để bàn luận bên tách trà buổi sáng -buổi chiều, những ngày tù buồn bã cứ thế mà đi qua nhanh chóng
Mới đó đã tới Tết rồi.
Buổi chiều cuối năm..trời không mưa nhưng rất lạnh, mọi người cũng xôn xao đón Tết.
Những ngày sắp Tết gia đình của tù nhân đến thăm rất đông, riêng anh em chúng tôi là người miền Nam vì đường sá xa xôi nên không có ai gặp gia đình..chỉ có nhận quà thư hay tiền..Tôi cũng nhận được quà và thư của các cháu.
Những ngày Tết đến là những ngày tôi buồn nhất.
Nỗi nhớ con quay quắt trong lòng..nặng nề trong từng giấc ngủ và đầy nước mắt trong những giấc mơ được ôm các con vào lòng..đến khi thức giấc chỉ còn lại nỗi xót xa cay xé tâm can.
Chiều cuối năm tôi đi căng tin ..mua một ít trái cây..một bó hương (Thời gian gần đây những người CS cũng rất chăm việc cũng bái-lễ lạy nên họ cũng cho chúng tôi được thắp vài cây hương trong ngày Tết) tôi hái một cành hoa ngoài vườn hoa của trại.
Hình Đức Quan âm Bồ tát tôi cắt ra từ một hộp bánh, hình in rất đẹp..màu vàng màu đỏ rực rỡ. Khuôn mặt Bồ tát hiền từ, quý phái.
Tôi bày trí một bàn thờ Phật nhỏ trên đầu nằm.
Đêm 30 tôi ngồi niệm Phật, cầu xin Bồ tát gia hộ thương xót các con bé nhỏ của tôi, lời cầu xin trong nước mắt xót xa. Mùi hương trầm phản phất..tôi thấy lòng mình dịu lại. Đây là cái Tết cuối cùng của tôi trong tù..tôi sẽ hết án vào ngày 27/10/2002.
Buổi sáng đầu năm mới, tôi dậy sớm hơn mọi ngày, làm vệ sinh xong, ăn một chút gì đó, tôi đi chúc Tết .
Chúng tôi chúc nhau những lời tốt đẹp. Chúc cho mọi người được bình an, chúc cho gia đình an lạc vạn sự như ý, riêng tôi bao giờ cũng được anh em quan tâm hơn một chút vì biết tôi có ba cháu nhỏ. Mẹ các cháu không còn nên năm nào tôi cũng nhận từ anh em lời chúc an lành đến với các con tôi và gia đình tôi.
Sau đó ai cũng về “mâm” của mình để uống trà, ở trong tù anh em nào hợp nhau thì cùng ăn một mâm, có khi chuyện này là một sự thu xếp để một số anh em khó khăn bớt đi nỗi nhọc nhằn, giúp họ vượt qua những ngày gian khổ, và điều quan trọng hơn là để họ cảm thấy bớt cô đơn nhất là đối với những người không có thăm nuôi..vì một lý do nào đó gia đình không thể quan tâm được.
Những ngày giáp Tết là những ngày rất buồn đối với những ai không được gia đình chăm sóc...không những họ thiếu thốn về vật chất mà tinh thần cũng thiếu vắng..cho nên sự chia xẻ với anh em là vô cùng cần thiết và chúng tôi cũng có thể nói rằng, trong nhà tù CS dù bị bao vây phong toả, dù gia đình khó khăn chúng tôi cũng đã sống với nhau bằng sự chia xẻ và cảm thông.
Buổi trưa ngày mồng 1 Tết..trại mang vào cho chúng tôi ba thau thức ăn..một thau bún xào lòng heo..một thau giò thủ và một thau thịt kho. Nói là thịt kho nhưng chỉ là những miếng mỡ heo bầy nhầy, có miếng toàn là da còn nguyên lông lá!
Tôi nhìn thau thịt kho đó..không thể không tức giận. Trại Nam Hà này họ coi chúng tôi là gì đây..là người hay chó? Đây là thịt bầy nhầy dành cho chó..tôi nói với mọi người.
- Đây không phải là thịt dành cho người ăn..theo tôi nên trả lại cho nhà bếp, đừng để họ coi thường mình quá, hơn nữa tiêu chuẩn của người tù đã được quy định trong pháp lệnh thi hành án, chúng ta không xin ai cả, chúng ta yêu cầu họ thực hiện đúng pháp lệnh.
Nhưng có một số người không dám đấu tranh, vẫn là những con người đó, họ sống trong tù như những cái bóng, chỉ mong thủ thân “nín thở qua sông” chờ người khác bất bình đấu tranh nếu thành công họ được hưởng cái thành quả đó, còn nếu thất bại họ cũng bình an. Thế là cái thau thịt bầy nhầy đó vẫn được chia ra ..tôi thấy buồn vì tinh thần của anh em sa sút quá, phần nhiều ai cũng “dĩ hoà vi quý”. Tôi trao đổi với anh Trương Văn Sương, Lê Văn Tiến và Phan Văn Mỹ. Chúng tôi quyết định đấu tranh dù chỉ có bốn người.
Buồng số 6 trại Nam Hà Tết năm 2001
Từ trái sang phải: Phan văn Mỹ, Trương văn Sương, Huỳnh Ngọc Tuấn, Lê văn Tiến. Ảnh: Tác giả
Tôi anh Trương Văn Sương và Lê Văn Tiến ăn chung.
Chúng tôi quyết định mang phần thịt của mình xuống trả lại nhà bếp và để nói lên quan điểm của chúng tôi.
Vừa vào đến nhà bếp thì người cán bộ của nhà bếp đón chúng tôi rất niềm nỡ. Ông ta mời vào văn phòng của ông ta rót trà mời chúng tôi..mang cả thuốc lá ngon ra mời.
- Có gì thì các anh trao đổi sau, năm mới tôi mời các anh chén trà
Tôi rất hiểu thủ thuật của ông ta..đó là cách làm dịu sự bất bình của chúng tôi để chúng tôi dễ nhượng bộ. Tôi và anh Trương Văn Sương bình tĩnh uống trà, Lê Văn Tiến ung dung ngồi hút thuốc vẻ mặt đầy thách thức. Lê Văn Tiến vẫn hay như vậy.
Sau những lời lẽ xã giao tôi đi vào việc chính.
- Chúng tôi không dám làm mất thì giờ của cán bộ, chúng tôi đến đây để khiếu nại.
Tôi đẩy thau thịt bầy nhầy đến trước mặt ông ta.
- Cán bộ thấy đây là thau thịt dành cho người ăn hay là đống bầy nhầy dành cho chó (tôi chỉ tay vào miếng da heo còn nguyên lông lá) đây cán bộ thấy đó.
- Khẩu phần của chúng tôi được quy định trong pháp lệnh thi hành án..tiêu chuẩn hằng tháng và những ngày lễ Tết. Chúng tôi được nhận thịt chứ không phải là một đống bầy nhầy. Thịt là phải có nạc có mỡ có xương, thịt đó phải hợp vệ sinh nhất là phải là thứ dành cho người ăn..
Tôi nhấn mạnh vào từ “thứ dành cho người ăn”
Anh Trương Văn Sương tiếp lời tôi.
- Việc này đã quá nhiều lần rồi, chúng tôi khiếu nại thành ra người nhỏ nhen, mà lặng thinh thì bị coi thường, nên buộc lòng chúng tôi phải đến đây.
Anh Lê Văn Tiến nói thêm vào, giọng gay gắt.
- Đúng, chúng tôi bị coi thường quá nhiều rồi, chúng tôi yêu cầu việc này phải chấm dứt.
Người cán bộ quản giáo nhà bếp là một thiếu tá công an, ông ta tươi cười ngồi lắng nghe chúng tôi.
- Chúng tôi đâu dám coi thường các anh..luật pháp nào cho phép như thế..đây là sai sót của nhà bếp..nhờ các anh phản ảnh nên tôi mới biết..dù sao cũng xin lỗi các anh. Tôi sẽ điều chỉnh lại chuyện này.
Rồi ông ta gọi người đội trưởng lên quát tháo..người đội trưởng lại đổ lỗi cho tổ trưởng..sau đó ông ta bảo đổi lại thịt cho chúng tôi..tôi nói với ông ta.
- Chúng tôi đến đây không phải yêu cầu đổi lại số thịt này, chúng tôi sẵn sàng đổ số thịt này đi..tuy rằng chúng tôi rất thiếu thốn..chúng tôi chỉ yêu cầu cán bộ tôn trọng chúng tôi và thực hiện đúng pháp lệnh.
Chúng tôi ra về, ông ta cứ khẩn khoảng mong chúng tôi đổi lại số thịt đó nhưng chúng tôi không thay đổi lập trường của mình.
Như vậy là buổi trưa ngày mồng một Tết, ba chúng tôi chỉ được ăn một ít bún xào lòng và một miếng giò thủ nhỏ bằng hai ngón tay.
Nhưng kể từ lúc đó cho đến khi tôi hết án ra về, khẩu phần thịt hằng tháng và những ngày lễ Tết của chúng tôi nhà bếp trại Nam hà đã giữ đúng lời hứa và có phần ưu ái một chút.
Dù sao thì tôi, anh Trương Văn Sương, anh Lê Văn Tiến cũng cảm thấy vui vì đã đóng góp một chút công sức để cải thiện đời sống anh em vốn rất nghiệt ngã.
Năm 2002 là năm cuối cùng của tôi trong tù.
Nhưng năm này tôi lại mất thêm một người anh em, một người bạn thân thiết.
.Đó là sự ra đi của anh Đỗ Hường.
Anh Đỗ Hường là thành viên tổ chức Liên Đảng của ông Hoàng Việt Cương..về nước đấu tranh và bị bắt năm 1993. Anh Hường là thường trú nhân của Mỹ, án chung thân.
Năm 1998 được sự can thiệp của các chính phủ, Mỹ-Pháp-Canada..những người có quốc tịch về nước.
Sau đó là những người có thẻ xanh như anh Phạm văn Thành, Lê hoàn Sơn(Pháp), Đỗ Hồng Vân (Mỹ) cũng được can thiệp ra tù và trở về Mỹ.
Nhưng anh Đỗ Hường vẫn còn ở lại,..tuy anh cũng là thường trú nhân của Mỹ, đây là một cú sốc đối với anh.
Chuyện ở tù đối với anh là đương nhiên, anh chấp nhận được nhưng việc anh bị ở lại khi những người khác cũng là thường trú nhân được ra về làm anh suy sụp rất nhanh, vừa tức giận vừa đau buồn vừa cảm thấy bị sỉ nhục xúc phạm ..anh sống trong tâm trạng phẫn uất bất bình, anh có cảm giác mình bị bỏ rơi, bị phân biệt đối xử.
Tôi an ủi, chia xẻ và động viên anh rất nhiều.
Tôi khuyên anh nên cố gắng một thời gian nữa, chắc cũng không lâu đâu..để phía Mỹ họ can thiệp. Tôi cố gắng gần gũi khích lệ, tạo cho anh niềm tin vào thời cuộc đang thay đổi tuy trong lòng tôi vẫn thấy rằng ngày đất nước thái hoà dân chủ còn xa lắm
Anh Đỗ Hường là một người hiền lành..hơi yếu đuối và thiếu kiên trì. Việc anh bị bỏ lại là một cú đánh làm anh đau đớn tổn thương nghiêm trọng.
Sau đó một thời gian anh bị ốm phải ra nằm bệnh viện, gọi là bệnh viện cho nó oai..thực ra đó chỉ là một căn nhà của trại giam Nam Hà ở Phủ lý. Cách bệnh viện Phủ lý 500m, tôi đã ra đó trong một lần khám bệnh.
Bệnh nhân bị nhốt trong một căn nhà tối tăm, bẩn thỉu, điều kiện sinh hoạt khó khăn. Ở đây giữ những người bệnh nặng sắp chết, nhưng phải là những người có tiền hoặc phải có một thân phận đặc biệt.
Anh Đỗ Hường ra nằm ở đó..và chúng tôi chỉ biết được tin anh chết mấy tháng sau..không hề biết được anh chết vì bệnh gì.
Đầu năm 2002, sau nhiều lần đòi hỏi...và từ chối viết kiểm điểm 6 tháng cuối năm 2001, trại Nam Hà cho tôi ra bệnh viện Lao phổi ở thị xã Phủ lý khám bệnh.
Tôi cùng đi với Sulayman một người Chàm quê Phan Rang.
Sau khi chụp Film thử đàm và khám phổi.
Bác sĩ phụ trách bệnh viện nói với tôi.
-Anh Tuấn phải điều trị bệnh lao ..bệnh anh khá nặng nhưng anh không thể ở đây được..tôi sẽ chuyển thuốc của anh cho Bs Phạm Ngọc Cảnh để anh được điều trị trong trại.
Nhưng sau đó tôi không thấy Bs Cảnh nói gì..tôi hỏi ông ta sao không điều trị bệnh cho tôi..ông ta ưởm ờ chối quanh nói là thuốc của tôi trại chưa nhận được.
Tôi biết là thuốc của tôi được chữa cho người khác và Bs Cảnh đã thu được khá nhiều tiền trong vụ này.
Ở trại giam Nam Hà nếu tù nhân nào bị bệnh lao phổi hay bất cứ bệnh nào hiểm nghèo để được điều trị thì phải có tiền để mua thuốc. Với bệnh lao tuy rằng vào năm 2002 việc chữa trị được sự tài trợ của quốc tế và chương trình quốc gia phòng chống lao của VN cũng chữa bệnh này không mất tiền.
Như vậy là “nhất cử lưỡng tiện” Bác sĩ Phạm Ngọc Cảnh vừa bán được số thuốc bệnh viện Phủ Lý cấp cho tôi vừa dùng bệnh lao để loại trừ tôi.
.
.
.
No comments:
Post a Comment