Thursday, November 10, 2011

HỘI THẢO & GIỚI THIỆU TÁC PHẨM "THẮP MỘT NGỌN NẾN CHO THÁI HÀ" TẠI SYDNEY (Nhiều tác giả)


Nhiều tác giả

Những ngày gần đây Giáo Xứ Thái Hà lại trở nên sôi động vì sự khủng bố của CSVN - giả dạng bọn côn đồ xâm nhập, hành hung các Linh mục, tu sỉ, và các giáo dân.

Ngay thời điểm này thì tại hải ngoại Melbourne, Úc Châu, như một sự trùng hợp, đã có một buổi hội thảo và giới thiệu tác phẩm "Thắp Một Ngọn Nến Cho Thái Hà" của LM Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh. Buổi hội thảo và giới thiệu tác phẩm đã được sự đóng góp, chia sẻ của bà BS Thái Thị Thu Nguyệt, ông Nguyễn Thế Phong, ông Nguyễn Quang Duy và ban hợp ca Tình Thương.

Mặc dầu rất bận rộn với những công việc phụng vụ nhưng sự góp mặt của Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long đã làm một cho đồng hương rất đổi ngạc nhiên và là một vinh dự lớn lao cho buổi giới thiệu tác phẩm "Thắp Một Ngọn Nến Cho Thái Hà".

Tuy LM Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh không thể nào có mặt trong buổi giới thiệu tác phẩm nhưng tinh thần của linh mục đã đến cùng với đồng hương qua những lời tâm tình gởi ra từ trong nước do ông Nguyễn Bá Chính chuyển lại dưới đây.

---

Đôi điều tâm sự
Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm

Tôi được mời tham dự buổi ra mắt tập sách nhỏ của tôi mang tựa đề “Thắp một ngọn nến cho Thái Hà”. Đối với người cầm bút, nhất là một người không chuyên như tôi, đây là một niềm vui không nhỏ. Thế nhưng, vì hoàn cảnh đất nước mà ai cũng biết, tôi nghĩ sẽ tốt hơn cho tôi nếu tôi không trực tiếp tham gia buổi ra mắt này. Tuy nhiên, theo đề nghị của Ban Tổ Chức, tôi ghi lại đây vài cảm nghĩ nhằm chia sẻ với quý vị đã tích cực hưởng ứng lời mời gọi của Ban Tổ Chức, cũng như với những người bạn quý đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để những suy nghĩ và tâm tình của tôi đến được với nhiều người qua tập sách “Thắp một ngọn nến cho Thái Hà”.

Khát vọng thay đổi
Chẳng cần chờ đến ông Barack Obama người ta mới khám phá ra sức hấp dẫn của từ “thay đổi”. Thay đổi là biểu hiện, là đòi hỏi tự nhiên của sự sống đối với con người cũng như xã hội. Khát vọng thay đổi càng mãnh liệt khi ta phải sống dưới một chế độ, độc tài, toàn trị. Sống dưới một chế độ như thế, muốn có thay đổi, muốn đạt tới tự do, chính người dân phải ý thức, phải đòi hỏi, phải tranh đấu. Và để tranh đấu thành công, ta phải mạnh. Vấn đề ở chỗ làm sao tạo thế mạnh ?
Những suy nghĩ đơn giản như thế, chẳng có gì là siêu đẳng cả. Trong tư cách một người công dân, một Ki-tô hữu, hơn thế nữa, trong tư cách một người có bổn phận rao giảng Lời Chúa, làm sao để bản thân mình cũng như những ai đón nhận Lời Chúa trở thành men trong bột, thành muối cho đời, nhằm đạt tới sự thay đổi nói trên, đó chính là thao thức của tôi kể từ ngày thụ phong linh mục, cách đây 44 năm. Thao thức của tôi càng trở nên mãnh liệt sau biến cố 30-04-1975. Thế nhưng trong cuộc đời linh mục của tôi, cơ hội rao giảng Lời Chúa không nhiều. Vì tôi đã dành trọn thời giờ và sức lực cho công việc của Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ.

Thời sự dưới ánh sáng Lời Chúa
Chuyện bất công, tham nhũng thì ở đâu cũng có, thời nào cũng có. Nhưng nếu sau 30-04-1975 những cán bộ đi dép râu, đội nón cối vào tiếp thu Thành phố Sài Gòn, có tham nhũng thì cũng cỡ cái radio hay chiếc xe đạp là cùng. Nhưng chỉ một thời gian sau, nhất là từ khi Việt Nam đi vào nền kinh tế thị trường với cái đuôi “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” thì ta có thể nhắm mắt mà nói, không sợ sai lầm, rằng trong lịch sử dân tộc Việt Nam, không có thời nào mà xã hội thối nát, bất công hơn cái xã hội Việt Nam hôm nay. Ngày xưa ở nông thôn người ta nói : nghèo thì cạp đất mà ăn. Nay người nông dân nghèo không còn đất để cạp. Năm 2007 là cao trào dân oan đi đòi đất. Khắp nơi, từ bắc chí nam, từ nông thôn đến thành thị. Ngày ngày theo dõi tin tức trên mạng, tôi chợt nhớ lại Lời Chúa nói với ông Mô-sê trong sách Xuất hành : “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của Dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng, Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập… Bây giờ ngươi hãy đi ! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập” (Xh 3,7-8.10). Giữa cao trào dân oan đi đòi đất lại xảy ra vụ xử cha Nguyễn Văn Lý với tấm hình bịt miệng có thể xem như bức tranh thu nhỏ của cái xã hội quái đản hôm nay. Những biến cố như thế đã gợi ý cho tôi khi giảng tại nhà thờ Phan-xi-cô Đa-kao ngày 22-07-2007, và bài giảng đó được ghi lại thành bài đầu tiên của tập sách nhỏ : “Thắp một ngọn nến cho Thái Hà”, bài đó mang tựa đề “Thời sự dưới ánh sáng Lời Chúa”.

Góp phần xây dựng xã hội
Trước bao nhiêu biến cố dồn dập xảy đến trong đời sống xã hội, câu hỏi đặt ra cho người Ki-tô hữu, cá nhân và tập thể, là làm thế nào đáp lại lời Chúa nói với ông Mô-sê ngày xưa, và cũng là lời Chúa đang nói với Giáo Hội Chúa hôm nay : “Bây giờ ngươi hãy đi ! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô” để giải thoát Dân Ta khỏi ách nô lệ của người Ai-cập. Bản thân tôi (và có thể có những người khác nữa) đã thấy hình ảnh ông Mô-sê nơi đức cha Giu-se Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám Mục Hà Nội khi ngài phát động phong trào cầu nguyện để đòi lại đất Toà Khâm Sứ qua văn thư đề ngày 15-12-2007, và sau đó là qua các buổi cầu nguyện đã diễn ra. Xin nói ngay: Tôi biết sứ mạng của Hội Thánh không phải là làm chính trị. Nhưng những gì liên quan đến con người đều phải là mối quan tâm của Hội Thánh.
Tôi cũng biết những buổi cầu nguyện như thế sẽ không làm cho chế độ hiện nay sụp đổ. Tuy nhiên đó là tiếng nói ôn hoà nhưng mạnh mẽ, khiêm tốn nhưng dứt khoát, mà nhà cầm quyền cộng sản không thể coi thường. Đến khi ngọn lửa từ Toà Khâm Sứ lan qua Thái Hà, tôi vẫn xác tín đó mới là cách đối thoại với nhà cầm quyền cộng sản : cầu nguyện tập thể như thế trong ôn hoà và trật tự, vừa biểu thị lòng tin, vừa biểu dương sức mạnh của một tập thể thuần nhất, có kỷ luật cao, có một ý chí kiên cường, sắt đá. Khơi dậy niềm tin, thoát khỏi nỗi sợ hãi, công khai bày tỏ khát vọng công lý, đòi hỏi cho sự thật được tôn trọng, và phương tiện nhằm đạt các mục tiêu đó là các buổi cầu nguyện như đã xảy ra tại Hà Nội cuối năm 2007 đầu năm 2008. Theo tôi, đó chính là đóng góp độc đáo, tích cực, có ý nghĩa, của khối công dân Công Giáo nhằm tiến tới một xã hội tự do và dân chủ, công bình và nhân ái. Và đó chính là lý do của những bài giảng, bài viết được gom lại trong tập sách nhỏ mang tựa đề “Thắp một ngọn nến cho Thái Hà”.

Tại sao cứ xoay quanh các giám mục
Trong các bài viết của tôi, đối tượng tôi đặc biệt quan tâm là các giám mục. Đây là một đề tài mà ở trong nước, trong hàng ngũ linh mục, tu sĩ cũng như giáo dân, ít có ai dám đề cập tới. Thế nhưng các giám mục nắm vai trò chủ chốt. Chỉ cần xem ảnh hưởng lớn lao của đức cha Ngô Quang Kiệt tại Hà Nội, hay đức cha Cao Đình Thuyên tại giáo phận Vinh, ta dễ dàng nhận ra điều đó. Nhưng cả hai vị hôm nay không còn có chân trong Hội Đồng Giám Mục (HĐGM) nữa. Việt Nam không có Giáo Hội tự trị như Trung Quốc. Sau 1975, nếu tôi nhớ đúng, thì ngoại trừ ba trường hợp là các giám mục Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Kim Điền và Nguyễn Huy Mai, tất cả các giám mục đều được đi Rô-ma gặp Đức Giáo Hoàng. Trong các văn thư hay lời tuyên bố của các giám mục, Công Đồng Va-ti-ca-nô II thường được trích dẫn để làm nền tảng cho nguyên tắc “đối thoại” và “hợp tác” với nhà nước cộng sản. Nói thì đẹp như vậy, nhưng thực chất trong hoàn cảnh cụ thể của chúng ta hôm nay, “đối thoại” chỉ là đệ trình các kiến nghị lên nhà nước, để rồi sau đó thực hành các chỉ thị được ban ra ; cũng như “hợp tác” chỉ là làm những chuyện được phép làm. Thế nhưng còn biết bao nhiêu việc lẽ ra phải làm, điển hình là các lãnh vực y tế và giáo dục, có được phép làm đâu mà đòi “hợp tác”. Rốt cuộc “đối thoại” hay “hợp tác” chỉ là những tấm màn mỏng nhằm che đậy sự hèn yếu bạc nhược của mình mà thôi. Có người đã chứng minh giấy trắng mực đen rằng HĐGM đã không chu toàn bổn phận như Giáo Luật đòi hỏi. Và Giáo Luật đây là Giáo Luật đã được sửa đổi cho phù hợp với tinh thần của Công Đồng. Thành ra ta có thể nói : giáo huấn của Công Đồng cũng như một mâm cơm, món nào ưng thì gắp, không ưng thì bỏ. Mà đâu có gì phải ngạc nhiên, ngay đến Lời Chúa cũng còn bị đối xử như thế.
Và điều cực kỳ nguy hiểm hôm nay, chẳng phải là Việt Nam có một Giáo Hội tự trị như Trung Quốc, nhưng Giáo Hội Việt Nam đành lòng thoả hiệp với một chính quyền bất công, gian trá, một Giáo Hội quay lưng lại với người nghèo, người bị áp bức, bóc lột. Uỷ Ban Công Lý và Hoà Bình mới được thành lập đầu tháng 10 vừa qua chưa phải là một câu trả lời cho bao nhiêu thắc mắc. Còn phải chờ xem Uỷ Ban đó sẽ làm được gì. Ngay cả khi vị Chủ tịch Uỷ Ban là người dám nghĩ, dám làm đi nữa, mà nếu từ phía các giám mục, vị đó chỉ nhận được sự “đồng cảm chứ không đồng thuận”, thì cũng chỉ có nước tìm nơi vui thú điền viên nữa mà thôi. Đó là lý do tại sao các bài viết của tôi cứ xoay quanh các giám mục.

Nến được thắp do đâu ?
Còn một câu hỏi cuối cùng tôi phải trả lời : do đâu mà có cuốn “Thắp một ngọn nến cho Thái Hà”? Như đã nói ở đầu sách, vào đầu tháng 5 năm 2010 này, theo lời yêu cầu của một số bạn hữu, tôi đã gom lại các bài viết với mấy bài giảng chung quanh các vấn đề thời sự. Khi tập sách đến tay một anh em trong Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ, là linh mục Đỗ Xuân Quế, thì chính cha Quế là người gợi ý cho tôi in, vì nghĩ là có thể đáp lại nguyện vọng của nhiều người. Nhưng dĩ nhiên không thể in ở trong nước được. Và cha Quế đã giới thiệu tôi với chị Phạm Minh Tâm ở Úc, để rồi sau đó cùng với anh Trần Phong Vũ trong Nhóm Diễn Đàn Giáo Dân, cả hai đã thực hiện việc ấn hành. Anh Đỗ Mạnh Tri ở Pháp cũng đã tích cực hỗ trợ. Thế thì việc cuối cùng của tôi là bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu xa đối với người bạn thân của tôi là Cha Đỗ Xuân Quế, cũng như với ba người bạn vừa nêu trên. Xin cũng được nói lên lòng biết ơn đối với các vị đã không ngại mất thì giờ đến tham gia buổi ra mắt đứa con tinh thần của tôi : “Thắp một ngọn nến cho Thái Hà”. Nguyện xin Thiên Chúa ban phúc lành cho tất cả chúng ta, cho tất cả những ai chung tay góp phần giữ cho ánh nến Thái Hà rực sáng trong nỗ lực xây dựng công lý và hoà bình trên quê hương đất nước thân yêu.

Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm
pascaltinh@gmail.com This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

---

BÀI NÓI CHUYỆN NHÂN NGÀY RA MẮT SÁCH: THẮP MỘT NGỌN NẾN CHO THÁI HÀ (5-11-2011 tại Melbourne)
Nguyễn Thế Phong

Năm 1996, tôi đuợc mời nói chuyện với tư cách diễn giả cho một phiên họp đặc biệt của Hội Đồng Các Giáo Hội tại Victoria (Council of Churches) bao gồm các vị lãnh đạo tinh thần các giáo hội Kitô giáo tại Melbourne. Cử toạ gồm có các vị Tổng Giám Mục, Giám mục, Thượng phụ, linh mục, mục sư v.v... Đề tài được trao cho tôi là: “Should the Church butt-out of politics?” Là một giáo dân bình thường được mời để nói về một đề tài hệ trọng như thế này cho một cử toạ uy quyền và quan trọng như thế quả là một điều tôi chưa từng dám nghỉ đến chớ nói chi đến việc thuyết trình!

Tôi đã khởi đầu buổi nói chuyện bằng một câu hỏi và định nghĩa về vai trò và trách vụ của hai chử “Mục Tử” (người chăn chiên, hay mục đồng). Tôi cũng dẫn chứng lời chúa Giêsu đã nói:“Người mục tử đích thật và tốt lành là người mục tử dám hy sinh mạng sống của mình vì đoàn chiên” như là một thước đo và là một tiêu chuẩn dùng để đánh giá một mục tử đích thật và chơn chánh. Ngược lại chúa Giêsu cũng đã ví những mục tử giả hiệu như những người, khi thú dữ tới thì họ bỏ mặc đoàn chiên để chạy thoát lấy thân.

Thứ đến tôi phân tách và nhấn mạnh về một câu nói khá phổ biến trong các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo rằng: “Là những người tu hành, chúng tôi không làm chánh trị” và điều này đã dẫn đến tình trạng chính phủ Úc tuyên bố rằng “Quý vị không nên can dự vào việc của chánh trị, thậm chí nên tránh xa chánh trị “You should butt-out of politics” Ý họ muốn nói rằng vai trò của linh mục, giám mục, tu sĩ là cho cho phần hồn (spiritual matters) nên hãy để cho chính phủ lo phần xác. Tôi đã đưa ra một tình trạng đơn giản đó là: Khi bầy cho sói tấn công để ăn thịt bầy chiên, người mục tử chẳng những không cản ngăn, đóng cửa chuồng, đánh đuổi hay cản ngăn bầy sói nọ mà chỉ xác định với bầy sói nọ rằng: ta chỉ là kẻ chăm sóc phần hồn, phần xác không thuộc phần trách nhiệm của ta, các ngươi cứ tự tiện, miễn là cho ta được phép xức dầu và cầu nguyện cho những con chiên này là đủ vì đó là bổn phận và vai trò của ta là linh mục vì chử “linh mục” chẳng có nghĩa là “mục tử của linh hồn” đó hay sao? Tôi đã thưa với các vị lãnh đạo Ki Tô giáo rằng: nếu quý vị có thể tách hồn ra khỏi xác được thì quý vị có quyền chỉ là linh mục mà thôi. Nhưng nếu không làm được điều đó thì quý vị có bổn phận phải lo cho phần xác của con người vì cã xác và hồn mới làm nên con người sống – con chiên sống. Các linh mục, vì thế, không còn có một chọn lựa nào khác hơn là phải xem việc đấu tranh chánh trị (chứ không phải là làm chánh trị gia, nắm quyền) cho môi trường và cuộc sống của tín hữu mình là một bổn phận thiêng liêng và cao cã của thiên chức linh mục. Nếu phải chết, tù đày để làm điều đó thì cũng phải làm vì tiêu chuẩn chú Giêsu đã đưa ra để đánh giá một linh mục có thật là xứng đáng gọi là một linh mục hay không là ở chổ vị ấy có dám hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ đàn chiên hay không! Vài ngày sau đó, hội đồng giám mục Úc châu đã trả lời với báo chí Úc rằng: Chính phủ và các chánh trị gia phải “butt–out” ra khỏi trách nhiệm và bổn phận của giáo hội đó là lên tiếng bênh vực và bảo vệ cho quyền lợi của các con chiên mà giáo hội đang là mục tử!

Tôi đã vô cùng sung sướng và hãnh diện khi đọc được những bài giảng của linh mục Nguyễn Ngọc Tỉnh trong tuyển tập 30 muơi bài giảng của ngài tại VN. Tôi vui mừng vì ngài đã hiểu đúng và thấu đáo vai trò linh mục của mình. Sống trong một xã hội mà lúc nào cũng có người rình rập và sẳn sàng bỏ tù những linh mục dám lên tiếng nói sự thật và đòi hỏi công lý và nhân quyền, hành động và lời giảng của cha Tỉnh trở nên anh dũng và có giá trị vô biên. Gương bắt bớ, tù đày của linh mục Nguyễn Văn Lý và của người tín hữu Tin lành Lê Thị Công Nhân đã không làm cho cha chùn bước, trái lại càng làm cho ngài mạnh dạn hơn lên, thông hiểu hơn và xác tín hơn sứ mệnh và vai trò của một linh mục và bổn phận người con dân Việt của mình nhiều hơn nữa. Như cha Nguyễn Hữu Lễ ở hải ngoại đã tuyên bố: “Trước khi là linh mục tôi là người VN” Cha Lý,Cha Lợi, Cha Lễ, Cha Khải, Cha Tỉnh, Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận là những người đã hiểu đúng và chính xác vai trò của giáo hội, của giám mục, linh mục, tu sĩ và của giáo dân Công Giáo VN đối với đồng bào và đất nước.

Đối với tôi, bài giảng “Tỏa Sáng Niềm Tin” (trang 186-195) của cha Tỉnh đã nói lên được tất cã những gì cần phải được chia xẽ, xác định và xác tín cho các nhà lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ của GHCGVN và giáo dân Công Giáo VN trong cũng như ngoài nước về vai trò, bổn phận và trách nhiệm của mình đối với đồng bào và đất nước thân yêu hiện nay.

Cha Tỉnh đã giảng rằng: “Đức Giê-su không phải là một nhà hùng biện nói thật hay để ta nghe cho sướng tai, không phải là một nhà trí thức siêu đẳng với những pho sách dày cộm làm ta lác mắt, không phải là môt lý thuyết gia đưa ra những tư tưởng lỗi lạc khiến chúng ta sững sờ. Không,Ngài là Thiên Chúa làm người để cứu độ con người. Và để đạt được mục tiêu đó, Ngài đã chấp nhận trả giá “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (John 15,13) Đây không phải là một công thức khô khan trừu tượng, nhưng là một nguyên tắc Đức Giê-su đã áp dụng cho chính mình qua cuộc thương khó và cái chết trên thập giá mà Hội Thánh tuởng niệm một cách đặc biệt long trọng mỗi năm một lần trong suốt cả Tuần Thánh”

Cha đã dùng hai tấm gương và cuộc thương khó hy sinh của hai người Kitô hữu VN để làm ví dụ điển hình đó là: Ls Lê Thị Công Nhân, tín hữu Tin Lành và Cha Ta-đê-ô Nguyễn Văn Lý. Cả hai, thể theo ngài “thay vì đi con đường trơn tru suông sẽ mà bao người vẫn đi, đã chọn con đường gai góc, con đường đấu tranh, con đường thánh giá” Cô Nguyễn Thị Công Nhân, tốt nghiệp cử nhân luật ở tuổi 22, hai năm sau đã là thành viên của luật sư đoàn Hà Nội và luật sư đoàn quốc tế, cô đã có nhiều điều kiện thuận lợi để thành đạt trên đường đời. Nhưng vì lợi ích dân tộc, cô chấp nhận quên mình, chấp nhận dấn thân vào con đường tranh đấu cho tự do dân chủ, chấp nhận tù đày và mất trọn tương lai và sự nghiệp. Riêng về cha Lý, cha Tỉnh viết: “nếu chấp nhận làm một ông cha xứ ngoan ngoãn: hăng hái thì tham gia sinh hoạt trong Ủy Ban Đoàn Kết để dễ bề thăng quan tiến chức, không nữa thì ít là đừng chọc phá Nhà Nước, chuyện trên trời thì tha hồ mà nói, chuyện dưới đất, chuyện xã hội thì hoặc là đừng nói, hay có nói thì nói chung chung, vô thuởng vô phạt.Nếu thế thì giờ này, ít ra cha cũng được một chân hạt trưởng. Nhưng tội của cha là đã sớm nhận ra khuôn mặt thật của chế độ, rồi công khai bày tỏ ý kiến, lập trường của mình.” Cha Tỉnh tuyên bố ngài hoàn toàn đồng ý với biểu ngữ cha Lý đã dăng ra “ Tự do tôn giáo hay là chết” vì theo ngài, tự do tôn giáo không có nghĩa là tự do xây nhà thờ, xây trung tâm mục vụ hay xây trung tâm hành hương, không phải là tự do truyền chức linh mục, tự do tổ chức lễ (PHẦN HỒN) hay tự do đi ra nước ngoài mà tự do tôn giáo đích thực phải là tự do PHỤC VỤ CON NGƯỜI (PHẦN XÁC) tự do tham gia vào các công tác giáo dục, y tế, xã hội, bên vực cho người dân nghèo không có ruộng cày, không còn đất sống, cho phụ nữ và trẻ em bị bán làm nô lệ tình dục, cho hằng triệu thai nhi bị giết mổi năm, cho xã hội ngày càng mục nát, băng hoại, cho những nhà tranh đấu cho tự do dân chủ nối tiếp nhau vào tù, cho đất đai và biển đảo của tổ quốc cứ từ từ lọt vào tay Trung Quốc để một lần nữa dân tộc trở thành nô lệ.

Tôi vô cùng tâm đắc với lời tuyên bố sau đây của cha Tỉnh: “Thế thì cái tự do tí tẹo còn lại mà tôn giáo được hưởng kia chỉ biến tôn giáo thành một thứ đồ trang trí cho chế độ, thành cái xác không hồn, và cuối cùng thứ tự do đó dẫn tôn giáo đích thực đến chổ chết” Cha nói, chính xác tín này đã dẩn cha Lý từ chổ tranh đấu cho tự do tôn giáo đến việc tranh đấu cho tự do dân sự và tựdo cho mọi người. Là vì cuối cùng, cha Tỉnh kết luận “tôn giáo chỉ có thể thực sự tự do khi dân tộc được hoàn toàn tự do” Cha Tỉnh cũng khẳng định rằng tại VN ngày nay, đối với độc tài CSVN chỉ có một con đường duy nhất đó là tranh đấu trực diện chứ đừng mong thành công trong việc đối thoại và hợp tác với chế độ này. Ngài nói: “Nếu chỉ nói chuyện trời nắng trời mưa thì không bõ, còn mốn nói những điều nên nói, những điều cần nói, những điều phải nói bằng bất cứ giá nào, thì chỉ cần nhớ lại cảnh cha Lý bị bịt miệng là ta hiểu ngay mình có được để cho nói hay không”

Cha Tỉnh kết thúc bài giảng của ngài bằng lời của đức giáo hoàng Phao-lô VI: “CON NGƯỜI THỜI ĐẠI NGÀY NAY KHÔNG CẦN NHỮNG THẦY GIẢNG, MÀ CẦN NHỮNG CHỨNG NHÂN ĐÍCH THỰC CỦA TIN MỪNG” chí lý thay! Mong sao các giám mục,linh mục, các tu sĩ nam nữ và mọi tín hữu của giáo hội Công giáo nhận chân ra được rằng “con đường của tranh đấu chính là con đường của Thập giá” không còn con đường nào khác để họ chọn lựa vì chính Chúa Giêsu cũng đã phải chọn con đường ấy để cứu vớt nhơn loại. “Áo mặc không qua khỏi đầu - Tớ không thể hơn chủ” Cầu mong sao các giám mục,linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân còn lại của GHCG-VN cũng sẽ dấn thân làm trọn vai trò và bổn phận thiêng liêng và bất khả phân ly HỒN-XÁC của mình đối với đồng bào và Tổ Quốc VN thân yêu dù phải hy sinh sự an nguy cũng như mạng sống của mình để xứng đáng là những người Kitô hửu đích thực. Nếu được như thế thì quả thật Giáo Hội Công Giáo VN mới thật sự trở thành TIN MỪNG cho dân tộc và đồng bào thay vì trở thành một loại TIM MỪNG...HỤT cho số phận vốn đã quá hẩm hiu và đau khồ của giáo dân Công Giáo VN và gần 90 triệu người dân nghèo trong nước, chưa kể đến hiểm hoạ MẤT NƯỚC đang xãy ra vì Nước đã mất thì Đạo cũng chẳng còn.

Xin mọi người VN, đặc biệt là hàng giáo phẩm, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và người Công Giáo VN hãy xem qua và nghiền nghẫm những bài giảng vô cùng chính xác và thiết tha này của Lm. Pascal Nguyễn NgọcTỉnh, không phải chỉ để khen hay suy nghỉ mà là để LÀM và SỐNGmột điều gì đó CỤ THỂ cho đồng bào và dân tộc và để CỨU NGUY TỔ QUỐC. Trân trọng kính chào toàn thể quý vị.

Nguyễn Thế Phong

------------------------------------


Thư Mời

Ban-tổ-chức buổi Hội-thảo và giới-thiệu tác-phẩm
THẮP MỘT NGỌN NẾN CHO THÁI-HÀ

Trân-trọng kính mời quý đồng hương đến dự buổi giới-thiệu sách nêu trên của Linh-mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh OFM (Ordre des Frères Mineurs - Order of Friars Minor - thuộc Tỉnh Dòng Phan-xi-cô tại Việt-Nam, còn gọi là Dòng Anh Em Hèn Mọn)

Đồng thời qua nội-dung tập tiểu-luận thời-sự này, kính mong quý vị sẽ cùng chúng tôi chia sẻ và trao đổi những suy-nghĩ và nhận-định về hiện-trạng Quê-hương chúng ta hiện nay đang trong nguy cơ bị nạn ngoại xâm và càng ngày càng bị mất dần hết các quyển tư-do căn bản, bao gồm cả tự-do tôn-giáo.

Buổi Hội-thảo và giới thiệu sách sẽ đuợc tổ-chức tại

Nhà hàng Quốc Tế (International Restaurant)
42 Canley Vale Road. CANLEY VALE, NSW 2166
Thứ Bảy 12-11-2011, từ 2 giờ đến 4 giờ chiều

Sự hiện-diện của quý vị sẽ là một khích lệ vô cùng lớn lao cho những người hiện nay đang thành-tâm thiện chí đấu tranh cho tự-do dân chủ của đất nước bằng ngòi bút hay bằng nhiều cách khác.

Trân-trọng kính mời
Thay mặt Ban-tổ-chức
Luật-sư Hoàng Lập Chí


---

Hội-thảo và giới thiệu tác-phẩm
Thắp một ngọn nến cho Thái Hà
của Linh-mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh thuộc Dòng Phan-xi-cô tại Sài-gòn

và qua nội-dung sách sẽ cùng chia sẻ những suy-nghĩ, nhận-định về hiện-tình xã-hội Việt-Nam

Một cách tóm tắt, tập sách nhỏ này là chứng-từ của một linh-mục đang sống ở Sài-gòn - Việt-Nam, đã nói thay cho khối tín hữu Công-giáo hằng quan-tâm tới Giáo-hội và Quê-hương Việt-Nam trong thời-điểm mất còn hiện nay. Đây là tiếng nói cương-trực, can đảm và dứt khoát. Ba mươi bài viết là ba mươi tâm-tình góì ghém những băn-khoăn, những thao-thức của tác giả trước những nghịch-lý và bất-an đang càng ngày càng làm phân-hoá không những chỉ trong đạo mà còn cả đất nước nữa.

Linh-mục Nguyễn Ngọc Tỉnh đã dũng-cảm nhận sứ-mệnh của mình khi viết: “Giữa cái xã hội đảo điên này, khi ngày ngày tai nghe mắt thấy bao nhiêu điều dối gian xảo trá, khi bao nhiêu chuyện bất công oan trái cứ chồng chất như núi như non, mà ít ai dám công khai lên tiếng, thì làm chứng cho công lý và sự thật là điều cao quý biết chừng nào”.

Chính vì vậy, linh-mục Nguyễn Ngọc Tỉnh đã không ngại đề cập ngay đến những vấn-đề mà chế-độ cộng-sản không muốn ai đụng chạm đến như việc các quần-đảo Hoàng-sa, Trường-sa; chuyện ngư dân bị hải quân Trung-cộng hà hiếp; chuyện khai thác bô-xít ở Tây-nguyên; tình cảnh khốn khó của những dân oan đi khiếu kiện…vì theo ông thì không thể chấp-nhận tình-trạng an-phận kiểu …“miễn sao đạo đừng ra khỏi nhà thờ, đừng đụng chạm gì tới chế-độ độc-tài, bất-nhân, mặc cho xã-hội hoàn-toàn băng-hoại, dân nghèo bị nghiền nát trong khi một nhóm tư-bản đỏ tự-do tung hoành, mặc cho dân tộc ngày càng chui đầu vào vòng nô-lệ giặc Tầu, nợ nần quốc gia cứ cao như núi vì người đi vay biết chắc người trả nợ sẽ không phải là mình…Trong một xã-hội như thế mà người có đạo chỉ vòng tay ngậm miệng đứng nhìn thì câu hỏi đặt ra là “Đạo để làm gì”...

Mỗi người tham dự sẽ góp sáng thêm một ngọn nến tự-do cho Việt-Nam

.
.
.

No comments: