Wednesday, November 2, 2011

CÒN CÓ NHIỀU “ANH BA ĐUA” NỮA (Lê Hiếu Đằng )



Lê Hiếu Đằng
Posted by basamnews on 02/11/2011

Tôi viết bài này, trước hết để xác minh rằng mẩu đối thoại mà nhà thơ Đỗ Trung Quân đã kể lại trong bài “Có hai anh Ba Đua“ là hoàn toàn có thật vì tôi cũng có mặt trong buổi uống rượu hôm đó. Tôi vẫn còn nhớ bộ mặt ngây thơ, ngơ ngác khi người đó hỏi “Vậy có hai anh Ba Đua sao?”

Một công dân của TP HCM mà không biết ông Ba Đua bây giờ làm gì cũng là một điều đáng suy nghĩ. Thật ra cuộc sống bấp bênh, vất vả đã làm cho nhiều người tối mặt tối mũi không còn chú ý gì đến thời cuộc nữa. Đó là điều mà bọn bán đất, bán rừng, bọn tham nhũng,… rất mừng vì có thế chúng mới có thể tự tung tự tác làm giàu một cách phi pháp trên sự đau khổ của mọi người.Vì vậy khai dân trí, chấn dân khí là điều chúng ta phải làm như nhà cách mạng Phan Chu trinh đã nói trước đây.

Trở lại việc “Có hai anh Ba Đua “, tôi xin cung cấp thêm thông tin để thấy rằng chẳng những “có hai anh Ba Đua“ mà còn có nhiều “anh Ba Đua“ nữa để khắc họa rõ nét chân dung một người đang hét ra lửa ở TPHCM.

Có thể nói TP HCM là nơi diễn ra giải tỏa đền bù nhà dân một cách khốc liệt nhất làm cho biết bao người dân phải rời xa mảnh đất mà cha ông họ đã đổ mồ hôi thậm chí cả máu để khai phá giữ gìn, nay phải ly tán đi khắp nơi. Nếu trong chiến tranh, ly tán là điều không tránh khỏi thì trong hòa bình mà bắt người dân phải ly tán, ly hương để giành những mảnh đất béo bở cho các chủ đầu tư với giá rẻ mạt là việc làm vô nhân đạo, là tội ác,… Hơn thế nữa, có những chủ trương hoàn tòan đi ngược lại luật pháp, ngược lại quyết định của chính phủ trong đó có trách nhiệm của Nguyễn Văn Đua lúc còn là phó chủ tịch UBND TP.

Tiêu biểu nhất là việc ngang nhiên “tống cổ” các hộ dân ở 5 phường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm ra khỏi 160 ha mà trong quy hoạch đã được duyệt của chính phủ xác định là dành cho việc tái định cư tại chổ cho người dân.Trong khi đó một số công ty, đơn vị, cá nhân đã được ưu ái dành cho những mảnh đất béo bở ở khu 160 ha này. Qua việc ưu ái này, không loại trừ việc nhiều người đã được “lót tay” hậu hĩnh. Người dân trong đó có các vị hưu trí, cựu chiến binh phối hợp với Mặt trận Tổ QuốcTP HCM, với báo Đại Đoàn Kết đấu tranh quyết liệt, cuối cùng bí thư thành ủy Lê Thanh Hải phải chỉ đạo xây dựng 12.500 căn hộ chung cư để tái định cư dân tại chổ.

Trong việc này đã có những người dân sống lâu đời ở đây, đã từng bao bọc cho cách mạng trong những ngày khốn khó, đã được trả ơn bằng cách buộc phải rời khỏi nhà cửa ruộng vườn mà biết bao đời cha ông của họ đã cực nhọc khai phá. Không phải chỉ dân ở Thủ Thiêm Quận 2 mà đó còn là thảm cảnh của biết bao người dân vùng ven TP HCM hiện nay trong đó có góp phần của ông Ba Đua với tư cách là phó chủ tịch UBND TPHCM trước đây cũng như là phó bí thư thường trực Thành ủy Đảng CSVN TP HCM hiện nay.

Tuy nhiên “anh Ba Đua“ nổi tiếng nhất vẫn là việc chỉ đạo cho báo chí thành phố không được nhắc đến xã hội dân sự, xã hội công dân.

Tôi thật sự không ngờ một người ở cương vị lãnh đạo như vậy mà có một quyết định chẳng ra làm sao, chứng tỏ nền tảng văn hóa, kiến thức quá yếu chẳng hiểu gì về xã hội dân sự, xã hội công dân, vốn là thành quả đấu tranh của con người qua nhiều thế hệ, là nhu cầu tất yếu của một xã hội văn minh tiến bộ, là bước đi mà không một thế lực nào ngăn cản được trong việc thực hiện các quyền dân chủ của người dân.

Có lẽ kiến thức của anh Ba Đua chỉ quanh quẩn trong quyển “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Lenin“ đã được lưu truyền, phổ biến trong các trường đảng mà thực chất là Stalin đã tưởng tượng ra để thực hiện sự chuyên chế của mình. Anh Ba Đua và các đồng chí của mình không biết và chẳng hiểu gì về tư tưởng của Voltaire, Montesquieu, của Jean Jacques Rousseau và cả một thời kỳ ánh sáng của Đại cách mạng tư sản Pháp; của biết bao cuộc đấu tranh của trí thức, nhân dân lao động ở các nước và cả những điều chỉnh về hướng xã hội dân chủ của Marx – Engels trong thời gian cuối đời. Một nhà nước pháp quyền mà không được kiểm soát được bởi một xã hội dân sự thì nhà nước đó sẽ trở thành độc tài, một nhà nước toàn trị. Những tinh thần này đã được Hồ Chí Minh tiếp thu và đưa một phần vào tuyên ngôn độc lập, vào Hiến pháp năm 1946 mà nhiều trí thức, nhiều nhà nghiên cứu đang đề nghị phải trở lại trong dịp sửa đổi Hiến pháp hiện nay.

Thật ra, nói cho công bằng, không phải chỉ có “anh Ba Đua” mà nhiều vị lãnh đạo cũng có kiểu tư duy và hành vi như vậy nên đất nước, dân tộc này chắc còn phải khốn khổ dài dài. Do đó chẳng những có một hoặc hai “anh Ba Đua“ như nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết, mà theo tôi còn có nhiều “anh Ba Đua” nữa …

Nói vậy thôi, anh Ba Đua ơi, anh yên tâm, anh không lẻ loi đâu.

LHĐ

Cùng tác giả:
Posted by basamnews on 06/09/2011

----------------------

Đỗ Trung Quân
23.10.2011

Tạm “ tị nạn rượu “ nằm nhà, chợt nhớ lâu ngày anh em chưa gặp nhau . Gọi điện cho thằng em ruột mời cà phê . Nó cười trong điện thoại: “Ông anh mà cà phê à ?”

Quán lề đường . Thằng bộ đội của năm 1979 giờ thất nghiệp, vợ nuôi. Tôi bảo: “ chú có số “ thân cư thê “ sướng hơn tôi . Thằng em thua tôi 6 tuổi , năm 79 nó ở quận 4. Khi Trung Quốc đánh Việt Nam nó lang bang vào cuộc mít tinh ở ngã tư Hoàng Diệu – Đoàn Nhữ Hài nghe anh Bí thư Quận đoàn 4 đọc một bài hiệu triệu nảy lửa “ đánh cho để răng đen …đánh cho để tóc dài…đánh cho chích phản bất phục hoàn…” gì gì đấy . Sôi máu thanh niên nó về thưa mẹ tôi “ Cho con đi bộ đội”. Nghe kể lại mẹ tôi khi ấy rưng rưng nước mắt: “ Thằng anh mày còn ở bên K chưa về, mày đi có chuyện gì thì mẹ sống với ai …” Nhưng nó cứ đi , đăng ký quân đội .Chuyển quân ra phía bắc. 4 năm sau vác ba lô giải ngũ, đen kịt lầm lì nhưng mẹ tôi hạnh phúc .Hai đứa con trai đều trở về bình an, lành lặn. Tôi đi làm công nhân in 8 năm, nó chạy xe ôm. Khi tôi về Tuổi Trẻ làm báo. Nó vẫn chạy xe ôm , tình thật nó chưa học xong lớp 6.

“ Cái anh đọc diễn văn hiệu triệu hồi ấy tên gì em quên rồi anh nhỉ ? “ Anh Ba Đua – Nguyễn Văn Đua !”- Tôi trả lời , nó là thường dân chả để ý gì đến cán bộ lãnh đạo. Nhưng tôi biết chắc nó vào lính vì lời hiệu triệu chống bọn bành trướng bắc kinh cùa anh ngày ấy.

Anh Ba Đua . Thằng em tôi không biết anh bây giờ làm gì nhưng tôi thì đương nhiên biết. Anh là Phó bí thư thường trực Thành ủy thành phố này . Người không thích thanh niên Sài Gòn xuống đường, không thích cái áo U No – đường lưỡi bò mà ngay đến cả tạp chí Nature nổi tiếng thế giới cũng đã có bài lật tẩy bọn học giả Trung Quốc về cái đường lưỡi bò nhảm nhí ây. Anh không thích những cuộc hội thảo của giới trí thức việt nam về những vấn liên quan đến chủ quyền biển đảo, cho dù hôm nay họ cũng như anh ngày xưa đầy lòng yêu nước. “ Sao lại thế , hồi ấy ổng hùng biện , quyết liệt lắm kia mà . Em sôi máu đi lính vì bài diễn thuyết của Ổng đấy !” Tôi cười buồn , biết giải thích thế nào chuyện “ ổng” nhỉ . Nó hỏi thế anh xuống đường ông Ba Đua có cấm , cản , làm khó gì không ? Mà chẳng lẽ có hai anh Ba Đua . Có đúng là ông Đua ấy không ? .Tôi lại cười buồn: “ Hình như là có hai anh Ba Đua chú ạ!” Nó châm thuốc thắc mắc: “ Vậy nếu anh Ba Đua Quận đoàn 4 hồi đó giờ xuống đường chống ngoại xâm thì sao ? “ . Tôi bật cười thành tiếng “ Thì anh Ba Đua Thành ủy bây giờ sẽ bắt anh Ba Đua Quận đoàn 4 hồi đó chớ sao !”

Buổi cà phê bờ kè dừng ở đấy .Anh em tạm biệt nhau .Nhìn cái bóng khắc khổ của người lính biên giới 1979 năm xưa , thằng em ruột của mình, tôi bỗng khẽ thở dài mà chẳng rõ tại sao mình lại thở dài
Chắc tại buổi chiều Sài Gòn cũng đang sầm cơn mưa lớn..
.
.
.

No comments: