Wednesday, November 2, 2011

HÀ NỘI HỦY LIVE SHOW CỦA CHẾ LINH (tin tổng hợp)




Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch Hà Nội quyết định không chấp nhận cho live show của ca sĩ Chế Linh diễn ra trên địa bàn
Ngày 1-11, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) TP Hà Nội Phạm Quang Long đã có quyết định hủy giấy tiếp nhận biểu diễn chương trình live show ca sĩ Chế Linh. Với quyết định này, live show Chế Linh 30 năm tái ngộ dự kiến tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội vào đêm 12-11 sẽ bị hủy bỏ.

Giấy phép một đằng, quảng cáo một nẻo
Trong văn bản gửi Công ty TNHH Giải trí Bích Ngọc, đơn vị thực hiện live show ca sĩ Chế Linh, ông Phạm Quang Long khẳng định Sở VH-TT-DL Hà Nội đã và luôn ủng hộ việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại Hà Nội, tuy nhiên, việc tổ chức biểu diễn phải theo đúng quy định của Nhà nước. Trên thực tế, Công ty TNHH Giải trí Bích Ngọc đã có những vi phạm về quảng cáo, gây bức xúc đối với quần chúng, tạo ra sự phản cảm.
Không chỉ tự ý treo băng rôn quảng cáo khi chưa được Sở VH-TT-DL Hà Nội cấp phép, công ty này còn quảng cáo sai nội dung giấy tiếp nhận do Sở VH-TT-DL Hà Nội cấp. Cụ thể, theo giấy tiếp nhận biểu diễn nghệ thuật cấp cho đơn vị này, Sở VH-TT-DL Hà Nội chỉ cấp giấy phép tên chương trình là Live show ca sĩ Chế Linh chứ không phải là Live show ca sĩ Chế Linh 30 năm tái ngộ như nội dung đã ghi trên băng rôn quảng cáo. Thêm vào đó, Công ty Bích Ngọc còn cho treo nhiều băng rôn và phướn với số lượng lớn gây mất mỹ quan TP, vi phạm quy định về hoạt động dịch vụ văn hóa nơi công cộng.
Ngày 19-10, Thanh tra Sở VH-TT-DL Hà Nội đã lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt và yêu cầu công ty này tháo dỡ ngay toàn bộ băng rôn trên các tuyến phố nhưng đến nay công ty vẫn không thực hiện.
Sai phạm không chỉ dừng lại ở đó, Phòng Quản lý biểu diễn Sở VH-TT-DL Hà Nội cho biết giấy phép chương trình xin đăng ký 35 bài hát nhưng trong đó có 11 bài không có tên trong danh mục được phép phổ biến của Bộ VH-TT-DL nên Sở VH-TT-DL Hà Nội đã không cho phép trình diễn những bài hát này. Đó là các bài: 10 năm tình cũ, Thôi, Tôi đưa em sang sông, Linh hồn tượng đá, Thói đời, Tình như mây khói, Lần đầu lần cuối, Một lần cuối, Tình kỹ nữ, Tình đời và Không bao giờ quên anh. Tuy nhiên, trong đêm nhạc diễn ra vào ngày 21-10, Công ty TNHH Giải trí Bích Ngọc vẫn cho biểu diễn các ca khúc nói trên.

Dùng chiêu “lách luật”
Lật lại vụ việc, ông Trần Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, cho biết sở cấp giấy tiếp nhận chương trình Live show ca sĩ Chế Linh được tổ chức vào ngày 21-10 là căn cứ trên giấy phép công diễn số 1479 GP/SVHTTDL ngày 16-9-2011 của Sở VH-TT-DL Thanh Hóa cấp cho Công ty TNHH Giải trí Bích Ngọc.
Nội dung tiếp nhận gồm 24 bài hát (trong giấy phép được Sở VH-TT-DL Thanh Hóa cấp có tới 35 bài), 11 bài không có trong danh mục được cấp phép phổ biến của Bộ VH-TT-DL nên sở không tiếp nhận. Sau đó, ngày 14-10, Công ty TNHH Giải trí Bích Ngọc có hồ sơ tiếp tục đề nghị cấp giấy tiếp nhận chương trình biểu diễn trên vào ngày 12 – 11 căn cứ vào công văn của Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT-DL và giấy phép của Sở VH-TT-DL Thanh Hóa.
Tuy nhiên, do Công ty TNHH Giải trí Bích Ngọc có nhiều sai phạm nên chương trình bị rút giấy tiếp nhận. Lãnh đạo Sở VH-TT-DL Hà Nội cũng khẳng định sở sẽ tạm dừng việc cấp giấy tiếp nhận đối với các chương trình nghệ thuật do Công ty TNHH Giải trí Bích Ngọc tổ chức trên địa bàn Hà Nội.
Theo đánh giá của một chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực quản lý văn hóa, các công ty tổ chức biểu diễn hiện nay thường lách luật, tránh sự kiểm tra chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành tại các TP lớn bằng cách đưa hồ sơ xin giấy phép biểu diễn đến các sở VH-TT-DL thuộc các tỉnh, sau đó đưa ngược về Hà Nội hay TPHCM, buộc những nơi này phải cấp giấy tiếp nhận chương trình. Một thực tế ai cũng nhận thấy là việc cấp phép biểu diễn nghệ thuật của các sở VH-TT-DL hiện nay tương đối dễ dãi. “Dễ đến mức các công ty tổ chức biểu diễn thậm chí không buồn ghi tên thật của nghệ sĩ mà chỉ cần ghi nghệ danh của họ vào hồ sơ xin cấp phép là vẫn có giấy phép biểu diễn”- một chuyên gia cho biết.
Chính vì vậy mới có việc rất nhiều bài hát chưa được phép phổ biến vẫn xuất hiện trong các chương trình ca nhạc lớn, nhỏ của địa phương và sau đó về các TP lớn. Theo một chuyên viên của Sở VH-TT-DL Hà Nội, lâu nay sở chỉ cấp phép tổ chức cho các hội nghị khách hàng, hội thảo, tổng kết… chứ không có chương trình ca nhạc, dù đây mới chính là đất cho các ông bầu kiếm tiền từ khán giả.
Hoàng Lan Anh (Người Lao Động)

XEM BÌNH LUẬN :

---------------------

Thứ ba, ngày 01 tháng mười một năm 2011

Thu giấy phép biểu diễn liveshow “Chế Linh 30 năm tái ngộ”

01/11/2011 11:28:49

Ông Phạm Quang Long - Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội khẳng định đã ký quyết định chính thức thu hồi giấy phép biểu diễn liveshow ca sỹ hải ngoại Chế Linh 30 năm tái ngộ tại Hà Nội của Công ty TNHH Giải trí Bích Ngọc (Thanh Hóa) vì đã có nhiều sai phạm trong việc tổ chức biểu diễn.

Ông Phạm Quang Long - Theo quyết định này, Công ty TNHH Giải trí Bích Ngọc sẽ không được tiếp tục tổ chức chương trình Liveshow ca sỹ Chế Linh vào ngày 12/11 tới tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia – Mỹ Đình – Hà Nội.

Nguyên nhân là do Công ty TNHH Giải trí Bích Ngọc đã có nhiều sai phạm trong việc tổ chức biểu diễn. Theo Giấy tiếp nhận biểu diễn nghệ thuật thì Sở VHTTDL Hà Nội chỉ cấp giấy phép tên chương trình là Liveshow ca sĩ Chế Linh chứ không phải là Chế Linh 30 năm tái ngộ như nội dung trên băng rôn quảng cáo.

Ngoài ra, Công ty TNHH Giải trí Bích Ngọc còn cho treo nhiều băng rôn và phướn để quảng cáo, giới thiệu chương trình không đúng quy định, gây phản cảm và làm mất mỹ quan đường phố. Ngày 19/10, Thanh tra Sở VH,TT&DL Hà Nội đã lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt và yêu cầu công ty tháo dỡ ngay toàn bộ băng rôn. Tuy nhiên, cho đến tận sáng ngày 31/10, ông Phạm Quang Long đã trực tiếp khảo sát tại một số tuyến đường nội đô như Yên Phụ - Lạc Long Quân, thì các băng rôn, phướn quảng cáo cho chương trình này vẫn được treo rất nhiều.

Poster quảng cáo của chương trình.

Sai phạm tiếp theo là ngày 24/10, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng đã có công văn về việc Công ty TNHH Giải trí Bích Ngọc chưa thực hiện bản quyền tác giả đối với chương trình liveshow Chế Linh 30 năm hội ngộ.

Ông Long cho biết thêm, theo giấy phép của chương trình xin đăng ký giấy phép có 35 bài, thì đã có 11 bài hát không có trong danh mục được phổ biến của Bộ VH,TT&DL nên Sở không tiếp nhận. Tuy nhiên, trong đêm nhạc diễn ra vào ngày 21/10 trước, Công ty TNHH Giải trí Bích Ngọc vẫn cho biểu diễn các ca khúc chưa được cấp phép phổ biến.

Qua những sai phạm của chương trình này, Sở VHTTDL Hà Nội đã có đề xuất với Cục NTBD không cho phép các đơn vị vi phạm trong lĩnh vực hoạt động tổ chức biểu diễn mời các nghệ sỹ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia biểu diễn trong các chương trình do đơn vị đó tổ chức. Đề nghị các Sở VHTT&DL các tỉnh, thành phố nhắc nhở việc thực hiện cấp phép theo đúng quy định. Rà soát, thẩm định kỹ nội dung biểu diễn, nhất là các tác phẩm sáng tác trước năm 1975 và nhất thiết chỉ cho phép biểu diễn những tác phẩm đã được phép phổ biến của Bộ VH,TT&DL.

(Theo Hà Nội mới)
Nguồn: Bee.net.vn.

XEM BÌNH LUẬN :

----------------------

Nguyễn Văn Tuấn
Thứ tư, 02 Tháng 11 2011 05:31

Báo chí trong nước hôm nay đồng loạt đưa tin Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội rút giấy phép biểu diễn của chương trình ca nhạc "Chế Linh 30 năm tái ngộ”. Chắc nhiều người hâm mộ Chế Linh đang thất vọng với quyết định này, vì họ sẽ không có dịp nghe anh chàng ca sĩ lính chê biểu diễn.

Giới nghệ sĩ Việt Nam có lẽ là một trong những nhóm người gặp nhiều khó khăn nhất trên thế giới. Trước đây, khi Việt Nam chưa đổi mới hay sau đổi mới một thời gian ngắn, hầu như không có văn nghệ sĩ phía Việt Nam sang bên này, hoặc văn nghệ sĩ bên này về thăm Việt Nam. Trong bối cảnh đó, một tạp chí văn học ra đời có tên là Hợp Lưu, do Họa sĩ Khánh Trường làm chủ bút là một cái mốc đáng chú ý. Như tên gọi, chủ trương của tạp chí là hòa hợp và giao lưu, đăng những công trình sáng tác và bình luận văn học của giới văn nghệ cả trong lẫn ngoài nước. Tôi rất thích tạp chí này, và là một độc giả lâu năm, ngay từ những số đầu (và nay thì đọc ké trên mạng). Tạp chí có nhiều cây bút nổi tiếng trong và ngoài nước đóng góp nhiều bài biên khảo và sáng tác văn học có giá trị. Trong số các tác giả đó phải kể đến Đỗ Minh Tuấn, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Mộng Giác, Vũ Ngự Chiêu, Đặng Tiến, Trần Vũ, Nhật Tiến, v.v. Ấy thế mà vẫn có những người cực đoan ở ngoài này chỉ trích rằng Hợp Lưu là “tạp chí Việt Cộng”, rằng Khánh Trường là người cộng sản! Còn ở trong nước thì chắc chắn Hợp Lưu không được lưu hành. Nhưng Hợp Lưu vẫn tồn tại và vẫn chuyển tải những sáng tác có giá trị cho người thưởng lãm.

Đó là giới văn nghệ sĩ, còn giới ca sĩ Việt Nam cũng chẳng lấy làm may mắn. Một thời gian dài, Việt Nam tồn tại hai dòng tân nhạc. Dòng tân nhạc hải ngoại là dòng nhạc miền Nam trước 1975 kéo dài, và dòng nhạc trong nước. Trong khi trong nước thịnh hành “nhạc đỏ”, nhạc hùng, nhạc chiến thắng, thì ngoài này là dòng nhạc tình (có người gọi là nhạc vàng), nhạc lính, nhạc chống cộng, và nhạc than thở cuộc đời tị nạn. Trong thực tế, dòng nhạc miền Nam trước 1975 vẫn tồn tại trong công chúng cả nước cho đến nay dù rất nhiều ca khúc không được chính thức cho phép trình diễn. Thử đi một chuyến xe đò miền Tây thì sẽ biết những ca khúc do Chế Linh, Phi Nhung, Trường Vũ, v.v. ca phổ biến như thế nào. Rồi đất nước mở cửa, ca sĩ trong nước có thể ra ngoài này trình diễn, và ngược lại ca sĩ ngoài này về Việt Nam làm những show nhạc hoành tráng. Có người về hẳn Việt Nam sinh sống và mở phòng trà. Ấy vậy mà thỉnh thoảng đây đó vẫn có một số người cực đoan biểu tình, chống phá, thậm chí hành hung ca sĩ bên nhà sang đây trình diễn. Còn ca sĩ ngoài này về bên nhà trình diễn thì phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của giới chức trong nước. Nhiều ca khúc trước 1975 vẫn còn bị cấm không cho lưu hành (dù trong thực tế thì người ta ca hát đầy đường). Thế mới biết muốn đem tiếng ca và niềm vui cho mọi người mà xem ra không đơn giản chút nào.
Mấy năm gần đây, đọc tin tức và biết nhiều ca sĩ về nước trình diễn tôi cũng mừng. Những ca sĩ tôi từng ái mộ như Lệ Thu, Họa Mi đã được khán giả trong nước chào đón nghe nói nồng nhiệt. Những ca sĩ từng có thời vang danh ở miền Nam như Tuấn Ngọc, Đức Huy, Hương Lan, Thanh Tuyền, Giao Linh, Phương Dung, Khánh Hà, hoặc những ca sĩ mới “nổi” sau 1975 như Tuấn Vũ, Trường Vũ, Phi Nhung, Ý Lan, Gia Huy, Quang Lê, v.v. cũng lần lược về Việt Nam trình diễn và được khán giả ủng hộ nồng nhiệt. Nhớ hôm tôi đi giảng ở ĐH Y Hà Nội, đi trên đường thấy những pano quảng cáo show nhạc của Quang Lê một cách rầm rộ ngay trước cổng trường, tôi hỏi tài xế ở đây có người biết Quang Lê à, thì anh nói “Ối giời ơi, tất cả các DVD của Thúy Nga, Asia, Vân Sơn đều có bán đầy đường bác ạ”, nói rồi anh chỉ ngay cái quán gần trường nói “Đấy, trong đấy bác muốn mua DVD nào cũng có”. Tôi thì không phải là fan đặc biệt của những dòng nhạc của Quang Lê, Tuấn Vũ, hay Chế Linh, nhưng thú thật tôi thấy mừng khi có nhiều ca sĩ về nước làm show, và nhiều ca sĩ trong nước sang đây biểu diễn. Mừng vì tôi nghĩ cuối cùng thì sự hòa hợp, hòa giải đang thành sự thật.

Live show Chế Linh được quảng bá rầm rộ - Ảnh: CTV Thanh Niên

Mới đây nhất là show nhạc hoành tráng của Chế Linh ở Hà Nội. Dù thích hay không thích Chế Linh thì ai cũng công nhận anh có nhiều fan trung thành. Chế Linh không chỉ là ca sĩ mà còn là người viết nhạc. Biết tiếng anh từ những năm trong thập niên 1970s, nhưng mãi sau 1975 tôi mới biết anh là người Chăm, với tên thật là Chà Len (Jamlen). Năm nay anh đã 69 tuổi, và đã có một sự nghiệp ca hát 50 năm. Những bài làm nên tên tuổi của anh thì đếm không xuể, nhưng chắc phải kể đến những bài “tủ” như Thành phố buồn, Đêm buồn tỉnh lẻ, Áo em chưa mặc một lần, Đêm nguyện cầu, Lời kẻ đăng trình, Mai lỡ đôi mình xa nhau (nổi tiếng khi hát với Thanh Tuyền). Nói tóm lại, nhạc anh trình diễn là dòng nhạc mà có người nói một cách không tử tế mấy là nhạc sến. Thật vậy, có thời nhạc sến được hiểu là đồng nghĩa với nhạc Chế Linh. (Quan điểm của tôi về dòng nhạc này đã được trình bày trong một bài viết Bàn về nhạc sến). Chế Linh hát nhiều nhạc lính và có khi người ta hiểu lầm anh là lính (nhưng trong thực tế anh chưa từng đi lính). Tuần qua, đọc báo mới biết anh đã về Việt Nam làm một show nhạc gây ấn tượng trong lòng người mộ điệu. Chương trình nhạc thấy có các ca sĩ nổi tiếng như Sơn Tuyền, Hương Lan, Thái Châu, Tuấn Ngọc, Mạnh Đình, cùng với MC Kỳ Duyên và Đức Huy. Nói như thế để thấy rằng sự hiện diện của Chế Linh và đồng nghiệp hải ngoại của anh ở Hả Nội là một biểu tượng đẹp cho sự hòa hợp hòa giải dân tộc.

Thế nhưng cái nỗi mừng đó chợt khựng lại khi hôm nay nghe tin show nhạc "Chế Linh 30 năm tái ngộ” bị rút giấy phép. Chẳng hiểu nguyên nhân gì mà show nhạc bị rút giấy phép, nhưng đọc qua báo chí thì thấy những lí do có vẻ … cỏn con quá. Chẳng hạn như một lí do được viện dẫn là Sở cấp giấy phép tên chương trình là "Liveshow ca sĩ Chế Linh”, còn nhà tổ chức thì để là"Chế Linh 30 năm tái ngộ”! Tôi nghĩ lí do này có cái gì ... kì kì. Chế Linh về Việt Nam biểu diễn sau 30 năm vắng bóng, thì chương trình nhạc được quảng cáo là "Chế Linh 30 năm tái ngộ” cũng chẳng có gì sai. Thật ra, danh xưng chương trình đó còn hay hơn và thuần Việt hơn là cái tên nửa Tây nửa ta “Liveshow ca sĩ Chế Linh” (đúng ra là live show chứ, nhưng sao không gọi là nhạc sống cho xong). Còn lí do thứ hai Sở viện dẫn là có 11 bài không có trong danh mục được phổ biến của Bộ VH-TT-DL, nhưng không biết 11 bài gì. Mà cũng lạ, chương trình nhạc là ngày 12/11, vậy sao Sở không làm việc với nhà tổ chức rút lại 11 bài đó mà lại rút giấy phép trình diễn. Sự việc rút giấy phép này gửi một tín hiệu đỏ làm cho giới nghệ sĩ hải ngoại dè dặt hơn khi về Việt Nam ca hát, và là một cái cớ cho những người chống đối các ca sĩ về nước biểu diễn nói “Đó, chúng tôi đã nói rồi”. Nhạc sĩ Phạm Duy có lần nói rằng sau chiến tranh, âm nhạc là phương tiện hòa hợp hòa giải dân tộc tốt nhất, và tôi thấy cũng đúng. Thế nhưng ở đâu thì câu đó đúng, chứ ở nước ta thì chỉ đúng có điều kiện. Thật đáng tiếc!
.
.
.

No comments: